Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Truyền thông, báo chí và vấn đề bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:06
5115 Lượt xem

Truyền thông, báo chí và vấn đề bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định rõ mối quan hệ giữa quyền con người và quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đồng thời nhấn mạnh vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người và chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người.

Báo chí có vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội..., là diễn đàn của nhân dân; chức năng thông tin, định hướng thông tin là chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí, truyền thông. Chính vì vậy, trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh vai trò của Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cần chú trọng đến vai trò của truyền thông, báo chí trong truyền tải quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, truyền thông, báo chí còn phát hiện và phê phán các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, qua đó đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước; tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân.

Thực tiễn vấn đề bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân hiện nay đòi hỏi truyền thông, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội trên một số nội dung sau đây:

1. Về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Thứ nhất, cần tuyên truyền, khẳng định những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân sau 30 năm đổi mới. Trong đó nổi bật là bước tiến trong quan điểm, nhận thức lý luận của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là quan điểm xuyên suốt, nhất quán đã được thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị, các văn kiện Đại hội của Đảng;

Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển lớn trong tư duy về bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở đó, nhiều bộ luật được xây dựng, ban hành đã cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên;

Các quyền con người cụ thể về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được bảo vệ và bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các thiết chế trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người đang dần được hoàn thiện.

Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ tổn thương như vấn đề bình đẳng giới, bảo đảm các quyền của phụ nữ, trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số, người lao động, người cao tuổi…;

Thứ hai,tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người, quyền công dân, về thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; về kết quả các cuộc đối thoại, hợp tác với các cơ chế của Liên Hợp quốc về nhân quyền, và hợp tác quốc tế về quyền con người.

Việt Nam đã tăng cường và mở rộng chương trình giáo dục, đào tạo về quyền con người cho cán bộ của các cơ quan nhà nước. Nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến quyền con người được tổ chức với sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu và cơ sở đào tạo. Nội dung giáo dục về quyền con người từng bước được đưa vào chương trình dạy học ở các trường phổ thông, lồng ghép vào một số môn học chuyên sâu trong các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật(1). Tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về quyền con người đã trở thành môn học chính thức và bắt buộc trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Về nghĩa vụ thực thi cam kết quốc tế, trong 9 công ước quốc tế cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7 công ước(2), và là một trong những nước tham gia sớm vào nhiều công ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước về quyền trẻ em. Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, rà soát các quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và hoàn thiện các cơ chế chế bảo đảm thực hiện.

Thực hiện nhất quán quan điểm tích cực, chủ động đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm tới vấn đề quyền con người ở Việt Nam, coi đó là cơ hội để trao đổi thẳng thắn giữa các bên. Việt Nam đã thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, EU, Ôxtrâylia, Na Uy, Thuỵ Sỹ... Các cơ chế đối thoại này đã phát huy kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề nhân quyền hai bên cùng quan tâm.

Trong phạm vi khu vực, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN đã được lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11-2012. Trong Khóa họp của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc, tháng 6-2016, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về quyền trẻ em và biến đổi khí hậu(3).

Thứ ba, phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của người dân

Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, quản lý xã hội, không tránh khỏi những sai sót, do hạn chế về năng lực, nhận thức của cán bộ, công chức, dẫn tới các quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Do vậy, truyền thông, báo chí cần tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm quyền con người, quyền công dân. Thực tế thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực đã được các cơ quan báo chí phát hiện, nhờ đó quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và Nhà nước được bảo vệ.

Thứ tư, báo chí, truyền thông cần nêu những gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ, đấu tranh về quyền con người; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Trong thực tiễn quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, các vi phạm quyền con người, quyền công dân thường xảy ra trong hoạt động quản lý nhà nước, trong lĩnh vực tư pháp hình sự như việc bắt, giam, xét xử, hay giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của người dân. Vì vậy, nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm, truyền thông, báo chí cần tập trung nêu gương các cá nhân, tổ chức dũng cảm đấu tranh chống hành vi vi phạm quyền con người; đồng thời thông tin việc xử lý những hành vi lợi dụng quyền con người, quyền tự do dân chủ để gây rối trật tự, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

2. Tuyên truyền thống nhất nhận thức quyền con người

Thứ nhất, cần tăng cường định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc.

Các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc trên lĩnh vực quyền con người thường là vu cáo Chính phủ đàn áp những người hoạt động chính trị, các nhà báo, blogger; hạn chế quyền tự do ngôn luận, internet, tư do lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo; vu cáo Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến, can thiệp quyền tự do của công dân; tình trạng tham nhũng gia tăng, nạn bạo hành gia đình…

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận nhận diện các thế lực phản động, thù địch

Nhận diện, vạch trần các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm mục đích chính trị là công việc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chính trị và ngoại giao. Từ thực tiễn hoạt động đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong thời gian qua, có thể nhận diện một số nhóm đối tượng như một vài nghị sỹ, đại biểu dân cử ở một số nước(4); một số tổ chức người Việt phản động sống lưu vong như: “Quỹ Người Thượng” tại Mỹ (MFI) của Ksor Kok, “Hội Bảo tồn lịch sử người Mỹ gốc Việt” (VAHF), “Hội gia đình tù nhân chính trị Việt Nam”, tổ chức của Võ Văn Ái, Đảng Việt Tân(5), Bùi Tín…; một số phần tử cực đoan, bất mãn, quá khích ở trong nước.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch, lợi dụng dân chủ, nhân quyền can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam

Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch thường sử dụng là: thông qua các tổ chức quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để phá hoại tư tưởng, tác động “tự diễn biến” vào nội bộ ta; kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số; gia tăng móc nối một số đối tượng chống đối trong nước và bọn phản động nước ngoài để chống phá Việt Nam; lợi dụng những sai sót trong tổ chức quản trị xã hội để lôi kéo, kích động người dân biểu tình với khẩu hiểu bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường,... nhưng thực chất là nhằm gây rối trật tự, trị an xã hội, chống Đảng, Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, cần nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người

Đó là các Chỉ thị số 12/CT-TW ngày 12-7-1992 của Ban bí thư về vấn đề quyền con người; Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư về Công tác nhân quyền trong tình hình mới; Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg ngày 2-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Quyết định số: 2057/QĐ-TTg, ngày 23-11-2015Về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.

Hai là, thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Trên cơ sở Công ước quốc tế và Hiến pháp năm 2013, Luật báo chí năm 2016 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: (1) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; (2) Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; (3) Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng(6). Tuy nhiên, một số quy định bảo đảm quyền còn chưa cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1, Điều 14) và những quyền này: “Chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí (thực chất là quyền tự do ngôn luận của người dân qua báo chí) là một quyền có giới hạn, các hạn chế quyền này cần được quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, Luật báo chí năm 2016 xây dựng quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trên cơ sở triển khai thi hành Điều 14, Điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Ba là, cần nắm vững tính hai mặt của thiết chế truyền thông, báo chí trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân…

Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, nhưng cũng có thể vi phạm quyền con người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội. Báo chí Việt Nam đã tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua vẫn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại như: vi phạm quyền bí mật đời tư, đăng tải thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Do đó, cần nắm vững tính hai mặt của truyền thông, báo chí, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1) Hiện nay ở Việt Nam đã có ba cơ sở đào tạo sau đại học, cấp bằng thạc sỹ luật học, chuyên ngành về pháp luật quyền con người, đó là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(2) Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước Chống phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2007, Công ước quốc tế về Chống tra tấn, và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989.

(4) http://baotintuc.vn.

(5) Ở Mỹ có Hạ nghị sĩ L. Xan-chét, dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, đơn vị 47, Quận Cam, bang Califoócnia. Dân biểu Hoa Kỳ thứ hai là Hạ nghị sĩ C.Xmít, với những động cơ tương tự như bà L.Xan-chét, ông này cũng nhiều lần công kích vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

(6) Bộ Công an Việt Nam đã chính thức tổ chức Việt Tân đưa vào danh sách tổ chức khủng bố.

(7) Điều 13, Luật Báo chí năm 2016.

 

PGS, TS Tường Duy Kiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền