Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hồ Chí Minh: Giải phóng dân tộc, phát triển đất nước
Thứ ba, 23 Tháng 7 2013 11:05
5908 Lượt xem

Hồ Chí Minh: Giải phóng dân tộc, phát triển đất nước

(LLCT) - Ngay khi bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bàn tới nhiệm vụ “phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại” và trước lúc đi xa, Người lại nhắc nhở Đảng, Chính phủ phải quan tâm phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

1. Giải phóng dân tộc hướng tới phát triển đất nước

Các thế kỷ trước, khi bị nước ngoài xâm lược, nhiệm vụ duy nhất của dân tộc là chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. Nhưng từ đầu thế kỷ XX trở đi, khi thế giới đã có nhiều thay đổi lớn, mà thay đổi lớn nhất là với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị, đứng ở trung tâm của thời đại mới, thì vấn đề đặt ra cho dân tộc Việt Nam không chỉ là giải phóng được dân tộc, giành độc lập tự do, mà còn phải đưa đất nước phát triển phù hợp với xu thế của thời đại mới.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đắm chìm trong đêm dài nô lệ, phong trào giải phóng sôi nổi của nhân dân ta đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối, đất nước không có lối ra. Những gương mặt tiêu biểu như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Sinh Sắc không thể tự mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao tất cả phong trào đấu tranh tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù đế quốc, khát vọng giải phóng đều thất bại? Họ chỉ biết “tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”(1).

Chính lúc đó, Hồ Chí Minh, bằng thiên tài trí tuệ và sự hoạt động cách mạng của mình, đã kịp thời đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử. Khi cả dân tộc đang đắm chìm trong lo toan: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/ Đêm đến bao giờ mới sáng cho”, thì Hồ Chí Minh vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, đã tự mình “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Người thực hiện cuộc khảo nghiệm của mình từ dân tộc ra thế giới, từ phương Đông đến phương Tây, từ cách mạng tư sản đến cách mạng vô sản. Người nghiên cứu cả Khổng giáo và Thiên chúa giáo, Phật giáo, cả tư tưởng bạo động và bất bạo động. Người đi vào đời sống chính trị, tự đào tạo và trưởng thành ở châu Âu, nhất là qua những năm ở Pháp. Xuất phát từ địa bàn dân tộc, Hồ Chí Minh tôi luyện những lý tưởng cách mạng như tiến bộ, tự do, dân chủ ở phương Tây một cách dễ dàng, tự nhiên qua lăng kính giải phóng dân tộc.

Sự trải nghiệm và khảo nghiệm của Hồ Chí Minh ở phương Tây chính là “đường dẫn” để Người nhanh chóng quyết định gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong nhiều ngả đường, Người chọn chủ nghĩa Lênin, Cách mạng Tháng Mười, tức là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, vì đó là chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất. Đây là sự khác biệt về chất so với tư duy giải phóng dân tộc theo con đường phong kiến và tư sản của các bậc sĩ phu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Thật ra lúc đầu, mới chỉ có chủ nghĩa yêu nước đưa Hồ Chí Minh tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Nhưng dần dần, từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, Người mới hiểu được rằng chỉ có CNXH, CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Như vậy, từ trong sâu xa của hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh đã thực hiện được sứ mệnh “kép”: vừa tìm được con đường giải phóng khỏi ách nô lệ, giành độc lập cho dân tộc, đồng thời giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Vào năm 1920, Hồ Chí Minh đã nhận thức được “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(2), đưa dân tộc hướng tới CNXH để vừa giải phóng dân tộc vừa có điều kiện phát triển đất nước. Đầu năm 1923, Hồ Chí Minh viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”(3). Sau này, nhiều lần Người khẳng định lại “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”. Con đường đó, lý luận đó, sự nghiệp giải phóng đó phải qua 25 năm, trực tiếp là 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta mới giành được độc lập. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho tính đúng đắn của sự lựa chọn CNXH để giải phóng dân tộc. Đồng thời Cách mạng Tháng Tám cũng chỉ ra rằng, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Phải mất 9 năm vừa kháng chiến vừa kiến thiết đất nước, rồi 20 năm tiếp theo xây dựng CNXH trên miền Bắc thì mới thật sự chứng minh rằng, chỉ có đi theo con đường CNXH thì mới giải phóng được dân tộc và chỉ có CNXH mới tạo ra bước phát triển mới về chất của toàn bộ tiến trình cách mạng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nội sinh và ngoại sinh để bảo vệ vững chắc thành quả độc lập dân tộc. Nói cách khác, CNXH đích thực là thước đo giá trị của công cuộc giải phóng. “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(4). Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không phải đơn thuần chỉ là thắng lợi của lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc xâm lược, khát vọng độc lập, mà đó là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, ý chí giành độc lập mang chất lượng XHCN, một chất lượng khoa học, cách mạng và nhân văn. Chính sức mạnh của kiến quốc và xây dựng CNXH mới thật sự giữ vai trò quyết định nhất của sự nghiệp chống ngoại xâm. CNXH đã nâng cao chất lượng của chủ nghĩa yêu nước và khát vọng độc lập truyền thống, tạo nên sức mạnh mới trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là yêu nước XHCN, độc lập dân tộc gắn liền CNXH. CNXH vừa là mục tiêu vừa là phương thức để đạt được mục tiêu đó.

2. Tư duy Hồ Chí Minh về phát triển đất nước

Ngay khi bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bàn tới nhiệm vụ “phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại”(5) và trước lúc đi xa, Người lại nhắc nhở Đảng, Chính phủ phải quan tâm phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Người quan niệm một cách rõ ràng về các nấc thang phát triển của xã hội loài người và xã hội XHCN là trình độ phát triển cao của thế giới: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy”(6).

Xã hội có thể phát triển tuần tự hay nhảy vọt, tùy theo hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau, nhưng vẫn xoay quanh ba mối quan hệ chủ yếu: con người - con người; con người - xã hội; con người - tự nhiên. Đồng thời sự phát triển của xã hội diễn ra qua việc giải quyết các mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa sản xuất và tiêu dùng; giữa cung và cầu. Con người trở thành yếu tố hạt nhân để thúc đẩy sự phát triển xã hội không chỉ là vấn đề đáp ứng lợi ích của con người, mức độ giải phóng và phát triển con người, mà còn là những hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động khoa học - kỹ thuật, hoạt động xã hội của con người cùng với những khát vọng cháy bỏng cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, cải tạo bản thân. Không có sự phát triển của lực lượng sản xuất nhờ năng suất lao động cao thì không thể nói tới phát triển, nhưng nếu chỉ chú ý lực lượng sản xuất mà không quan tâm tới các yếu tố tinh thần như chính trị, văn hóa, đạo đức, pháp quyền, dân chủ, công bằng... như là chỉ số chất lượng sống thì cũng không có phát triển.

Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc rằng, chỉ có phát triển sản xuất thì mới nâng cao được đời sống nhân dân giống như nước và thuyền, nước lên thì thuyền lên. Người quan tâm tới một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, thông qua sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo con đường công nghiệp hóa nước nhà. Bởi vì chỉ có xây dựng một nền kinh tế vững mạnh thì mới thực hiện được vai trò quyết định chính trị và các lĩnh vực khác thuộc kiến trúc thượng tầng. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế đó là gì và như thế nào thì còn tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, nhưng không thể không xây dựng nền kinh tế. Điều này, ngay từ năm 1943, khi có dự định xây dựng một nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh đã phác thảo ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích các yếu tố tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị và kinh tế.

Gắn với quan điểm phát triển lực lượng sản xuất, tư duy Hồ Chí Minh về phát triển xã hội là sự phát triển của khoa học - kỹ thuật với ý nghĩa là hạt nhân của lực lượng sản xuất. Hồ Chí Minh có một tầm nhìn rộng về thế giới và sớm đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng thế giới. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Người muốn khám phá văn minh thế giới và sử dụng sức mạnh của các nền văn minh đó để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khái quát đặc điểm của thời đại trong nửa đầu thế kỷ XX, Người bắt đầu bằng những phát minh của loài người về khoa học - kỹ thuật. Với những phát minh như chiếu bóng, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình, sức nguyên tử, Hồ Chí Minh cho rằng “loài người đã tiến một bước dài trong việc điều khiển sức thiên nhiên”. Trong khi tập trung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn hết sức quan tâm tới những vấn đề lớn của xu thế thời đại, trong đó nổi lên là khoa học - kỹ thuật. Người nhấn mạnh: thời đại của chúng ta bây giờ là “thời đại của vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh. Thế giới ngày nay đang tiến những bước khổng lồ về mặt kiến thức của con người”. Khoa học trong quan niệm của Hồ Chí Minh đem lại sức mạnh to lớn không chỉ để làm chủ thiên nhiên, mà còn làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Người dặn dò thanh niên, yêu cầu thanh niên trí thức phải yêu khoa học, nắm vững và biết vận dụng những thành tựu khoa học để thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Khoa học vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển. “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận...”(7).

Hồ Chí Minh có một cách nhìn biện chứng về phát triển, giải quyết hài hòa, nhuần nhị các vấn đề chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Hiểu theo nghĩa chung nhất thì vai trò của văn hóa là “soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ” và là thước đo sự phát triển. Bởi vì nói tới văn hóa là nói tới con người. Con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của văn hóa. Con người được giáo dục chủ nghĩa yêu nước, đắp bồi tình cảm và lý tưởng cách mạng; ngày càng được nâng cao và phát triển về trí tuệ, hoàn thiện nhân cách là động lực của sự phát triển xã hội. Và một xã hội có những con người đạo đức, lối sống tình nghĩa, thủy chung, nhân đức, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có đời  sống vật chất ngày càng đầy đủ, sung túc, có đời sống tinh thần ngày càng cao đẹp; một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh... thì đó là thước đo sự phát triển của xã hội.

Tư duy Hồ Chí Minh về phát triển xã hội thật sự là một tư duy phát triển khoa học, hoàn toàn xa lạ với kiểu tư duy chủ quan, duy ý chí. Trước hết, đó là tư duy xuất phát từ những nguyên lý phát triển mácxít, phản ánh bản chất của sự phát triển là sự vận động đi lên của sự vật, của con người và xã hội. Phát triển là đi từ biến đổi về lượng đến dần dần biến đổi về chất, xuất hiện mâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng. Giải quyết mâu thuẫn theo quy luật “phủ định của phủ định”, tạo ra bước phát triển mới, với sự hình thành sự vật mới cao hơn về chất. Cứ như thế, phát triển diễn ra theo vòng xoáy trôn ốc vô tận, tạo ra thế giới ngày càng hoàn thiện, nâng cao. Thứ hai, đó là tư duy xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, khoa học - kỹ thuật kém phát triển. Muốn xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta; muốn thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng nghìn năm; muốn biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc thì phải xây dựng cả lực lượng sản xuất và thay đổi quan hệ sản xuất cũ; phải chú trọng khoa học - kỹ thuật; phải biến nước ta thành một nước công nghiệp. Thứ ba, đó là tư duy tiến bước cùng thời đại. Hồ Chí Minh là con người sớm nhận thức được yếu tố thời đại đồng hành và gắn chặt với vận mệnh của dân tộc. Để giải quyết vấn đề của cách mạng Việt Nam, Người quyết định ra nước ngoài xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Người nghiên cứu văn minh nhân loại, các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các học thuyết khác nhau để rồi cuối cùng chọn chủ nghĩa Lênin và Cách mạng Tháng Mười. “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin”(8). Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ và XHCN trên thế giới. Theo Người, “sự đoàn kết giữa lực lượng các nước xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản và công nhân tất cả các nước..., các lực lượng yêu nước và dân chủ càng rộng rãi và vững mạnh bao nhiêu thì thắng lợi của cuộc đấu tranh chung càng được bảo đảm chắc chắn bấy nhiêu”(9).

Ngày nay, nhân loại bàn nhiều tới phát triển bền vững với Tuyên bố Thiên niên kỷ hay còn gọi là Chương trình nghị sự XXI. Ở nước ta, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Nghiên cứu kỹ 8 mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, Hồ Chí Minh đã đặt hòn đá tảng cho việc thực hiện 8 mục tiêu ở Việt Nam, đó là: 1) Để xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, Hồ Chí Minh đã bàn tới “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc” và “làm cho người nghèo thì đủ ăn”; 2) Để đạt phổ cập giáo dục tiểu học, Hồ Chí Minh đã quyết tâm làm cho “ai cũng được học hành”, người nào cũng biết chữ; 3) Để tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, Hồ Chí Minh chủ trương cùng với cuộc cách mạng về chính trị, phải làm cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, để phụ nữ có thể tham gia mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo; 4) Để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, Hồ Chí Minh chăm lo cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của trẻ em. Người coi "trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan"; 5) Để tăng cường sức khỏe bà mẹ, cùng với việc quan tâm sức khỏe con người nói chung, Hồ Chí Minh đã phê phán thói đàn ông đánh chửi vợ. Người cho đó là một điều đáng xấu hổ, là phạm pháp, là cực kỳ dã man; 6) Để phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác, Hồ Chí Minh quan tâm tới xây dựng đời sống mới với những việc cụ thể về làm đường xá sạch sẽ, giếng nước uống, làm cầu tiêu, hớt tóc ngắn để phòng dịch sốt; 7) Để bảo đảm bền vững về môi trường, Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc trồng cây gây rừng, khi người chết thì thực hiện hỏa táng; 8) Trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển, Hồ Chí Minh là người sớm chủ động xây dựng quan hệ quốc tế đa phương, song phương với các tổ chức quốc tế. Đầu năm 1946, Người đã khẳng định với Liên hợp quốc quyền độc lập của dân tộc Việt Nam và “thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”(10). Điều có ý nghĩa nhất là Người tin tưởng chắc chắn rằng việc Việt Nam vào Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác “sẽ có ích nhiều cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hòa bình cho các vấn đề ở Đông - Nam Á châu hiện nay”(11).

Thế giới sẽ còn nhiều đổi thay nhưng di sản Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và phát triển đất nước vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2011

(1) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t.1, NXB Thông tin lý luận, H, 1992, tr.48.

(2),(3),(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H, 1995, t.1, tr.28, 461, 35.

(4),(10),(11) Sđd: t.4, tr.152, 157.

(6)  Sđd: t.7, tr.247.

(7) Sđd: t.9, tr.131

(9) Sđd: t.10, tr.199-200.

(8) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.8.

PGS,TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền