Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - quá trình nhận thức và kết quả thực hiện
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:06
2596 Lượt xem

Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - quá trình nhận thức và kết quả thực hiện

(LLCT) - Với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng luôn quan tâm thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (HTCT). Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, các nội dung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTCT đã được khẳng định rõ trong các văn kiện. Tuy nhiên, xét tổng thể, kết quả đạt được của hoạt động này trong thời gian qua còn hạn chế. Chính vì vậy, Đại hội XII  của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”(1).

1. Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết hiện nay

Trước hết, cần khẳng định rằng, HTCT muốn hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì các bộ phận trong hệ thống đó phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định; đồng thời, các bộ phận cấu thành HTCT phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, cần bảo đảm hiệu lực quản lý tập trung thống nhất của Trung ương trong những vấn đề có tầm quan trọng với cả nước; đồng thời, bảo đảm quyền chủ động của các cấp địa phương trong việc quản lý kinh tế, xã hội trên địa bàn; chống tệ quan liêu cửa quyền, xa dân trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.

HTCT của nước ta bao gồm ba bộ phận và cũng là các trụ cột của chế độ chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Như vậy, tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTCT chính là thực hiện có hiệu quả công tác này đối với các trụ cột nêu trên.

Từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, vấn đề cải cách hành chính, tinh giản biên chế liên tục được đặt ra; đồng thời, vấn đề này còn được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương các khóa nhằm xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả; xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại. Đặc biệt, Đại hội XI của Đảng đã đề ra yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tổ chức tinh gọn và hợp lý...

Quán triệt chủ trương đã đề ra, Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện các đợt sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ hơn, giảm bớt một số đầu mối; thực hiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh việc tinh giản biên chế... Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hai chương trình cải cách hành chính tổng thể: Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị để triển khai thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Đảng và các chương trình tổng thể cải cách hành chính.

Chính vì vậy, “Hệ thống chính trị từng bước được đổi mới để phù hợp hơn với tình hình và bối cảnh phát triển đất nước... Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động, cơ chế phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị đã được đổi mới một bước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của từng tổ chức...”(2); hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở đã có những chuyển biến quan trọng.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, tiến trình đổi mới HTCT còn chậm, chưa theo kịp và đáp ứng tốt yêu cầu của những bước phát triển kinh tế - xã hội: cơ cấu tổ chức bộ máy của HTCT còn cứng nhắc về mô hình; bộ máy còn nhiều tầng nấc dẫn đến sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động theo kiểu hành chính hóa nên còn hình thức, kém hiệu quả; tình trạng tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, mặc dù Đảng và Nhà nước đã đề ra và đẩy mạnh thực hiện việc tinh giản biên chế, nhưng số lượng cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách lại tăng lên. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho chương trình cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức không đạt được kế hoạch đề ra.

Từ thực tiễn đó, phát huy tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ... Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức kết quả còn thấp”(3). Sự hạn chế trong kết quả đạt được của tiến trình cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức đã và đang làm cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTCT chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”(4) là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.

2. Một số nội dung của tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị

Có thể nói, đến nay, Đảng đã nhận thức rõ bản chất, vai trò, cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ của HTCT. Trên cơ sở đó, Đảng đã có những chủ trương, giải pháp đúng đắn để đổi mới HTCT. Thực tiễn 30 năm đổi mới cho thấy, công tác cải cách hành chính đã có bước phát triển mới về chất, nền hành chính ngày càng chuyển mạnh mẽ hơn sang nền hành chính phục vụ, lấy tiêu chí hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, việc xác định “xây dựng tổ chức bộ máy của toàn HTCT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy, Đảng đã nhận thức rõ “nguy cơ” nếu không đẩy mạnh cải cách HTCT. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là ở cơ sở, nhiều nơi bộc lộ yếu kém, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu”(5). Như vậy, sự bất cập, yếu kém trong đổi mới HTCT, đặc biệt là HTCT ở cơ sở, đang trở thành nguy cơ cản trở tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ để “tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và HTCT”, gồm những nội dung cơ bản sau:

- Đổi mới bộ máy của Đảng và HTCT theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành;

- Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu;

- Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ;

- Thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ HTCT. Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức;

- Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện;

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới(6).

Hơn thế, trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII thì nhiệm vụ thứ nhất và thứ hai hướng đến vấn đề này. Cụ thể: “1. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 2. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”(7).

Ngay sau Đại hội XII, Đảng đã xác định cụ thể quan điểm, mục tiêu và giải pháp thực hiện trong đổi mới, kiện toàn HTCT. Trong đó, đối với mỗi trụ cột trong HTCT đều có các giải pháp cụ thể, như: đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; cơ cấu lại hệ thống tổ chức trực thuộc; sắp xếp lại để giảm các đầu mối trong quản lý nhà nước hướng đến hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp; sớm ổn định số lượng chính quyền địa phương; từng bước tiến hành thực hiện mô hình địa phương có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Chính quyền địa phương năm 2015; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, ngày 26-7-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ, đó là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Thông điệp này đã tạo ra niềm tin mạnh mẽ trong toàn xã hội đối với Chính phủ.

Theo đó, phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã có sự chuyển biến quan trọng. Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong cải cách thể chế để tạo ra sự minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành; cải thiện môi trường kinh doanh...

Trong các yếu tố tác động đến việc thực hiện tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTCT ở nước ta thì yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ nhất đến công tác này chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức trong HTCT.

Tổng kết 30 năm đổi mới, một nội dung quan trọng trong bài học thứ năm mà Đảng ta rút ra là: “...xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ...”(8). Từ đó, Đảng nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Như vậy, công tác cán bộ là khâu cần có giải pháp đột phá mới để có cơ sở tạo ra những thành công khác. “Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ là cơ sở để đổi mới đồng bộ và phù hợp về chính trị và kinh tế, thúc đẩy toàn bộ quá trình đổi mới”(9).

Chính vì vậy, công tác cán bộ cần được đổi mới, trong đó cần có những đột phá về cách làm và quyết liệt trong xử lý vi phạm, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (ngày 17-5-2017), có ý kiến cho rằng, khoảng 50% cán bộ đi chơi rất nhiều, ngồi bói chữ nhiều hơn là làm(10). Hoặc, thời gian qua, theo đánh giá của một số bộ, ngành và các nhà khoa học thì khoảng 30% cán bộ, viên chức trong HTCT nước ta “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Có thể những con số này chưa thật chính xác, nhưng nó cũng gợi cho các cấp lãnh đạo, quản lý những điều cần suy nghĩ. Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, nhưng thực tiễn ở một số đơn vị, tổ chức, số lượng cán bộ, viên chức không giảm mà lại “phình to” ra. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2016, có 11.900 cán bộ, viên chức được giải quyết chế độ theo Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, trong đó số cán bộ, viên chức được giải quyết về hưu trước tuổi là 10.400 người(11). Mục tiêu đặt ra của Đề án là tinh gọn bộ máy và đưa ra khỏi HTCT những cán bộ, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, mới chỉ có 87,4% số cán bộ, viên chức tinh giản theo hình thức về hưu trước tuổi trong năm 2016 là không đáp ứng mục tiêu đề ra.

Như vậy, công tác này đang đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa trong thực hiện; tinh giản phải hướng đến đúng đối tượng; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ cách làm, bảo đảm sự công khai, minh bạch và dân chủ, bảo đảm sự ổn định về tư tưởng trong nội bộ đơn vị có người bị tinh giản.

Hai là, giải quyết kịp thời và có hiệu quả “tình trạng mua quan bán chức” để bảo đảm công tác cán bộ chọn được người tài, người có năng lực

Công tác tổ chức cán bộ cần nghiêm túc nhìn nhận cách làm. Bởi vì, nhiều nơi lợi dụng sự buông lỏng quản lý đã “đưa nhau lên làm quan”, “thăng tiến thần tốc”, “bổ nhiệm thần tốc” hoặc “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điển hình như ở Hải Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có 46 biên chế thì 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên...

Do vậy, cần kiên trì, kiên quyết và mạnh hơn trong phòng, chống tham nhũng. Đảng cần ban hành các quy chế; Nhà nước cần sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt... Thời gian qua, Trung ương đã tiến hành xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Có lẽ chưa thời kỳ nào như đợt vừa rồi, Trung ương đã xử lý một loạt cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp, cả cán bộ về hưu”(12). Điều này cho thấy hai điều: (1) Sự quyết tâm của Trung ương trong việc làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là không còn “vùng cấm” trong xử lý cán bộ; (2) Công tác cán bộ của nước ta còn nhiều hạn chế, tình trạng buông lỏng quản lý diễn ra ở nhiều nơi, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTCT giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Lâu nay, trong xã hội có nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề: Cơ chế làm nên con người, hay con người làm nên cơ chế? Thiết nghĩ, đây là vấn đề có mối quan hệ hai chiều. Trong HTCT, con người xây dựng ra cơ chế và chịu tác động của cơ chế đó. Cơ chế đúng đắn, phù hợp, chặt chẽ sẽ tạo những con người công minh, chính trực; ngược lại, cơ chế không phù hợp, lỏng lẻo sẽ làm xuất hiện những con người quan cách, tha hóa về đạo đức, lối sống, từ đó một cơ chế phục vụ cho lợi ích cá nhân ra đời... Do vậy, tinh giản biên chế phải thực hiện đồng bộ với việc nâng cao thu nhập để bảo đảm ổn định đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Lấy kết quả thực thi công vụ làm cơ sở cao nhất và quy định tiêu chuẩn về bằng cấp phù hợp với thực tiễn trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, viên chức. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh...

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1), (2), (3), (4), (6), (7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.203, 147-148, 193-194, 217-218, 203-204, 217-218, 70.

(5) http://dangcongsan.vn.

(9) ĐCSVN: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Sđd, tr.237.

(10) http://vietnamnet.vn.

(11) http://dantri.com.vn.

(12) http://vietnamnet.vn.

ThS Trần Hùng Phi

Tạp chí Khoa học chính trị,

Học viện Chính trị Khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền