Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vấn đề an ninh con người ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:20
5250 Lượt xem

Vấn đề an ninh con người ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng, sau khi nhận định: “Chưa nhận thức đầy đủ vai trò của phát triển xã hội hài hòa, chưa có chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề biến đổi cơ cấu, phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, giải quyết mâu thuẫn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh cho con người”(1), đã nhấn mạnh phải “đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người”(2), đồng thời đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm an ninh con người một cách vững chắc.

1. Tính cấp bách của vấn đề an ninh con người.

Những mối đe dọa an ninh con người ở tầm quốc gia có thể được khái quát theo các nội dung chủ yếu sau: 

Vấn đề việc làm và thất nghiệp:Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9-2016, dân số Việt Nam là 92,7 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015. Theo đó, dân số thành thị là 32,06 triệu người (34,6%); nông thôn 60,64 triệu người (65,4%); nam giới 45,75 triệu người (49,4%); nữ giới 46,95 triệu người (50,6%), có 54,44 triệu người từ 15 tuổi trở lên.

Tổng số người trong độ tuổi lao động khoảng 47,88 triệu người, giảm 233,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng theo từng quý: quý I/2016 là 2,25%; quý II là 2,29%; đến quý III là 2,34%. Tính chung cả 9 tháng năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,23%; nông thôn là 1,82%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) là 7,04%, trong đó khu vực thành thị là 11,65%; và nông thôn là 5,27%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi trong 9 tháng năm 2016 là 1,66%, trong đó khu vực thành thị là 0,7%; khu vực nông thôn là 2,11%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm không chính thức ngoài các hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản (lao động gia đình không được hưởng công, hưởng lương; người chủ hoặc xã viên hợp tác xã của cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh và người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc) quý II là 56,1%; quý III là 55,8%. Tính chung 9 tháng năm 2016 cả nước có 55,9% lao động có việc làm phi chính thức, trong đó khu vực thành thị là 47,1%; khu vực nông thôn là 63,9%(3).

Vấn đề thu nhập và phân hóa giàu, nghèo:Tính đến tháng 6-2016, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.200 USD/năm (50 triệu đồng), con số này cao hơn thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 2.109 USD (45,7 triệu đồng). Tuy nhiên, tình trạng phân hóa giàu nghèo cũng gia tăng. Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập trong dân cư Việt Nam, từ mức bất bình đẳng vừa trong giai đoạn 2008 - 2012, đã tăng dần, kéo theo hậu quả là giàu, nghèo đã phân hóa thành hai nhóm. Nhóm đầu khoảng 20% dân số, chiếm 54,4% GDP; trong khi nhóm thứ hai với 60% dân số, chiếm 40,9% thu nhập quốc dân, còn lại nhóm thứ ba là các hộ nghèo, tức 20% dân số còn lại, chỉ chiếm 4,7% GDP.

Theo báo cáo của Oxfam công bố ngày 12-1-2017, thì tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Việt Nam đang tăng với mọi thước đo. Số liệu của WB cho thấy, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong 2 thập kỷ qua, và đáng chú ý hơn là số người giàu đang chiếm phần thu nhập quá lớn. Khoảng cách giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang mở rộng từ năm 2004, và số người siêu giàu cũng tăng nhanh. Đến năm 2014, 210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước. Knight Frank ước tính số người siêu giàu sẽ tăng đáng kể ở Việt Nam, lên đến 403 người vào năm 2025. 

Theo tính toán của Oxfam thì mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam là khá lớn. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm. Cùng với khối tài sản lớn là tiềm năng nguồn thu nhập từ tiết kiệm và tài sản cũng lớn. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5 nghìn lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam.

Oxfam còn nhấn mạnh là bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị gạt ra bên lề, trong khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu. Việc không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục do thu nhập thấp và bị phân biệt đối xử đang làm kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo. Người nghèo có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội, ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn. Các nhóm thu nhập thấp hơn thường hay sử dụng các dịch vụ y tế công, chủ yếu là trung tâm y tế xã/phường có chất lượng yếu kém hơn. 

Nghiên cứu của Oxfam cũng tập trung rà soát bốn trụ cột của khung chính sách về bình đẳng, bao gồm hệ thống thuế, xã hội hóa các dịch vụ công, chi tiêu công cho y tế, giáo dục và chính sách cho người lao động. Các chính sách hiện hành của Việt Nam theo bốn lĩnh vực này cho thấy cả điểm mạnh và những điểm yếu cần cải thiện. Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu của phát triển. Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau đổi mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới, nhóm dân tộc, và nhất là các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội. 

Bà Lefur cho biết: “Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần  nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt Nam và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người  thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế”. Hành động giảm bất bình đẳng hiện nay là chưa đủ, thách thức giải quyết tình trạng bất bình đẳng là rất bức thiết và Việt Nam không có lựa chọn nào khác là phải đối mặt với nó. Sau khi công bố báo cáo, cùng ngày Oxfam cũng phát động chiến dịch chống bất bình đẳng tại Việt Nam với tên gọi: “Thu hẹp khoảng cách giai đoạn 2016-2019”.

Điều rất đáng quan tâm đó là nguy cơ phân hóa giàu nghèo do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR) gây ra. Theo giới phân tích, một vấn đề kinh tế quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề xã hội lớn nhất liên quan tới FIR đó là sự bất bình đẳng. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính (sáng chế, cổ đông, đầu tư). Khiến cho khoảng cách về sự giàu có giữa những người phụ thuộc vào vốn và những người phụ thuộc vào sức lao động ngày càng doãng ra(4). Theo giới chuyên gia, bất cứ một xã hội đang phát triển nào thì sự phân cực giàu và nghèo rõ rệt là khó tránh. Người giàu thì giàu lên còn người nghèo lại nghèo đi, tính theo giá trị tuyệt đối thì cả hai nhóm đều tăng, nhưng không đều nhau, nên nhóm người nghèo và trung lưu bị giảm đi tính theo giá trị tương đối, cũng là những vấn đề an ninh con người cần được quan tâm giải quyết(5).

Vấn đề sức khỏe. Theo số liệu thống kê người Việt Nam hiện có chiều cao trung bình thấp nhất khu vực châu Á (bình quân 164 cm); tỷ lệ số người mắc bệnh tiểu đường tăng rất nhanh, thuộc hàng đầu thế giới; khoảng 20% dân số mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp; có tới 14% nam giới và 12% nữ giới đang ở tình trạng thừa cân hoặc béo phì; có khoảng 2,2 triệu trẻ em Việt Nam ở độ tuổi dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; trên 90% dân số bị các bệnh liên quan đến răng miệng; 80% dân số nhiễm giun, sán(6).

Theo công bố của Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới ngày 3-11-2015, thì sức khỏe người Việt Nam đứng thứ 62 thế giới. Bảng xếp hạng được tính theo cách lấy chỉ số sức khỏe trừ đi chỉ số nguy cơ sức khỏe. Chỉ số sức khỏe bao gồm tuổi thọ, nguyên nhân tử vong; chỉ số nguy cơ sức khỏe căn cứ vào các tác nhân gây hại, như tỷ lệ người trẻ hút thuốc, số người bị cholesterol cao và lượng kháng thể.

Singapore ở đầu bảng do đạt điểm trung bình 89,45%; xếp thứ 2 là Italya với 89,07% và thứ 3 là Australia với 88,33%. Việt Nam xếp thứ 62 với điểm số là 51,99%. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng, dữ liệu trên sẽ là hướng dẫn hữu ích cho các nhà quản lý trong việc đưa ra chính sách phát triển phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe quốc gia. Một số chuyên gia cho rằng khái niệm “khỏe mạnh” nên bao gồm cả chất lượng sống chứ không chỉ dừng lại ở tuổi thọ. Những thông số trên cho thấy sức khỏe là một trong những chỉ số về an ninh con người mà Việt Nam cần sớm quan tâm.

Vấn đề môi trường: Tại Việt Nam, theo khảo sát hai thành phố lớn là Hà Nội (3-2016) và TP Hồ Chí Minh (10-2015) có mức ô nhiễm cao. Theo đó, chỉ số AQI (dùng để đánh giá chất lượng không khí và khả năng tác động sức khỏe) đo được trong 2 ngày 1 và 2-3 tại Láng Hạ và Trường Quốc tế Liên Hợp quốc Hà Nội (Tây Hồ) dao động từ 114 - 388. Riêng nồng độ bụi PM2,5 tại Hà Nội có thời điểm cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí và gấp 7 lần so với khuyến cáo của WHO(7). Tại TP Hồ Chí Minh, theo kết quả đo được tại 6 trạm quan trắc ở 6 điểm tiểu biểu của thành phố cho thấy: 89% mẫu không khí được kiểm tra không đạt chuẩn. Đặc biệt, trong năm 2015, chỉ số khí độc hại CO, tiếng ồn và bụi... trong không khí ở mức báo động khi đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014(8).

Ông Kenneth M.Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp của hiệp hội tỏ ra lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường, như: không khí, tiếng ồn đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. “Mức độ ô nhiễm không khí tăng cao một cách rõ rệt khiến những người muốn chuyển gia đình đến sinh sống tại Việt Nam lo ngại, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của môi trường ở Việt Nam là do sự yếu kém trong khâu quản lý và thực thi luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp”. “Như vậy, có thể thấy, vấn đề môi trường không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, mà còn ảnh hưởng đến cả việc thu hút nguồn vốn FDI. Bởi đây là những vấn đề doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội như chúng tôi quan tâm khi đầu tư”.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Euro Cham) cũng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư tại Việt Nam kinh doanh với đường hướng phát triển lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, chúng tôi cần Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau thực hiện tốt các quy định về môi trường, hiểu biết và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động bảo vệ môi trường. Đại diện của Hiệp hội Thương mại Mỹ, bà Virginia B.Foobe, cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành các chính sách, quy định để thực hiện mạnh mẽ “kế hoạch sử dụng năng lượng của Việt Nam”, chú trọng nhiều hơn vào tiềm năng của Việt Nam đối với hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo và khí đốt ngoài khơi(9). Những vấn đề đã và đang đặt ra nêu trên, đều là những vấn đề an ninh con người đang tiềm ẩn cần sớm được quan tâm giải quyết.

2. Những giải pháp chiến lược cần quan tâm

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta không chỉ nêu ra quan điểm, phương hướng mà còn cả những giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh con người với mức ưu tiên cao nhất, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Để bảo đảm an ninh con người có hiệu quả cần sớm triển khai quán triệt sâu sắc và đưa Nghị quyết XII của Đảng đi vào đời sống thực tiễn.

Một là, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập: Theo đó, cần “tạo cơ hội để mọi người có việc làm”, đồng thời huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong khi giải quyết vấn đề lao động cần đặc biệt quan tâm đến việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Trên cơ sở đó mà cải thiện thu nhập, bảo đảm tiền lương theo hướng “thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động”(10).

Mặc khác, Nhà nước và các địa phương cần “khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”. Theo đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động như tinh thần của Đại hội XII của Đảng đã nêu.

Hai là, bảo đảm an sinh xã hội: Đại hội XII đã chỉ rõ: tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; đồng thời tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.

Theo đó, Nhà nước cần quan tâm phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,... Chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân. Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Nhà nước và các địa phương cần tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên...; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế.

Ba là, coi trọng chăm sóc sức khoẻ nhân dân: Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp bảo đảm an ninh sức khỏe cho người dân một cách chủ động và tích cực. Theo đó, Đại hội XII yêu cầu, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, bình đẳng giới. Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em..., đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và quyền trẻ em.

Đại hội XII nhấn mạnh, phải “huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh. Phát triển hệ thống y tế dự phòng và các dịch vụ y tế hiện đại. Phát triển y học dân tộc; có chính sách khuyến khích thích đáng sản xuất và chữa bệnh bằng thuốc nam”. Đồng thời “tiếp tục bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch mới trong tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng. Ngân sách nhà nước dành cho y tế phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khoẻ cho người dân”.

Trong quá trình thực hiện, cần “có lộ trình khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho toàn dân và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”. Nhà nước cần có chính sách hợp lý trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ y tế. Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển con người, chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đồng thời làm cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao... Đó là những giải pháp chiến lược rất thiết thực để bảo đảm an ninh con người của Việt Nam trong thời kỳ mới.

An ninh con người là vấn đề mới ở nước ta, tuy đã có một số đề tài và các bài viết nghiên cứu được đăng tải. Tuy nhiên, lần đầu tiên Đảng ta nêu ra trong Văn kiện Đại hội nên cần sớm tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn nữa cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này, tạo cơ sở cho việc triển khai hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả. Trong đó:

- Cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm khái niệm “an ninh con người” nói chung và tính đặc thù trong nhận thức an ninh con người ở Việt Nam;

- Cần làm rõ hơn nữa mối quan hệ giữa 7 nhân tố cấu thành nội hàm của khái niệm an ninh con người;

- Cần nghiên cứu và làm rõ, an ninh kinh tế được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ đề cập đến mức thu nhập cơ bản của con người và vấn đề việc làm như khái niệm mà UNDP đề xuất có thể quá hẹp, chưa phù hợp với thực tiễn về việc bảo đảm quyền và lợi ích của con người trong đầu tư kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội...

An ninh con người là vấn đề đang còn có những nhận thức khác nhau ở mức độ nhất định cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, các chủ trương và biện pháp vĩ mô và vi mô để bảo đảm an ninh con người trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách. Vấn đề đang đặt ra là, làm sao có thể có sự phối hợp giữa các tổ chức quốc tế với từng quốc gia để thực hiện có hiệu quả .

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1), (2), (10)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.133-134, 138, 136.

(3) http://kinhtevadubao.vn: “Tỷ lệ lao động thất nghiệp quý III/2016: Vẫn tiếp tục tăng”, 1-10-2016.

(4) http://daibieunhandan.vn: “Robot tham gia thị trường lao động: Những vấn đề đặt ra về mặt pháp lý và thực tiễn”, 24-1-2017.

(5) http://vneconomy.vn: “Người siêu giàu Việt gia tăng cùng tình trạng bất bình đẳng”, 12-1-2017.

(6) http://thanhnien.vn: “Chiều cao người Việt Nam thuộc tốp 5 nước thấp nhất thế giới”, 9-6-2016.

(7) http://mt.gov.vn: “Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức nguy hại”, 4-3-2016.

(8) http://tuoitre.vn: “Ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh”, 26-10-2015.

(9) http://kinhtevadubao.vn: “VBF 2016: Nóng về vấn đề môi trường”, 5-12-2016 .

 

NGUYỄN NHÂM

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền