Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Từ quan điểm của Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo đến thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo thời kỳ đổi mới*
Thứ sáu, 29 Tháng 9 2017 16:20
6940 Lượt xem

Từ quan điểm của Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo đến thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo thời kỳ đổi mới*

(LLCT) - Quan điểm xem đói nghèo là “giặc”, phải quyết tâm “đánh đuổi ”và “tiêu diệt”, nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người đã thể hiện sâu sắc triết lý nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thấm nhuần triết lý phát triển Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo trong quản lý phát triển xã hội, đòi hỏi phải coi việc xóa đói, giảm nghèo là một trong những tiêu chí, thước đo quan trọng đánh giá về tính đúng đắn của chính sách xã hội, tính nhân văn của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.  

1. Triết lý xóa đói giảm nghèo trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh, chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới làm cho tất cả mọi người Việt Nam trở nên no ấm, hạnh phúc. Điều này nói lên sự khác biệt về chất và tính nhân văn sâu sắc của chế độ xã hội mà Đảngta, toàn dân,toàn quântalựa chọn và quyết tâm xây dựng thành công để đạt đến mục tiêu phát triển xã hội, làm cho các quan hệ xã hội mang tính nhân bản.Trong bối cảnh đất nước chia cắt, Người vẫn khẳng định quyết tâm: “Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội”(1). Từ hoài bão lớn nhất đến quyết định lựa chọn mô hình phát triển xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa thể hiện tư tưởng mang tính nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc Việt Nam hoàn toàn được độc lập, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Đó là mục đích cao cả, nhất quán, xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu vì một nước Việt Nam độc lập, mọi người thoát khỏi áp bức, bất công, đói nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Sinh thời, Người dành tất cả lòng nhân ái cho đồng bào, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược. Trước lúc đi xa, Người còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(3)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu cuộc sống đói khổ của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai và hậu quả sau gần một thế kỷ dưới chế độ “cướp của, giết người và hiếp dâm” đó là “người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít”(4). Sự nô dịch và bóc lột tàn bạo của bọn thực dân Pháp không chỉ để lại đói nghèo, dốt nát cho cả một dân tộc mà còn triệt tiêu mọi khả năng để phát triển con người.

Đất nước vừa giành được độc lập trong bối cảnh như vậy nên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người cho rằng: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. 

Chúng ta phải thực hiện ngay: 

1. Làm cho dân có ăn. 

2. Làm cho dân có mặc. 

3. Làm cho dân có chỗ ở. 

4. Làm cho dân có học hành”(5).

Có thể coi đây là những phác thảo đầu tiên về chính sách xóa đói, giảm nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dân tộc Việt Nam vừa mới giành độc lập. Cùng với dốt nát, giặc ngoại xâm, Người coi đói khổ là một trong những loại giặc cần phải kiên quyết tiêu diệt. Do đó, diệt giặc đói là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm mục tiêu phấn đấu đưa nhân dân thoát khỏi nạn đói nghèo, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để xóa đói, giảm nghèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Người yêu cầu phải thực hiện “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(6). Để giải quyết đòi hỏi trước mắt, Người phát độngphong trào thực hành tiết kiệm gạo thiết thựccứu đói, qua đó giáo dục tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân. Người nói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(7).

Lời kêu gọicủa Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng triết lý sống có trách nhiệm với cộng đồngxã hội. Theo đó, một đất nước mà vẫn còn người nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc thì ở đó xã hội còn chưa phát triểntoàn diện. Đối với chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tất cả mục tiêu hướng đếnlà vì dân, mang lại lợi ích cho dân, “phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”(8). Do vậy, việc để người dân phải sống trong cảnh đói nghèo thì trách nhiệm thuộc về Đảng và Chính phủ. Vì vậy,nhiệm vụ củaĐảng và Chính phủ là phải chăm lo cuộc sống của nhân dân, phải lãnh đạo, tổ chức nhân dân phát triển sản xuất, ra sức thực hành tiết kiệm. Người chỉ rõ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(9). Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng cho chủ thể quản lý, mà trước hết ở vai trò, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ khi hoạch định, thực hiện chính sách xã hội phải luôn đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí và hiểu rõ dân tình. Trách nhiệm này vô cùng nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, vì hễ còn người dân nào bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng và Chính phủ chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho đến khi trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân.

2. Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Giải phóng con người khỏi mọi áp bức,không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ngườidânlà công việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu trọn đời. Người chỉ rõ, nhân dân lao động là lực lượng vĩ đại từng bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, đã bao đời chịu đựng gian khổ, đã trải qua biết bao hy sinh trong chiến tranh cho nên mặc dù đã thoát khỏi áp bức của đế quốc nhưng họ đang còn thiếu thốn và thường xuyên bị đói nghèo đe dọa. Do đó, lãnh đạo tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa nhằm xóa đói giảm nghèo,không ngừng nâng cao đời sống cho mọi người dân phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện di huấn của Người, trong sự nghiệp xây dựngđất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt và là một trong những nhiệm vụ quan trọnghàng đầu, góp phần thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đã được Đảng và Nhà nước xây dựng thành các chương trình lớn của quốc gia.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu quan trọng: Đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng nhanh, mức sống chung củangười dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề phân hóa giàu nghèo nổi lên giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Vì vậy, ngay từ sớmvấn đề xóa đói giảm nghèo trở thành chủ đề thảo luận ở nhiều diễn đàn quốc gia. Phong trào xóa đói giảm nghèo lan tỏa mạnh trong xã hội. Năm 1996, lần đầu tiên vấn đề xóa đói giảm nghèo được ghi nhận là Chương trình về xóa đói, giảm nghèo(10).Phấn đấu đến năm 2005 về cơ bản không còn hộ đói và chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo(11)và “tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức thực hiện xóa đói giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực kết hợp với sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế”(12).

Giải quyết vấn đề nghèo đói cũng là thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ nhằm hướng tới mục tiêu chung là nâng cao mức sống của người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ sống dưới ngưỡng nghèo. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hằng năm trong thời kỳ 2001 - 2010 đạt 7,2%, GDP bình quân đầu người năm 2010 khoảng 1.160 USD. Cùng với tăng trưởng và phát triển kinh tế, Việt Nam đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo. Với việc giảm 1/2 hộ nghèo vào năm 2002, và đến năm 2010giảm 3/4 số hộ nghèo (so với đầu thập niên 1990), hoàn thành trước mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, Việt Namđãchuyển từ nước nghèo sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Nhờ thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Chương trình 133), Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a) và các chương trình kinh tế, xã hội khác hướng vào mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn 11,3% (năm 2009) và còn 9,45% (năm 2010), bình quân 2% mỗi năm, người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản như: Giáo dục, y tế, nước sạch,... Chính vì vậy, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã về đích trước 10 năm so với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam được xếp thứ 27 trong số 101 nước đang phát triển xét về năng lực xóa đói, giảm nghèo, trên cả các nước trong khu vực như Inđônêsia, Malaysia, Philippin, Thái Lan. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng 41% trong vòng hai thập kỷ. Năm 2014, chỉ số HDI Việt Nam đứng thứ 127/187 quốc gia trên thế giới(13).

Nhìn chung, công cuộcxóa đói, giảm nghèo ở nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định. Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70% - 80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao (7% - 10%); chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 90%; một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền núi duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ là những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%(14). Tốc độ cải thiện đời sống của hộ nghèo ở nhiều nơi còn chậm. Nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia, nhiều địa phương chưa chủ động trong huy động các nguồn lực tại chỗ tương xứng với tiềm năng. Một bộ phận người nghèo chưa tiếp cận được các chính sách, giải pháp trợ giúp của Nhà nước, chưa được hưởng hoặc ít được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện xóa đói, giảm nghèo chưa đồng bộ ở nhiều địa phương; đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực. Việc theo dõi, giám sát, đánh giá thiếuhệ thống chỉ tiêu thống nhất nên gây khó khăn cho công tác tổng kết, sơ kết và chỉ đạo thực hiện chương trình từ trung ương đến địa phương(15).   

Xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài của toàn Đảng và toàn dân, để bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong 10 năm tới, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, chính quyền các cấp nhằm phát huy nội lực của toàn xã hội cũng như sự nỗ lực, vươn lên của người nghèo(16).

Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống 5,8-6%, năm 2015 giảm xuống dưới 4,5%. Gần 2 triệu học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bán trú, hỗ trợ kinh phí học tập với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội đã cho hơn 400.000 lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất, xuất khẩu lao động, hơn 60.000 học sinh nghèo được vay vốn học tập. Nguồn lực dành cho xóa đói, giảm nghèo không ngừng tăng, giúp đối tượng nghèo có cơ hội tiếp cận với chính sách giảm nghèo. Năm 2014, tổng nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương với hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững(17).     

Chương trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam mang đậm triết lý phát triển xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những thành tựu to lớn. Đây thật sự là chương trình có ý nghĩa nhân văn và nhân đạo sâu sắc, là động lực thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu xóa đói, giảm nghèo phải bảo đảm tính toàn diện, công bằng và bền vững. Học tập và làm theo tinh thần chống giặc đói nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biến thành lẽ sống, khát vọng làm giàu, vươn lên trong cuộc sống của toàn thể nhân dân và cả dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

______________

* Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài mang mã số SPD2017.01.02 của Trường Đại học Đồng Tháp

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.627, 627, 628.

(4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.113, 75.

(5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175, 135, 33.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.518.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.221.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.299.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.217.

(13) Lương Thị Hồng: Nhìn lại 30 năm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân (1986-2016), Tạp chí Lịch sử Đảng, 2016, (7), tr.33.

(14), (16) Nguyễn Thị Kim Ngân: “Bước ngoặt mới trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo”, http://www.tapchicongsan.org.vn.

(15) Đinh Xuân Lý: Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện chính sách xã hội trong 25 năm đổi mới (1986-2011), Nxb Đại học Quốc giaHà Nội, 2011, tr.129-130.

(17) Nguyễn Mai Phương: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay", Tạp chí Lịch sử Đảng, 2015, tr.56-59.

 

  ThS Nguyễn Công Lập

Trường Đại học Đồng Tháp

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền