Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người: Giá trị cốt lõi và những vấn đề cần bổ sung, phát triển
Thứ sáu, 09 Tháng 3 2018 11:41
2605 Lượt xem

Nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người: Giá trị cốt lõi và những vấn đề cần bổ sung, phát triển

(LLCT) - Sau 30 năm đổi mới đất nước, nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người đã có bước phát triển quan trọng. Quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Tuy vậy, nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người còn có những điểm chưa ngang tầm với xu thế của thời đại, chưa luận giải thuyết phục nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn… Do vậy, cần phải bổ sung, phát triển lý luận về quyền con người, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

1. Vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và l‎ý thuyết đương đại về quyền con người 

Thứ nhất, quan điểm củachủ nghĩa Mác - Lênin về quyền con người

C.Mác và Ph. Ăngghen trên cơ sở tổng kết thực tiễn quyền con người (hay nhân quyền) tư sản và phê phán các tư tưởng về quyền con người trong xã hội tư sản như thuyết nhân quyền tự nhiên,thuyết nhân quyềnthực chứng và tư tưởng của CNXH không tưởng về quyền con người, đã xây dựng thế giới quan khoa học mới về quyền con người là chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử nhằm xem xét một cách thống nhất giữa thuộc tính tự nhiên - xã hội của bản chất con người cũng như giữa lý luận và thực tiễn của quyền con người.

Theo các ông, phương thức sản xuất tạo thành cơ sở hạ tầng kinh tế, và làm phát sinh, phát triển các mối quan hệ xã hội của con người, như đạo đức, chính trị, nhà nước, pháp luật và quyền con người. C. Mác đánh giá cao quan điểm của G.W.F Hêghen cho rằng, “nhân quyền không phải là bẩm sinh mà là sản sinh ra trong lịch sử”(1).

Theo C. Mác, quyền con người là những quyền của thành viên xã hội công dân, nghĩa là của con người vị kỷ tách khỏi bản chất cộng đồng người(2). Quyền con người được luật pháp hóa thành quyền công dân theo nguyên tắc: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”(3)."Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóado chế độ kinh tế đó quyết định"(4); tương ứng với những thời đại khác nhau và những cơ sở kinh tế - xã hội khác nhau thì có quyền khác nhau. Nghĩa là, quan niệm về quyền con người không bất biến, mà có tính lịch sử và biến đổi trong lịch sử.

Quyền con người, nếu xét một cách toàn diện, gồm quyền sống, quyền lao động và quyền tự do. Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản (CNTB), quyền sở hữu tư nhân được phát triển thành nhân quyền(5); và tính giai cấp của quyền con người được bộc lộ ra một cách sâu sắc. Quyền con người trước tiên là “ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật pháp”. Đồng thời, quyền con người cũng là kết quả phát triển trong xã hội và thành tựu đấu tranh của con người được nhà nước và xã hội thừa nhận bằng pháp luật, được pháp luật bảo vệ.

Quyền con người dưới CNTB là một tiến bộ lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng mới chỉ là các quyền vị kỷ gắn với cá nhân con người, là sự giải phóng con người về chính trị, chưa toàn diện và chưa triệt để. Do sự hạn hẹp của “pháp quyền tư sản”, nên quyền con người chỉ là đặc quyền của một thiểu số thành viên xã hội.

Để bảo đảm một cách thực tế và toàn diện quyền con người, chủ nghĩa Mác -Lêninnhấn mạnh,"xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho một cá nhân riêng biệt"(6). Do đó, phải đấu tranh cho dân chủ, coi việc “giành lấy dân chủ” là mục tiêu cơ bản của cuộc cách mạng XHCN. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh xã hội hóa các quan hệ sản xuất và thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ, để từng bước bảo đảm các quyền con người cho đại đa số thành viên xã hội. Đây là tiền đề để từng bước thực hiện mục tiêu cao nhất của xã hội loài người là giải phóng và phát triển toàn diện con người nhằm bảo đảm “sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Nhân quyền dưới CNXH, trước hết là bảo đảm các quyền tồn tại và phát triển của con người (gồm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa).Nhân quyền XHCN phải toàn diện: bảo đảm tất cả các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền cá nhân và quyền tập thể; quyền được hưởngtự do và công bằng, bình đẳng, quyền con người thống nhất với quyền công dân, như đã được đề cập trong “Tuyên ngôn quyền lợi nhân dân lao động bị bóc lột” do V.I. Lênin khởi thảo (1918). 

Trong "Cương lĩnh dân tộc", V.I.Lênin khẳng định,các quyền dân tộccơ bản chính là quyền dân chủ, gồm: quyềnbình đẳng, quyền tự quyết và quyền liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc. Các quyền đó đồng thời cũng là các nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, nhằm gắn việc thực hiện các quyền này với nâng cao mức sống, bảo vệ sức khỏe, giáo dục văn hóa và tôn trọng quyền con người.  

Thứ hai, quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền con người         

Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định CNXH là chế độ tốt nhất bảo đảm quyền con người cho nhân dân Việt  Nam. Người không quên quyền lợi của bất kỳ một giai tầng xã hội nào, từ nhi đồng, thiếu niên, đến thanh niên, phụ nữ, phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, người khuyết tật, người dân mất nước. Người xác định dân là chủ thì và coi quyền cá nhân phải gắn với quyền tập thể, với quyền của toàn thể xã hội; bảo đảm quyền lợi của nhân dân Việt Nam đồng thời tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là “công bộc”, là tấm gương phục vụ quyền lợi của nhân dân. Người thấy cần thiết phải ban bố các quyền của dân cho dân gồm: nhân quyền, tài quyền, dân quyền; xây dựng, vận hành chế độ dân chủ với Nhà nước của dân, do dân, vì dân; trong đó, việc bảo đảm quyền con người là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đã kế thừa, phát triểnquyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc; đúc kết giá trịcốt lõi về quyền con người vào: độc lập - tự do - hạnh phúc. Người khẳng định, “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(7).

Thứ ba, một số lý thuyết đương đại về quyền con người       

Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử, tiêu biểu là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp cận vấn đề quyền con người  trong mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Về lý luận, quyền con người mang thuộc tính tự nhiên -xã hội của bản chất con người, thể hiện cho lý tưởng giải phóng -phát triển con người toàn diện và tự do. Về thực tiễn, quá trình hình thành, bảo đảm quyền con người luôn có tính đặc thù về xã hội, như trình độ sản xuất vật chất -tinh thần, truyền thống văn hóa dân tộc và được biểu hiện cơ bản ở tính giai cấp.

Trong khi đó, các lý thuyết đương đại khác tiếp cận vấn đề quyền con người có phần phiến diện. Chẳng hạn, thuyếtnhân quyền tự nhiên được coi là nhân quyền phổ quát nhưng nhiều khi thể hiện giá trị nhân quyền phương Tây, nên gặp khó khănkhi vận dụng vào thực tiễn với các nềnvăn hóa khác nhau trên thế giới. Quan điểm nhân quyền pháp lý không phản ánhđược giá trị đạo đức, văn hóa trong bảo đảm quyền con người. Thuyết tương đối văn hóa thì viện dẫn, thiên về truyền thống văn hóa trong bảo đảm quyền con người. Vớicác cách tiếp cận phiến diện đó,dẫn tới nhữngvi phạmtrong thực tiễn bảo đảm quyền con người trên phạm vi quốc gia, khu vực và thếgiới.

2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm quyền con người trong thời k‎ỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, kế thừa thành tựu bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong các thời kỳ cách mạng,vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm nhân quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vàtiếp thu tinh hoa tư tưởng, pháp luật nhân quyền quốc tế, nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người đã phát triểnvà đổi mới. Phù hợp với các Hiến pháp năm 1992 và 2013, các văn kiện của Đảng, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, các Chỉ thị số 12-CT/TW (ngày 12-7-1992) của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg (ngày 2-12-2004) của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW (ngày 20-7-2010) của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, đã đúc kết những quan điểm sau về quyền con người:

(i) Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Bởi lẽ, quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, là thành quả cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên. Quyền con người, về bản chất không có tính giai cấp, nhưngtrong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc.

(ii) Chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và CNXH, quyền con người mới được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn.

(iii) Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

(iv)Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia.

(v)Quyền con người gắn với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.

(vi) Quyền con người là mục tiêu, bản chất, động lực của chế độ XHCN. Vì đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của CNXH, từ bản chất của chế độ ta.

(vii) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước, các ngành, các địa phương, cơ sở có trách nhiệmphải tích cực, chủ động thực hiện nhằm hoàn thiện và nâng cao các quyền con người.

(viii) Chủ động, tích cực hợp tác,đồng thời sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh trong quan hệ quốc tế vì quyền con người.

Hệ thống các quan điểm nêu trên của Đảng tương đồng và có giá trị định hướng cho các hoạt động của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người trong 30 năm đổi mới vừa qua.

3. Một số  giải pháp bổ sung, phát triển nhận thức lý luậncủa Đảng về quyền con người, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới          

Thứ nhất, tiếp tục làm rõ tính lịch sử - cụ thể trong tiếp cận tính phổ quát của quyền con người. Bởi lẽ, tính phổ biến hay phổ quát của quyền con người không phải là sản phẩm có tính trừu tượng mà là kết quả tổng hóa các giá trị, quy phạm tiến bộ của các quốc gia được cộng đồng quốc tế công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển một số khía cạnh trong nhận thức lý luận về quyền con người phù hợp với tính phổ quát của quyền con người hiện nay.

Thứ hai, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân là gốc dân làm gốc” trong lĩnh vực quyền con người

Trước hết,phải xác định rõ nhân dân là chủ thể của quyền thì nhân dân mới “làm gốc” trong sự nghiệp bảo đảm quyền con người ở nước ta. Và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền là Đảng và Nhà nước,tất cả các cá nhân, tập thể trong xã hội.

Thứ ba, chú trọng  vai trò của các yếu tố tư tưởng, chính trị, pháp luật, văn hóa để bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người

Theo Ph.Ăngghen, các lĩnh vực tư tưởng, dù xét tới cùng là do nguyên nhân kinh tế sinh ra chăng nữa, thì cũng có thể tác động trở lại đến môi trường của nó, và thậm chí đến những nguyên nhân kinh tế sinh ra nó(8).Do đó, “trong khi nhận định về những sự biến và những chuỗi sự biến của lịch sử hiện nay, người ta không bao giờ có thể truy nguyên tới những nguyên nhân kinh tế cuối cùng được”(9).  Gợi ý này của Ph.Ăngghen cho thấy, trong “chuỗi sự biến của lịch sử hiện nay” ở Việt Nam như kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề quyền con người, ngoài các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cần phải chú trọngvai trò của các quyền dân sự, chính trị, quyền cá nhân và quyền tập thể, quyền con người gắn với quyền công dân để thấy tính phổ biến, không thể chuyển nhượng, không thể chia cắt, liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau của quyền con người.

Đồng thời,cần xem xét tính giai cấp thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc để bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng về quyền con người. Bởi lẽ, đối với Hồ Chí Minh và Đảng ta, “quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một”(10); và quá trình “giải phóng con người gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội”(11).

Thứ tư, cần tiếp cận năng lực điều chỉnh, phát triển quyền con người dưới CNTB(12)

Tháng 3 - 1895, Ph.Ăngghen cho rằng, ông và C.Mác đã nhận thức không đầy đủ về “tiềm lực phát triển của CNTB”. Gợi ý này của Ph.Ănghen cho thấy, hiện nay cần nhận thức và nắm bắt được năng lực điều chỉnh, phát triển quyền con người dưới CNTB; từ đó tham chiếu cho sự nghiệp bảo đảm quyền con người ở nước ta; và có thể góp phần bổ sung, phát triển một số khía cạnh trong nhận thức lý luận của Đảng ta về quyền con người.

________________

  1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 172-173.
  2. C. Mác và Ph. Ăngghen:Toàn tập, t.2, Sđd, tr. 176.
  3. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.16, Sđd , tr.25.
  4. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.19, Sđd, tr 36.
  5. C. Mác và Ph. Ăngghen:Toàn tập, t.2, Sđd, tr. 187.
  6. C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.20, Sdd,  tr.406.
  7. Hồ Chí Minh:Toàn tập,t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,tr.67.
  8. C.MácvàPh.Ănghen: Tuyển tập, t.6, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.778.
  9. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.22, Sđd,  tr.752 - 762.
  10. ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.12,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.37- 38.
  11. Xem Chỉ thị 12- CT/TW (1992).
  12. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.22, Sđd,  tr.475.

 

                                                             PGS,TS Nguyễn Thanh Tuấn

Viện Nghiên cứu Quyền con người

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền