Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tính đúng đắn trong quan điểm của C.Mác về nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất và một số điểm cần bổ sung, phát triển
Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 15:21
22478 Lượt xem

Tính đúng đắn trong quan điểm của C.Mác về nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất và một số điểm cần bổ sung, phát triển

(LLCT) - Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại. Những thành tựu của cuộc cách mạng này đã và đang góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất khiến nhiều người cho rằng khoa học, công nghệ đang dần thay thế vị trí trung tâm và vai trò quyết định của con người trong lực lượng sản xuất. Bài viết đưa ra căn cứ để tiếp tục khẳng định tính cách mạng và tính khoa học của C.Mác khi đề cao vai trò của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất; đồng thời đề xuất một số điểm cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

1. Tính đúng đắn trong quan điểm của C.Mác về vai trò của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất

Tiền đề trong nghiên cứu của C.Mác về lịch sử - xã hội là hoạt động sản xuất vật chất của con người hiện thực. Theo C.Mác, bản thân con người bắt đầu phân biệt với động vật khi sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. C.Mác viết: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”(1). Cũng theo C.Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động đầu tiên và cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của loài người. Để tiến hành sản xuất vật chất, trước hết con người có quan hệ với giới tự nhiên và mối quan hệ đó được gọi là lực lượng sản xuất.

Khi bàn đến các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, ngoài việc chỉ ra vai trò to lớn của tư liệu sản xuất với tư cách là điều kiện, tiền đề của sản xuất vật chất, C.Mác đã khẳng định vai trò quyết định của nhân tố người lao động. Người lao động là những người có khả năng lao động, tức là phải có cả sức mạnh cơ bắp và sức mạnh trí tuệ mà C.Mác đã gọi cụ thể là có “đôi bàn tay” và “đầu óc”. Ngoài ra, người lao động cũng cần có kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo trong lao động. C.Mác viết: “Chúng tôi hiểu sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”(2). Như vậy, người lao động không phải là con người nói chung và không phải người nào có sức mạnh thể chất và tinh thần cũng được coi là người lao động. Chỉ những người nào dùng sức mạnh thể chất và tinh thần tham gia vào quá trình sản xuất nhằm tạo ra của cải, vật chất mới được coi là người lao động với tư cách là yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất.

Theo C.Mác, yếu tố vật thể sẽ không có bất cứ tác dụng nào nếu không có một lực lượng xã hội để tiến hành sản xuất vật chất. Tư liệu sản xuất sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có sự tác động của con người. Điều này đã được C.Mác khẳng định như sau: “Giới tự nhiên không chế tạo ra bất kỳ máy móc nào, không chế tạo ra xe hơi, đường sắt, điện báo, máy dệt... Chúng là sản phẩm lao động của con người, đã biến thành vật chất tự nhiên của ý chí con người điều khiển tự nhiên hoặc bộ máy hoạt động của con người trong giới tự nhiên. Chúng là cơ quan đầu não của con người được sáng tạo bởi bàn tay con người; là lực lượng tri thức được vật hóa”(3). Như vậy, nếu không có con người chế tạo và sử dụng công cụ lao động, tác động vào giới tự nhiên thì sẽ không có quá trình sản xuất vật chất.

C.Mác đã khẳng định hoạt động sản xuất chính là một dạng hoạt động chỉ có ở con người, nó khác hẳn về chất so với hoạt động của con vật: “Con nhện làm những động tác giống như động tác của người thợ dệt, và bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong phải làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu mình rồi. Cuối quá trình lao động, người lao động thu được cái kết quả mà họ đã hình dung ngay từ đầu quá trình ấy, tức là đã có trong ý niệm rồi”(4).

Khi tham gia vào quá trình sản xuất, trước hết, người lao động sử dụng sức mạnh cơ bắp. Tuy nhiên, nếu chỉ tiến hành sản xuất bằng sức mạnh thể chất thuần túy thì con người sẽ không bao giờ tiến xa hơn động vật. Vì con người là một sinh vật xã hội nên ngoài sức mạnh cơ bắp, con người còn có cả trí tuệ, ý thức và toàn bộ hoạt động tâm sinh lý, do đó lao động của họ trở nên khéo léo, linh hoạt, năng động, sáng tạo hơn. Chính điều này làm cho các quá trình sản xuất vật chất có thể giống nhau ở máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào nhưng sản phẩm đầu ra của những lao động khác nhau lại rất khác nhau. Điều đó cho thấy rõ vai trò quyết định của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất.

Trong thời gian qua, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến sự phát triển của lực lượng sản xuất như: làm cải tiến công cụ lao động, tạo ra những đối tượng lao động mới có tính bền vững và thân thiện với môi trường, hiện đại hóa các phương tiện sản xuất... Nhiều người cho rằng, khoa học, công nghệ đang dần thay thế vai trò quyết định của người lao động. Sự xuất hiện của “trí tuệ nhân tạo”, “người máy thông minh” là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ. Công nghệ thông tin đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực của sản xuất cũng như trong đời sống của con người. Máy tính điện tử được sử dụng ngày càng phổ biến, đưa con người vào kỷ nguyên tự động hóa tổng hợp. Trước đây, trong thời kỳ sản xuất thủ công, sức lực của người lao động được sử dụng tối đa trong quá trình sản xuất. Đến thời kỳ sản xuất công nghiệp cơ khí, máy móc đã thay thế con người ở một số khâu sản xuất, chủ yếu là những công đoạn thủ công, dây chuyền đơn giản. Vì vậy, trong các nhà máy, xí nghiệp vẫn cần đến hàng vạn công nhân. Tuy nhiên, ngày nay, việc áp dụng các dây chuyền sản xuất tự động đã làm cho số lượng công nhân ngày càng giảm. Người máy không chỉ thay thế con người làm những công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp mà còn có thể thay thế cho cả những hoạt động tinh vi, phức tạp của con người. Điều này được thể hiện qua những số liệu có tính chất tham khảo như sau: “các nghề có nguy cơ mất việc làm cao nhất bao gồm: công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), tài xế taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%), nông dân (11%). Kể cả một số công việc tưởng như khó có thể thay thế bằng robot cũng có khả năng mất việc như: bác sĩ (3%), luật sư (4%), nhà báo (5%), nhà nghiên cứu (6%)”(5). Mặc dù người máy thông minh đang có xu hướng thay thế dần cả lao động giản đơn và lao động phức tạp, song không có nghĩa là khoa học, công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, hay người lao động trở thành nhân tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực chất, khoa học, công nghệ trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Do yêu cầu của sản xuất mà con người đã sáng tạo và quyết định khuynh hướng, tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ, đồng thời sử dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất theo mục đích của mình. Do đó, dù khoa học, công nghệ có thể tạo ra một cuộc cách mạng vĩ đại trong phát triển lực lượng sản xuất nhưng bản thân nó không bao giờ có thể trở thành một yếu tố độc lập, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

 Thực tế cho thấy, khoa học, công nghệ hiện đại - với tư cách là phần vật chất trong các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất - dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người tạo ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Trí tuệ nhân tạo dẫu tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Vì vậy, khoa học - công nghệ là của con người, gắn liền với con người, phụ thuộc vào con người và phải thông qua hoạt động của con người mới có thể được vật hóa vào quá trình sản xuất. Nếu không xuất phát từ con người, được tiến hành bởi con người và hướng về mục đích phục vụ con người, thì không có quá trình sản xuất nào có đủ lý do để tồn tại và phát triển. Vì thế, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học - công nghệ hiện đại, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó cho thấy, dù quan điểm của C.Mác về vai trò quyết định của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất đã ra đời cách đây gần hai thế kỷ nhưng vẫn có giá trị đúng đắn, bền vững trong giai đoạn hiện nay.

2. Một số điểm cần bổ sung, phát triển quan điểm của C.Mác về vai trò của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất hiện nay

Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều điểm khác biệt so với thời của C.Mác. Khoa học - công nghệ có những bước tiến nhảy vọt góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Tri thức xã hội phổ biến đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như C.Mác dự báo; năng suất lao động nhờ vậy tăng lên nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang vận hành khá hiệu quả ở nhiều nước phát triển. Quá trình quốc tế hoá mà C.Mác nói đến đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hoá trong thời đại chúng ta. Ở các mức độ khác nhau, tất cả các nước đều bị cuốn hút vào toàn cầu hoá, bởi vì nó đã “xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi”(6).

Trong bối cảnh đó, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói chung và quan điểm về nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất nói riêng mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến ngày nay nhưng không phải không có những điểm cần được bổ sung, phát triển. Chính V.I.Lênin - Người không ngừng bảo vệ, phát triển học thuyết Mác đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(7).

C.Mác sống ở thời kỳ phát triển của CNTB nên ông cũng bàn nhiều đến xã hội tư bản. Khi nói về sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ TBCN, C.Mác cho rằng, người lao động chủ yếu là người công nhân, là giai cấp vô sản. Đó là “một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình”, là “giai cấp những người hoàn toàn không có của”, là “giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống”(8). Hầu như ông ít nhắc đến tầng lớp bác sỹ, kỹ sư, nhà khoa học. Ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ có những người lao động chân tay thuần túy mà còn bao gồm cả tầng lớp những người trí thức của mình nữa. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, bản thân người lao động là công nhân cũng có sự thay đổi lớn. Ở thời đại của C.Mác, họ chủ yếu là công nhân cơ khí, là lao động thủ công; nhưng ngày nay, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao. Do đó, trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, số lượng nhân lực khoa học tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hẳn so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng đang làm thay đổi dần tỷ trọng của lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Việc bổ sung thêm nội hàm của khái niệm người lao động là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì “Điều này hết sức quan trọng đối với chúng ta khi đất nước đang từng bước tiến tới nền kinh tế tri thức, khi nhiệm vụ trí thức hóa công nhân trở thành đòi hòi bắt buộc, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến kịp thế giới, tránh tụt hậu xa hơn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới”(9).

Cũng do trong thời đại của C.Mác, người lao động trong lực lượng sản xuất chủ yếu là lao động cơ bắp nên người lao động và nhà quản lý tách rời nhau. Giờ đây, sự phát triển của lực lượng sản xuất với trình độ trí tuệ hóa cao đã và đang khiến người lao động sản xuất và nhà quản lý xích lại gần nhau. Thực tế không ít trường hợp, người sản xuất và người quản lý hội tụ trong một cá thể mà ở đó, mặt quản lý ngày càng có ưu thế hơn mặt lao động trong việc tạo ra sản phẩm. Như vậy, trong nền sản xuất hiện đại, người lao động bao gồm cả người tham gia sản xuất trực tiếp và cả những người tham gia vào quá trình quản lý quá trình sản xuất ấy và những nhà khoa học tạo ra những sản phẩm nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất ấy.

Ở thời đại của C.Mác, khi tham gia vào quá trình sản xuất vật chất, người lao động tuy cùng lúc gia nhập cả phần sức lực cơ bắp và trí tuệ nhưng sức lực cơ bắp vẫn chiếm đa số, còn ngày nay, phần trí tuệ của người lao động được kết tinh ngày càng nhiều trong sản phẩm lao động mà họ làm ra. Từ chỗ chiếm tỷ trọng không đáng kể ở các thời kỳ cách mạng công nghiệp; ngày nay, ở các nước phát triển, đối với một số sản phẩm, hàm lượng giá trị do trí tuệ tạo ra và được kết tinh trong sản phẩm có thể đạt tới 80 - 90% tổng giá trị sản phẩm. Đối với các loại sản phẩm đó, nguyên vật liệu, năng lượng, lao động cơ bắp chỉ tạo thành từ 10% - 20% giá trị sản phẩm. Vì thế, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm được tạo ra ngày càng lớn. Nó không phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào là nguyên vật liệu để sản xuất ra nó mà phụ thuộc vào hàm lượng tri thức, chất xám của người lao động kết tinh vào đó. Vì vậy, trong nền sản xuất hiện đại, có những sản phẩm tuy trọng lượng nhỏ nhưng lại có giá trị kinh tế lớn và tinh vi hơn nhiều lần những sản phẩm có trọng lượng lớn trong nền sản xuất trước kia. Do đó, để thích nghi với nền sản xuất hiện đại, người lao động không chỉ cần có sức lực cơ bắp như trước kia mà rất cần tri thức, trình độ, tay nghề. Tri thức của người lao động cần trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của quá trình sản xuất vật chất. Sự khác biệt của tri thức với tính chất là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất với các yếu tố mang tính truyền thống (tài nguyên thiên nhiên, vốn...) được thể hiện ở chỗ: tri thức của người lao động không bị hao mòn, bị tổn thất khi sử dụng; khi chuyển giao tri thức cho người khác, người sở hữu tri thức không bị mất đi tri thức của mình; khi tri thức được chuyển giao cho nhiều người thì vốn tri thức được nhân lên gấp bội với chi phí không đáng kể; tiếp nhận vốn tri thức không dễ dàng như tiếp nhận vốn tiền tệ, việc chuyển giao, tiếp nhận vốn tri thức phải thông qua giáo dục và đào tạo. Bởi vậy, trong thời đại ngày nay, giáo dục và đào tạo trở thành ngành sản xuất quan trọng nhất - sản xuất vốn tri thức. Vì lẽ đó, người lao động không phải là người sản xuất đơn thuần như trước kia mà là người lao động tri thức. Họ thực sự được làm chủ quá trình sản xuất; hợp tác với nhau bình đẳng trong quá trình sản xuất và kinh doanh, trong quá trình tạo ra và phân phối của cải vật chất.

Cũng theo C.Mác, trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội có phân chia giai cấp, thường tồn tại nhiều nhóm xã hội, giai cấp; song bao giờ cũng có hai giai cấp đối địch nhau, đấu tranh với nhau và đấu tranh giai cấp chính là động lực của sự phát triển xã hội. Áp dụng luận điểm này vào phân tích xã hội tư bản, C.Mác đã chỉ ra hai giai cấp cơ bản, đó là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Trong đó, cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và có sứ mạng là người đào mồ chôn CNTB. Điều này hoàn toàn đúng với xã hội tư bản vào thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX. Song ngày nay, khi nền kinh tế tri thức bắt đầu hình thành và phát triển, trong những xã hội hiện đại, dù cho giai cấp công nhân vẫn tăng lên về số lượng, song tỷ trọng công nhân lao động trí óc ngày càng lớn. Hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Công nhân trí thức ngày càng nhiều và đóng vai trò to lớn hơn trong nền sản xuất xã hội. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, đội ngũ công nhân trí thức ngày càng lớn mạnh. Sự phát triển hiện nay của nền kinh tế tri thức cho phép khẳng định rõ ràng vai trò chủ đạo của giai cấp công nhân trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội tương lai - xã hội XHCN và xã hội cộng sản chủ nghĩa. Điều này không làm mất đi tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác bởi lẽ, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, chỉ giai cấp nào đại diện được cho phương thức sản xuất mới, cả về số lượng lẫn chất lượng trong quá trình phát triển của nền sản xuất do những lực lượng sản xuất mới mang lại thì mới đóng vai trò là chủ nhân đích thực của xã hội tương lai. Xét trên thực tế nền sản xuất xã hội trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI cho thấy, chủ nhân đó không phải ai khác chính là công nhân trí thức. Đây là điều cần bổ sung, phát triển, làm cho học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội phù hợp hơn trong thời đại mới. Theo lẽ đó, trong điều kiện hiện nay, cần bổ sung nội hàm khái niệm người lao động từ chủ yếu là công nhân thông thường thành công nhân trí thức - lực lượng cách mạng tiên tiến, đóng vai trò là chủ nhân của nền sản xuất hiện đại.

Như vậy, thời đại ngày nay đã và đang có những biến động vô cùng sâu sắc đòi hỏi chúng ta một mặt phải tiếp tục khẳng định tính khoa học, tính cách mạng trong quan điểm của C.Mác về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói chung và về nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất nói riêng; mặt khác, cần bổ sung và phát triển chúng cho phù hợp với thực tiễn. “Làm điều này vừa là một sự tổng kiểm kê có hệ thống và đánh giá một cách khách quan, vừa là nâng cao nhận thức đối với các tư tưởng, các luận điểm quan trọng của triết học Mác - Lênin xuất phát từ thực tiễn xã hội và trên cơ sở khoa học hiện đại. Ai cũng có thể thấy đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi công sức của nhiều người, đòi hỏi sự trung thực và khách quan khoa học”(10).

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 4-2019

(1), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.42, 260-261.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.215.

(3) Trần Tiến Đạt (chủ biên): Nguyên lý Triết học chủ nghĩa Mác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.408.

(5) Dẫn theo Nguyễn Hữu Thắng: “Đặc điểm và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế - xã hội”, trong sách: Cách mạng cộng nghiệp lần thứ tư - thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr.52-53.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 601.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1974, tr.232.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.456.

(9), (10) Nguyễn Trọng Chuẩn: “Nâng cao nhận thức, bổ sung và phát triển triết học Mác - Lênin nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của thời đại mở rộng giao lưu quốc tế”, Tạp chí Triết học, số 9 (208), tháng 9 - 2008, tr.56, 5.

TS Lê Thị Chiên

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền