Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quyền có mức sống đủ và việc bảo đảm ở Việt Nam
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:10
2902 Lượt xem

Quyền có mức sống đủ và việc bảo đảm ở Việt Nam

(LLCT) - Quyền của con người gồm 2 phương diện: Quyền về thực thể tự nhiên (ăn, uống, mặc, ở, ...); Quyền về thực thể xã hội (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa). Quyền về thực thể tự nhiên, trong đó có quyền có mức sống đủ, là tiền đề tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại của con người và quyền của con người nói chung. Công tác bảo đảm quyền này ở Việt Nam phù hợp với luật nhân quyền quốc tế và được thực hiện đồng bộ: xây dựng thể chế, thiết chế, thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước và đã đạt thành tựu. Giải pháp cơ bản hiện nay là: chuyển từ xóa đói giảm nghèo sang thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm tiệm cận với việc bảo đảm quyền có mức sống đủ theo chuẩn mực quốc tế.

1. Cơ sở lý luận và pháp lý của quyền có mức sống đủ

Thứ nhất, quyền có mức sống đủ trong mối quan hệ của quyền về thực thể tự nhiên và quyền về thực thể xã hội ở con người

Con người vừa là một thực thể  tự nhiên vừa là một thực thể xã hội; hai phương diện sinh học và xã hội tồn tại trong tính thống nhất với nhau, quy định lẫn nhau, tạo thành cơ sở hiện thực cho sự tồn tại của mỗi con người với tư cách là người. Phương diện sinh học là cơ sở tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại của con người; phương diện xã hội là đặc trưng bản chất để phân biệt con người với loài vật và đồng thời để khẳng định nhân phẩm con người trong đời sống xã hội. Nhu cầu “sinh học” phải được “nhân hóa” để mang giá trị văn minh của con người. Đến lượt nó, nhu cầu xã hội không thể thoát ly khỏi tiền đề của nhu cầu sinh học. Quan hệ giữa phương diện sinh học và phương diện xã hội tương tác với nhau trong mỗi con người. Hai phương diện đó thống nhất với nhau, để tạo thành con người tự nhiên - xã hội. Vì thế, C.Mác có lý khi cho rằng, “bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”([1]1).

Hệ thống các nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội, như nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại cũng như nhu cầu  về hoạt động xã hội (lao động, nghiên cứu khoa học,...) là thống nhất trong đời sống của một con người. Tương ứng với nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội  là các quyền về phương diện sinh học và quyền về phương diện xã hội. Trong đó, nhu cầu và quyền về phương diện sinh học là tiền đề tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại của con người; còn nhu cầu và quyền về phương diện xã hội là đặc trưng bản chất để phân biệt con người với loài vật, đồng thời để khẳng định nhân phẩm của con người trong đời sống xã hội. C.Mác cho rằng, “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”(2). Quyền có mức sống đủ thể hiện  những nhu cầu đó.

Thứ hai, về nội dung quyền có mức sống đủ

Quyền có mức sống đủ bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, ở, các điều kiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhằm bảo đảm quyền tồn tại về phương diện sinh học của con người; và là cơ sở tự nhiên tất yếu cho sự tồn tại, phát triển các quyền của con người trong đời sống xã hội, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đến các quyền dân sự, chính trị.

Quyền có mức sống đủ cho bản thân và gia đình, theo Điều 25 trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, Điều 11 CESCR và Điều 27 CRC, là một nội dung cơ bản của các quyền kinh tế, xã hội. Việc thỏa mãn quyền này ở mức tối thiểu, đòi hỏi mọi người được hưởng các quyền cần thiết để tồn tại: quyền có tài sản (Điều 17 UHDR); quyền được làm việc (Điều 23 UHDR, Điều 6 CESCR); quyền được bảo đảm một mức sống thích đáng, đủ cho sức khỏe và sự yên vui của bản thân và gia đình bao gồm đủ ăn, đủ mặc, có nhà ở và được chăm sóc y tế, cũng như các dịch vụ xã hội cần thiết và quyền được bảo hiểm trong trường hợp bị thất nghiệp, bị đau ốm, tàn phế hoặc góa bụa, khi về già,... trong những hoàn cảnh vượt quá khả năng đối phó của họ (Điều 22 và 25UHDR, Điều 9 CESCR; Điều 26 CRC); quyền của gia đình được nhận sự giúp đỡ (Điều 10 CESCR, Điều 27 CRC). Như vậy, quyền được thụ hưởng mức sống đủ, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, ở, các điều kiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe, được “không ngừng cải thiện đời sống” và được bảo đảm an ninh xã hội(3).

Quyền về mức sống đủ nói riêng và các quyền về kinh tế nói chung, được thể hiện rõ nhất ở quyền về tài sản. Vì đây là cơ sở để bảo đảm có mức sống đủ và để có năng lực độc lập, tự do trong việc thụ hưởng các quyền khác. Nhưng trong thực tế, không phải ai cũng được hưởng quyền sở hữu trên cơ sở bình đẳng. Do đó, quyền đối với tài sản phải được bổ sung bằng các quyền khác; ví dụ quyền được làm việc để bảo đảm nguồn thu nhập; quyền về  bảo đảm xã hội (hay an ninh xã hội) khi không đủ nguồn thu nhập hoặc bị bệnh tật, già yếu, tai nạn, thiên tai,... (theo Điều 22 và 25 UHDR). Quyền được làm việc cũng là cơ sở cho sự độc lập, với điều kiện người lao động được tự do lựa chọn công việc, có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc gia nhập tổ chức nghiệp đoàn (Điều 8 CESCR và một số công ước của ILO).

Thứ ba, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền có mức sống đủ

Trong quá trình soạn thảo hai công ước CCPR và CRSCR, đã có cố gắng làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp khác nhau để bảo đảm quyền có mức sống đủ. Theo Điều 2 của CESCR, các quốc gia thành viên sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên hiện có của mình để từng bước đạt được sự phát triển từng bước đến mức “thực hiện ngày càng đầy đủ” các quyền  bằng mọi biện pháp thích hợp. Thuật ngữ “thực hiện ngày càng đầy đủ” được hiểu là trách nhiệm của các quốc gia cố gắng với khả năng cao nhất có thể trong việc thực hiện quyền này. Bởi vì, quyền có mức sống đủ nói riêng và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa nói chung, phụ thuộc vào các khả năng, phương tiện vật chất, tinh thần để thực hiện.­

Ở đây có một sự hiểu nhầm là các quyền này phải do Nhà nước bảo đảm; do đó một mặt trông chờ, ỷ lại, đòi hỏi ở Nhà nước; mặt khác dẫn đến bộ máy Nhà nước ngày càng phình to, tốn kém. Thực ra quyền có mức sống đủ nói riêng và các các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa nói chung, đòi hỏi các cá nhân là chủ thể trước tiên và chủ yếu phải chủ động và tích cực thực hiện.

Thực tế thì trách nhiệm của Nhà nước cần phải được nhìn nhận ở các góc độ khác nhau.

Về thể chế,Nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ mọi nguồn lực thuộc sở hữu cá nhân và quyền tự do cá nhân tìm kiếm việc làm, quyền tự do sử dụng các nguồn lực cần thiết, một mình hoặc với người khác, nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng. Nhà nước phải có biện pháp để công nhận và đăng ký quyền sở hữu của cá nhân, nhất là đất đai, và hỗ trợ các cá nhân và cộng đồng trong việc sử dụng các nguồn lực một cách an toàn để duy trì mức sống cần thiết. Nhà nước phải thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử, đặc biệt đối với phụ nữ, người già, người khuyết tật, người lao động di trú, người nước ngoài trong việc bảo đảm quyền có mức sống đủ và các quyền con người khác.

Về biện pháp quản lý, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền tự do hoạt động và sử dụng các nguồn lực để chống lại những hành vi xâm phạm của các chủ thể khác, chống lại sự lừa dối và các hành vi phi đạo đức lợi dụng cơ chế thị trường. Đặc biệt Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết 2 vấn đề: a/ Nhóm người dễ bị tổn thương hoặc bị phân biệt đối xử và cần phải có sự bảo vệ đặc biệt cho quyền lợi của họ. b/ Ai là người chịu trách nhiệm (nước chủ nhà hay quốc gia mà người đó là công dân) đối với nhóm người lao động di trú, nhập cư, người tị nạn chính trị, đặc biệt trong trường hợp người đó không rõ nguồn gốc hoặc mất mối liên hệ với quốc gia của mình.

Bên cạnh chức năng bảo vệ, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy và thực hiện quyền có mức sống đủ nói riêng và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị nói chung. Theo Điều 11 Công ước CESCR, Nhà nước áp dụng các biện pháp để “cải thiện các phương pháp sản xuất, bảo quản và phân phối lương thực, thực phẩm bằng cách tận dụng các kiến thức khoa học và kỹ thuật,... ; và bảo đảm phân phối công bằng các nguồn lương thực, thực phẩm dựa theo nhu cầu...

Trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm của Nhà nước đối với quyền có mức sống đủ và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khác, có thể gồm các quy định về những nhu cầu cơ bản về lương thực và các nguồn lực khác, đặc biệt trong trường hợp: a/ Nạn thất nghiệp trầm trọng trong tình hình kinh tế suy thoái; b/ Các nhóm xã hội dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật,...); c/ Trong tình huống khủng hoảng bất ngờ; d/ Những người bị ảnh hưởng do cơ cấu lại mô hình kinh tế.

Trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm quyền có mức sống đủ và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa khác còn thể hiện ở chỗ: Nhà nước thực hiện việc phân bổ nguồn lực để thực hiện các quyền này;  ví dụ cân đối mức phân bổ ngân sách cho quốc phòng và ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội.

2. Bảo đảm quyền có mức sống đủ ở Việt Nam

Là quốc gia thành viên của CESCR, Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người dân các quyền được công nhận trong Công ước, trong đó có quyền về mức sống đủ. Cương lĩnh 1991, 2011 và các văn kiện khác của Đảng trong thời kỳ Đổi mới xác định đổi mới kinh tế là trọng tâm và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo theo phương châm kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển.

Đại hội XII của Đảng (1-2016) định hướng: Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp(4).

Đại hội XII chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống(5).

Phương châm là: “Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân”(6).

Hiến pháp năm 2013, Điều 16 ghi “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

- Điều 32: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

- Điều 33: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

- Điều 34: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

- Điều 35: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.  Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

- Điều 38: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã chế định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền có mức sống đủ. Cụ thể, theo Điều 57,  Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động.  Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Và theo Điều 59, Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước. Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

Trên cơ sở Hiến pháp, những quyền về mức sống đủ ở Việt Nam được thể chế hóa cụ thể trong pháp luật, chính sách về kinh tế và xã hội như trong Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo bền vững và trợ giúp xã hội,...

Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của từng người dân, Việt Nam đã từng bước nâng cao được thu nhập bình quân theo đầu người. Trong giai đoạn 2006 - 2010, chuẩn nghèo của Việt Nam đối với vùng nông thôn là thu nhập dưới 200.000 đồng/người/tháng; thành thị là 260.000 đồng/người/tháng. Đến giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo của Việt Nam đã lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở vùng nông thôn, còn thành thị là 500.000 đồng/người/tháng.  Tỷ lệ nghèo giảm từ 50% (1990) xuống còn 13% (2015). Việt Nam đã về đích về giảm nghèo trước 2 năm so với cam kết với quốc tế; là 1 trong 6 quốc gia thực hiện sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế vào năm 2015 tăng gấp 3,7 lần so với năm 2000.

Trong thực tế, quyền tự do kinh doanh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Nhà nước nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 160.000 lao động/năm; nhất là tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương (lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp,...) có cơ hội vay vốn phát triển kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước giảm  từ 2,9% năm 2009 xuống còn khoảng 1,99% năm 2014. Riêng năm 2015, đã tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm; trong đó có gần 80 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Có thể khái quát quyền có mức sống đủ đã được bảo đảm ở các phương diện: 1/ Quyền thoát nghèo, bảo đảm sinh kế và được cải thiện đời sống bằng làm giàu hợp pháp; 2/ Quyền được tiếp cận với các nguồn lực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3/ Quyền được tiếp cận với cơ hội việc làm; 4/ Quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 5/ Quyền được tiếp cận với nhiều hình thức an sinh xã hội (bảo hiểm, trợ giúp, dịch vụ,...); 6/ Quyền được trợ giúp pháp lý; 7/ Quyền được tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị.

Mặc dù những thành tựu đạt được là lớn, song phải thừa nhận:

-Diện bao phủ của nhiều chính sách kinh tế - xã hội còn thấp, nhất là nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.

- Việc ban hành số lượng chính sách, chương trình nhiều đã và đang gây ra sự đan xen, chồng chéo, đặc biệt là sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, cách thức bầu chọn đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ ở địa phương,... Chẳng hạn, sự trùng lặp, chồng chéo tiêu chuẩn bảo hiểm y tế cho cùng một đối tượng (thân nhân cán bộ, chiến sĩ công an, người nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người có công với nước,...). Mỗi chính sách do một cơ quan, ban, ngành có nhiệm vụ chủ trì triển khai; dẫn đến sự khác biệt trong quá trình chỉ đạo và cách thức triển khai ở nhiều địa phương, cơ sở, thậm chí có trường hợp nhầm lẫn trong việc áp dụng chế độ của chương trình, chính sách này sang chương trình, chính sách khác. 

- Cách tiếp cận “từ trên xuống” không còn phù hợp với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, trong xây dựng, triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, hậu quả là người dân ở nhiều nơi chưa được bàn bạc, tham gia đầy đủ để giải quyết những vấn đề của chính họ. Ở một số nơi đã xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp trong quá trình triển khai, thực hiện các chính sách từ việc bình xét hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách không đúng và tràn lan; người ở diện nghèo ỷ lại, trông chờ không phấn đấu vươn lên mà tìm cách “giữ” tiêu chuẩn nghèo để hưởng sự trợ giúp của Nhà nước. Có nơi xảy ra hiện tượng thất thoát, tham ô.

Do vậy, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức bảo đảm quyền có mức sống đủ.

Thứ nhất, đổi mới nhận thức về giảm nghèo bền vững và chuẩn nghèo theo hướng nâng cao mức sống

- Đổi mới nhận thức về xóa đói giảm nghèo: phải coi xóa đói giảm nghèo là một cách thức đặc thù của quá trình phát triển bền vững cho các nhóm yếu thế; từ đó nâng cao được mức sống và bảo đảm được sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.

- Đổi mới và thực hiện chuẩn nghèo theo hướng nâng cao mức sống:  Theo xu thế chung của thế giới, mức sống không chỉ là đủ ăn mà còn là cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Trong chuẩn nghèo đa chiều,  ngoài tiêu chí về thu nhập, phải bổ sung tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin...

Thứ hai, rà soát chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực thi tốt việc bảo đảm quyền có mức sống đủ phù hợp với các vùng, miền

Đối với mỗi chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là 2 chương trình “Giảm nghèo bền vững” và “Xây dựng nông thôn mới”, cần thể chế hóa cụ thể bằng chủ trương, chính sách, cơ chế, nguồn lực để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hay vùng kinh tế động lực Bắc, Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nói cách khác, có thể xây dựng một số chủ trương, chính sách, cơ chế, nguồn lực có tính đặc thù cho mỗi vùng, và có khả năng kết nối liên vùng; đồng thời xác định quyền hạn, trách nhiệm cho một số tỉnh, thành có chức năng điều phối liên kết nội vùng.

Đối với người nghèo vừa cần phải cho “con cá” vừa phải cho “cần câu”. Một bài học quan trọng là phải hỗ trợ thúc đẩy  tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ, kể cả kinh tế gia trại cho người nghèo, để người nghèo tích cực, chủ động thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Cải thiện các nguồn tín dụng và vốn vay ưu đãi; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; phát triển hệ thống thông tin thị trường về việc làm; Triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng chính phủ, gọi tắt là “Đề án 1956”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là tại các vùng khó khăn: theo 3 nhóm cơ bản: a/ Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia trợ giúp xã hội để có thu nhập ổn định; b/ Các chính sách hỗ trợ tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; c/ Các chính sách trợ giúp xã hội khi gặp các rủi ro việc làm mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn thu nhập và tiếp cận hệ thống dịch vụ xã hội.

Trên  cơ sởNghị quyết số 24/2008/NQ-CP (ngày 28-10-2008) và Nghị quyết số 800/2010/QĐ-TTg về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (ngày 16-4-2010), Đảng và Nhà nước ta phấn đấu thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020; và đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.11.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.39.

(3) Trung tâm nghiên cứu quyền con người: Tuyên ngôn thế giới và hai công ước 1966 về quyền con người, Sđd, tr.243 - 293.

(4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.136, 137, 137.

 

PGS,TS Nguyễn Thanh Tuấn

Viện Nghiên cứu Quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền