Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Từ lý luận phân phối của C.Mác tới thực tiễn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 15:17
12523 Lượt xem

Từ lý luận phân phối của C.Mác tới thực tiễn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(LLCT) - Học thuyết kinh tế của C.Mác nhận định phân phối là một trong 3 mặt của quan hệ sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển. Ở Việt Nam hiện nay cần xem xét quan hệ phân phối trong tổng hòa quan hệ sản xuất có tính tới đặc thù theo từng giai đoạn phát triển và thừa nhận nhiều hình thức phân phối thu nhập trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm tạo động lực, cơ hội bình đẳng cho tất cả chủ thể kinh tế trong xã hội phát triển.

1. Lý luận của C.Mác về phân phối

Học thuyết kinh tế của C.Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX trên cơ sở kế thừa các lý thuyết kinh tế trước đó, trong đó quan trọng nhất là kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh. C.Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử xã hội, làm rõ sự tác động qua lại của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lập luận của C.Mác khẳng định quan hệ sản xuất là tổng hòa quan hệ đan xen, thể hiện qua 3 mặt, gồm: quan hệ sở hữu, tổ chức - quản lý và phân phối. Phân phối là một trong 3 mặt của quan hệ sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển. Bản chất của quan hệ phân phối là quan hệ kinh tế giữa con người với con người trong việc phân chia nguồn lực, thành quả lao động của các tầng lớp, giai cấp xã hội.

Phân phối là một khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. Trong quá trình tái sản xuất xã hội, bốn khâu cơ bản kết nối liên hoàn: sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng. Các khâu này có quan hệ mật thiết, quy định lẫn nhau trong nền kinh tế như Mác khẳng định: “Một nền sản xuất nhất định quyết định một chế độ tiêu dùng, một chế độ phân phối, một chế độ trao đổi nhất định, đồng thời cũng quy định các quan hệ nhất định giữa các yếu tố khác nhau đó với nhau”(1).

“Phân phối xác định tỷ lệ (số lượng) sản phẩm dành cho cá nhân, trao đổi xác định những sản phẩm trong đó cá nhân đòi hỏi cái phần do phân phối dành cho mình” (2). Phân phối và trao đổi là hai khâu trung gian nối khâu sản xuất với khâu tiêu dùng. Rõ ràng, phân phối thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là phân phối cho tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân. “Quan hệ phân phối các điều kiện sản xuất hoàn toàn khác với quan hệ phân phối được hiểu là những tư cách khác nhau của các cá nhân để được hưởng một phần sản phẩm thuộc về tiêu dùng cá nhân” (3). Các nhiệm vụ này quan hệ mật thiết và bổ trợ cho nhau nhằm bảo đảm tính liên tục cho quá trình tái sản xuất xã hội. Phân phối gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển sản xuất. Phân phối không chỉ đơn thuần là một kết quả của sản xuất và trao đổi mà phân phối còn tác động trở lại sản xuất và trao đổi.

Phân phối cho tiêu dùng sản xuất là điều kiện quyết định bảo đảm các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Đó là sự phân phối tư liệu sản xuất, sức lao động của xã hội giữa các ngành, lĩnh vực sản xuất và vùng kinh tế. Nó quyết định quy mô, cơ cấu và tốc độ phát triển của nền sản xuất xã hội. Phân phối các yếu tố sản xuất tạo dựng điều kiện xuất phát cho mọi quá trình sản xuất trong đó có sự kết hợp của nhiều thành tố đầu vào. Sự phân phối các yếu tố đầu vào là sự phân phối có tính chất sản xuất, như C. Mác khẳng định: “sự phân phối này đã bao hàm trong bản thân quá trình sản xuất và quyết định cơ cấu của sản xuất”(4).

Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta, C.Mác giới thiệu cơ cấu phân chia tổng sản phẩm xã hội như sau: “Trong tổng sản phẩm xã hội đó, phải khấu trừ:

Một là, phần để thay thế những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng;

Hai là, một phần phụ thêm để mở rộng sản xuất;

Ba là, một quỹ dự trữ hoặc quỹ bảo hiểm đề phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra...

Những khoản khấu trừ như thế vào “thu nhập không bị cắt xén của lao động” là một tất yếu kinh tế, và khấu trừ nhiều hay ít là tùy theo những tư liệu và những lực lượng sản xuất hiện có, một phần là nhờ lối tính xác suất, nhưng dù sao người ta cũng không thể dựa vào sự công bằng để tính những khoản khấu trừ đó được.

Còn lại phần kia của tổng sản phẩm xã hội thì dành làm vật phẩm tiêu dùng. Trước khi tiến hành phân phối cá nhân, lại còn phải khấu trừ:

Một là, những chi phí quản lý chung, không trực tiếp thuộc về sản xuất.

Hai là, những khoản dùng để cùng chung nhau thỏa mãn những nhu cầu, như trường học, cơ quan y tế, v.v..

Ba là, quỹ cần thiết để nuôi những người không có khả năng lao động, v.v... Tóm lại là những cái thuộc về việc mà ngày nay người ta gọi là cứu tế xã hội của nhà nước”(5).

Những nguyên tắc cơ bản trong phân phối tổng sản phẩm xã hội cần phải tuân thủ theo tỷ lệ phân phối, tiêu dùng cá nhân không thể vượt khối lượng thu nhập xã hội; phân phối thu nhập bảo đảm tất yếu cho tái sản xuất sức lao động xã hội và tái sản xuất mở rộng; một phần thu nhập được phân phối vì mục tiêu phúc lợi xã hội, quỹ bảo hiểm.

C.Mác đã đề cập tới 2 hình thức phân phối, gồm phân phối lần đầu và phân phối lại. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giá trị mới tạo ra được phân phối cho các giai cấp dựa trên sự đóng góp của các yếu tố sản xuất: tiền công, lợi nhuận, địa tô. Phân phối lần đầu đem lại tiền công cho công nhân (sở hữu sức lao động), lợi nhuận cho tư bản (sở hữu tư liệu sản xuất), địa tô cho địa chủ (sở hữu đất đai).

Trong điều kiện giả định là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất được thay thế bằng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, C.Mác đã nêu ra nguyên tắc phân phối theo lao động; lấy số lượng, chất lượng lao động làm căn cứ phân phối thu nhập.

Phân phối theo lao động được thực hiện trong “xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”(6).

Trong điều kiện không còn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, “cái mà anh ta đã cống hiến cho xã hội là lượng lao động của cá nhân anh ta,...., cùng một lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội dưới một hình thức này anh ta nhận trở lại của xã hội dưới một hình thức khác.... trong những điều kiện đã thay đổi thì không một ai có thể cung cấp một cái gì khác ngoài lao động của mình, mặt khác vì ngoài những vật phẩm tiêu dùng cá nhân ra thì không còn cái gì khác có thể trở thành sở hữu cá nhân được” (7).

2. Vận dụng sáng tạo lý luận phân phối của C.Mác trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Qua nghiên cứu lý luận của C.Mác về phân phối, có thể rút ra một số điểm mang tính nguyên lý để vận dụng phù hợp là: (1) xem xét quan hệ phân phối trong tổng hòa quan hệ sản xuất, phân phối có tính đặc thù theo từng giai đoạn phát triển nên cần có những hình thức phân phối tương thích; (2) phân phối đóng vai trò quan trọng trong tạo động lực phát triển cá nhân và xã hội. Sự vận dụng sáng tạo các nguyên lý trên có thể khái quát thành một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cần có những điều chỉnh thích ứng điều kiện thực tế hiện tại. Điều này xuất phát từ phương pháp luận của C.Mác - phép biện chứng duy vật và lôgíc lịch sử. Quan hệ phân phối và hình thức phân phối thu nhập có thể thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử, tùy thuộc vào điều kiện hình thành quan hệ sản xuất xã hội.

Hiện nay, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật(8).

 Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ bảo đảm cơ sở cho tất cả các chủ thể kinh tế tự do sáng tạo và tạo thu nhập theo đúng năng lực, được phân phối hợp pháp những thành quả của mình. Họ có quyền hưởng thụ những thu nhập chính đáng từ tài sản và trí tuệ, được quyền huy động các nguồn lực hay phát huy các cơ hội phát triển phục vụ lợi ích của từng chủ thể. Phân phối cần phải tuân thủ tất yếu kinh tế - kỹ thuật của từng chủ thể trong các quá trình kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường, phân phối cần phải tuân thủ những nguyên tắc, quy luật vốn có của thị trường, như cạnh tranh, quy luật giá trị, tối ưu hóa lợi nhuận(9). Việc phân phối được thực hiện dựa theo năng lực và đóng góp thông qua tín hiệu thị trường. Mỗi chủ thể thông thái trong việc tận dụng cơ hội để tối ưu lợi ích riêng như khả năng phân tích và dự báo các thông tin thị trường, đưa ra các quyết định lựa chọn và đầu tư phù hợp, quản trị hiệu quả trong hoạt động, v.v... Trên cơ sở đó, các chủ thể có thể “làm giàu hợp pháp”, linh hoạt sáng tạo làm những gì pháp luật không cấm. Sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ phân phối có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, Việt Nam cần củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm nâng cao phúc lợi và sự bảo vệ cho các cộng đồng dân cư, đặc biệt nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.

Thứ hai, thừa nhận nhiều hình thức phân phối thu nhập trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(10). Đó là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của C.Mác về phân phối, phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong giai đoạn phát triển thấp “còn mang những dấu vết của xã hội cũ”, phương thức sản xuất XHCN chưa được phát triển trên nền tảng của chính nó, việc tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều chủ thể kinh tế có nguồn gốc sở hữu khác nhau là tất yếu lịch sử. Chính vì thế, cần phải thừa nhận vai trò của chúng trong đóng góp làm gia tăng tổng sản phẩm xã hội. Điều này dẫn tới tất yếu thừa nhận các hình thức phân phối khác nhau.

Cơ sở cho phân phối theo lao động - một trong những hình thức phân phối phổ biến hiện nay như C.Mác đã chỉ ra là số lượng, chất lượng lao động, điều kiện và môi trường lao động, tính chất của lao động, các ngành nghề cần được khuyến khích theo nguyên tắc: Ai làm việc có hiệu quả, có đóng góp nhiều hơn thì thu nhập lớn hơn và ngược lại. “Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì được phân phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít. Lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân”(11).

Phân phối theo lao động tuy bình đẳng nhưng chưa thực sự công bằng trong các tầng lớp xã hội. Để từng bước thực hiện công bằng xã hội, bổ sung trực tiếp cho phân phối theo lao động, việc phân phối thông qua quỹ phúc lợi xã hội là rất thiết thực. Hình thành nhiều loại quỹ bảo hiểm xã hội và các quỹ phúc lợi xã hội, quỹ đền ơn đáp nghĩa, v.v. Hành động thiết thực là hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đa dạng hóa các hình thức cứu trợ xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ công thiết yếu cần được phát triển đầy đủ nhằm bảo đảm cho mọi thành viên xã hội hiện đại được tiếp cận và thụ hưởng đích thực như giáo dục, y tế, dịch vụ kết cấu hạ tầng, v.v...

Trong mô hình nền kinh tế thị trường vận hành theo nguyên lý “Bàn tay vô hình” của A. Smith và được phát triển bởi các lý thuyết kinh tế hiện đại, phân phối theo nguồn lực đóng góp có tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ hình thức này bảo đảm lợi ích tối ưu cho các chủ thể tham gia vào quá trình kinh tế. Tùy theo năng lực và nguồn lực sẵn có của mình, các chủ thể được quyền đóng góp vào sản xuất - kinh doanh và được thừa hưởng những giá trị gia tăng hay lợi ích do các nguồn lực đó đem lại cho người sở hữu.

Thứ ba, phân phối phù hợp tạo động lực, góp phần tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả chủ thể kinh tế trong xã hội vươn lên, làm tăng tổng sản phẩm xã hội. Nhận thức của C.Mác về vai trò của phân phối trong tạo động lực cá nhân và xã hội là rất quan trọng. Động lực kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn khi các quan hệ sản xuất, trong đó có quan hệ phân phối được hoàn thiện theo hướng minh bạch, công bằng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Quản lý quan hệ phân phối phù hợp đòi hỏi hệ thống quản lý hiệu lực cao của Nhà nước pháp quyền(12). Phân phối bảo đảm cho việc làm giàu chính đáng cần được thể chế hóa bằng các công cụ quản trị công, đồng thời những hành vi phân phối bất hợp pháp phải được trừng trị nghiêm và công khai theo pháp luật. Phân phối là một khâu trong chu trình kép kín của tái sản xuất xã hội. Phân phối các yếu tố cơ bản như tư liệu sản xuất, sức lao động và tư liệu tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội. Việc phân phối hợp lý các yếu tố không chỉ tiết kiệm nguồn lực kinh tế mà còn tạo động lực lành mạnh thúc đẩy vận hành các khâu còn lại trở nên trôi chảy và hiệu quả hơn.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, phân phối cơ hội phát triển(14) cần được nhận thức rõ ràng và thực hiện hiệu quả nhằm cho phép các chủ thể kinh tế năng động trong việc chớp thời cơ và biết cách biến chúng thành những lợi ích hay giá trị sử dụng hiện thực. Cơ hội trong nền kinh tế thị trường là tiền đề quan trọng quyết định tới thu nhập, khả năng cống hiến và hưởng thụ của mỗi chủ thể xã hội trong tương lai. Việc phân phối các cơ hội công bằng tạo ra sự phân phối các kết quả đầu ra hay thu nhập một cách công bằng. “Cơ hội trong nền kinh tế thị trường là tiền đề quan trọng quyết định tới thu nhập, khả năng cống hiến và hưởng thụ của mỗi chủ thể xã hội (cá nhân, tập thể, tổ chức, cộng đồng) trong tương lai. Tạo sự bình đẳng về cơ hội có thể tạo ra mức độ bình đẳng nhất định trong phân phối đối với mỗi chủ thể xã hội tham gia quá trình phát triển nói chung”(14).

Việc ghi nhận giá trị của C.Mác cần phải tiếp cận từ góc độ biện chứng và phán xét dựa trên nguyên lý phương pháp luận. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giá trị học thuyết Mác nói chung và lý luận phân phối nói riêng còn phát huy giá trị. Chúng ta cần biết vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể đương đại, tránh giáo điều và rập khuôn cứng nhắc. Sự vận dụng sáng tạo những giá trị đó trong bối cảnh hiện nay để hoàn thiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội là hoàn toàn hợp lý, gắn cơ sở khoa học với thực tiễn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.876, 862.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, Phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.635.

(4) C. Mác: Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 290.

(5), (6), (7) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, tr.31-33, 33, 33-34.

(8), (10) Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(9) Vũ Thanh Sơn (đồng chủ biên): Giáo trình kinh tế học chính trị Mác - Lênin, t.2 – Những vấn đề kinh tế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Thông tin và truyền thông, 2013.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.410.

(12) Vũ Thanh Sơn: Phân phối bình đẳng các nguồn lực kinh tế: tiếp cận lý luận và thực tiễn ở một số quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

(13), (14) Vũ Thanh Sơn: Tiếp tục hoàn thiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường dưới ánh sáng Đại hội XI, Tạp chí Cộng sản số 7/2011.

PGS, TS Vũ Thanh Sơn

Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,

Ban Tổ chức Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền