Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hiện quyền con người và quyền tự quyết dân tộc trong điều kiện hiện nay
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 17:33
2845 Lượt xem

Thực hiện quyền con người và quyền tự quyết dân tộc trong điều kiện hiện nay

(LLCT) - Thế giới đang trong bước phát triển mới với kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, nhiều giá trị chung của nhân loại được đề cao thì lợi ích, ranh giới, chủ quyền quốc gia, dân tộc cũng đang đứng trước những thách thức mới. Giải quyết vấn đề quyền con người (QCN) và quyền tự quyết dân tộc (QTQDT) ở mỗi quốc gia đang được tiếp cận theo những quan điểm, phương thức khác nhau. Thực hiện QCN và QTQDT thế nào? Trên những nền tảng tư tưởng lý luận nào? Cách thức tiếp cận và nguyên tắc ra sao là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

1. Quyền con người - quyền tự nhiên tất yếu trong lịch sử chính trị nhân loại

Vũ trụ đã tồn tại hàng triệu năm nhưng hệ sinh thái nhân văn mới chỉ tồn tại vài vạn năm. Do tiến hóa mà con người xuất hiện. Nhờ lao động, ý thức con người phát triển, xã hội loài người xác lập; Con người trở thành chủ nhân của cả tự nhiên và xã hội, có quyền năng to lớn. Tuy nhiên, hiểu, thực hiện và sử dụng quyền năng của con người là quá trình từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh. Chúng phụ thuộc vào trình độ phát triển của nhận thức khoa học, mức hiểu biết và vận dụng các quy luật và tính quy luật của tự nhiên và xã hội vào việc khai thác tự nhiên và tổ chức đời sống xã hội.

Với cách tiếp cận này, QCN được nhìn nhận như một phạm trù phản ánh bản tính tự nhiên, tất yếu của một loài sinh vật bậc cao, có ý thức, có khả năng quản lý sự phát triển của cả môi trường tự nhiên và xã hội. Nghĩa là con người có quyền khai thác, sử dụng (một cách có trách nhiệm) các điều kiện tự nhiên cho mục đích sinh tồn và phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Trong đó, QCN trên phương diện chính trị được hiểu là quyền được sống, được tự do lựa chọn thể chế chính trị, người đại diện trong hệ thống quyền lực xã hội. Vì vậy dân chủ là thước đo quan trọng nhất thể hiện trình độ phát triển của QCN. Những nguyên tắc như: không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, ngôn ngữ, dòng tộc, tài sản..., trở thành những nguyên tắc cơ bản, cốt lõi... Tất cả những nguyên tắc đó phải được luật hóa, nghĩa là phải được bộ máy quyền lực thể chế hóa và được nhà nước bảo vệ, thực thi.

Từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp và nhà nước, QCN được nhận thức từng bước và đấu tranh để hiện thực hóa. Theo quan điểm mácxít, quá trình thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội cũng là quá trình thay thế của các thể chế chính trị ngày càng dân chủ hơn. QCN được bảo vệ nhiều hơn, được hiện thực hóa hơn. Quần chúng nhân dân lao động ngày càng được chú ý nhiều hơn, được bảo vệ tốt hơn. Theo sự chi phối của tính quy luật này, chế độ phong kiến, dù là chế độ chuyên chế, nhưng khi thay thế chế độ chiếm hữu nô lệ, đã giải phóng phần đông người nô lệ thành nông dân tự do. Sau đó, xã hội tư bản tiếp tục giải phóng phần lớn người lao động thành những công nhân có quyền bầu ra những đại diện của mình. Xã hội XHCN - xã hội mà loài người hướng đến là xã hội (về nguyên tắc) giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công. Các giai cấp và tầng lớp mất dần cơ sở kinh tế để tồn tại. Sự khác biệt về quyền sở hữu tư liệu sản xuất sẽ không còn. Nhờ vậy, QCN sẽ được bảo đảm. Bất bình đẳng xã hội được giảm thiểu. Con người sẽ phát huy được quyền lực thực sự của mình với cả tự nhiên và xã hội.

Như vậy, QCN được nhận thức như là quyền tự nhiên, tất yếu của con người và thể chế hóa qua các thời đại. Thời đại sau, con người ngày càng hiểu và thực hiện tốt hơn các quyền của mình so với các thời đại trước đó. Đây là vấn đề có tính quy luật, là cơ sở để con người ngày càng hướng đến tự do, thực hiện, đảm bảo tự do, dân chủ cho chính mình và cho đồng loại. Với ý nghĩa này, QCN được con người nhận thức và thực hiện từ thấp đến cao, từ bộ phận đến toàn thể. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá sự tiến bộ, văn minh của xã hội.

2. Quyền tự quyết dân tộc - quyền của cộng đồng xã hội trong thời đại hình thành dân tộc, quốc gia

Trong quá trình phát triển lịch sử, con người không sống đơn lẻ, tách biệt nhau, họ thường cố kết theo những nhóm xã hội lớn, nhỏ. Một trong những nhóm xã hội rộng lớn nhất chính là cộng đồng dân tộc, quốc gia (CĐDTQG).

CĐDTQG chỉ hình thành khi hội đủ các yếu tố: có lãnh thổ chung, có thị trường chung, có cộng đồng lịch sử, tâm lý, văn hóa chung. Ở phương Tây, cộng đồng dân tộc, quốc gia chỉ hình thành khi chủ nghĩa tư bản xác lập. Ở phương Đông, do nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị thúc đẩy, dân tộc quốc gia hình thành sớm. Song, dù sớm hay muộn, dân tộc quốc gia cũng vẫn là một cộng đồng người được tổ chức trên cơ sở những lợi ích chung do các yếu tố chung về lãnh thổ, thị trường, tâm lý văn hóa và lịch sử truyền thống. Những yếu tố này khiến cho dân tộc, quốc gia đặt cao các giá trị chung của cộng đồng. Lợi ích cá nhân, trong đó có quyền cá nhân của từng con người, trong nhiều trường hợp phải phục tùng lợi ích chung của cả cộng đồng trong mỗi quốc gia. Điều này khiến cho QCN và QTQDT thường là thống nhất, song có lúc, có nơi, có trường hợp phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Vấn đề đặt ra là, giải quyết thế nào mối quan hệ giữa QCN và QTQDT?

Trước hết,QCN và QTQDT có mối quan hệ mật thiết với nhau. QCN là quyền của mỗi cá nhân, song nó được thực hiện trong hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi quốc gia, dân tộc. Mọi mô hình tổ chức, thực hiện QCN không tính tới yếu tố này đều làm chậm trễ hoặc khó khăn cho việc thực hiện hai quyền này. Thực hiện tốt QCN sẽ tạo điều kiện cho xã hội có động lực để phát triển. Ngược lại, khi QTQDT được thực hiện, nguyện vọng và lợi ích tối cao, bao trùm cho mỗi cộng đồng người, dân tộc quốc gia được bảo vệ, QCN trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa sẽ được bảo đảm. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn cho mối quan hệ gắn bó giữa hai loại quyền này trong xây dựng, bảo vệ, thể chế hóa và thực hiện chúng.

Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện QCN phải phụ thuộc vào QTQDT. Ở đây, QTQDT là quyền chung, tổng thể, bao trùm. Nếu QTQDT không được tôn trọng thì QCN - với tư cách là quyền của một cá thể đơn lẻ cũng sẽ rất khó được thực hiện. Điều này đặc biệt đúng trong những trường hợp đấu tranh, giành độc lập dân tộc ở những quốc gia dân tộc bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc đặt ách đô hộ trong thế kỷ XIX, XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa hai quyền này khi phân tích tình thế cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám. Người chỉ rõ tính cấp bách của nhiệm vụ giành độc lập dân tộc so với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, thiết thân của nhân dân: Nước không được độc lập thì dân cũng không có tự do. Ngược lại: “Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Thứ hai,từ khi kinh tế tri thức phát triển, toàn cầu hóa bắt đầu, ranh giới các quốc gia, dân tộc chỉ còn mang tính tương đối thì QCN được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại. QTQDT, ở một góc độ nào đó phải phụ thuộc vào QCN. Có thể coi đây là quy luật chi phối tư duy, hành động của các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, do thế giới đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, thể chế mới, hệ giá trị, chuẩn mực mới đang hình thành dần thay thế cho các yếu tố không còn phù hợp, khiến cho việc đấu tranh để thực hiện QCN và QTQDT trở nên phức tạp. Ở chỗ này, với điều kiện hoàn cảnh này, QCN được đề cao là phù hợp, nhưng ở nơi khác, việc đề cao QTQDT mới là đúng đắn. Do đó, đấu tranh thực hiện QCN và QTQDT cần phải tính tới những yếu tố có tính thời đại. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc để hiện thực hóa tối đa QCN trong khi vẫn bảo vệ được QTQDT trong thời đại hiện nay.

Thứ ba,trong những xã hội có phân chia giai cấp, bảo vệ và thực hiện QCN và QTQDT luôn phải xuất phát từ lăng kính của giai cấp. Giai cấp nào muốn nắm quyền lãnh đạo phải là giai cấp tiên tiến, giai cấp đại diện cho quyền và lợi ích của dân tộc, quốc gia. Giai cấp đó phải trở thành dân tộc. Đây là yêu cầu tất yếu của lịch sử. Chính điều này sẽ đem lại cho giai cấp tiên tiến, cầm quyền khả năng đại diện cho lợi ích chân chính của dân tộc, quốc gia.

3. Giải quyết quan hệ giữa quyền con người và quyền tự quyết dân tộc ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thực hiện QCN và QTQDT trải qua một quá trình dài. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ, với định hướng phát triển lên CNXH, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã đặt mục tiêu độc lập dân tộc lên hàng đầu. Mục tiêu lâu dài được thực hiện trong sự phối hợp với yêu cầu của mục tiêu dân tộc. Đây là một định hướng đúng đắn, giúp giải quyết hợp lý vấn đề QCN, quyền công dân trong mối quan hệ hợp lý với QTQDT. Trong thời kỳ này, việc quan tâm QCN chính là quan tâm đến lợi ích của giai cấp nông dân, công nhân và những người lao động khác. Trong đó, những cải cách có tính cách mạng nhằm mang lại ruộng đất cho nông dân, thực hiện “người cày có ruộng”, thực chất là thực hiện QCN cho quảng đại quần chúng nhân dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở miền Bắc, việc tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính cũng là nhiệm vụ thực hiện QCN, đem lại quyền sở hữu những tư liệu sản xuất chính yếu cho người lao động. Do trình độ phát triển kinh tế - xã hội nước ta lúc đó còn quá thấp để tiến lên CNXH, nhiều quyền về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của con người, của công dân phải phục tùng mục tiêu đấu tranh cho lợi ích dân tộc. Mọi nguồn lực xã hội phải tập trung cho cuộc chiến. Trong hoàn cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta “Giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây là yếu tố đã tạo sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn để bảo vệ thành công độc lập dân tộc, định hướng đến CNXH của nước ta. Thành quả này được cả thế giới công nhận và ủng hộ.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới - xây dựng CNXH. Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, dân trí chưa cao, hiểu biết và vận dụng những quy luật, tính quy luật trong phát triển để xây dựng CNXH còn giáo điều, chủ quan nên đã vi phạm không ít quy luật, tính quy luật chi phối quá trình chuyển lên sản xuất lớn, nhất là sản xuất lớn XHCN. Lúng túng trong xác định mô hình tổ chức nền kinh tế và mô hình tổ chức hệ thống chính trị, xã hội. Duy trì cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp (cơ chế tổ chức kinh tế, xã hội của thời kỳ chiến tranh) quá dài. Điều này làm cho việc thực hiện QCN và QTQDT gặp nhiều khó khăn, trở ngại. QCN - mục đích tự thân và thể hiện bản chất của chế độ XHCN đã không được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, các thế lực thù địch bao vây, can thiệp, chống phá, Việt Nam rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhiệm vụ giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia sau chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến vẫn đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nhiệm vụ thực hiện QCN, quyền công dân, quyền của các nhóm xã hội, nhất là các nhóm xã hội yếu thế được đặt ra cấp bách trong thời kỳ cách mạng mới. Phát triển kinh tế thị trường định hướng CNXH; giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện QCN và QTQDT trong điều kiện mới - hòa bình, thống nhất, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, trong quá trình thể chế hóa và thực hiện QCN, QTQDT, Việt Nam đã trải qua một quá trình dài. Cuộc đấu tranh cho việc giải quyết đúng đắn, phù hợp hai quyền này gặp không ít khó khăn. Nước ta không thể áp dụng nguyên xi những mô hình tổ chức, thực hiện QCN ở các nước đã phát triển vào hoàn cảnh, điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay mà phải thực hiện QCN phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội và trình độ dân trí của Việt Nam; phải thực hiện QCN trong sự phù hợp với cách thức tổ chức xã hội của một xã hội phương Đông đang trong quá trình CNH, HĐH.

Thứ hai,trong quá trình thực hiện QCN và QTQDT, các thế lực thù địch đã lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý để kích động, gây rối, chống phá, làm xói mòn uy tín, địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; lợi dụng những vấn đề nảy sinh trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do đó, giải quyết vấn đề QCN và QTQDT cần chú ý những vấn đề thực tiễn này.

4. Định hướng chính sách nhằm giải quyết vấn đề quyền con người và quyền tự quyết dân tộc trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay

Một là, giải quyết những vấn đề trong thực hiện QCN và QTQDT trong mối quan hệ hữu cơ, trong đó, QTQDT phải được chú ý bảo vệ trước tiên trong điều kiện hiện nay. Bởi lẽ chỉ có dân tộc được độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững thì QCN mới có điều kiện thực thi triệt để. Những vấn đề có tính lý luận về dân tộc, giai cấp, trong từng giai đoạn cách mạng phải được làm rõ và cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế đất nước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động chính trị - xã hội, Việt Nam phải đấu tranh giữ gìn hòa bình và ổn định, tạo điều kiện để phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững, từng bước xây dựng một thể chế chính trị pháp quyền, dân chủ. Trong đó, những quyền cơ bản nhất của con người được tôn trọng trong mối quan hệ hài hòa về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc trong xã hội.

Hai là, thực hiện QCN và QTQDT đặt trong sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ba là, thực hiện QCN và QTQDT phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, trong đó nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót về lý luận và thực tiễn. Cần làm rõ vấn đề vì sao tiến lên CNXH, bản chất là thực hiện QCN nhưng chưa thực hiện đầy đủ các quyền này, từ đó hoàn chỉnh thể chế, chính sách, hệ thống luật pháp để ngày càng thực hiện tốt QCN và QTQDT.

Bốn là, bảo vệ, thực hiện QCN và QTQDT ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay phải song hành với đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch; tăng cường tuyên truyền cả trong nước và quốc tế về lập trường, quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ và thực hiện QCN, QTQDT phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

 

PGS, TS Nguyễn Chí Dũng

Viện Nghiên cứu quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền