Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong xây dựng chủ nghĩa xã hội
Thứ ba, 11 Tháng 9 2018 15:49
2009 Lượt xem

Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong xây dựng chủ nghĩa xã hội

(LLCT) -Trong thời kỳ đổi mới, cải cách, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, tầm quan trọng của việc giải quyết tốt mối quan hệ này. Nhờ đó, hai nước đã giải quyết thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội ở mỗi nước, bảo đảm đúng định hướng chủ nghĩa xã hội.

1. Thời kỳ trước đổi mới, cải cách, không chỉ Trung Quốc, Việt Nam mà hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa đều rập khuôn theo mô hình kinh tế Xô Viết - nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Nền kinh tế thị trường không được chấp nhận, nó được coi là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nếu áp dụng sẽ nảy sinh áp bức bất công, đi ngược lại với nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế kế hoạch hóa đã có những thời kỳ phát huy tác dụng tốt, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh. Tuy nhiên, việc kéo dài quá lâu mô hình này dẫn tới quan niệm xơ cứng trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, coi kế hoạch hóa là xã hội chủ nghĩa, thị trường là tư bản chủ nghĩa… là một trong những nguyên nhân khiến cho các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhất là trong bối cảnh thế giới và trong các nước xã hội chủ nghĩa đã có nhiều thay đổi. Từ đây, việc nhận thức lại vai trò của nhà nước và thị trường cũng như mối quan hệ giữa chúng được đặt ra trong cả nhận thức và hành động, tạo ra bước chuyển biến tích cực đối với các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, vừa vận dụng những quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, vừa học hỏi lẫn nhau, vừa vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước mình, để đưa ra những quan điểm phù hợp nhất trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

2. Bước vào thời kỳ cải cách, đổi mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đều có những nhận thức mới về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, góp phần quan trọng trong giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Thứ nhất,quá trình nhận thức về sự phát triển thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trải qua 40 năm với 3 giai đoạn, từ giai đoạn 15 năm tìm tòi, tranh luận sang giai đoạn 10 năm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và tiếp đến giai đoạn 20 năm đi sâu cải cách toàn diện thể chế kinh tế thị trường. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong nhận thức về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Trong giai đoạn đầu (1979 - 1983), tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI và Đại hội XII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quan điểm “kết hợp kinh tế kế hoạch là chính, điều tiết thị trường phụ trợ”. Ngay sau đó, vào năm 1984, quan điểm trên bị bác bỏ, thay vào đó là chủ trương “xây dựng kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa”, cải cách lưu thông toàn diện nhằm phát huy tác dụng của thị trường. Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách thể chế kinh tế tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XII (tháng 10-1984) nêu rõ: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch trên cơ sở chế độ công hữu. Phát triển đầy đủ kinh tế hàng hóa là giai đoạn không thể bỏ qua của sự phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện tất yếu để thực hiện hiện đại hóa Trung Quốc”(1). Đến những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, Đặng Tiểu Bình khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường không có mâu thuẫn cơ bản. Vấn đề là sử dụng phương pháp nào để thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất. Kế hoạch hay thị trường đều là biện pháp, cho nên biện pháp nào có lợi cho sự phát triển lực lượng sản xuất đều có thể áp dụng, không nên bàn cãi nhiều về vấn đề này”(2).

Dựa vào luận điểm trên của Đặng Tiểu Bình, Báo cáo Đại hội XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-1992) chỉ rõ, mục tiêu cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đó là làm cho thị trường phát huy được vai trò mang tính cơ sở trong việc phân bổ các nguồn lực dưới sự điều tiết vĩ mô của nhà nước… Đây là bước ngoặt trong tư duy của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Giai đoạn tiếp theo (từ năm 2003 đến nay), trong “Nghị quyết về những vấn đề quan trọng đi sâu cải cách toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định: “Cải cách thể chế kinh tế là trọng tâm của đi sâu cải cách và toàn diện trọng tâm cốt lõi là cần xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, giúp cho thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực và nhà nước có thể phát huy được tốt hơn nữa vai trò của mình”(3). Quan điểm này đã được ông Tập Cận Bình giải thích rõ như sau: “Xử lý tốt hơn nữa quan hệ giữa nhà nước và thị trường, trên thực tế chính là giải quyết tốt vấn đề thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định hay là nhà nước phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân bổ nguồn lực… Thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân bổ nguồn lực, không có nghĩa là phát huy vai trò toàn bộ. Phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vừa phải phát huy vai trò của thị trường, vừa phải phát huy vai trò của nhà nước, nhưng chức năng vai trò thị trường và vai trò nhà nước không giống nhau. Chức trách và vai trò của nhà nước chủ yếu là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường và ưu việt hóa dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường quản lý giám sát thị trường, duy trì trật tự thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững, thúc đẩy cùng giàu có, bù đắp những thiếu hụt của thị trường”(4).

Qua quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường từ thời kỳ cải cách đến nay cho thấy, vai trò của thị trường ngày càng được nhấn mạnh, nhưng có hai điểm cơ bản luôn luôn không thay đổi: Một là, vai trò của thị trường phải phát huy dưới sự điều tiết vĩ mô của nhà nước; Hai là, thị trường chỉ phát huy vai trò trong lĩnh vực phân bổ nguồn lực.

Thứ hai,cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986.Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những thành công bước đầu trong việc hình thành và phát triển cơ chế thị trường, cũng như điều chỉnh vai trò tương ứng của Nhà nước trong nền kinh tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(5). Đồng thời, kiên quyết “xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường…”(6).

Cùng với đó là sự thay đổi cơ bản quan niệm về chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế. Nếu như Đại hội VII (1991) chỉ dừng lại ở mức độ xác định nhiệm vụ: “Bộ máy nhà nước từng bước chuyển sang thực hiện chức năng quản lý nhà nước, khắc phục dần sự can thiệp vào điều hành kinh doanh của cơ sở”(7) thì đến Đại hội VIII (1996), quan điểm này được cụ thể hóa hơn: “Nhà nước thực hiện tốt các chức năng: định hướng phát triển; trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực để dẫn dắt nỗ lực phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thiết lập khuôn khổ pháp luật, có hệ thống chính sách nhất quán…; khắc phục, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường; phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân…”(8). Tiếp đó, Đại hội IX (2006) xác định: “Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế. Đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hóa, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(9); “Nhà nước quản lý điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không phó mặc cho thị trường hoặc can thiệp làm lệch lạc các quan hệ thị trường”(10)

Trong các Đại hội gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt, thừa nhận sự tồn tại khách quan của kinh tế thị trường; mặt khác, cũng chỉ rõ những khuyết tật của nó không phù hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội, nên luôn đề cao vai trò quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội XII (2016), quan điểm  của Đảng về chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế đã thể hiện rõ ràng, vững chắc hơn với khẳng định: “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”(11). Như vậy, “vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội”(12).

Tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung mối quan hệ lớn thứ chín vào các mối quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường (…) có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(13). Chính sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Trong mối quan hệ này, Nhà nước định hướng sự phát triển nền kinh tế bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, thực hiện quản lý nhà nước bằng hệ thống pháp luật, phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển, tạo điều kiện để các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, có trật tự, kỷ cương, hạn chế các rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường... Đến lượt mình, chính nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại tạo tiền đề vật chất, cơ sở kinh tế cho việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo,

Có thể thấy, kể từ khi đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng xác định rõ hơn vai trò của thị trường và Nhà nước để có hiệu quả phát triển cao nhất. Thị trường với các quy luật của mình điều tiết, phân bổ các nguồn lực kinh tế hướng tới năng suất trong sản xuất... Còn Nhà nước với vai trò quản lý vĩ mô chỉ định hướng và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. 

3. Từ quá trình phát triển nhận thức của 2 đảng về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ cải cách, đổi mới, có thể rút ra một số điểm tương đồng và khác biệt như sau:

- Điểm tương đồng:

Một là, cả hai Đảng Cộng sản đều nhận thức rõ những bất cập của nền kinh tế kế hoạch hóa, do đó đã có những bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Trong quá trình cải cách, đổi mới đó, các đảng dần nhận thức rõ ràng hơn vai trò của thị trường bên cạnh nhà nước. Qua đó, khẳng định chủ nghĩa xã hội không chỉ là kế hoạch hóa, cũng như kinh tế thị trường không phải là thành quả riêng của chủ nghĩa tư bản mà là thành tựu của nhân loại. Từ đó chỉ rõ, cần kết hợp điều tiết và quản lý nền kinh tế bằng cả công cụ nhà nước và thị trường.

Hai là,Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định, trong mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, nhà nước cần đóng vai trò định hướng, chỉ đạo, điều tiết nền kinh tế vĩ mô, bù đắp những khiếm khuyết của thị trường nhằm đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn thị trường có vai trò lớn nhất trong việc huy động và phân bổ nguồn lực.

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều nhận thấy được mặt trái của thị trường. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội, dễ dẫn đến chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Sự thất bại của thị trường sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Điều này cũng đã được minh chứng trong thực tế ở Việt Nam những năm gần đây, với các cơn “sốt” rồi lại “đóng băng” nhà đất, chứng khoán, lương thực, thực phẩm…

Bốn là, hai đảng đều nhận rõ để giải quyết mối quan hệ nhà nước và thị trường có hiệu quả cần phải có các điều kiện sau đây: Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước; giữ vững sự ổn định về chính trị - xã hội; tính tích cực của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyền làm chủ của nhân dân thực sự được phát huy trong việc quản lý và phát triển xã hội.

- Điểm khác biệt:

Quá trình phát triển nhận thức về vai trò của thị trường trong nền kinh tế qua các giai đoạn có khác nhau. Trung Quốc tiến hành cải cách bắt đầu từ Đại hội XI năm 1978 đến năm 1992 mới xác định xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này đã diễn ra những cuộc tranh luận rất gay gắt trong giới lãnh đạo và các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Trong khi Việt Nam tiến hành đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986, nhưng chỉ mất có 5 năm, đến năm 1991, Việt Nam đã khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước.

Là một nước tiến hành cải cách trước, tuy trong giai đoạn đầu Trung Quốc gặp phải những khó khăn trong tiếp nhận vai trò của thị trường, nhưng sau khi thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được công nhận, yếu tố thị trường của Trung Quốc trong thực tế ngày càng phát triển nhanh chóng, đồng thời sự phát triển quá mạnh mẽ đó làm bộc lộ những mặt trái của nó cũng ngày càng rõ (tăng trưởng quá nóng). Vì vậy, khi nhìn vào bài học của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã có những bước đi thận trọng hơn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Bên cạnh đó, có một điểm khác biệt thể hiện sự đặc thù của Trung Quốc là việc áp dụng “một nước hai chế độ”: Trung Hoa đại lục theo chế độ xã hội chủ nghĩa, còn Hồng Kông, Mao Cao theo chế độ tư bản chủ nghĩa, do đó các chủ trương về cải cách và phát triển kinh tế có khác nhau. Hai khu vực này bổ sung cho nhau và là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc phát triển nhanh chóng nền kinh tế thị trường. Mặc dù, có hai chế độ như vậy cũng là một khó khăn cho việc thống nhất trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở Trung Quốc, nhưng rõ ràng, đây là một sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản nước này.

Nguyên nhân sự khác biệt trên có thể lý giải là do (1) Quan hệ giữa thị trường và nhà nước cần phải được xác định phù hợp với trình độ phát triển của sức sản xuất. Bởi vì, các quốc gia khác nhau có những giai đoạn phát triển khác nhau, có trình độ phát triển sức sản xuất, trình độ phát triển thị trường khác nhau, nên xử lý mối quan hệ giữa vai trò của thị trường với vai trò của nhà nước cần phải xuất phát từ thực tế mỗi nước, dựa trên nguyên tắc làm gì đều phải có lợi cho phát triển sức sản xuất, không thể bê nguyên xi một lý luận, một công thức để áp dụng trong mọi trường hợp. (2) Hoàn cảnh lịch sử và điều kiện của mỗi nước là khác nhau. Trung Quốc là nước đầu tiên hình thành và xây dựng thành công thể chế kinh tế mới - kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa – nên rõ ràng các bước đi giai đoạn đầu còn phải “dò đá qua sông”, phải thử nghiệm, tranh luận và khó khăn hơn. Trong khi Việt Nam tiến hành đổi mới sau Trung Quốc gần 10 năm, có những thuận lợi khi có thể học hỏi, vận dụng kinh nghiệm, đôi khi có thể hạn chế được những sai lầm mà Trung Quốc đã mắc phải.

Từ những thành công trong nhận thức và trong thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở Trung Quốc, Việt Nam thời kỳ cải cách, đổi mới đã khẳng định nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị (kinh tế là cơ sở, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế), giữa thị trường và nhà nước đến nay còn nguyên giá trị. Thị trường là cơ sở để nhà nước định hướng phát triển nguồn lực và sự phân bổ nguồn lực, nhà nước với vai trò nhân tố quản lý sẽ đảm bảo tính xã hội chủ nghĩa sao cho phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất, phù hợp đối với điều kiện cụ thể của mỗi nước và tình hình quốc tế. 

____________________

(1), (2), (3) Dẫn theo Phạm Bích Ngọc: Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 12 (196)/2017, tr. 5, 6, 7.

(4) Dẫn theo Phan Kim Nga: Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa: Kết hợp hay là đối chọi giữa nhà nước và thị trường. Bàn về quá trình phát triển lý luận và hiện thực kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9 (169)/2015, tr. 16 - 17.

(5), (6) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội,1991, tr. 9-10, 12.

(7), (8), (9) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 232, 487, 649.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.141.

(11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 103, 98, 102.

PGS, TS Đỗ Thị Thạch

TS Nguyễn Thị Thu Huyền

Viện Chủ nghĩa xã hội,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền