Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quá trình nhận thức và phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhà nước thời kỳ đổi mới
Thứ tư, 28 Tháng 11 2018 17:41
2583 Lượt xem

Quá trình nhận thức và phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về kiểm soát quyền lực nhà nước thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước là những vấn đề trung tâm trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Quyền lực nhà nước luôn mang tính hai mặt, một mặt là yếu tố không thể thiếu để tổ chức và quản lý xã hội, mặt khác nó luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tha hóa dẫn đến sự chuyên quyền, độc đoán, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhận thức và phát triển tư duy lý luận của Đảng về kiểm soát quyền lực nói chung và quyền lực nhà nước nói riêng có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ lý luận xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta. Bài viết góp phần làm sáng rõ quá trình nhận thức và phát triển lý luận của Đảng về kiểm soát quyền lực nhà nước thời kỳ đổi mới; đề xuất một số giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay.

 

1. Quá trình nhận thức và phát triển lý luận của Đảng về kiểm soát quyền lực nhà nước

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lấy đổi mới tư duy kinh tế là trọng tâm, từng bước đổi mới hệ thống chính trị mà Nhà nước là trung tâm và trụ cột, đã xác định “mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”(1). Đồng thời, đặt ra yêu cầu phải “thiết lập cơ chế quản lý mới, cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước...”(2). Chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước theo hướng “đảm bảo quyền dân chủ thực sự cho nhân dân lao động” đã tạo điều kiện tiền đề cho việc thực hiện bước chuyển từ mô hình nhà nước tập trung quan liêu bao cấp sang nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cơ sở định hướng do Đại hội VI đề ra, các văn kiện của Đảng trong các thời kỳ tiếp theo đã từng bước làm rõ mô hình nhà nước pháp quyền XHCN và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã khẳng định “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”, Nhà nước là “tổ chức thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân”, phải “có mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”(3). Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải “Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền dân chủ của công dân”(4) trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cương lĩnh đã đặt cơ sở cho việc hình thành phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài - kiểm soát của nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Cương lĩnh cũng đề xuất một nguyên tắc mới trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ở nước ta, theo đó: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền”(5). Mặc dù chưa quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhưng bản thân việc “phân công rành mạch ba quyền” đã chứa đựng yếu tố kiểm soát quyền lực, góp phần hạn chế tình trạng chuyên quyền, độc đoán trong thực thi quyền lực nhà nước. Hơn nữa, Cương lĩnh thể hiện một bước phát triển mới trong tư duy về tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Trên cơ sở quan điểm của Đảng được đề cập trong Cương lĩnh, Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa thành quy định: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(6). Đây là lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận mô hình “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và nguyên tắc “phân công và phối hợp” trong thực thi quyền lực nhà nước và hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta.

Cương lĩnh cũng nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, với tư cách là “liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân...”, “có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân”(7). Tuy nhiên, chưa làm rõ vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước.

Văn kiện Đại hội VIII (1996), IX (2001), X (2006) tiếp tục khẳng định nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, đồng thời bước đầu làm rõ một số phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước như: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng. Khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu ý dân”(8).

Trên cơ sở nhất quán nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, văn kiện Đại hội X đã cụ thể hóa một số nội dung của cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước, khẳng định cần “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(9) và “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”(10). Chủ trương này thể hiện một bước phát triển cao hơn trong nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, không chỉ dừng lại ở việc “phân công, phối hợp” trong thực thi quyền lực, mà còn đưa ra định hướng để Nhà nước xây dựng, ban hành các cơ chế cụ thể cho việc kiểm soát quyền lực, xử lý các vi phạm Hiến pháp của cơ quan công quyền. Đồng thời, chủ trương này cũng cho thấy Đảng đã nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng cơ chế “bảo hiến”, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như điều chỉnh các quan hệ xã hội, trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho việc hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đầy đủ và hiệu quả.

Nhận thức về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước có bước tiến đáng kể. Từ chỗ chỉ xem Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân, văn kiện Đại hội VIII đã khẳng định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân,... giám sát việc thực hiện dân chủ, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân”(11). Đến Đại hội IX, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước đã được cụ thể hóa hơn một bước: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân... phát huy khả năng tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp...; tham gia xây dựng, chỉnh đốn đảng, thực hiện giám sát của nhân dân đối với công tác và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu dân cử và các cơ quan nhà nước...”(12). Văn kiện Đại hội X bổ sung chức năng “phản biện xã hội” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”(13). Như vậy, đến Đại hội X, các phương thức cơ bản để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước như: tham gia hiệp thương bầu cử, giám sát, phản biện xã hội đã được Đảng ta làm rõ, tạo tiền đề để Nhà nước thể chế hóa thành cơ chế và tổ chức thực hiện. Trong thể chế chính trị nhất nguyên như ở nước ta, không tam quyền phân lập, không lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực thì kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng.

Đại hội XI và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; làm rõ các phương thức, cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước là “thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(14). Đồng thời, nhấn mạnh “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”(15).

Cương lĩnh đã thể hiện một bước đột phá trong nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước khi bổ sung nội dung “kiểm soát” vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở nước ta. Theo đó, Cương lĩnh khẳng định “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(16). So với Cương lĩnh năm 1991 và các kỳ đại hội trước đó, Cương lĩnh 2011 thể hiện sự nhận thức sâu sắc hơn khi xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Nhận thức này đã đánh dấu cho việc bước đầu hình thành một cơ cấu kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và sự kiểm soát nội bộ mỗi quyền. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(17). Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định rõ các chủ thể thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp”(18); “Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp”(19); “Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”(20). Việc hiến định nguyên tắc “kiểm soát” và cụ thể hóa sự phân công, phối hợp trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước trong Hiến pháp thể hiện bước phát triển quan trọng trong nhận thức và thực tiễn xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta.

Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động...; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội”(21). Trên cơ sở đó, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, tạo ra cơ chế để nhân dân giám sát quyền lực nhà nước.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, đồng thời nhấn mạnh “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(22). Phương hướng cơ bản để mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện... Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”(23).

Đại hội tiếp tục khẳng định nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Đồng thời, nhấn mạnh trong thời gian tới cần “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”, “quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền”(24).

Đại hội tiếp tục đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần phát huy dân chủ trong xã hội: “Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”(25); “Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(26).

Có thể nhận thấy quá trình nhận thức và phát triển tư duy lý luận của Đảng về kiểm soát quyền lực nhà nước qua hơn 30 năm đổi mới đã thể hiện rõ một số điểm nổi bật sau:

Một là, Đảng ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao, chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, đồng thời cũng là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhận thức đó xuất phát từ việc nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, trên cơ sở đó, từng bước cụ thể hóa các phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhân dân kiểm soát Nhà nước thông qua bầu cử, thông qua các cơ quan dân cử; thông qua giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân như: quyền khiếu nại, tố cáo, trưng cầu ý dân...

Hai là, từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và cải cách bộ máy nhà nước, lý luận của Đảng về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước nói riêng ngày càng được bổ sung và phát triển. Từ mô hình nhà nước tập trung quan liêu bao cấp, chưa đề cao đúng mức vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, đến việc khẳng định nguyên tắc “phân công, phối hợp và kiểm soát” trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước là bước phát triển đột phá về mặt lý luận.

Ba là, Đảng ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Với tư cách là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là công cụ để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước. Các cơ chế để các tổ chức này tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước như: giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệp thương bầu cử, thanh tra nhân dân... ngày càng được làm rõ.

2. Vận dụng quan điểm của Đảng trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay

Những bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận về kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng đã có tác động trực tiếp đến thực tiễn xây dựng, củng cố và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta thời kỳ đổi mới. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được đảm bảo; bộ máy nhà nước từng bước được đổi mới trong tổ chức và hoạt động theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng được định hình rõ nét và góp phần hạn chế tình trạng tha hóa quyền lực. Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta, trong thời gian tới cần tập trung những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, nhận thức và tư duy của Đảng thời kỳ đổi mới đã đặt cơ sở lý luận cho việc hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài - kiểm soát của nhân dân đối với việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, vì vậy, cần tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế pháp lý để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến các quy định để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Biểu tình...

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa đại biểu dân cử với nhân dân, để thông qua các tổ chức này, nhân dân thể hiện nguyện vọng, thực hiện ý chí, tham gia ngày càng nhiều và thực chất vào công việc nhà nước, đồng thời kiểm soát các đại biểu dân cử.

Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như: quyền bầu cử và bãi miễn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội,...

Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tạo điều kiện để nhân dân có thể quyết định trực tiếp các vấn đề quan trọng ở địa phương; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước ở địa phương.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ cơ chế kiểm soát nội bộ mỗi quyền; quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền.

Quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước phải bắt đầu từ việc xác định rõ giới hạn quyền lực của từng cơ quan để hạn chế tình trạng lạm quyền, đồng thời, giảm thiểu sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong việc thực thi quyền lực. Tiếp đến, cần phát huy vai trò của các thiết chế kiểm soát nội bộ như: thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Xác định rõ cơ chế kiểm soát, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong quá trình tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát của Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là với Chính phủ; thiết lập cơ chế kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với các cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp để đảm bảo vai trò là “chốt chặn” cuối cùng của việc kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tiếp tục phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, tăng cường vai trò kiểm soát của Trung ương đối với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý.

Thứ ba, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục thể chế hóa Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị và quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tổ chức hiệp thương và giám sát bầu cử. Bổ sung phương thức để các tổ chức này tham gia ngày càng thực chất hơn vào công việc của nhà nước, kiểm soát quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước và các công chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở tất cả các lĩnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.109, 118.

 (3), (4), (5), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.145, 145, 146, 146.

(6) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.13.

(8), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.134, 130.

(9), (10), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.126, 127, 124.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.128.

(14), (15), (16), (21)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85, 86, 85, 246.

(17), (18), (19), (20) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.9, 32, 49, 55.

(22), (23), (24), (25), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.169, 169, 176, 170, 307.

 

PGS, TS HỒ XUÂN QUANG

ThS NGUYỄN TUẤN ANH

Trường Đại học Quy Nhơn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền