Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bài học “Ý Đảng hợp với lòng dân” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 09:22
5529 Lượt xem

Bài học “Ý Đảng hợp với lòng dân” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(LLCT) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc là “một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”(1).

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kết tinh của lòng yêu nước, tự cường dân tộc; là thành quả trí tuệ của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, tr­­ước hết là năng lực nhận thức và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của Đảng. Đảng đã khơi dậy được tinh thần bất khuất kiên c­­ường, ý chí quyết tâm đấu tranh giành quyền làm chủ vận mệnh đất nước của toàn thể dân tộc để từng bước giành độc lập. Đó chính là sự minh chứng cho “ý Đảng hợp với lòng dân”: đường lối của Đảng khi phản ánh đúng khát vọng chính đáng của đại đa số nhân dân, sẽ trở thành cội nguồn sức mạnh vô tận và khi đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng sẽ trở thành hành động cách mạng của quần chúng.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc Việt Nam lại phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp xâm lược. Trong hoàn cảnh ấy, kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(2). Và “20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn quân thực dân phản động”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Người khẳng định: cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân, 31 triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kỳ già trẻ, gái trai phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ.

Với chiến lược toàn dân kháng chiến, trong cả hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã tổ chức nhân dân cả nước thành một mặt trận với khẩu hiệu “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài”. Khắp các miền Trung, Nam, Bắc không phải chỉ có lực lượng vũ trang đánh giặc, mà toàn dân đánh giặc. Không những các vùng tự do, vùng giải phóng chống giặc mà vùng tạm chiếm cũng đánh giặc, xây dựng cơ sở và căn cứ địa kháng chiến; không chỉ vùng núi, mà nông thôn, đồng bằng và đô thị. Với chiến lược toàn dân kháng chiến, cả nước đánh giặc, nhân dân ta đã tiến hành cuộc chiến tranh không phân rõ đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương. Năm 1954 J.F Kennơđi phải thừa nhận: “sự giúp đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Dương dù đến đâu cũng không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đâu cả, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che giấu và giúp đỡ”(3).

Sức mạnh đó của dân tộc phát huy mạnh mẽ trong kháng chiến chống Pháp và được nhân lên trong kháng chiến chống Mỹ. Mặt trận thống nhất toàn dân tộc ngày càng mở rộng. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ. Lời kêu gọi “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập tự do” của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đến “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc lòng khát khao vì độc lập, tự do của toàn dân tộc, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam đồng tâm, kiên quyết vùng dậy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Sức mạnh đó giúp Đảng chủ động trong mọi tình huống, tạo nên những bước ngoặt chiến lược làm thay đổi cục diện có lợi cho ta trong cả hai cuộc kháng chiến, trong từng chiến dịch, từng kế hoạch chiến lược, giải phóng miền Bắc rồi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Thực tiễn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta đã để lại những kinh nghiệm quý báu, để “ý Đảng hợp với lòng dân” là một, toàn Đảng, toàn dân thống nhất một lòng, đó là:

Một là, Đảng phải đề ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, Đảng đưa ra khẩu hiệu: đòi dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự do đi lại..., bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, chống phá kìm kẹp, đưa nhân dân về quê hương làm ăn, sinh sống. Trong đó, đặc biệt là chính sách ruộng đất của Mặt trận đã phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của dân, được nhân dân ủng hộ. Những thành quả về chính sách ruộng đất của Đảng ở miền Nam đã tác động rất lớn đến đồng bào trong vùng địch tạm chiếm, đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Đảng đến nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, Đảng đã động viên và tổ chức được đến mức cao nhất những năng lực cách mạng to lớn của quần chúng. Báo Diễn đànAnh ngày 6-3-1964 đã bình luận: “Việt Cộng đã thắng lợi vì họ mang lại cho nông dân những cái mà họ mong muốn, nhất là ruộng đất... Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có chương trình rõ ràng để giải quyết vấn đề ruộng đất ở miền Nam, đã và đang thực hiện chương trình đó bằng cách đem hàng triệu ha ruộng đất chia cho nông dân ở các vùng giải phóng”. Vì vậy, khi phát động cuộc đấu tranh, quần chúng trong thôn ấp đã nổi dậy mạnh mẽ tạo thế cho lực lượng vũ trang ở bên ngoài phối hợp phá kìm kẹp giành quyền làm chủ của mình. Kinh nghiệm lịch sử đó khẳng định lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng”(4).

Hai là, phải tin dân, dựa vào dân, bàn bạc với dân về kế hoạch thực hiện chủ trương, biện pháp đấu tranh. Trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, trong mọi hoàn cảnh nhân dân ta đều thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc và một lòng, một dạ hướng về cách mạng, hướng về Đảng. Vì vậy, tin dân, dựa vào dân chính là tăng thêm sức mạnh cho Đảng, dân còn thì Đảng còn và phát triển. Trong thực tiễn, những sáng kiến nảy sinh từ phong trào của nhân dân đã bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp cách mạng của Đảng. Do đó, Đảng phải liên hệ mật thiết để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đúc kết: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”(5)

Ba là, tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân. Đánh giá về công tác “tuyên truyền giáo dục tâm hồn của các cán bộ Mặt trận, các chính trị viên trong quân giải phóng”, GiGôn - học giả phương Tây, năm 1965 đã viết: “...trong những điều kiện đó, người nông dân được tuyên truyền giác ngộ về học thuyết, được rèn luyện và ném vào cuộc chiến đấu với tư cách là người chiến sĩ cách mạng”, đó chính là “Việt Cộng đã tranh thủ được mặt tâm hồn” còn với các binh sĩ Sài Gòn do “thiếu niềm tin vào một sự nghiệp cao cả nên không thể chống lại được Việt Cộng”(6). Điều đó cho thấy, công tác tư tưởng và giáo dục chính trị giữ vai trò quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Để thực hiện được điều đó, trước hết, cần nâng cao trình độ nhận thức của đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng; làm cho đảng viên nhận rõ khó khăn, phức tạp, tránh chủ quan, nóng vội, khinh địch, đồng thời luôn tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Để đường lối của Đảng nhanh chóng trở thành hành động cách mạng của quần chúng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác tư tưởng và giáo dục chính trị là nhiệm vụ thường xuyên. Cần giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp, phù hợp với địa bàn hoạt động cụ thể. 

Bốn là, chú trọng xây dựng và bồi dưỡng cơ sở nòng cốt cách mạng trong nhân dân, đặc biệt là ở những vùng chưa có hoặc tổ chức cơ sở Đảng còn yếu. Thực tiễn cách mạng chỉ ra rằng những nơi nào có cơ sở nòng cốt nhiều và vững chắc thì phong trào đấu tranh phát triển và thu được nhiều thành quả. Do vậy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm nào, đảng viên phải bám trụ trong địa bàn hoạt động, hòa mình trong quần chúng để giáo dục, phát động, tổ chức quần chúng và cùng quần chúng chiến đấu với địch. Ở các vùng trọng yếu, địch kìm  kẹp gắt gao nhằm đánh bật cơ sở của Đảng ra khỏi nhân dân, cán bộ, đảng viên đã kiên trì chịu đựng gian khổ, bất chấp hy sinh tính mạng bám sát nhân dân bằng mọi cách. Khẩu hiệu “phải mang nắp hầm bí mật vào ấp chiến lược”,để từ đó “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch”trở thành phương châm hành động, là bí quyết bám trụ của Đảng trong thời kỳ đầy khó khăn thử thách của cách mạng miền Nam. Các đảng viên ở cơ sở đã gắn bó máu thịt với dân, vì vậy được nhân dân tin yêu và che chở trước sự khủng bố ráo riết của kẻ thù. Câu nói: “Dù hoàn cảnh nào cũng nhớ đến Đảng”của nhân dân miền Nam khi địch đang tiến hành càn quét, khủng bố ác liệt lực lượng cách mạng, đã ăn sâu trong lòng quần chúng, biến thành hành động cách mạng của quần chúng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức cơ sở Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Năm là, hình thức tổ chức và cách thức vận động quần chúng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của phong trào và từng thời điểm lịch sử nhất định.Xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi và sinh mạng cho nhân dân trong các cuộc đấu tranh, động viên nhân dân đấu tranh dưới mọi hình thức ở từng vùng khác nhau, phát huy sáng kiến của phong trào quần chúng. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng với một hệ thống tổ chức phong phú đa dạng, thích hợp với từng đối tượng đã tập hợp được đông đảo nhân dân để tuyên truyền, vận động tập trung mũi nhọn vào cuộc đấu tranh. Đặc biệt tại các cơ sở, Đảng đã chỉ đạo cho xây dựng những tổ chức như tổ thanh vận, tổ binh vận, tổ an ninh trật tự, tổ tuyên - văn - giáo, tổ dân vận... Các tổ chức đó đã “phải giáo dục, làm cho quần chúng tự giác tự động biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh”(7). Nhờ đó, Đảng ta đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân, kể cả những binh sĩ và gia đình binh sĩ có tinh thần yêu nước góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành dân, giành đất với địch.

Để làm được điều đó, đảng viên ở cơ sở không chỉ quán triệt tinh thần quyết tâm, khẩn trương, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng xả thân vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà phải có trình độ lý luận và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn. Đảng viên ở cơ sở phải có trình độ lý luận nhất định để nắm bắt đúng tinh thần, chủ trương, đường lối của Đảng, trên cơ sở đó  tổ chức quần chúng tiến hành đấu tranh; biến những chủ trương, đường lối của Đảng thành phong trào cách mạng của quần chúng.

Thành công của Đảng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược đã chứng tỏ rằng Đảng đã thực hiện đúng đường lối dân vận, dựa vào dân, tin dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Đảng tồn tại, trưởng thành và phát triển trong phong trào cách mạng của quần chúng, “Quần chúng còn là Đảng ta vẫn tồn tại, Đảng còn tồn tại là phong trào cách mạng vẫn phát triển. Thực tiễn cho ta thấy nếu biết dựa vào quần chúng và tin tưởng vào quần chúng là tất đúng. Đó là chân lý và cũng là bài học quý báu của chúng ta trong phong trào qua”(8). Đó không những là nguyên tắc cần phải quán triệt trong xây dựng Đảng mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của bản thân Đảng. Giáo sư sử học người Mỹ Gabrien Côncô khi nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt Nam đã nhận xét: “Những cán bộ đều luôn luôn có mặt, chia sẻ cuộc sống của nhân dân, làm cho Đảng luôn luôn gắn liền với lo âu ước vọng của quần chúng. Những người Mỹ nghiên cứu vai trò của cán bộ của thôn xóm, đều thấy họ được lòng dân và được kính trọng với tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là con người với con người”(9).

Thực tiễn của quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã khẳng định một điều rất rõ ràng là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào khi Đảng thể hiện là người đại biểu trung thành và đầy đủ những lợi ích sống còn, những nguyện vọng sâu xa và chính đáng của nhân dân và của cả dân tộc, thì Đảng sẽ tổ chức và động viên được đến mức cao nhất những năng lực cách mạng tổng hợp to lớn và sức sáng tạo vô tận của toàn thể nhân dân. Thực tế lịch sử ấy đã minh chứng cho nhận định của Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy được lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”(10).

Bài học lịch sử “ý Đảng hợp với lòng dân” càng có giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, hơn lúc nào hết Đảng phải tiếp tục quán triệt “lòng dân là quốc bảo” cả trong hoạch định đường lối và cả trong chỉ đạo thực hiện đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện lịch sử mới, với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Đó là một trong 5 bài học mà Đại hội XII của Đảng tổng kết qua 30 năm đổi mới:“đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(11).

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.471

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.480.

(3) Maicơn Máclia: Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.12.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, sđd, tr.139.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, sđd,tr.297.

(6) Phương Tây viết về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, TTXVN, 1978, tr.115.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, sđd, tr.27

(8) Trung ương Cục miền Nam: Báo cáo tình hình tổ chức và tư tưởng của Đảng Nam bộ từ hòa bình lập lại đến nay, 1961, Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(9) Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr.153.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, sđd,tr.97.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.69.

 

PGS, TS Trần Thị Thu Hương

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền