Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Cao Bằng - nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hồi sinh sức sống và đổi mới Đảng
Thứ sáu, 26 Tháng 1 2018 16:26
1605 Lượt xem

Cao Bằng - nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hồi sinh sức sống và đổi mới Đảng

(LLCT) - Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước và chuẩn bị những điều kiện cơ bản về lý luận và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Thôn Pác Bó (Cao Bằng) được Người chọn làm nơi ở và làm việc đầu tiên để trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Tại đây, Người đã thực hiện thành công những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945).

1. Hồi sinh Đảng về tổ chức

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng, khi Đảng ta đang trong giai đoạn khó khăn nhất về tổ chức. Ban Chấp hành Trung ương được thành lập từ năm 1930, sau 10 năm hoạt động, đã có nhiều thành công trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, do những nguyên nhân tả khuynh trong đường lối và sai lầm trong phương pháp cách mạng nên đã bị thực dân Pháp khủng bố tàn khốc và bị tổn thất nặng nề cả về tổ chức và cán bộ. Chỉ tính từ đầu năm 1940 đến trước khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hàng loạt các ủy viên Trung ương bị thực dân Pháp bắt và giết hại. Trước tình hình khủng hoảng về tổ chức và cán bộ, để củng cố tổ chức, Đảng đã triệu tập Hội nghị Trung ương tại Đình Bảng, Bắc Ninh (từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940), thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và cử đồng chí Đặng Xuân Khu, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, tình hình tổ chức và cán bộ của Đảng còn gặp khó khăn bội phần khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, giết hại tất cả các đồng chí trong Trung ương Đảng bị bắt.  

Bởi vậy, khi về đến Cao Bằng, trước sự khủng hoảng đó, việc đầu tiên mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập trung thực hiện là củng cố tổ chức của Đảng mà trước hết là tiến hành thành lập một Ban chấp hành Trung ương chính thức để lãnh đạo cách mạng, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới trước sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Với những kết quả đạt được của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quan trọng hồi sinh Đảng về tổ chức. Đó là thành công đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở về nước lãnh đạo cách mạng.              

2. Đổi mới về lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng

Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng đã phân tích những vận động mới của tình hình thế giới, trong nước và chỉ rõ: “không những các tầng lớp thợ thuyền, dân cày, quần chúng lao khổ cũng phải ráo riết dưới hai tầng áp bức Pháp - Nhật, mà ngay các tầng lớp tiểu tư sản, phú nông, địa chủ, viên chức tất thảy đều bị phá sản và khánh kiệt dưới sự bóc lột của Pháp Nhật. Do đó, thái độ của các giai cấp nhân dân cũng đã thay đổi nhiều(1) và điều đó làm cho “lực lượng cách mạng và phản cách mạng cũng thay đổi”. Trước những vận động mới của tình hình trong và ngoài nước, Hội nghị quyết nghị: “Cần thay đổi chiến lược” và đã giải thích rằng “Sự thay đổi về kinh tế, chính trị ở Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho phù hợp với tình hình thay đổi. Đảng ta phải có chính sách cách mạng thích hợp với tình trạng ấy, mới chỉ dẫn cuộc cách mạng đến thắng lợi chắc chắn được”. Bởi vậy, Hội nghị xác định: “nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là nhiệm vụ trước tiên của Đảng và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương...Vậy thì, cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kípdân tộc giải phóng”, “cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.

Hội nghị chỉ rõ: “trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại giải quyết sau. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng về vấn đề dân tộc”.  Để làm tròn được nhiệm vụ ấy, Đảng phải tập trung huy động được tất thảy lực lượng cách mạng, liên minh tất cả các lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc chống phát xít Nhật. Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra rằng sự liên minh đó không có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh giai cấp. Phân tích về mối quan hệ dân tộc -giai cấp, Hội nghị cho rằng, vấn đề đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại nhưng nhiệm vụ đấu tranh giai cấp, lợi ích giai cấp phụ thuộc vào cuộc đấu tranh dân tộc, lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên lợi ích giai cấp” vì vấn đề giai cấp còn tồn tại mãi và khi giải quyếtđược vấn đề dân tộc thì trên thực tế cũng đã giải quyếtđược một phần vấn đề giai cấp, lợi ích giai cấp. Lúc này chưa làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền không phải là bỏ nhiệm vụ điền địa, “không phải là lùi một bước, mà chỉ bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”. Đảng ta chỉ rõ: việc tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc không có nghĩa là bỏ nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, mà sau đó còn phải tiếp tục hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền để tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Những vấn đề trên đây được Đảng ta xác định là Chính sách mới của Đảng, trong đó, trước tiên là sự “thay đổi chiến lược” của Đảng như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 đã nêu rõ - mà thực chất là việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong đường lối cách mạng nước ta phù hợp với điều kiện lịch sử của đất nước. Chính sách mới được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng chính là sự đổi mới trong tư duy lý luận của Đảng về chiến lược cách mạng của nước ta.

3. Đổi mới xây dựng lực lượng cách mạng.

Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng đã phân tích: với mục đích là đánh đuổi Pháp, Nhật nên lực lượng cách mạng Đông Dương “chính là nhân dân Đông Dương không phân biệt dân tộc nào, giai cấp nào”,… “không phải riêng của giai cấp vô sản và dân cày, mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân Đông Dương”. Vì vậy, Đảng chủ trương “ta phải liên hiệp với tất thảy nhân dân Đông Dương không chừa một giai cấp nào”. Để có thể tập hợp được một lực lượng cách mạng rộng rãi, Đảng ta cho rằng: “Căn cứ vào tình hình đã thay đổi như trên lẽ tất nhiên chiến thuật vận động của Đảng cũng phải thay đổi” và chiến thuật đó “phải làm thế nào có lợi cho cách mạng ấy là cần thiết”.

Sự đổi mới về chiến thuật được Đảng ta chỉ ra trên các phương diện sau đây: Một là,những khẩu hiệu cao chưa thực hiện được trong tình hình hiện tại thì không để vào” và phải “vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (trước hết là dân tộc Việt Nam)”; Hai là, Mặt trận tập hợp lực lượng cách mạng, vì thế, “không thể gọi tên như trước là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính dân tộc hơn, cho có một mãnh lực hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại và ở Việt Nam là Việt Nam độc lập đồng minh hay nói tắt là Việt Minh”, ở Lào là “Ai lao độc lập đồng minh” và ở Campuchia là “Cao miên độc lập đồng minh”.

Như vậy, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta chủ trương giải quyếtnhiệm vụ dân tộc trong khuôn khổ từng dân tộc, các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương sẽ tự quyết định vận mệnh của mình, tương lai của đất nước mình nhưng không có nghĩa là tách rời cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào và Campuchia vì ba dân tộc đều có kẻ thù chung là Pháp - Nhật. Muốn đánh đuổi chúng, “phải có một lực lượng thống nhất của tất cả các dân tộc Đông Dương”, phải có sự đoàn kết, ủng hộ của phong trào cách mạng, phong trào dân chủ chống phát xít thế giới. Chủ trương trên thể hiện tư tưởng nhất quán của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - từ  Đường Cách mệnh đến Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, từ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến Đảng Cộng sản Việt Nam và tới Hội nghị Trung ương 8 của Đảng.

4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng 

Không chỉ có sự đổi mới về tên gọi của Mặt trận dân tộc thống nhất để có mãnh lực hiệu triệu hơn, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng ta còn chủ trương đổi mới cả trong cơ cấu tổ chức cũng như việc xác định giá trị và hiệu quả của các tổ chức trong Mặt trận. Điều đặc biệt là, sự đổi mới đó đi đôi với sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.

Có thể thấy rõ điều này trên các phương diện sau: Một là, để có địa vị lãnh đạo đối với Mặt trận, Đảng phải “nhờ chính trị đúng đắn của Đảng và tinh thần hy sinh của Đảng”, chỉ có như vậy, Đảng mới “có ảnh hưởng lớn và uy tín để lãnh đạo toàn dân tranh đấu chống kẻ thù”; Hai là, sự lãnh đạo của Đảng phải “Nhờ các đảng viên của Đảng tham gia các đoàn thể cứu quốc mà có thể đem chính sách của Đảng ta tuyên truyền phổ biến trong Việt Minh”; Ba là, Đảng phải có phương pháp thích hợp trong tổ chức các đoàn thể quần chúng, “phải mở rộng phạm vi cách mạng vào trong các tầng lớp nhân dân có thể có ít tinh thần yêu nước và muốn giải phóng dân tộc. Vậy nên, phải hạ thấp điều lệ xuống cho dễ thu phục hội viên và cho các đoàn thể phát triển hơn...; phương pháp tổ chức lại phải hết sức mềm dẻo thích hợp từng nơi và từng chỗ, đừng quá chú trọng hình thức mà bỏ mất thực tế lợi ích của nó”, phải căn cứ vào hành động chung của các đoàn thể cứu quốc như tranh đấu chung, hiệu triệu chung để tính giá trị và hiệu quả...

Cùng với những vấn đề trên là sự đổi mới trong công tác tuyên truyền sao cho “hết sức mềm thống nhất thích hợp với chính sách cứu quốc của Đảng và sát hợp với tình thế xảy ra hàng ngày”, thậm chí Đảng chủ trương “không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh thay vào. Phải khêu gợi tinh thần ái quốc mạnh mẽ thức tỉnh một cách thống thiết những tình ái quốc của nhân dân...”. Trong  nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh, cũng phải “thấy rõ quyền lợi dân tộc cao hơn hất thảy, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi của dân tộc. Cho nên, Đảng cũng chủ trương “trong lúc này, cuộc tranh đấu chống địa chủ và tư bản bản xứ không quan trọng bằng cuộc đấu tranh chống Pháp - Nhật... mỗi khi quyền lợi của hai giai cấp xung đột nhau đến cực điểm mà Đảng ta xét cuộc tranh đấu là cần thiết thì Đảng cương quyết lãnh đạo cuộc tranh đấu ấy. Nhưng trước lúc lãnh đạo cuộc tranh đấu kịch liệt, Đảng ta phải đứng ra dàn xếp làm cho hai giai cấp nhân nhượng quyền lợi cho nhau để khỏi xảy ra chia rẽ các tầng lớp nhân dân trong khi sự hợp nhất là cần thiết để chống lại Pháp - Nhật”. 

Bên cạnh những đổi mới trên, Đảng ta còn đặc biệt chú trọng Vấn đề xây dựng Đảng. Việc chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về công vận, nông vận, binh vận...; tăng thêm thành phần vô sản trong Đảng, tăng cường công tác vận động công nhân và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong việc tổ chức quần chúng của Đảng, làm cho phong trào công nhân trở thành phong trào tiên phong cho các phong trào khác; phân công Đảng bộ miền Nam, Đảng bộ miền Trung giúp đỡ việc xây dựng Đảng ở Campuchia, Lào,… nhằm làm cho Đảng có đủ năng lực lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc tới thắng lợi...

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ quan tâm tới sự thống nhất tư tưởng, đường lối, tổ chức lực lượng cách mạng, phương thức tổ chức thực hiện mà còn chú ý củng cố tổ chức của Đảng cũng như các hệ thống tổ chức chính trị xung quanh Đảng. Vì vậy, tuy không phải là một Đại hội Đảng(2), nhưng Hội nghị Trung ương 8 đã xây dựng Điều lệ tóm tắt của Đảng và ra một văn kiện riêng về Vấn đề Đảng, nói rõ về Đảng Cộng sản của giai cấp vô sản và những nguyên tắc tổ chức và xây dựng Đảng. Hội nghị cũng xây dựng Chương trình Việt Minh, xây dựng Điều lệ Việt Nam nông dân cứu quốc hộiĐiều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc(3). Vì thế, công tác xây dựng Đảng và các tổ chức của Đảng có bước phát triển mới, tạo ra sức mạnh to lớn để bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt giành độc lập cho dân tộc.

Có thể nói, thành công của Hội nghị Trung ương 8 tại Pác Bó, Cao Bằng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta thực sự đổi mới một cách toàn diện mà trước hết là vấn đề đường lối, trong đó hoàn chỉnh đường lối giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng. Kể từ đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc đã được hiện thực hóa, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, đưa tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

Từ kinh nghiệm thành công của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) tại Cao Bằng cho thấy, sự nghiệp cách mạng muốn giành được thắng lợi, Đảng phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và trước sự vận động của thực tiễn Đảng phải biết thay đổi chiến lược, phải đề Ra chính sách mới phù hợp trên cơ sở mẫu số chung của dân tộc và theo nguyên tắc không thay đổi mục tiêu lý tưởng. Và, một khi đã thay đổi chiến lược thì phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tập hợp lực lượng cách mạng và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

__________________

(1) Tất cả những phần trong ngoặc kép của bài viết được trích dẫn từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5- 1941), Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 96 đến tr.136.

(2) Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để kiện toàn ban lãnh đạo của Đảng, Hội nghị đã cử ra Ban chấp hành Trung ương mới, bầu đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư, bầu Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm 3 đồng chí: Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.

(3) Đây là những văn kiện của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941).

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền