Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền Việt Nam
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 11:01
3875 Lượt xem

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền Việt Nam

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam là sự kết tinh giá trị phổ quát của nhân loại với lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với tình hình Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) chú trọng thực hiện Hiến pháp và pháp luật, coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân có giá trị to lớn với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam

Giá trị đầu tiên và lớn nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền mà hiện nay Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang thừa hưởng là tính chính danh hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước.

Hồ Chí Minh đã nghiên cứu nhiều mô hình nhà nước trên thế giới để vận dụng ở Việt Nam khi nước nhà giành được độc lập, trong đó có hình mẫu nhà nước Xôviết. Trải qua khảo nghiệm của cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh, Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 do Hồ Chí Minh chủ trì, Đảng ta đã dự kiến một thể thức nhà nước mới là VNDCCH. Đó là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Hồ Chí Minh chủ trương sớm hợp thức hóa về mặt pháp lý cho một Nhà nước mới của Việt Nam bằng một chuỗi hành động bảo đảm tính dân chủ, tuân thủ thông lệ quốc tế. Chỉ một ngày sau khi thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(1) để lập nên Quốc hội rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy hợp hiến, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Có như vậy chính quyền cách mạng mới có cơ sở pháp lý vững chắc để làm việc với quân Đồng Minh, mới xác lập vững chắc quan hệ quốc tế bình đẳng, mới thiết lập được cơ chế quyền lực hợp pháp theo đúng thông lệ của một nhà nước pháp quyền hiện đại.

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành thắng lợi ngày 6-1-1946 với chế độ phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, tất cả mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe tâm thần bình thường; đang không thụ án; không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, đảng phái, tôn giáo... đều đi bỏ phiếu, bầu đại biểu của mình vào Quốc hội. Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I nước VNDCCH đã họp phiên đầu tiên, lập ra các tổ chức, bộ máy và các chức vụ chính thức của Nhà nước. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp. Đây chính là Nhà nước hợp hiến đầu tiên, có đầy đủ tư cách pháp lý để giải quyết những vấn đề đối nội và đối ngoại ở Việt Nam.

Tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước mới ở Việt Nam, nói cách khác là giá trị pháp lý quốc tế của Nhà nước VNDCCH, đã được Hồ Chí Minh sử dụng thành công để chống lại âm mưu và hành động của quân Trung Hoa Dân quốc cùng bọn tay sai phản động người Việt Nam lưu vong phía Nam Trung Quốc (Việt Quốc, Việt Cách...) trở về nước với ý đồ “diệt Cộng cầm Hồ”.

Với trách nhiệm người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh càng quan tâm sâu sắc hơn việc bảo đảm cho Nhà nước được tổ chức và vận hành phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để điều hành xã hội, làm cho tinh thần pháp quyền thấm sâu, điều chỉnh mọi quan hệ, hoạt động trong Nhà nước và xã hội. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này đối với Việt Nam  hiện nay là ở chỗ, phải luôn luôn tuân thủ đúng thông lệ quốc tế. Bộ máy nhà nước và mọi vận hành của đời sống xã hội Việt Nam phải được bảo đảm trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Vấn đề trước hết là phải bảo đảm chế độ bầu cử thực sự dân chủ. Mỗi nước có quyền lựa chọn cách thức bầu cử cho phù hợp nhưng phải bảo đảm bản chất dân chủ, tự do đầu phiếu, bỏ phiếu kín, nam nữ bình quyền, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền, tài sản, đảng phái chính trị... Hiến pháp, pháp luật phải thể hiện được ý chí toàn dân.

Hiện nay, xu hướng chung của nhà nước hiện đại là: nhà nước từ chủ yếu có chức năng cai trị chuyển dần sang quản lý, phục vụ. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều đến quan điểm chính phủ và cán bộ, công chức phải làm đầy tớ cho dân. Quốc hội là cơ quan lập pháp và là cơ quan thể hiện quyền lực tối cao, tập trung thuộc về nhân dân. Từ đó, quan điểm chính phủ ngoài chức năng là cơ quan hành chính cao nhất đất nước, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội thì phải là tổ chức có chức năng, nhiệm vụ xây dựng và thực thi chính sách quốc gia. Từ chính phủ của nhà nước cai trị đến chính phủ kiến tạo, phục vụ, làm đầy tớ dân là cả những bước tiến dài về nhận thức và hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự phát triển của công nghệ thông tin giúp nhiều quốc gia vận dụng xây dựng “Chính phủ điện tử”, thành phố thông minh... là một trong nhiều biểu hiện của quá trình gia tăng tính phục vụ nhân dân của chính phủ.

2. Thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước quản lý quan trọng nhất là bằng Hiến pháp và pháp luật. Muốn vậy, trước hết, cần làm tốt công tác lập pháp. Hồ Chí Minh luôn chú trong xây dựng hệ thống luật pháp dân chủ, hiện đại. Ở cương vị nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh có hai lần tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959), đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức Nhà nước và pháp luật cũng như nhiều văn bản dưới luật khác. Trong bối cảnh đất nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, sự ra đời của hệ thống luật pháp thể hiện rất rõ nỗ lực của Hồ Chí Minh trong công tác lập pháp.

Cùng với công tác lập pháp, Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật được thi hành và có cơ chế giám sát việc thi hành chúng. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác giáo dục pháp luật cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ, rất quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm mọi quyền và nghĩa vụ công dân được thực thi trong cuộc sống. Việc thực thi pháp luật có quan hệ rất lớn đến trình độ dân trí của nhân dân, vì vậy, Hồ Chí Minh chú trọng đến vấn đề nâng cao dân trí, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân, làm cho nhân dân có ý thức chính trị trong việc tham gia công việc của chính quyền các cấp.

Hồ Chí Minh luôn nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật. Người tuyên bố: “Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính, nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân”(2). Điều đó đòi hỏi pháp luật phải đúng và phải đủ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi người dân; người thực thi pháp luật phải thật sự công tâm và nghiêm minh, v.v.. Người phê phán những hiện tượng thể hiện tính thiếu nghiêm minh của pháp luật, như: “thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm”(3), lẫn lộn giữa công và tội. Hồ Chí Minh luôn luôn khuyến khích nhân dân phê bình, giám sát công việc của Nhà nước, giám sát quá trình Nhà nước thực thi pháp luật, đồng thời, không ngừng nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, trước hết là các cán bộ thuộc ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc, Hồ Chí Minh viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”(4). Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Một vấn đề được đặt ra trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam đối với Nhà nước. Về bản chất, đây là nguyên tắc vận hành của Nhà nước mới thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay cả khi Đảng tuyên bố tự giải tán (cuối năm 1945) thì Điều 49 và Điều 50 của Hiến pháp năm 1946 có nêu cao quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước. Như vậy, Đảng vẫn có trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước thông qua nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh. Hiến pháp năm 1959 không có điều nào ghi về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng như những Hiến pháp sau này, nhưng thực chất vẫn toát lên nguyên tắc ĐCS Việt Nam có trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội.

Cần lưu ý, Hồ Chí Minh chưa bao giờ khẳng định Nhà nước là công cụ của ĐCS Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng, ĐCS Việt Nam là Đảng cầm quyền, nhưng các cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quyết định của Đảng cầm quyền không bao giờ cao hơn Hiến pháp và pháp luật. Nhất nhất, cả về lý luận và thực tiễn, sự chi phối, sự chế định tối cao cho mọi hành xử trong xã hội đều thuộc về Hiến pháp và pháp luật. Chính vì vậy, một nguyên tắc cần được bổ sung vào hệ thống nguyên tắc xây dựng Đảng cầm quyền: Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 của Hiến pháp 2013 cũng thể hiện nội dung này khi đề cập đến vị trí, vai trò của ĐCS Việt Nam.

3. Nhà nước bảo đảm quyền con người

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tôn trọng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người theo những giá trị phổ quát của nhân loại và phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều này phản ánh ngay trong Hiến pháp, pháp luật cũng như trên thực tế.

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo các lý thuyết hiện đại về quyền con người, Hồ Chí Minh tiếp cận quyền con người toàn diện. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền con người theo quan điểm hiện đại, vừa có tính phổ cập toàn nhân loại, vừa có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với chính thể VNDCCH. Hồ Chí Minh đề cập các quyền tự nhiên của con người, trong đó, quyền cao nhất là quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Hồ Chí Minh cũng đề cập đến quyền chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của con người. Hồ Chí Minh chú trọng quyền của công dân nói chung, đồng thời cũng chú trọng đến quyền của những nhóm người cụ thể, như: phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là quyền của những người yếu thế trong xã hội, v.v. Sự nghiệp cách mạng chân chính là sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người, đấu tranh cho quyền con người, vì thế, mục tiêu giải phóng con người, làm cho mọi người có cuộc sống hạnh phúc, tự do, được hưởng dụng các quyền con người đầy đủ nhất đã hòa quyện một cách hữu cơ và trở thành mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong cho sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc, Giải phóng xã hội (trong đó có giải phóng giai cấp), Giải phóng con người. Giải phóng dân tộc ở Việt Nam là điều kiện tiên quyết để giải phóng xã hội và giải phóng con người. Giải phóng xã hội vừa bảo đảm vững chắc cho giải phóng dân tộc vừa là một tiền đề cho giải phóng con người. Mục tiêu cuối cùng là giải phóng con người với nghĩa làm cho con người tự do: phát triển toàn diện, con người thoát khỏi mọi áp bức bất công, thoát khỏi mọi sự áp chế tiêu cực từ tự nhiên và xã hội. Nhà nước Việt Nam ngay từ khi ra đời luôn nhất quán quan điểm kiên quyết đấu tranh cho quyền con người. Hiến pháp đã ghi nhận toàn diện quyền con người ở Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có quan điểm về một Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, pháp luật có tính nhân văn, khuyến thiện cho con người trong xã hội. Cho nên, ngay khi thành lập, Chính phủ lâm thời nước VNDCCH đã ngay lập tức tuyên bố xóa bỏ mọi luật pháp hà khắc của chính quyền thực dân phản động. Tính nhân văn của hệ thống luật pháp thể hiện ở việc ghi nhận đầy đủ và bảo vệ quyền con người; ở tính nghiêm minh, khách quan, công bằng. Đặc biệt, hệ thống luật pháp có tính khuyến thiện, bảo vệ cái đúng, cái tốt, lấy mục đích giáo dục, cảm hóa, thức tỉnh con người hướng tới điều thiện làm căn bản. Với Hồ Chí Minh, việc xây dựng và thi hành pháp luật phải dựa trên nền tảng đạo đức của xã hội và các giá trị đạo đức thấm sâu vào trong mọi quy định của pháp luật. Đó là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”; trong “đức” có “pháp”, và ngược lại. Hành cho tốt đức cũng là hành pháp đúng đắn; hành pháp đúng cũng tức là thực thi đức tốt. 

4. Nhà nước pháp quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước dân chủ, nhưng tuyệt nhiên không phải là “Nhà nước toàn dân” hiểu theo nghĩa là nhà nước phi giai cấp. Dân chủ tất yếu phải đi liền với kiểm soát quyền lực. Các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước, dù ít hay nhiều đều nắm giữ quyền lực trong tay. Quyền lực này là do nhân dân ủy thác cho. Nhưng khi giữ quyền lực, cơ quan nhà nước hay cán bộ nhà nước đều có thể trở nên lạm quyền. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”(5). Vì thế, để bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, cần kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước nên có quyền kiểm soát quyền lực Nhà nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(6). Đảng cầm quyền cần chú ý phát huy vai trò kiểm soát quyền lực của nhân dân, bởi so với số nhân dân thì đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Nhà nước là công bộc của dân, “mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”(7). Kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền phải đi đôi với phòng, chống tiêu cực trong Nhà nước để bảo đảm và phát huy dân chủ.

Hồ Chí Minh chỉ ra những tiêu cực trong bộ máy nhà nước:

Đặc quyền, đặc lợi. Xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải tẩy trừ những thói cậy mình là người trong cơ quan chính quyền để cửa quyền, hách dịch với dân, lạm quyền, đồng thời để vơ vét tiền của, lợi dụng chức quyền để làm lợi cho cá nhân mình, làm như thế tức là sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Người phê bình những người “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”(8). Quan điểm của Hồ Chí Minh là: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến...Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”(9). Ngày 27-11-1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhân hối lộ với mức từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26-1-1946, Hồ Chí Minh ký lệnh nói rõ tội tham ô, trộm cắp là tội tử hình.

Lãng phí là căn bệnh Hồ Chí Minh lên án gay gắt. Hồ Chí Minh kịch liệt lên án tệ kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Trong chính quyền, còn hiện tượng gây mất đoàn kết, không biết cách làm cho mọi người hòa thuận với nhau, còn có người “bênh vực lớp này, chống lại lớp khác”. Ngoài bệnh cậy thế, có người còn kiêu ngạo, “tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi... cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”(10), làm mất uy tín của Chính phủ.

Để tìm ra biện pháp phòng, chống tiêu cực trong bộ máy nhà nước, Hồ Chí Minh đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân và nêu một số biện pháp khắc phục. Thí dụ như: (1) Thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đó là giải pháp căn bản và có ý nghĩa lâu dài; (2) Kỷ cương phải giữ vững; (3) Thường xuyên kiểm tra. Trong Nhà nước pháp quyền thượng tôn Hiến pháp và pháp luật không có bất cứ vùng cấm nào; (4) Cán bộ phải đi trước làm gương, cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2018

(1), (5), (8), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.7, 51, 65, 66.

(2) Sđd, t.6, tr.49.

(3) Sđd, t.15, tr.225.

(4), (6) Sđd, t.5, tr.473, 325.

(7) Sđd, t.8, tr.507.

(9) Sđd, t.7, tr.357-358.

 

GS, TS Mạch Quang Thắng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền