Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay
Thứ sáu, 03 Tháng 11 2017 17:48
4377 Lượt xem

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay

(LLCT)- Tư tưởng chính trị trong Đảng là lĩnh vực quan trọng, liên quan đến nền tảng tư tưởng, lý tưởng chính trị, niềm tin của cán bộ, đảng viên với sự nghiệp của Đảng, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Ra đời 70 năm trước (1947), nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, có đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng.

Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn “phải giữ chủ nghĩa cho vững”.20 năm sau, tháng 10-1947, Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lối làm việc gồm 6 phần chính.Giữa lúc Người đang hoàn chỉnh tác phẩm, thì thực dân Pháp mở Chiến dịch tấn công lên Việt Bắc Thu - Đông (7-10-1947), âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược. Trong tình thế cấp bách và bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tập trung việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tuy vậy, Người không dùng từ ngữ “đao to búa lớn” như: chỉnh huấn, chỉnh đảng hay chỉnh đạo đức tư tưởng tác phong…, mà ngôn ngữ nhẹ nhàng, dung dị, dễ hiểu.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm giữ vững phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đây là những nội dung cần thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, có đạo đức, phẩm chất cách  mạng. Theo Hồ Chí Minh, vai trò của cán bộ rất quan trọng: “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1). “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(2). Do vậy, cán bộ, đảng viên phải xác định đúng đắn tư tưởng chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm nhưng cũng vướng những khuyết điểm. Biểu hiện của những khuyết điểm đó thường là: nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, thiếu đoàn kết, thống nhất, không gắn kết với nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả Người cho rằng, tất cả những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục nếu cán bộ, đảng viên vững vàng, kiên định về tư tưởng chính trị.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, xuyên suốt là những chỉ dẫn về giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực làm việc về tư tưởng chính trị, tư cách đạo đức, thực sự là “công bộc” của nhân dân.  Người nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một đảng vì dân vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”(3).

Sau 30 năm đổi mới, đất nước đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên sự suy thoái về tư tưởng chính trị,đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viênvẫn chưa đượcngăn chặn, đẩy lùi.

Các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN. "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…".

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị biểu hiện ở các dạng chủ yếu sau đây: Sự phai nhạt về lý tưởng, hoài nghi về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về CNXH và con đường đi lên CNXH, đường lối cách mạng của Đảng. Nói và làm không nhất quán, không đúng đường lối, quan điểm, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phụ họa theo các quan điểm lệch lạc; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tệ quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Ngại học tập lý luận chính trị, ngại tham gia các phong trào cách mạng. Do đó, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trịtrong Đảng hơn lúc nào hết trở nên nóng bỏng và cấp thiết. Đây là cuộc đấu tranh chắc chắn còn diễn ra lâu dài và quyết liệt.

Hiện nay, các thế lực phản động dùng nhiềuthủ đoạntấn côngvào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằmgây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, lý tưởng XHCN; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi CNTB. Đồng thời, chúng dùng chiêu bài “phi chính trị hóa”, tuyên truyền với luận điểm:“chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”; họ tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội;“xưa kia trong chế độ phong kiến làm gì có chủ nghĩa xã hội đâu mà cha ông ta vẫn giữ vững được độc lập dân tộc”, v.v.. Do vậy, cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra quyết liệt trên nhiều lĩnh vực.

Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN. Trong các văn kiện đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ(4). Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”(5), “uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng”. Đại hộiIX yêu cầuphải “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”(6). Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ”(7). Đại hội XI,XIItiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

Đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về công tác tư tưởng trogn tình hình mới xác định nhiệm vụ thường xuyên, liên tục “chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch”(8). Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Hội nghị Trung ương 5 khóa X của Đảng Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước...

Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội. Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng”(9). Trước tình hình đó, một nhiệm vụ quan trọng là: “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ tự diễn biến ở cả trung ương và các ngành, các cấp”(10).

Luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Gắn liền với hai nghị quyết này là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Ðẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thể hiện quyết tâm về chống suy thoái tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đều nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; vừa phải tập trung sức vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vừa phải đẩy mạnh phong trào Ðẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã nêu các nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình và một số giải pháp về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trên đã đưa đến một số kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị  hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đượcyêu cầucủa tình hìnhmớivà nhiệm vụ đặt ra. Đó là: không ít cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, của những quan điểm sai trái, thù địch đi ngược lại đường lối của Đảng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.Đặc biệt,chưa nhận thức rõ tác hại của “tự diễn biến” trong nội bộ,nhữngnguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta. Nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên không thấy rõ trách nhiệm phải tham gia vào cuộc đấu tranh này, như người đứng ngoài cuộc, thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái.Chất lượng và hiệu quả đấu tranh còn thấp. Tính chiến đấu chưa cao, tính khoa học, tính sắc bén, tính lôgíc chặt chẽ trong lập luận còn thiếu, nhiều khi phê phán theo kiểu áp đặt hoặc “nói lấy được”, do đó,tính thuyết phục còn hạn chế. Tác động làm thay đổi nhận thức, củng cố niềm tin, lý tưởng trong cán bộ, đảng viên chưa rộng và chưa sâu. Thiếu những hình thức, biện pháp cụ thể, có sức thuyết phục để xây dựng, củng cố niềm tin, phản bác những quan điểm sai trái, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp, mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình đổi mới…

Cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng là thường xuyên, lâu dài và quyết liệt. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập, nghiên cứu tư tưởng cốt lõi trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tự sửa chữa khuyết điểm, giữ gìn bản chất cách mạng và mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân; rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức giác ngộ chính trị, sâu sát nhân dân.

____________________

(1) (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quố gia, Hà Nội, 2011, tr. 280, 294.

(2) XYZ: Sửa đổi lối làm việc, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 45

(4) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 198.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.141.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86.  

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.109.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.137.

(9) (10) ĐCSVN: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005 - 2010, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.117, 125, 117-125.

 

               TS Đặng Kim Oanh

                                                                Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

                              

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền