Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng và phát huy nguồn lực con người ở Việt Nam
Thứ ba, 30 Tháng 10 2018 08:59
3197 Lượt xem

Xây dựng và phát huy nguồn lực con người ở Việt Nam

(LLCT) - Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nguồn lực con người đóng một vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết nêu lên tầm quan trọng của nguồn lực con người và đánh giá thực trạng nguồn lực con người ở nước ta hiện nay, qua đó đưa ra một số giải pháp góp phần xây dựng và phát huy nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những cơ hội và những thách thức, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải có chiến lược, quyết sách đúng đắn mới có thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ then chốt là phải chú trọng “xây dựng và phát huy nguồn lực con người”. Đây là chiến lược, quyết sách tối ưu nhất và cũng là giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm xây dựng, phát triển Đảng ta và bảo vệ chế độ XHCN.

1. Vai trò của nguồn lực con người

Dưới góc độ quản lý nhà nước thì giữa thuật ngữ “nguồn lực con người” và “nguồn nhân lực” có ý nghĩa tương đồng. Định nghĩa về nguồn nhân lực, theo Liên Hợp quốc: “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”; quan điểm của Nicholas Henry cho rằng: “Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau) có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu vực, thế giới”; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng: “Nguồn nhân lực là lực lượng lao động, là tổng thể các tiềm năng lao động của con người, của một quốc gia đã được chuẩn bị ở một mức độ nhất định, có khả năng huy động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” v.v..

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Sau này, C.Mác tiếp tục khẳng định: “sự phát triển của xã hội không phải do bất kỳ một lực lượng siêu nhiên nào, mà chính con người đã sáng tạo nên lịch sử của mình - lịch sử xã hội loài người” và “...trong tính hiện thực của nó bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”(2). Điều này có nghĩa là, nguồn lực con người là điều kiện tiên quyết cho sự thành, bại của một quốc gia. Vấn đề là, xây dựng và phát huy nguồn lực con người như thế nào. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “vô luận việc gì cũng đều do con người làm ra...”. Con người và công việc đối với con người được coi là quốc sách hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh và được Người căn dặn trong Di chúc viết tay tháng 5-1968 rằng: “Đầu tiên là công việc đối với con người”(3). Từ “con người” được Bác gạch chân bằng bút màu đỏ và đây cũng là vấn đề được Người viết dài nhất, gần 2 trang trong 4 trang của bản di chúc viết tay năm 1968.

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, có 3 nguồn lực chính để tạo nên sự phát triển của một quốc gia, đó là: nguồn lực thiên nhiên chiếm 15%, nguồn lực sản xuất chiếm 15% và nguồn lực con người chiếm tới 70%. Điều này đã được chứng minh ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Thí dụ, Nhật Bản là một nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, tuy nhiên dưới triều đại Hoàng đế Mutsuhito - thời kỳ Minh Trị, ông đã có câu nói rất nổi tiếng: “Nhật Bản muốn đi lên và phát triển không có con đường nào khác ngoài con đường đầu tư cho phát triển giáo dục con người”. Dưới sự dẫn dắt của Thiên hoàng Minh Trị, người Nhật Bản đã tiến hành những cải cách bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ông xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng một xã hội Nhật Bản tập trung và có tổ chức đầu tiên sau nhiều thế kỷ. Trong giáo dục, Nhật Bản giảm sự tập trung vào khía cạnh văn hóa và thiên nhiên mà chú trọng về toán học và khoa học. Điều này đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhà kinh doanh giỏi, có óc chiến lược, đưa Nhật Bản trở thành một siêu cường về kinh tế. Mỹ - cường quốc kinh tế số một thế giới, với phương châm coi nguồn lực con người là trung tâm của mọi sự phát triển, đã đưa ra chiến lược xây dựng nguồn nhân lực với hai hướng chính là tập trung cho đầu tư giáo dục - đào tạo và thu hút nhân tài. Còn đối với Singapore, một trong những chính sách quan trọng nhất của Chính phủ nước này là chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động chất lượng cao để từ đó đưa nền kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững.

2. Thực trạng nguồn lực con người ở Việt Nam hiện nay

Năm 1986, đất nước ta thực sự bước vào giai đoạn cải cách, đổi mới; xóa bỏ nền kinh tế tập trung, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cũng chính từ đây, Nhà nước đã bắt đầu có những đầu tư trọng điểm hơn cho phát triển nguồn nhân lực nói chung, cũng như nguồn nhân lực lao động cho các ngành, nghề, lĩnh vực nói riêng. Tuy nhiên, phải đến năm 1996, chính sách phát triển nguồn nhân lực mới thực sự rõ ràng, thông qua Quyết định số 874-TTg ngày 20-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức nhà nước: “Trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ; trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tụy với công vụ; có trình độ, quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước; thực hiện chương trình cải cách một bước nền hành chính nhà nước”(4). Tiếp đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra, việc phát triển nguồn lực con người là một trong những nội dung quan trọng để đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển nguồn lực con người, thể hiện ở nhiều mặt, nhiều nội dung khác nhau như giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân… góp phần nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thể hiện ở các Quyết định số 500/TTg ngày 8-7-1997 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 06/1998/QĐ-TTg ngày 14-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Quốc gia giáo dục. Trong chính sách dân số, thể hiện tại Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg ngày 22-12-2000 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19-3-2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010… và rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, ban, ngành nhằm xây dựng, chuẩn bị cho một chiến lược phát triển, phát huy nguồn lực con người có “chất lượng” để phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Từ những chính sách, biện pháp đúng đắn trong xây dựng và phát triển nguồn lực con người của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua, Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn dân số vàng tính từ năm 2007. Đây là một cơ hội lớn để đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, hiện đại. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê: thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong khoảng 34 năm và kết thúc vào năm 2041(5). Như vậy, chúng ta đã trải qua hơn 10 năm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng thực tế cho thấy giá trị thặng dư, hiệu suất kinh tế chưa tương xứng với số lượng lao động hiện có của cả nước. Điều này thể hiện rõ ở việc so sánh năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á: chỉ bằng 7% của Singapore, bằng 17,6% Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và 87,4% so với Lào...”(6).

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã chỉ rõ: “...nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông, nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”(7).

3. Một số giải pháp xây dựng và phát huy nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay

Để xây dựng và phát huy nguồn lực con người thực sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là triển khai thật tốt nhiệm vụ “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”(8), cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đối với vấn đề giáo dục.

Việc chuyển đổi nền giáo dục truyền thống sang nền giáo dục hiện đại không phải dễ dàng, nhưng không thể không làm, mà phải làm thực sự quyết liệt ngay từ bây giờ; đổi mới từ cấp tiểu học trở lên để hình thành nhân cách con người Việt Nam có lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Giáo dục phải giúp cho sự định hướng xã hội, sử dụng truyền thống như là tiền đề, sức mạnh có khả năng thích ứng với sự thay đổi của tiến bộ thế giới, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho việc hình thành hệ thống giáo dục theo mô hình doanh nghiệp, liên kết đào tạo những lĩnh vực mà xã hội, doanh nghiệp cần, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi, đồng thời khích lệ hoạt động sáng tạo của người lao động để thích ứng với mọi điều kiện; rèn luyện tính tự lực, tự cường, tìm tòi sáng tạo cùng với việc chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ các nhà khoa học, nhà sáng chế, các chuyên gia nước ngoài để giảng dạy, truyền đạt và tương tác trong lao động, trong giáo dục ở nước ta.

Hai là, cần có chủ trương khuyến khích các nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước cùng tham gia đóng góp vào xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển quốc gia. Để làm tốt vấn đề này, cần có những chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài thống nhất từ Trung ương xuống các địa phương.

 Ba là,phải thực sự lựa chọn được những cán bộ có đức, có tài để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước. Vì vậy, ngay từ khâu tuyển chọn, bổ nhiệm phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, trong đó coi trọng công tác thẩm định, thực hiện quy trình từ dưới lên và lấy ý kiến tham khảo rộng rãi trong nhân dân nơi cư trú; tổ chức mở rộng các hình thức thi tuyển, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo, quản lý với quy trình chặt chẽ và theo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu đề ra, từ đó lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, nhiệt huyết với công việc. Làm tốt công tác thi tuyển sẽ tránh được tình trạng “gửi gắm” hoặc “thân quen” khi tuyển dụng, bổ nhiệm. Mặt khác, trong quy trình bổ nhiệm, xét duyệt các hồ sơ dự tuyển chúng ta không nên quá coi trọng vấn đề bằng cấp, loại hình đào tạo, điều quan trọng là phải chú trọng đến yếu tố cần thiết như: năng lực thực sự, tố chất quản lý, đạo đức cách mạng, lòng nhiệt huyết, say mê với công việc, vị trí khi đảm đương v.v.. Bên cạnh đó, trong chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương phải được triển khai quyết liệt và rộng khắp trong cả nước.

Để xây dựng và phát huy nguồn lực con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng thời là chiến lược dài hạn và những quan điểm lớn về đổi mới công tác cán bộ, chúng ta cần làm tốt hơn nữa vai trò giáo dục và đào tạo con người một cách toàn diện, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa môi trường gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện,... có những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đủ đức, đủ tài ở cấp chiến lược để lãnh đạo đất nước góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với con đường cách mạng và định hướng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Trong đó, cán bộ là nhân tố quyết định, công tác cán bộ là khâu then chốt, xây dựng cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu; phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm đưa nước ta vững bước trên con đường phát triển ngày một giàu đẹp và hùng cường.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11.

(3) Bản Di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 5-1968.

(4) Quyết định số 874-TTg ngày 20-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ.

(5), (6) Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.47-48.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.47-48.

Lê Doãn Sơn

Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền