Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát triển kinh tế tư nhân trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:13
2808 Lượt xem

Phát triển kinh tế tư nhân trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Trong thời kỳ đổi mới, nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Quan điểm đó được thể hiện trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, cụ thể là:

 

1. Tại Đại hội VI năm 1986 - Đại hội mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, khi đánh giá về quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới và sử dụng các thành phần kinh tế thời kỳ trước đổi mới, Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong nhận thức và thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với kinh tế tư nhân. Đảng nhận định: “Trong xã hội ta, còn nhiều người có sức lao động chưa có việc làm và chưa sử dụng hết thời gian lao động... Trong khi nguồn vốn của Nhà nước và của tập thể còn eo hẹp thì nguồn vốn còn dư trong nhân dân hầu như chỉ đưa vào tiêu dùng hoặc cất giữ và mua hàng tích trữ”(1). Đây là một sự lãng phí lớn về nguồn vốn cho sự phát triển.Do đó, Đảng khẳng định: “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích luỹ, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội”(2).

- Đối với kinh tế gia đình:Đảng khẳng định: “Kinh tế gia đình có vị trí quan trọng và có khả năng dồi dào, cần được khuyến khích và giúp đỡ phát triển trong mối quan hệ hỗ trợ và gắn bó với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Trên nguyên tắc bảo đảm trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và tập thể, gia đình công nhân, viên chức, gia đình xã viên có thể mở rộng sản xuất bằng lao động của gia đình mình, kinh doanh trong các ngành nghề theo đúng pháp luật và chính sách”(3).

- Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa:  Văn kiện Đại hội VI chỉ rõ: “Thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, do vậy cần phải có chính sách cụ thể và hợp lý để hướng dẫn và giúp đỡ trong sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Đồng thời sẽ từng bước vận động họ đi vào làm ăn tập thể theo nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi. Không nên có thành kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn cho những người lao động cá thể chưa muốn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể hoặc xin rút ra khỏi các tổ chức đó”(4).

- Đối với kinh tế tư bản tư nhân:Đảng khẳng định, cho phép họ tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc một số lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cần thiết: “Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức, kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất kinh doanh,... quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tuỳ theo từng ngành nghề và mặt hàng, hoạt động của kinh tế tư bản tư nhân được hướng dẫn đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội bằng nhiều hình thức...”(5). Bên cạnh đó, Đảng đã quyết định cho phép đảng viên được thuê lao động ở mức tiểu chủ - một quan điểm được xem là rất mới lúc bấy giờ(6).

2. Tại Đại hội VII (năm 1991), trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VI về chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, Đảng đã nhận định như sau:“Kết quả rõ nhất là nhiều hộ cá thể và tiểu chủ đã bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành nghề và dịch vụ. Thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 1989, số xí nghiệp tư nhân có quy mô tương đối khá trong công nghiệp là 1.284 (tăng hơn 4 lần so với năm 1988), số hộ tiểu chủ và cá thể cũng tăng nhiều”(7).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều cá nhân có vốn lớn nhưng chưa mạnh dạn đầu tư, nhất là vào lĩnh vực sản xuất; thậm chí có một số người đã lợi dụng tình trạng khó khăn của nền kinh tế và những sơ hở trong quản lý, sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ nhà nước để làm ăn phi pháp như lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế... gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội  đất nước...

Từ thực trạng đó, Đảng chỉ rõ, trong điều kiện nước ta, kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân vẫn rất cần thiết và nằm trong cơ cấu nền kinh tế hàng hóa đi lên CNXH. Do đó, cần tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế này phát triển, đồng thời cần tăng cường sự hướng dẫn, kiểm soát và điều tiết của Nhà nước nhằm ngăn ngừa và khắc phục những hoạt động tiêu cực.

3. Đại hội VIII (năm 1996) tiếp tục khẳng định chủ trương khuyến khích tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất trong các ngành, lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước, khuyến khích các doanh nghiệp dành cổ phần ưu đãi để bán cho người lao động tại doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, Đảng chủ trương: “Cần phải có chính sách cụ thể để giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường tiêu thụ... nhằm hướng dẫn họ từng bước đi vào làm ăn hợp tác một cách tự nguyện, hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã...”(8).

Các chính sách mới được đưa ra trong thời gian này đã từng bước tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo những mục tiêu của quá trình đổi mới đặt ra.

4. Sau 15 năm thực hiện quá trình đổi mới, trên cơ sở đánh giá tổng kết về chính sách kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là về thành phần kinh tế tư nhân, Đại hội IX (năm 2001) tiếp tục khẳng định: trong nền kinh tế nước ta, kinh tế cá thể, tiểu chủ  ở cả nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng và lâu dài, cần tạo điều kiện giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn.

Đại hội nhấn mạnh: “Phải bằng mọi biện pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước”(9). Quan điểm của Đảng là không những tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trong nước, mà còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài.

5. Kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội trước về phát triển kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, Đại hội X (năm 2006) đã đưa ra chính sách: “Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều chủ sở hữu với hình thức công ty cổ phần. Khuyến khích tư nhân mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn bán cổ phần cho người lao động. Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân để tiến tới cho phép thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân”(10).

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 15-QĐ/TW về việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Đây là một quan điểm mới, vừa thể hiện sự nhất quán về lý luận trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, vừa là một hành động cụ thể trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

6. Sau 25 năm tiến hành đổi mới, với những đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự phát triển của đất nước, Đại hội XI (năm 2011) đã nhấn mạnh: “coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách để tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế...”(11).

Như vậy, kinh tế tư nhân đã từng bước được thừa nhận, được xem là một trong những động lực của nền kinh tế, cùng với các thành phần kinh tế khác đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Đại hội XI, Đảng chủ trương nghiên cứu cơ chế chính sách để thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng(12).Chủ trương này thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng đối với kinh tế tư nhân; đồng thời là chính sách hợp lý để thu hút, khai thác trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ chủ doanh nghiệp tham gia vào công tác xây dựng Đảng; làm cho Đảng ta thực sự là nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc.

7. Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng (2016) nhấn mạnh: “Trong 5 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam tiếp tục phát triển, tăng trưởng và đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước... đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội”(13).

Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng đã xác định rõ vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. Cụ thể, Đại hội XI mới chỉ “coi kinh tế tư nhân là một trong những động lựccủa nền kinh tế”, thì đến Đại hội XII, Đảng đã khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọngcủa nền kinh tế”(14). Quan điểm trên không chỉ thể hiện sự ghi nhận đúng vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, mà còn khuyến khích mạnh mẽ kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, Đại hội XII cũng thẳng thắn nhận định: “Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, tài nguyên và còn hạn chế trong chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến”(15). Chúng ta vẫn “chưa huy động được cao nhất các nguồn lực của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển. Việc sử dụng tài nguyên còn lãng phí, kém hiệu quả”(16). Bên cạnh đó, “chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ”(17), trong khi “cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để huy động nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chậm hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hình thức hợp tác công - tư (PPP). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa quan tâm nhiều đến công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa và bảo vệ môi trường...”(18).

Từ thực tế đó, Đại hội XII khẳng định cần phải tiếp tục “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”(19).

Đại hội XII của Đảng đã đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân như sau: 

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên.

Thứ hai,thúc đẩy xã hội hóa sở hữu và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển các hình thức doanh nghiệp cổ phần. Tăng cường hỗ trợ để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1), (2), (3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.23, 56, 59, 60, 60.

(6)Lê Xuân Tùng: Quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.56.

(7)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.23.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 96.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.98-99.

(10): ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 237.

(11), (12) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.209, 60.

(13), (14), (15), (16), (17), (18), (19)ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.232, 103, 99, 247, 249, 254, 271.

 

TS Nguyễn Văn Thắng

Trường Đại học Lâm nghiệp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền