Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng nhà nước kiến tạo thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:30
2091 Lượt xem

Xây dựng nhà nước kiến tạo thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh

(LLCT) - Hiện nay, quan điểm nhà nước cần bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, loại trừ cạnh tranh không lành mạnh và chống độc quyền đã trở nên phổ biến. Việc thực hiện quan điểm này ở các nước đi trước có thể cung cấp bài học kinh nghiệm cho các nước đi sau trong phát triển kinh tế thị trường như Việt Nam.

1.  Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và các quan điểm về sự can thiệp của Nhà nước

Cạnh tranh, xét về mặt kinh tế, là sự ganh đua hay đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế (nhà sản xuất, nhà phân phối, thương nhân, nhàbán lẻ, người tiêu dùng,...) nhằm giành được những lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi thế về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình. Do kinh tế thị trường là nền sản xuất “thừa”, nên cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa những nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ; tức là diễn ra chủ yếu ở phía cung, chứ không phải ở phía cầu.

Cạnh tranh là hiện tượng vốn có, phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Nó có thể diễn ra giữa các doanh nghiệp cùnghoặc khácngành sản xuất, hoặc giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong quá trình cạnh tranh, các chủ kinh tế có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn cạnh tranh về giá (giá đầu vào yếu tố sản xuất, giá hàng hóa, dịch vụ) và cạnh tranh phi giá (khuyến mãi, quảng cáo...).

Cạnh tranh tác động tới nền KTTT theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, do đó, trở thành chủ đề được các nhà kinh tế thuộccác trường phái lý thuyết quan tâm nghiên cứu.

Khởi phát là quan điểm của các nhà kinh tế thuộc trường phái Cổ điển Anh thế kỷ XVII-XIX. Trong đó, A. Smith, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Của cải của các dân tộc” (1776), cho rằng sự giàu có thực sự của một quốc gia chính là dòng sản phẩm và dịch vụ mà nền kinh tế đó tạo ra. Và, cách để tối đa hóa việc tạo ra của cải đó chỉ có thể là giải phóng mọi năng lực sản xuất của đất nước. Tự do cạnh tranh là điều kiện không thể thiếu để các chủ thể kinh tế di chuyển các nguồn lực có lợi nhất cho xã hội. Theo ông, trong điều kiện đó, mỗi cá nhân liên tục nỗ lực để tìm ra cho mình một việc làm có lợi nhất trong phạm vi số vốn mà người đó có. Anh ta làm như vậy là vì lợi ích của bản thân, chứ không phải vì lợi ích của xã hội. Nhưng việc tìm kiếm một công việc có lợi chobản thân, tất nhiên, hoặc đúng hơn sẽ dẫn anh ta đến chỗ tìm một công việc có lợi nhất cho xã hội(1). Ông còn nhận thấy sự gia tăng cạnh tranh tuy sẽ làm giảm lãi suất, tỷ suất lợi nhuận và giảm mức tiền công của công nhân, nhưng công chúng sẽ có lợi vì sản phẩm mà họ mua được rẻ hơn trên thị trường(2). Tuy chỉ ra tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến độc quyền, làm cho nền kinh tế sản xuất dưới mức tiềm năng, gây thiệt hại cho xã hội và bất lợi cho người tiêu dùng, nhưng dựa trên quan điểm “Bàn tay vô hình”, ông đã đề nghị cần đề cao vai trò tự điều tiết của cơ chế thị trường trong hoạt động của các chủ doanh nghiệp. Sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là không cần thiết(3).

Lý thuyết cạnh tranh của A. Smith đã tiếp tục được phát triển bởi các nhà kinh tế Tân cổ điển vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với tư tưởng cơ bản là nền kinh tế thị trường tự điều tiết cân bằng cung - cầu. Các doanh nghiệp cạnh tranh để tìm nơi đầu tư có lợi nhằm đạt mức lợi nhuận cao hơn. Quá trình này diễn ra dưới tác động của thị trường được dẫn dắt bởi cầu của người tiêu dùng. Khi một sản phẩm có giá tăng, tức là cầu tăng, thì các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất; ngược lại, khi giá giảm thì họ quyết định chuyển sang sản xuất những sản phẩm khác có lợi nhuận cao hơn. Sự can thiệp của nhà nước vào cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là không cần thiết.

Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng kinh tế, trực tiếp là của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929-1933 đã khiến cho J.M. Keynes - nhà kinh tế học người Anh - mất lòng tin “vào bàn tay vô hình”. Ông cho rằng, nền kinh tế thị trường không phải là phép màu có thể giải quyết được các bài toán kinh tế, xã hội. Cạnh tranh làm xuất hiện tình trạng sản xuất “thừa”, gây ra khủng hoảng kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước phải can thiệp vào thị trường trong việc phân bổ đầu tư, điều chỉnh chi tiêu bằng cách sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ. Song, trong khi quá đề cao vai trò của nhà nước, Keynes lại bỏ qua vai trò của thị trường và không nhìn nhận đúng mức tác động tích cực của cạnh tranh trong nền kinh tế.

Các nhà kinh tế thuộc chủ nghĩa Tự do mới đã phê phán hạn chế trong học thuyết của Keynes và đưa ra quan điểm cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước ở mức độ nhất định. Họ khẳng định tự do kinh tế, tự do cạnh tranh là một quyền lợi chính đáng. Điều này đòi hỏi địa vị xã hội đặc quyền cho các nhà kinh doanh, cụ thể cần trao quyền kiểm soát nền kinh tế cho thị trường và các nhà kinh doanh. Nhà nước chỉ có vai trò duy trì môi trường ổn định để các chủ thể tự do hoạt động, không bị can thiệp hoặc chỉ có sự can thiệp khi cần thiết, đặc biệt chịu rất ít sự can thiệp hành chính hoặc chính trị. Khi tranh cử chức Tổng thống Mỹ, R.Reagan cho rằng: “Sự thịnh vượng và phát triển kinh tế sẽ không thể có nếu thiếu tự do kinh tế và không thể bảo vệ tự do cá nhân và chính trị của chúng ta nếu thiếu tự do kinh tế”(4).

Nhằm tìm giải pháp cho nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nửa cuối thế kỷ XX, trên cơ sở các lý thuyết trước đó, P.A. Samuelson, nhà kinh tế học người Mỹ đã khẳng định và đánh giá cao tác động tích cực của cạnh tranh trong phân bổ và sử dụng nguồn lực hướng đến một nền kinh tế có hiệu quả và sự công bằng xã hội. Ông là người đầu tiên đưa ra những phân tích sâu sắc về tác động tiêu cực của cạnh tranh và gọi đó là “những thất bại của thị trường”. Theo ông, cạnh tranh nếu không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến độc quyền, làm cho nền kinh tế sản xuất dưới mức tiềm năng. Do theo đuổi cạnh tranh nên các chủ doanh nghiệp có thể gây ra những tác động “tiêu cực bên ngoài” đó là tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Cạnh tranh cũng là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Ông viết: “Ngay cả hệ thống thị trường hiệu quả nhất vẫn có thể sinh ra bất bình đẳng lớn”(5). Do thị trường không thể tự “sửa chữa” được những thất bại do nó tạo ra, nên sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là cần thiết. Mục tiêu của sự can thiệp là nhằm sửa chữa những thất bại của thị trường, để thị trường hoạt động có hiệu quả. Ông cũng đề xuất những công cụ để nhà nước can thiệp vào nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, các nhà kinh tế học đều khẳng định cạnh tranh là vốn có trong nền kinh tế thị trường. Song tác động của cạnh tranh đối với đời sống kinh tế - xã hội chỉ được nhận thức toàn diện và ngày càng rõ ràng từ nửa cuối của thế kỷ XX đến nay.

Hiện nay, quan điểm nhà nước cần bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, loại trừ cạnh tranh không lành mạnh và chống độc quyền đã trở nên phổ biến. Việc thực hiện quan điểm này ở các nước đi trước có thể cung cấp bài học kinh nghiệm cho các nước đi sau trong phát triển kinh tế thị trường như Việt Nam.

2. Quan điểm của Đảng ta về vai trò của Nhà nước với cạnh tranh

Mục tiêu của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà các chủ thể kinh tế đang có. Dựa vào tính chất và sự tác động của các chủ thể kinh tế  đối với thị trường, có thể phân chia cạnh tranh thành 3 loại: cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh.

Cạnh tranh lành mạnh “là hình thức cạnh tranh công khai, công bằng và ngay thẳng giữa các đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh”(6). Cạnh tranh lành mạnh khác với cạnh tranh không lành mạnh. Nếu cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiềm năng vốn có của doanh nghiệp, với mục đích thu hút khách hàng và đem lại hiệu quả tối ưu cho khách hàng, thì cạnh tranh không lành mạnh không dựa vào tiềm năng thực sự của doanh nghiệp, mà có mục đích thuần túy lợi nhuận dựa trên hành vi không trung thực, gây thiệt hại cho đối thủ và khách hàng. Cạnh tranh lành mạnh tuân thủ theo pháp luật cạnh tranh và tập quán kinh doanh thông thường; còn cạnh tranh không lành mạnh trái với pháp luật hoặc tập quán kinh doanh thông thường.

Cạnh tranh lành mạnh cũng khác với các hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp không gặp “rào cản” trong tiếp cận nguồn lực sản xuất, còn trong hạn chế cạnh tranh, có những doanh nghiệp không thể tiếp cận được các nguồn lực này. Nếu trong cạnh tranh lành mạnh, giá cả hàng hóa, dịch vụ được quyết định bởi cung - cầu trên thị trường, thì giá cả trong hạn chế cạnh tranh do người thực hiện hành vi này quyết định (giá độc quyền). Cạnh tranh lành mạnh cho phép sử dụng linh hoạt và tối ưu các nguồn lực sản xuất; còn trong hạn chế cạnh tranh, việc sử dụng các nguồn lực sản xuất ở dưới mức tiềm năng. Hành vi hạn chế cạnh tranh luôn hướng đến hình thành một sức mạnh thị trường hoặc tận dụng sức mạnh thị trường để làm cho cạnh tranh trên thị trường bị biến dạng. Có hai dấu hiệu để xác định hành vi hạn chế cạnh tranh: (i) Chủ thể thực hiện hành vi có thể là một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp, các doanh nghiệp này hoặc đã có sức mạnh thị trường, hoặc hướng đến hình thành sức mạnh thị trường bằng cách thỏa thuận hoặc tập trung kinh tế; và (ii) Các hành vi được thực hiện nhằm mục tiêu làm biến dạng cạnh tranh, tức là có thể là làm thay đổi cấu trúc thị trường, thay đổi tương quan cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, loại bỏ đối thủ, ngăn cản đối thủ tiềm năng để làm giảm đi sức ép cạnh tranh hiện có hoặc sẽ có, bóc lột khách hàng... Thông thường, hạn chế cạnh tranh bao gồm ba dạng hành vi là: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền để hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế.

Như vậy, so với cạnh tranh không lành mạnh, thì các hành vi hạn chế cạnh tranh có khả năng gây thiệt hại cao hơn. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả. Nó đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đa dạng, chất lượng cao với giá cả hợp lý; mang lại những thành tựu phát triển của khoa học kỹ thuật và sự hợp lý trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh là trọng tài công bằng để lựa chọn những nhà kinh doanh có đủ năng lực, đủ bản lĩnh để tồn tại và phát triển. Cạnh tranh lành mạnh cũng có thể được hiểu là “cạnh tranh có hiệu quả” như trong quan niệm của các nhà kinh tế thuộc trường phái Nền kinh tế thị trường xã hội Cộng hòa Liên bang Đức vào giữa thế kỷ XX.

Nhận thức được tác động tích cực của cạnh tranh lành mạnh, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu: “Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển các loại thị trường đi đôi với xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế, để thị trường hoạt động năng động, có hiệu quả, có trật tự, kỷ cương trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh”(7). Theo đó, Nhà nước phải đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trên quan điểm các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Yêu cầu này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XII của Đảng: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”(8);“Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất... Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh”(9).

Như vậy, nhiệm vụ của nhà nước kiến tạo phát triển đã được xác định rõ ràng. Nhà nước không thể làm thay thị trường, nhưng với chức năng của mình, nhà nước có thể hướng các chủ thể sản xuất - kinh doanh bên cạnh lợi ích của mình, còn quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế theo định hướng đã lựa chọn. Tính định hướng phát triển nền kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bản chất chính trị và năng lực kiến tạo phát triển của nhà nước. Do bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên hoàn toàn có khả năng tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, một “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

3. Nhà nước kiến tạo và các giải pháp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh

Do là nước đi sau trong phát triển kinh tế thị trường, việc chuyển đổi vai trò nhà nước từ “chỉ huy” sang kiến tạo phát triển ở nước ta hiện đang được triển khai. Từ thực tiễn nước ta và kinh nghiệm của các nước đi trước, để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước với vai trò kiến tạo phải làm được các việc sau:

Thứ nhất, hoàn thiện việc sửa đổi pháp luật cạnh tranh hiện hành

Luật Cạnh tranh của nước ta được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2005. Qua hơn 10 năm thực thi, bộ luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Thí dụ, việc xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh. Các hành vi vi phạm bao gồm cả hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, v.v..

Có nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất của pháp luật và cơ chế thực thi như tình trạng một hành vi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, thực thi bởi các cơ quan quản lý khác nhau gây nên nhiều bất cập trong khâu xử lý. Các quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước. Bởi vậy, cần rà soát để điều chỉnh, hoàn thiện Luật Cạnh tranh trên quan điểm bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát huy tính sáng tạo của nhà kinh doanh, tạo điều kiện để họ tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh trên thương trường, nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Cạnh tranh cũng phải hướng đến tiệm cận luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, tuy đã có Luật Cạnh tranh, nhưng Việt Nam vẫn chưa có chính sách cạnh tranh. Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành chính sách cạnh tranh nhằm tạo sự đồng bộ trong cơ chế quản lý, phát huy vai trò nhà nước kiến tạo phát triển. Chính sách cạnh tranh phải quy định rõ các điều kiện gia nhập thị trường, các trường hợp nhà nước hỗ trợ và can thiệp vào thị trường, chính sách cạnh tranh ngành, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước..., đồng thời cần có điều khoản riêng để xử lý độc quyền hành chính.

Thứ hai, tăng cường năng lực của cơ quan thực thi pháp luật

Các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh ở nước ta hiện nay bao gồm Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Cục Quản lý cạnh tranhlà cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, có nhiệm vụ kiểm soát quá trình tập trung kinh tế; thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh; xử lý, xử phạt các hành vi đó. Hội đồng Cạnh tranh là tổ chức do Chính phủ thành lập bao gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng... có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh.

Tuy đã được thành lập và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như trên, nhưng mô hình cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay đang tách biệt giữa điều tra (Cục quản lý cạnh tranh) và xử lý vụ việc (Hội đồng cạnh tranh). Ngay cả Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan trực thuộc bộ vẫn chưa bảo đảm được tính tự chủ trong quản lý ngân sách hoạt động, tuyển chọn, bổ nhiệm cũng như đào tạo nhân sự đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế, khi số vụ kiện về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh tăng lên một cách đáng kể. Hơn nữa, các cơ quan thực thi còn hạn chế về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất; trong khi một bộ phận xã hội có tâm lý ngại khiếu nại, ngại va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin.

Bởi vậy, cần có biện pháp tăng cường nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý của Cục Quản lý cạnh tranh; đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh tạo sự đồng bộ. Tạo cơ hội để người dân hiểu biết rộng rãi về hai cơ quan trên, từ đó có ý thức phối hợp, cung cấp thông tin.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước trên quan điểm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm sự công bằng

Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước đang giữ hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, do đó, đối tượng điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh có thể là các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn, thậm chí là các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay vẫn chưa phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh, nhất là đối với các hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Việc tập trung sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể làm tăng nguy cơ rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị. Trong khi đó, cơ quan quản lý cạnh tranh lại không có vị thế đủ mạnh nên không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Mặt khác, việc Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh tiến hành điều tra và xử lý những vụ việc có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến những quan ngại về tính khách quan do quan niệm cơ quan nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Bởi vậy, để làm tốt vai trò nhà nước kiến tạo phát triển, trước hết, cần phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh để xem xét lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước. Phải làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự là đối thủ cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, cần nâng cao vị thế và năng lực của cơ quan quản lý cạnh tranh, nhằm thực sự làm tốt vai trò người “thổi còi” để “cuộc chơi” của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế công bằng và hiệu quả.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1), (2), (3) Adam Smith: The Wealth of Nations, The Pennsylvania State University, http://eet.pixel-online, org, 2005, tr.362, 107, 111.

(4) USICA, Official text, President Reagan’s Speech to World Bank/IMF, 30-9-1981.

(5) P.A.Samuelson, William Nordhaus: Economics 19e, McGraw-Hill Irwin, 2009, tr.38.

(6) Bryan A.Garner: Black’s Law Dictionary. ISBN-13: 978-0314613004, Nxb Thomson West; Ấn bản lần thứ 10 (9-5-2014), tr.279.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.192.

(8), (9) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.106, 103.

 

PGS, TS An Như Hải

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền