Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hồ Chí Minh với Quốc tế cộng sản và sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:43
1859 Lượt xem

Hồ Chí Minh với Quốc tế cộng sản và sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, bằng trí tuệ mẫn tiệp và sự nhạy cảm chính trị, Hồ Chí Minh đã lựa chọn Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Quốc tế III bởi trên hết, Người tìm thấy mục tiêu mà mình theo đuổi trong đường lối của tổ chức cộng sản này. Kể từ đó, Hồ Chí Minh trở thành một người cộng sản, được Quốc tế Cộng sản giáo dục, rèn luyện và đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Là một người mác xít chân chính, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

100 năm đã trôi qua kể từ khi Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời, phong trào cách mạng thế giới đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, song xu thế chủ đạo của thời đại vẫn là tiếp tục tiến về phía tiến bộ theo lý tưởng mác xít. Bức tranh đa màu sắc đó không chỉ có những gam màu tối như sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, có sự thắng thế của CNTB toàn cầu, có sự khó khăn của phong trào cánh tả Mỹ - Latinh mà còn có những gam màu sáng bởi thắng lợi của nhân loại trước họa phát xít, bởi những thành công của công cuộc cải cách, đổi mới của các nước theo định hướng XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, bởi những giá trị cơ bản của con người, của các dân tộc theo tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn được nhân loại tiếp tục thừa nhận và theo đuổi. Trong lòng CNTB hiện đại, các lực lượng xã hội tiến bộ vẫn đang tiếp tục tập hợp lực lượng, kiên trì theo đuổi các giá trị chân chính thuộc về con người, các nhân tố có tính chất XHCN tiếp tục xuất hiện...

Trong thời gian 100 năm đó, đã có không ít sự phê phán, thậm chí là phủ nhận, phỉ báng các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Quốc tế III. Sự phê phán, phủ nhận, phỉ báng đó vô cùng đa dạng song có điểm chung cơ bản là cố chứng minh cho chân lý của lịch sử thuộc về giai cấp tư sản, rằng CNTB là đích cuối cùng của lịch sử. Vậy, sự thật lịch sử là gì? Dưới đây, qua nghiên cứu trường hợp Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin, với Quốc tế III sẽ góp phần trả lời câu hỏi đó.

Dân tộc Việt Nam có lịch sử văn hóa, văn hiến lâu đời. Tuy nhiên, sự nghiệt ngã của lịch sử là, đất nước ta đã bị phong kiến phương Bắc đô hộ hơn 1000 năm. Những tưởng dân tộc Việt Nam không thể tiếp tục đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc, nhưng kỳ lạ thay, vào năm 938, truyền thống văn hóa, văn hiến lại trỗi dậy, mở đầu bằng chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng lịch sử, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.

Bước vào thời cận đại, khi chủ nghĩa thực dân đua nhau đi xâm chiếm thuộc địa, thêm một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại đứng trước họa xâm lăng và trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Trước cảnh nước mất nhà tan, biết bao người Việt Nam yêu nước đã đứng lên phất cao ngọn cờ dân tộc, kiên quyết giành lại độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước đều thất bại trước sức mạnh và sự tàn bạo của thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt ra một cách bức thiết.

Cũng như những người Việt Nam yêu nước nhiệt thành khác, thầy giáo Nguyễn Tất Thành, là con quan Phó bảng thanh liêm, cương trực, sinh ra trên một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng cũng nung nấu một ý chí, một quyết tâm cứu nước. Người đã quyết ra đi để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Hành trình ấy được đánh dấu vào ngày 5-6-1911 tại bến Nhà rồng trên một chuyến tàu buôn. Dù trải qua 5 châu 4 biển nhưng đích hướng của Người là những trung tâm phát triển của nhân loại vào thời điểm đó. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành suy nghĩ rằng, chỉ đến những nơi phát triển nhất thì mới thâu tóm được những tri thức, những lý luận mới mẻ nhất.

Quả đúng vậy, Người đã bắt gặp bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của lãnh tụ V.I.Lênin được đăng 2 số vào ngày 16, 17-7-1920 trên báo Nhân Đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Luận cương của V.I.Lênin đã đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Người đã “vui mừng đến phát khóc lên” và từ đó hoàn toàn tin theo V.I.Lênin, chủ nghĩa Lênin. Đó cũng là cơ sở ban đầu đặc biệt quan trọng để rồi tại Đại hội Tua vào tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn Quốc tế III, tự nguyện trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Như vậy, Quốc tế III đã mang đến ánh sáng cách mạng cho Nguyễn Ái Quốc, đưa Người trở thành một chiến sĩ cộng sản, góp phần định hướng về thế giới quan cho Người trong suốt cả hành trình cách mạng về sau. Đây cũng là lôgic của sự vận động tư tưởng của Người khi Người bộc bạch trong Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, rằng, “lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước chứ không phải chủ nghĩa cộng sản đã làm tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III”(1). Thực tế này cũng là sự bác bỏ thuyết phục cho những ai quy Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc thuần túy, tách Người ra khỏi dòng chảy của những tư tưởng mác xít chân chính.

Bằng việc ủng hộ Quốc tế III, qua hoạt động cách mạng sôi nổi với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, có nhiều đóng góp xuất sắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Qua hoạt động quốc tế, với nhiều cương vị khác nhau và tại Đại hội V Quốc tế III, là Ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc không chỉ có đóng góp quan trọng cho tổ chức này mà còn được đào luyện cả về lý luận và thực tiễn cách mạng qua các nhiệm vụ được Quốc tế Cộng sản giao. Qua việc nghiên cứu, học tập tại Trường Đại học Phương Đông, trải qua quá trình tự nghiên cứu kiên trì, gian khổ và nhất là qua hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã thâu thái được một cách có hệ thống lý luận Mác-Lênin. Điều này thể hiện một cách rõ ràng khi Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2).

Cũng tương tự, sau khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào năm 1946, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, rằng mình có phải là một người cộng sản không, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Tôi đã nghiên cứu nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa. Mỗi học thuyết, chủ nghĩa đều có những ưu điểm riêng. “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân... Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là có lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là có chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho con người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội.  Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng, họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người  học trò nhỏ của các vị ấy”(3).

Theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện tiếp xúc, làm việc, tổ chức các hoạt động cách mạng không chỉ ở Pháp, ở châu Âu  mà còn ở nhiều quốc gia khác, nhất là ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Người không chỉ là người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều tổ chức cộng sản khác, trong đó có Đảng Cộng sản Malaysia, là bạn bè thân thiết với nhiều lãnh tụ cách mạng nổi tiếng ở trên thế giới. Qua hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã làm giàu kho tàng tri thức của mình cả về lý luận và thực tiễn.

Có thể nói rằng, Quốc tế Cộng sản đã góp phần rèn luyện nên con người, nhân cách Hồ Chí Minh, với tư cách là một người cộng sản chân chính và chính Người đã có những cống hiến xuất sắc cho tổ chức này cũng như cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đóng góp to lớn đó của Người không chỉ với tư cách là một thành viên của Quốc tế Cộng sản khi Quốc tế III còn tồn tại mà mãi về sau, cả trong cuộc đời của Người.

Là một người cộng sản chân chính với khát vọng cháy bỏng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”, từ khi là một thanh niên yêu nước nhiệt thành, đến khi trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, Nguyễn Ái Quốc đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Chính Người đã đưa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành động lực có sức mạnh vĩ đại và cũng chính Người là đỉnh cao, là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước đó mà như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn sách Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp (1990) đã nhận định rằng: “Người là hiện thân của đức khôn ngoan của nhà Phật, lòng nhân từ của Chúa Giêsu và tinh thần cách mạng của Lênin... Tất cả đều được bao bọc trong Người với một dáng dấp rất tự nhiên”.

Sở dĩ trở thành biểu tượng của dân tộc và thời đại, trở thành danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc bởi Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ tầng văn hóa của thời đại, với những giá trị văn hóa chính trị đặc sắc. Cũng vì vậy, Người tiếp thu chủ nghĩa ấy không rập khuôn, giáo điều cũng không cực đoan. Người đã biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa đó, kết hợp một cách tài tình chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng một cách biện chứng, phù hợp hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam cũng như điều kiện cụ thể của cách mạng thế giới. Điều đó là chân lý bởi, trong Di chúc lịch sử, Người đã viết những điều sâu sắc và cháy bỏng nhất: “Về phong trào cộng sản thế giới-là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

Về vấn đề này, chúng ta cần làm sáng tỏ, sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh trên 2 vấn đề căn cốt. Một là, sự vận dụng đó trên cơ sở nào; Hai là, sự vận dụng sáng tạo đó được thể hiện cụ thể như thế nào?

Về khía cạnh thứ nhất: cơ sở của sự vận dụng của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này được khẳng định thông qua những suy nghĩ, những phát biểu của Hồ Chí Minh đã ít nhiều được thể hiện trong phần trên của bài viết. Chúng tôi chỉ dẫn ra ở đây thêm một căn cứ khác.

Trong bản Di chúc, Người viết: “... vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh suốt đời là một là một người mác xít chân chính.

Ở đây, điều cần phải nhấn mạnh thêm là, Hồ Chí Minh học chủ nghĩa Mác không theo lối tầm chương. Người dạy rằng: “học chủ nghĩa Mác không phải là thuộc lòng từng câu, từng chữ mà học cái tinh thần, cái phương pháp”.

Vì tiếp thu chủ nghĩa Mác theo tinh thần ấy, phương pháp ấy nên Hồ Chí Minh không rơi vào sách vở, giáo điều. Ngược lại, tinh thần độc lập, tư duy phản biện giàu tính thực tiễn là bản chất tư duy Hồ Chí Minh. Đó cũng là bản chất, linh hồn của chủ nghĩa Mác như V.I.Lênin đã từng nói “bản chất linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là phân tích cụ thể tình hình lịch sử cụ thể”. Cũng chính nhờ vậy mà Hồ Chí Minh đã đạt đến tầm vóc sáng tạo.

Vấn đề thứ hai: Với cách mạng Việt Nam, sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện ở đâu?

Ngay từ những thập niên 20 của thế kỷ XX, khi được Quốc tế Cộng sản phân công về hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Chí Minh lĩnh 4 sứ mệnh sau đây: Một, thiết lập và duy trì quan hệ giữa cách mạng Đông Dương và Quốc tế Cộng sản; Hai, thu thập và cung cấp thông tin về tình hình thuộc địa cho Quốc tế Cộng sản; Ba, bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng ở bản xứ; Bốn, tổ chức các cơ sở thông tin, tuyên truyền.

Thực hiện sứ mệnh trên, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức rất nhiều các hoạt động cách mạng mà nổi bật là xây dựng các tổ chức cách mạng, huấn luyện cán bộ và thành lập các cơ quan tuyên truyền. Chính vì vậy, Người đã cải tổ Tâm tâm xã thành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1925), ra báo Thanh niên và tổ chức các khóa đào tạo cán bộ mà Người trực tiếp tham gia giảng dạy. Các bài giảng của Người được tập hợp thành cuốn Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927).

Có thể nói, Đường Cách mệnh là tác phẩm lý luận quan trọng đầu tiên của Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn thảo. Tác phẩm này tuy giản lược và văn phong giản dị để phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ và nhân dân lúc đó song đã thể hiện một cách cô đọng và sinh động 2 vấn đề căn cốt của cách mạng. Một là, tổng lược hóa những quan điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin; Hai là, trình bày các phương thức, kỹ năng thiết yếu, cần có của một đảng cách mệnh, của cán bộ cách mệnh. Qua đó, thấy rõ rằng, Hồ Chí Minh đã thâu thái được tinh thần cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như sự vận dụng sáng tạo của Người.

Sự vận dụng sáng tạo đó thể hiện rõ nét ở chỗ, theo Người, để cách mạng thành công, không chỉ có “chủ nghĩa làm cốt”, có “Đảng cách mệnh”, có “người cán bộ cách mệnh” mà còn phải có lực lượng. Lực lượng cơ bản là thợ thuyền, nông dân cùng với học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ. Theo đó, họ đều là bầu bạn của cách mạng. Tiếc thay, chính ở khía cạnh vận dụng sáng tạo này mà Người đã bị hiểu nhầm, thậm chí bị nghi ngờ là người theo chủ nghĩa dân tộc.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, quan điểm của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, bởi trong một quốc gia nô lệ, một cổ 2 tròng, để giải quyết mục tiêu giai cấp, tất yếu phải ưu tiên giải quyết mục tiêu dân tộc. Để thực hiện mục tiêu dân tộc, không thể không đoàn kết, tập hợp các lực lượng yêu nước có thể đoàn kết được bao gồm cả trí thức, điền chủ, tiểu chủ nhỏ.

Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ gửi Quốc tế Cộng sản năm 1924, Người tha thiết đề nghị phải bổ sung vào hành trang của chủ nghĩa Mác về dân tộc học phương Đông. Lý do bởi, biểu hiện của quy luật xã hội vô cùng đa dạng và lịch sử lại thường xuyên bị chi phối bởi không chỉ yếu tố kinh tế mà còn vô vàn các yếu tố khác về lịch sử, văn hóa... Trong điều kiện Việt Nam, các cuộc cách mạng xã hội không điển hình như lịch sử châu Âu, bởi vậy, lực lượng cách mạng cũng có những đặc thù.

Cách nhìn đó của Hồ Chí Minh đã đúng trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ và hiện nay vẫn còn đúng khi Đảng ta thừa nhận đội ngũ doanh nhân là một lực lượng tham gia xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ lên CNXH, thừa nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Không chỉ sáng tạo về lực lượng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc còn có những sáng tạo khác. Đó là việc xác định nhiệm vụ cách mạng và phương thức huy động lực lượng cách mạng.

Về xác định nhiệm vụ cách mạng, trên cơ sở phân tích tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam, ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc ưu tiên mục tiêu giành độc lập cho dân tộc. Bằng chứng là, khi tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, mặc dù chưa hiểu biết nhiều về chủ nghĩa đó nhưng Người đã lựa chọn chủ nghĩa Lênin, tin theo chủ nghĩa Lênin, bởi chủ nghĩa đó công khai ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa.

Vận dụng sáng tạo lý luận mác xít, nhất là qua Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi C.Mác và Ph.Ănghen cho rằng, để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, giai cấp công nhân ở mỗi nước trước hết phải “giành lấy dân chủ”, “tự mình trở thành dân tộc”, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc chia làm 3 loại cách mệnh: tư sản cách mệnh; dân tộc cách mệnh; thế giới cách mệnh. Trong dân tộc cách mệnh, Người chủ trương ưu tiên độc lập dân tộc, thực hiện dân chủ cho nhân dân. Vì lẽ đó, sau khi trở về nước chỉ đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng từ chỗ ưu tiên mục tiêu giai cấp sang ưu tiên mục tiêu dân tộc. Theo Người, “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(4). Đó cũng là niềm tin sắt đá của Người khi phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám (1945) với quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập dân tộc”.

Về phương thức huy động lực lượng cách mạng, ngoài khía cạnh nội bộ dân tộc như đã nói ở trên, một sáng tạo khác vô cùng độc đáo và đúng đắn cũng sớm được Nguyễn Ái Quốc đề cập. Theo Người, để hoàn thành sứ mệnh giải phóng của giai cấp công nhân trên phạm vi toàn thế giới, giai cấp công nhân ở chính quốc phải có trách nhiệm giúp đỡ, ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Sự ủng hộ, giúp đỡ này không phải chỉ vì lợi ích của các nước thuộc địa mà còn vì lợi ích của giai cấp công nhân ở chính quốc và toàn thể giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Đó cũng là cơ sở quan trọng để hình thành tư tưởng của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

Nhận định trên có thể tìm thấy ngay trong những ngày đầu hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Tại phiên khai mạc Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản (ngày 17-6-1924), với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nêu câu hỏi: “Tôi muốn biết Đại hội có gửi lời kêu gọi đặc biệt đến các thuộc địa không?” và đề nghị bổ sung chữ “Gửi các dân tộc các nước thuộc địa” vào Lời kêu gọi của Đại hội. Tại các phiên họp thứ 8, 22, 25 của Đại hội, khi được phát biểu, Người khẳng định: “Vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các nước thuộc địa”.

Từ những điều dẫn ra ở trên đây mặc dù rất giản lược những cũng có thể khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là một nhà mác xít chân chính. Nhà mác xít ấy được chủ nghĩa Mác - Lênin đào luyện, vừa trung thành với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin song đã có những vận dụng sáng tạo, cả trong lý luận và cả trong thực tiễn. Nhờ vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập mà còn giáo dục, rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người xứng đáng là một lãnh tụ cách mạng, một nhà tư tưởng mác xít chân chính trung thành với những di huấn của những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và chứng minh rằng chủ nghĩa Mác không phải là biệt lập, không phải là một giáo điều. Chủ nghĩa đó là một hệ thống mở mà suy cho cùng, phải lấy thực tiễn làm thước đo, phải sáng tạo bởi bản chất của cách mạng là sáng tạo.

____________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 127.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.268.

(3) Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 152.

(4) Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.133.

PGS, TS Hồ Trọng Hoài

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền