Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hiện nghiêm túc và sát thực tế “Chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:35
2893 Lượt xem

Thực hiện nghiêm túc và sát thực tế “Chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

(LLCT) - Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18-6-1997, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm chậm khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn, làm suy giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách mới sát thực tế hơn, có tiêu chí, thước đo định lượng, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân một cách thực sự.

Đối với nước ta hiện nay, vấn đề cán bộ đang là vấn đề nóng, có tính cấp bách và như Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu: “Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?”(1). Chính vì lẽ đó, lựa chọn cán bộ có ý nghĩa sống còn đối với tổ chức và đối với đất nước Việt Nam hiện nay.

Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”(2) và đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ ngay từ ngày đầu thành lập Đảng. Nhờ đó, Đảng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, dẫn dắt nhân dân ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để đạt được những thành công đó là nhờ Đảng đã sáng suốt lựa chọn được những cán bộ đủ tầm, đủ tâm và đủ tài chèo lái con thuyền cách  mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 03). Đây là Nghị quyết nêu khá toàn diện về công tác cán bộ. Nghị quyết đã chỉ ra những ưu điểm và những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó; nêu ra 5 bài học kinh nghiệm cho công tác cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết đã nêu 5 quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ và đề ra tiêu chuẩn cán bộ trong tình hình mới, đó là:

“Tiêu chuẩn chung:

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các tiêu chuẩn đó, có quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân còn phải:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện. Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ.

- Có kiến thức về khoa học lãnh đạo và quản lý. Đã học tập có hệ thống ở các trường của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân; trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

Cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang còn phải:

- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, sẵn sàng hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có ý thực tổ chức kỷ luật nghiêm, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia.

- Nắm vững và có khả năng vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Nắm được những vấn đề cơ bản về quản lý kinh tế xã hội.

Cán bộ khoa học, chuyên gia còn phải:

- Có tư duy độc lập, sáng tạo, có ý thức hợp tác, say mê trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Bám sát đời sống xã hội, có khả năng tổng kết thực tiễn.

- Chuyên gia đầu ngành phải có khả năng tập hợp và đào tạo cán bộ khoa học.

Cán bộ quản lý kinh doanh còn phải:

- Hiểu biết sâu sắc các quan điểm kinh tế của Đảng. Có phẩm chất và đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, không lợi dụng chức quyền để tham ô, lãng phí, xa hoa.

- Có kiến thức về kinh tế thị trường và quản trị doanh nghiệp, hiểu biết khoa học, công nghệ, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Có khả năng tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế - xã hội.

Các ngành, các cấp căn cứ vào những tiêu chuẩn trên đây để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của tất cả các loại cán bộ, công chức cho sát hợp”(3).

Bên cạnh quy định về tiêu chuẩn, Nghị quyết 03 đã xác định rõ: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ”; phải bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động và có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Nghị quyết chỉ rõ, phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức, phải đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, dự kiến nhu cầu và khả năng phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức để chủ động có phương án đào tạo, bồi dưỡng. Nghị quyết cũng chỉ rõ 4 nội dung cơ bản của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó là: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại cán bộ; Nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ; Phương thức đào tạo bồi dưỡng; Kiện toàn hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghị quyết cũng nêu rõ các bước của quy chế công tác cán bộ, bao gồm: 1)Về đánh giá cán bộ; 2) Về tuyển chọn cán bộ; 3) Về bầu cử; 4) Về bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ; 5) Về luân chuyển cán bộ; 6) Về chế độ học tập; 7) Về việc nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ; 8) Về chế độ kiểm tra; 9) Về bảo vệ chính trị nội bộ; 10) Về phân công, phân cấp quản lý cán bộ.

Để công tác cán bộ được thực hiện tốt, Nghị quyết 03 cũng đã nhấn mạnh các nội dung “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách cán bộ”, như: 1) Chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; 2) Chính sách sử dụng và quản lý cán bộ; 3) Chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần; “Đổi mới và chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ”; đề ra các nhiệm vụ công tác cán bộ từ khi ban hành Nghị quyết đến Đại hội IX của Đảng, như: Rà soát, sắp xếp, bổ sung, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, tích cực chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp và kiện toàn cơ quan nhà nước; Xây dựng và ban hành một số quy chế về công tác cán bộ; Đổi mới chính sách tiền lương, nhà ở; Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; Đẩy mạnh đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng; Xúc tiến việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Với các nội dung nêu trên, có thể nói Nghị quyết 03 đã đề cập một cách khá toàn diện và đầy đủ về cán bộ và công tác cán bộ. Qua 20 năm nhìn lại, có thể thấy công tác cán bộ đến nay cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Tuy nhiên, nếu thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm về cán bộ và công tác cán bộ được Nghị quyết 03 nêu ra đến nay có nhiều điểm chưa được khắc phục, đồng thời lại có những khuyết điểm còn trầm trọng hơn. Nghị quyết 03 nêu rõ: “Một số cán bộ dao động, giảm sút niềm tin, nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội, hoài nghi đường lối của Đảng; có người do bất mãn cá nhân đi đến phản bội Đảng và lợi ích của nhân dân;  Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tùy tiện, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; Đáng chú ý là những biểu hiện tiêu cực này đang có chiều hướng phát triển, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ; Nhiều cán bộ lãnh đạo không nghiêm túc tự phê bình và tiếp thu phê bình, tính chiến đấu kém. Có tình trạng nể nang, né tránh, không nói thẳng, nói thật với nhau, bằng mặt mà không bằng lòng; Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng không đồng bộ, vẫn còn tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”. Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là về quản lý kinh tế thị trường, quản lý xã hội, luật pháp... Nhiều cán bộ lười học, lười nghiên cứu, một số học lướt chỉ cốt để lấy được bằng cấp.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ hiện nay, xét về chất lượng và cơ cấu có nhiều mặt chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(4). Những khuyết điểm, yếu kém mà Nghị quyết 03 nêu ra đến nay vẫn chưa có điểm nào được cải thiện và khắc phục, trái lại xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ trung - cao cấp tha hóa biến chất trầm trọng hơn. Những yếu kém nêu trên nguyên nhân chính là do công tác cán bộ vẫn còn yếu kém, khuyết điểm, không có sự cải thiện, chuyển biến đáng kể nào trong suốt 20 năm qua, như Nghị quyết 03 đã chỉ ra:

“- Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nhiều khi còn chủ quan, chưa thật công tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Bố trí cán bộ trong nhiều trường hợp còn nặng về cơ cấu, lúng túng, bị động khi bố trí cán bộ chủ chốt ở một số ngành và địa phương; hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ.

- Công tác đào tạo bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ. Chất lượng và hiệu quả đào tạo còn thấp. Nội dung chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chậm đổi mới, chưa gắn với tổng kết thực tiễn của công cuộc đổi mới; buông lỏng giáo dục rèn luyện lập trường giai cấp và đạo đức cách mạng. Hệ thống trường đào tạo chưa hợp lý; việc chiêu sinh, thi tuyển, công nhận tốt nghiệp, quản lý văn bằng, chứng chỉ, học hàm, học vị thiếu chặt chẽ.

- Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ và nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được cụ thể hóa. Công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ ở nhiều nơi bị buông lỏng. Phần lớn khi có đơn tố giác mới thanh tra. Không kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm. Còn thiếu các quy chế về quản lý cán bộ, luân chuyển cán bộ, nhân dân giám sát, phê bình cán bộ... Hệ thống tổ chức làm công tác cán bộ còn phân tán, chồng chéo, chức năng và trách nhiệm không rõ”(5). Nghị quyết 03 đã chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm nói trên là do:

- “Bước vào thời kỳ mới, các cấp ủy đảng chưa dự báo được những tình huống mới, chưa hiểu đầy đủ nội dung, yêu cầu mới đối với cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa có nghị quyết chuyên đề về cán bộ, chưa xây dựng được chiến lược cán bộ. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, không tích cực chuẩn bị người kế nhiệm.

- Cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ chậm đổi mới, chưa chú trọng nghiên cứu khoa học; trình độ lý luận và tổng kết thực tiễn, tham mưu đề xuất những vấn đề chiến lược về cán bộ còn hạn chế. Một số cán bộ làm công tác tổ chức chưa gương mẫu về đạo đức, phẩm chất, thiếu khách quan, yếu về năng lực.

- Một số cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối.

- Cách mạng nước ta chuyển giai đoạn, có nhiều vấn đề mới đặt ra, môi trường kinh tế -xã hội rất phức tạp, tổ chức bộ máy thiếu ổn định, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ lúng túng, bất cập. Các thế lực thù địch tìm mọi cách lung lạc, lôi kéo, mua chuộc, hòng làm biến chất đội ngũ cán bộ của Đảng ta”(6).

Những nguyên nhân tạo ra sự yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng mà Nghị quyết 03 nêu ra cho đến nay vẫn còn hoàn toàn chính xác. Thực tế, trong 20 năm qua, một bộ phận cán bộ của Đảng đã có sự tha hóa ngày càng tinh vi, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa gia đình đang len lỏi sâu vào công tác cán bộ Đảng. Không ít lãnh đạo cao cấp đã cố tình đưa con cháu, cánh hẩu vào những chức vụ đặc quyền, đặc lợi, có nhiều lợi ích, bổng lộc, mặc dù không đáp ứng đầy đủ những quy định, tiêu chuẩn của công tác cán bộ. Nhiều nhóm lợi ích leo vào các chức vụ bằng con đường đút lót, mua bán, tham nhũng và gắn kết với nhau để tha hóa Đảng, tha  hóa bộ máy nhà nước để tiếp tục tham nhũng mạnh hơn. Nhiều quyết định không dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc mà dựa trên lợi ích nhóm, dựa trên lợi ích cá nhân để hành động. Thực sự một sức mạnh ngầm đang tham nhũng và tha hóa, đang len lỏi trong Đảng, trong chính quyền để thao túng và tha hóa Đảng, làm suy yếu Đảng và chế độ. Đây là những báo động lớn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vậy khâu nào của công tác cán bộ và cán bộ đang thực sự yếu kém mà lâu nay mặc dù Đảng đã rất cố gắng nhưng 20 năm qua kết quả không được là bao? Theo chúng tôi có thể nêu một số điểm sau:

Thứ nhất, thiếu tiêu chí định lượng để đánh giá cán bộ. Trong Nghị quyết 03, tiêu chí cán bộ nêu ra nhiều nhưng vẫn ở phần định tính, cần có tiêu chí định lượng, như trong 5 năm liên tục trước đó, người cán bộ có thành tích cụ thể gì để có thể được đề bạt lên vị trí mới. Suốt quá trình công tác trước đó có sai lầm khuyết điểm gì mang tính nguyên tắc không? Để đánh giá kết quả cụ thể nên có cơ quan giám sát độc lập xác định (theo kiểu như kiểm toán) chứ không để cấp ủy nơi đó nhận xét như hiện nay.

Thứ hai, người cán bộ để được đề bạt phải được nhân dân giám sát. Thực tế hiện nay khi đề bạt cán bộ chưa có ý kiến đánh giá của nhân dân nơi cán bộ công tác, cư trú một cách công khai, minh bạch và rộng rãi thực sự. Khâu “nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ” thực sự còn rất yếu hoặc có thể nói là còn mang tính hình thức, chưa phản ánh một cách thực chất con người cán bộ sống trong nhân dân. Nên đưa tên tuổi trên mạng để nhân dân đánh giá, chứ không lấy ý kiến chi bộ ở nơi cư trú theo kiểu hiện nay.

Thứ ba, khâu kiểm tra, kiểm soát cán bộ còn rất yếu. Thực tế, chế độ kiểm trakhông đầy đủ, nhiều sơ hở, hình thức và nêu ra nhưng hoạt động chưa thực hiệu quả vì rất nhiều lý do, nhưng chắc chắn có lý do tham nhũng nên đã làm sơ sài, qua loa không đến nơi đến chốn. Nên tổ chức kiểm tra, sát hạchmọi mặt đối với người cán bộ chuẩn bị đề bạt và có cuộc kiểm tra sát hạch kết quả công tác sau hai năm làm việc một cách khách quan và bí mật đối với người cán bộ đó.

Thứ tư, vấn đề phân công, phân cấp quản lý cán bộ được nêu ra nhưng mới được triển khai phân cấp quyền quản lý, đề bạt cán bộ mà chưa chú trọng đúng mức đến phân cấp trách nhiệm quản lý cán bộ. Người cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm lên không ai giám sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện chức trách của người cán bộ, cũng không ai đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ một cách định lượng mà cơ bản là định tính chung chung. Hơn nữa, khi người cán bộ làm sai thì không có cơ quan, tổ chức và cá nhân giới thiệu, đề bạt người cán bộ đó chịu trách nhiệm theo. Do vậy, cần nghiêm khắc với trách nhiệm của người đề bạt và bổ nhiệm cán bộ và có cơ chế giám sát bí mật các hoạt động này.

Thứ năm, sự thiếu nghiêm minh, chuẩn tắc của Đảng trong công tác cán bộ làm cho công tác cán bộ bị sai lệch và bị lợi dụng. Cụ thể là đã có quy định 5 chức vụ chủ chốt cấp tỉnh không phải người địa phương, song các địa phương hầu như không bảo đảm. Có nhiều trường hợp luân chuyển cán bộ không đúng quy định. Nhiều biến thái trong công tác luân chuyển cán bộ làm cho đội ngũ cán bộ bị yếu đi và bị lợi dụng (có kẻ chạy luân chuyển để được lên, có kẻ chạy được ở lại để được lên nhanh hơn, không có một thước đo cụ thể, rõ ràng...). Một trong những yếu kém hiện nay là tình trạng con ông cháu cha,... một phần là do không thực hiện luân chuyển 5 chức danh chủ chốt cấp tỉnh một cách nghiêm túc. Đảng cần nghiêm minh từ Trung ương đến cơ sơ, cái gì Đảng đã đề ra, quy định thì nhất định phải thực hiện nghiêm, không du di, không xuê xoa. Không một ai có quyền làm khác, làm sai các quy định dù người đó là ai và có cơ chế giám sát nghiêm ngặt.

Thứ sáu, công tác quy hoạch còn hình thức, dẫn đến bị lợi dụng, chạy chọt để lọt vào quy hoạch và thăng tiến dù trước đó có sai phạm và tham nhũng. Nhiều cấp ủy bị thao túng bởi người đứng đầu và một nhóm người có chung lợi ích nên đã đưa đến quy hoạch và đề bạt sai nhiều cán bộ. Cần đổi mới công tác quy hoạch hoặc bỏ quy hoạch hình thức hiện nay. Có cơ chế đào tạo, rèn luyện người được quy hoạch, đó là phải đưa đến những nơi khó khăn, nơi xa và nơi không có bổng lộc để rèn bản lĩnh cách mạng và kinh nghiệm sống cho cán bộ lãnh đạo trước khi đề bạt hoặc đề bạt cao hơn (trước cách mạng Đảng ta đã thực hiện tốt phong trào vô sản hóa).

Thứ bảy, vấn đề bỏ phiếu trong khi nhận thức, hiểu biết và lợi ích của con người còn nhiều bất cập nên có hiện tượng mỵ dân, chạy chọt mua phiếu và sự thao túng lá phiếu nên thực chất người tốt, người giỏi lại ít phiếu, kẻ cơ hội, kẻ xấu lại nhiều phiếu, nên làm cho cán bộ đã yếu lại càng yếu hơn. Cần có cách đánh giá khác gắn với những thước đo định lượng, thi cử bảo đảm ngăn chặn mọi tiêu cực và ý kiến chủ quan. Cần coi bỏ phiếu chỉ là tham khảo, cần có đánh giá kết quả công việc của các cấp có liên quan và có sự thẩm định độc lập, khách quan của các cơ quan tổ chức và cơ quan giám sát.

Thực tế, Nghị quyết 03 đã đề ra được rất nhiều nội dung, những quy định, quy trình về công tác cán bộ rất sâu sắc và toàn diện nhưng chưa phát huy được một cách thực sự. Theo tinh thần Đảng, Nhà nước và Chính phủ kiến tạo và theo tình thần đổi mới hay là chết, cần có cơ chế chính sách mới sát thực tế hơn và có giải pháp, tiêu chí, thước đo định lượng, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Đảng, Nhà nước và của nhân dân một cách thực sự thì chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng được một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên một cách thực chất.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1) Trương Tấn Sang: Ngay lúc này, Đảng phải kiên quyết hành động, vietnamnet.vn, ngày 8-1-2018.

(2), (3), (4), (5), (6) Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18-6-1997, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

 

PGS, TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền