Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Đảng về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:08
2769 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

(LLCT) - Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đó là vận dụng và phát triển những luận điểm khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Quan điểm đó thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

1. Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam

Ngay từ Đại hội I (3-1935), Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số, khẳng định một trong những nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện đó là đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số: “Phải nỗ lực tổ chức quần chúng lao động các dân tộc ấy vào Đảng, Công hội, Nông hội, Phản đế liên minh, v.v., cho đông”(1).Trên tinh thần đó, tháng 11-1939, Nghị quyết của Ban Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Phải tổ chức cho được những phần tử hăng hái của các dân tộc thiểu số vào Đảng”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng dân tộc thiểu số là căn cứ cách mạng, bàn đạp cho những cuộc tiến công và nổi dậy đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tiếp tục là nhiệm vụ trọng yếu được ưu tiên thực hiện. Nghị quyết của Hội nghị cán bộ Trung ương (tháng 4-1947) nhấn mạnh: “Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ người thiểu số và nâng đỡ cán bộ ấy, đưa họ vào cơ quan chỉ đạo địa phương”(2). Ngày 29-12-1955, Ban Bí thư đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về việc thành lập Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương, trực tiếp phụ trách đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Văn kiện thể hiện rõ nhất chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của Đảng trong tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ là Chỉ thị số 216-CT/TW ngày 30-1-1975 của Ban Bí thư “Về chính sách cán bộ miền núi”. Đây là chỉ thị riêng của Đảng ta về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ miền núi. Chỉ thị khẳng định: “Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho miền núi là một việc rất trọng yếu và cấp bách”(3). Chỉ thị là cơ sở để xây dựng các chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của đất nước ta trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Sau khi đất nước thống nhất, vấn đề quan trọng là phải kiện toàn bộ máy ở những vùng mới giải phóng trong đó có những vùng dân tộc thiểu số. Ngày 15-11-1977, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 23-CT/TW Về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam trong tình hình hiện nay. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ trước mắt: “Tích cực đào tạo cán bộ dân tộc ở địa phương, đồng thời điều thêm cán bộ nơi khác tăng cường cho các vùng dân tộc. Tiếp tục lựa chọn, giáo dục và sử dụng hợp lý những công chức và trí thức dân tộc ít người do chế độ cũ để lại”(4).

Từ năm 1986 đến nay, quá trình đổi mới đất nước tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng tích cực và sáng tạo. Trong xu thế đó, quan điểm phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã có những đổi mới rõ rệt theo hướng tôn trọng thực tiễn, phù hợp với đặc thù của từng vùng dân tộc nhằm tránh những sai lầm do rập khuôn, máy móc, áp đặt. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi đã khẳng định mục tiêu: “Đổi mới chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ đãi ngộ cán bộ miền núi”. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc chỉ ra nhiệm vụ cấp bách: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc”(5). Đây được xem là nghị quyết quan trọng nhất của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Sau Nghị quyết trên, chính sách dân tộc nói chung và chính sách cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực và tiếp tục được thực hiện trong các nhiệm kỳ Đại hội X, XI, XII: “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”(6).

Như vậy, trải qua những chặng đường lịch sử khác nhau, Đảng ta luôn xem vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược. Đây là mục tiêu và cũng là động lực cho tiến trình cách mạng XHCN ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ

Lịch sử phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, là lịch sử đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn để chinh phục tự nhiên, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Truyền thống đoàn kết đã trở thành bản sắc văn hóa của con người Việt Nam, nó được bắt nguồn từ hàng ngàn năm lịch sử và được nâng lên một tầm cao mới kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8-1952 khẳng định: “Từ khi Đảng thành lập (1930) đến nay, tuy chưa có chính sách cụ thể đối với các dân tộc thiểu số, nhưng Cương lĩnh chung của Đảng đã rõ: Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung(7). Tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc đã được Đảng khẳng định trong đường lối từ những ngày mới thành lập. Đây chính là mục tiêu và cũng là động lực to lớn xuyên suốt cách mạng Việt Nam. Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trở thành đặc trưng của chế độ XHCN ở Việt Nam. Cương lĩnh năm 1991 khẳng định: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”(8). Đặc trưng này tiếp tục được khẳng định và phát triển trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”(9). Đây cũng chính là nguyên tắc trong thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam, trong đó có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đảng ta khẳng định: “Chính sách dân tộc bình đẳng của Đảng thể hiện trên nhiều mặt, trong đó vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương để thực hiện khẩu hiệu “Phong trào nào, cán bộ ấy” là một vấn đề chủ yếu... Các cán bộ nói chung ở miền núi (cả cán bộ miền xuôi và cán bộ địa phương) cần nhận rõ để nâng cao tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường đoàn kết và ý chí phấn đấu hơn nữa, khắc phục những tư tưởng sai lầm để giành những thắng lợi mới”(10) hay “Cần đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc, đồng thời tăng cường đoàn kết giữa các cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ người kinh công tác ở miền núi. Đó là điều kiện mấu chốt để thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng”(11). Nguyên tắc trên đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc hệ thống chính trị và từng bước xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

3. Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phải toàn diện, hài hòa, phù hợp đặc điểm tộc người và yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng

Đây chính là sự vận dụng quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển và quan điểm lịch sử cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin trong chính sách cán bộ dân tộc thiểu số. Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số toàn diện cả về phẩm chất và năng lực; hài hòa về cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ dân cư tộc người, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng chỉ thị mở các trường đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, định hướng nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với trình độ, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào và yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Chỉ thị Về công tác vận động quốc dân thiểu số ngày 22-1-1948 đã nêu: “Ủy ban kháng chiến các khu mở các trường cán bộ quốc dân thiểu số để đào tạo thanh niên Mường, Mán, Thổ, v.v.. chương trình dạy phải hợp với trình độ họ như 10 điều kháng chiến, chính sách đoàn kết thống nhất của mình,v.v..”(12). Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vững mạnh, toàn diện: “đủ phẩm chất và năng lực, trung thành với Đảng, gắn bó với quần chúng các dân tộc, có trình độ kiến thức các mặt ngày một nâng cao, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ to lớn của miền núi”(13). Để hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn trên, trước hết đồng bào các dân tộc cần nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đấu tranh chống lại những tư tưởng và biểu hiện bảo thủ, lạc hậu, tư tưởng “dân tộc lớn”, “dân tộc hẹp hòi”, “kỳ thị dân tộc”. Bên cạnh đó, cần chú ý sắp xếp, kiện toàn đội ngũ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Để khắc phục những hạn chế trong việc sử dụng cán bộ, không phát huy được năng lực của cán bộ, mỗi địa phương sự cần phải rà soát, đánh giá lại công tác bố trí và sử dụng cán bộ. Từ đó, điều chỉnh lại việc phân công, bố trí, quy hoạch cán bộ nhằm phát huy tối đa năng lực và sở trường của từng người: “Đối với cán bộ người dân tộc, phải biết bố trí đúng chỗ, đúng việc, phù hợp với năng lực và sở trường của anh chị em”(14). Các chính sách tạo nguồn, bổ nhiệm, luân chuyển và chế độ đối với cán bộ dân tộc thiểu số cũng được chú trọng đổi mới trên cơ sở nâng cao hiệu quả công tác, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội miền núi nói chung và từng vùng nói riêng.

4. Phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở cho tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số

Từ rất sớm, Đảng ta đã chủ trương phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số thông qua phong trào “bình dân học vụ”; tổ chức các lớp học tập văn hóa tại địa phương nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống các trường đại học và trường trung cấp ở miền núi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về chương trình, đội ngũ giảng dạy để thu hút con em các dân tộc thiểu số vào học tập. Đảng ta chủ trương: “...đẩy mạnh giáo dục phổ thông, kiện toàn Trường Bổ túc văn hóa công nông, phát triển Trường Thiếu nhi vùng cao xuống từng khu vực trong từng huyện, các trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm ở các huyện và tỉnh; tăng cường cơ sở vật chất của trường và có trợ cấp cần thiết để các em có điều kiện học tập tốt hơn”(15). Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập đã được ban hành, như: miễn học phí, tổ chức các lớp dân lập liên bản, liên thôn, liên gia đình; tạo điều kiện để cán bộ dân tộc sau khi học tập trở về địa phương công tác...

Chủ trương phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở cho tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số được thể hiện một cách rõ nét và toàn diện nhất trong Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc. Hội nghị đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện, đó là: “Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp; đẩy mạnh việc tổ chức các trường mẫu giáo công lập; mở rộng việc dạy chữ dân tộc. Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển dành cho con em các dân tộc vào học tại các trường đại học và cao đẳng; mở thêm trường dự bị đại học dân tộc ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nghiên cứu tổ chức hệ thống trường chuyên đào tạo, bồi dưỡng trí thức và cán bộ là người dân tộc thiểu số”(16).

5. Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trên cơ sở chủ động, tích cực của chính đồng bào dân tộc thiểu số

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã chú ý huy động các nguồn lực hiện có để chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Tại Đại hội I (ngày 27 đến ngày 31-3-1935), Đảng ta đã ra Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số và nêu quyết tâm huy động các lực lượng cách mạng tham gia phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Nghị quyết nhận mạnh: “Trung ương, các xứ ủy và tỉnh ủy (trong những tỉnh có dân tộc thiểu số) phải cử ra một số người chuyên môn nghiên cứu và chỉ đạo công tác vận động trong các dân tộc thiểu số. Phải nỗ lực tổ chức quần chúng lao động các dân tộc ấy vào Đảng, Công hội, Nông hội, Phản đế liên minh, v.v.., cho đông... các tổng, xã của các dân tộc thiểu số, thì phải thiết pháp đem các phần tử hăng hái hơn hết trong đám người dân tộc thiểu số vào choán đại đa số”(17). Nhờ những chủ trương đúng đắn về vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số mà trong suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền chúng ta đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là nòng cốt cho các hoạt động cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau khi giành được chính quyền, vấn đề phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của cách mạng. Việc huy động các nguồn lực nhằm thực hiện chính sách dân tộc nói chung và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng trở thành yêu cầu cấp bách trong tình hình mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc khẳng định: “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”.

Cùng với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Đảng ta luôn phát huy tinh thần tự chủ, tích cực của chính đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vì, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, ý thức tự giác, tinh thần nỗ lực của bản thân đồng bào các dân tộc thiểu số chính là nhân tố chủ quan quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, do những hạn chế về trình độ kinh tế xã hội, những yếu tố bất lợi về địa lý tự nhiên và cả những nguyên nhân do lịch sử để lại, nên một bộ phận cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng tự ti, mặc cảm, ngại thử thách. Đây là rào cản lớn đối với việc thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đảng yêu cầu: “Cán bộ người dân tộc cần cố gắng vươn lên để làm tròn nhiệm vụ, tiến kịp với yêu cầu của cách mạng, chống tự ti, cục bộ, ngăn ngừa những biểu hiện dân tộc hẹp hòi”(18). Có như vậy mới phát huy được tính tự chủ, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đây là lực lượng nòng cốt trong lãnh đạo, vận động quần chúng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cũng chính là thực hiện chính sách bình đẳng tộc người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc - vấn đề “có vị trí chiến lược trong cách mạng nước ta”.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.74, 74.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.196.

(3), (13), (14), (15), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.45, 42, 45, 47, 39.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.457.

(5), (16) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.41, 38.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.164.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.621.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.50, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.134.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.978.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.610.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.55.

 

PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thành Minh

Trường Đại học sư phạm Huế

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền