Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thành tựu và hạn chế
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 15:23
5204 Lượt xem

Lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam: Thành tựu và hạn chế

(LLCT) - Lý luận về phát triển kinh tế do Adam Smith hình thành, sau đó được C.Mác và các nhà kinh tế học khác phát triển cho tới ngày nay. Lý luận này là cơ sở để hoạch định và thực thi chính sách phát triển của các nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã tiếp cận hệ thống lý luận về phát triển kinh tế kể từ khi tiến hành đổi mới đến nay, tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nhận thức và tổ chức thực tiễn, song vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức để phát triển.

1. Quá trình hình thành lý luận phát triển kinh tế ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tư tưởng về phát triển kinh tế được khởi phát từ đầu những năm 1960 trong điều kiện thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: đẩy mạnh xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Song, chỉ từ sau năm 1986, trước yêu cầu bức thiết của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, những tư tưởng về phát triển kinh tế mới được nhận thức để trở thành lý luận cơ sở nhằm xây dựng và thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy rõ quá trình phát triển lý luận qua 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 1986 -2000

Đây là giai đoạn đầu hình thành lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đại hội VI của Đảng (năm 1986) xác định: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đ­ường tiếp theo” (1). Theo đó, đặt ra yêu cầu phải gắn kết giữa ổn định và phát triển: “Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được” (2). Tầm quan trọng của phát triển kinh tế và mối quan hệ của nó với phát triển xã hội cũng được xác định: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế” (3). Như vậy, việc phát triển kinh tế phải đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội.

Đại hội VII (năm 1991) thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000, trong đó, quan điểm phát triển bền vững lần đầu được nêu ra: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”(4). Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội VIII (năm 1996) với yêu cầu phải gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội “ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển” (5).

Năm 1998, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó nêu quan điểm: Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Như vậy, trong giai đoạn này, những nét cơ bản của nội dung phát triển kinh tế đã được định hình với các yếu tố tăng trưởng kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Các yếu tố này được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện vật chất để đạt được các yếu tố khác. Đây là nét sáng tạo trong vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển kinh tế trong điều kiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Giai đoạn 2: từ năm 2001 đến nay

Đây là giai đoạn phát triển hệ thống lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Kể từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001), công cuộc đổi mới đã đi vào chiều sâu; việc nhận thức về phát triển kinh tế được hướng vào mục tiêu và phương thức thực hiện mang tính thời đại.

Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; “Tăng nhanh năng suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển” (6). Trong đó, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững được xem là tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất để tìm tòi, lựa chọn giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đại hội XI (năm 2011) rút ra bài học kinh nghiệm: “Phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”(7). Đại hội bổ sung vào tư tưởng xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ” (8).

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011- 2020 yêu cầu: “Phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yếu tố xuyên suốt trong Chiến lược”. “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và phát triển bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội” (9). Giải pháp để thực hiện Chiến lược là đổi mới mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu... (10).

Đại hội XII (năm 2016), trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm 30 năm đổi mới và tiếp cận xu thế của thời đại, đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế... (11).

2. Thành tựu đổi mới lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam

Thành tựu về lý luận

Thứ nhất, đã định hình được phạm trù phát triển kinh tế trong hệ thống tri thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những yếu tố cơ bản của nó. Cụ thể là:

Nhận thức rõ phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần là hoạt động của các chủ thể mà còn liên quan mật thiết đến mục tiêu chung, quan trọng của quốc gia; không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề phát triển xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước không thể phó mặc cho cơ chế thị trường, mà phải hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách phát triển kinh - tế xã hội nhằm định hướng quá trình phát triển kinh tế đất nước đi theo mục tiêu đã lựa chọn.

Xác định được những thuộc tính, yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế không chỉ về lượng mà còn về chất, không chỉ là tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, mà còn thể hiện qua quá trình hoàn thiện cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhất. Đã sử dụng tiền tệ làm thước đo mức độ tăng trưởng nền kinh tế thay cho các ước định trừu tượng ở thời kỳ trước đổi mới. 

Lần đầu tiên đặt phát triển kinh tế trong nội dung phát triển bền vững, trong đó phát triển kinh tế bền vững phải hướng tới tính hiệu quả, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Nhận thức trên, đã đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về phát triển kinh tế của đất nước gắn với yếu tố mới của thời đại.       

Thứ hai, khẳng định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Trước đây, Đảng từng xác định công nghiệp hóa là “nhiệm vụ trung tâm” (12), nhưng trong thời kỳ đổi mới, Đảng xác định phát triển kinh tế  mới là nhiệm vụ trung tâm và là định hướng lớn để phát triển đất nước(13). Nhiệm vụ này đặt ra trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất đang đưa nhân loại vào giai đoạn phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Con đường phát triển kinh tế của các nước đi sau như Việt Nam không còn giới hạn ở công nghiệp hóa, mà phải tính đến hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, còn CNH, HĐH và kinh tế tri thức là con đường, cách thức cơ bản để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm. Đây là điểm mới trong lý luận về phát triển kinh tế ở Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới.    

Thứ ba, hệ thống giải pháp phát triển kinh tế được xác lập và đưa vào sử dụng mang tính thiết thực. Cùng với những nhận thức và quan điểm mới, lý luận của Đảng đã chú ý nhiều tới các giải pháp chiến lược để phát triển kinh tế, bao gồm:

Ổn định mọi mặt tình hình chính trị, kinh tế và xã hội. Trong lý luận của kinh tế học hiện đại, ổn định và phát triển kinh tế là hai mục tiêu tổng quát của kinh tế vĩ mô mà mọi chính phủ đều phải quan tâm. Hai mục tiêu này có tác động tương hỗ với nhau. Ở Việt Nam, từ ngày đầu của công cuộc đổi mới, tri thức lý luận này đã được Đảng ta sử dụng và coi đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là một điều kiện, giải pháp để phát triển kinh tế.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải pháp này nhằm phát triển kinh tế thị trường, khẳng định và tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới cơ chế kinh tế trên quan điểm kết hợp giữa thị trường và nhà nước, tạo động lực khuyến khích tinh thần kinh doanh của mọi cá nhân, tổ chức.

Mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó chú trọng phát triển kinh tế đối ngoại trên quan điểm Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.

Thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế(14).   

Thành tựu trong thực tiễn

Về tính hiệu quả: Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trước đổi mới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,6% giai đoạn 1986 - 2017 và đạt 7,08% năm 2018. Trong đó, giai đoạn tăng trưởng cao nhất là từ năm 1992 - 1997 với mức tăng GDP 8,1-9,5%. So với các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới thời gian qua, bình quân tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc là 9,4%, trên Hàn Quốc và Malaysia là 5,9%, Thái Lan là 5,2%,  Mỹ là 2,6%, Nhật là 1,7% và Đức là 1,8%(15). Quy mô kinh tế của Việt Nam từ chỗ chỉ đạt 6,4 tỷ USD, xếp thứ 90 thế giới (năm 1990) đã tăng lên 171,2 tỷ USD, xếp thứ 57 thế giới (năm 2013). Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2008 với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.154 USD. Năm 2018, quy mô nền kinh tế đạt 240,5 tỷ USD gấp 34 lần năm 1986, đưa Việt Nam lọt vào top 50 trong bảng xếp hạng các nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới(16). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.587 USD (7.640 USD nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP))(17), cao gấp 26,7 lần so với năm 1989.

Tính hiệu quả của phát triển kinh tế còn được thể hiện ở chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động. Từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã dần đi vào chiều sâu. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 là 33,6%; giai đoạn 2016-2018 là 43,3%; năm 2018 đạt 43,5%. Năng suất lao động xã hội tăng đều qua các năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá so sánh giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng bình quân 4,35%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) đang dần được cải thiện, từ mức 6,25 (giai đoạn 2011-2015) giảm xuống còn 6,17 (giai đoạn 2016-2018); và 5,97 năm 2018 (18). 

Kết quả biến đổi cơ cấu của nền kinh tế: Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng tiến bộ hơn. Năm 1986, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất là 38,1%; dịch vụ 33%, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là 28,9%. Đến năm 2018, cơ cấu kinh tế đã có những thay đổi quan trọng: dịch vụ vươn lên trở thành ngành đóng góp cao nhất trong GDP với tỷ trọng 41,1%, sau đó là ngành công nghiệp chiếm 34,3%, ngành nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 14,6% (xem Biểu đồ 1).

Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành công nghiệp và dịch vụ tăng từ 11,2% và 16,3% (năm 1989) lên 26,6% và 35,2% vào quý 2/2018; trong ngành nông nghiệp giảm từ 71,5% xuống còn 38,2%. Cơ cấu chất lượng nhân lực chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật từ 92,7% năm 1989 xuống còn 78,3% vào vào quý 2/2018; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật (đặc biệt là tỷ lệ người lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên) tăng nhanh từ 1,9% lên 12,5% cũng tại hai thời điểm nêu trên(19).

Kết quả tích lũy tài sản và độ mở của nền kinh tế: Quy mô và tỷ trọng tích lũy tài sản trong nội bộ nền kinh tế tăng lên và duy trì ở mức khá cao trong 10 năm gần đây. Năm 1986, tổng tích lũy nội bộ nền kinh tế mới ở mức 12,5% GDP, đến năm 2016 đạt 26,7% và năm 2018 là 29%. Đây là con số cao so với nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chỉ đứng sau Trung Quốc trong cùng kỳ). Kết quả tích lũy tài sản không chỉ có tác động tạo tiền đề đầu tư mà còn là yếu tố vật chất trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, quy mô vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được tăng lên theo thời gian. Nếu năm 1986 mới chỉ ở mức 9,42% GDP, thì năm 2018 con số này là 33,5% với lượng tuyệt đối là 1.856,6 nghìn tỷ đồng(20).

Vốn đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp dưới hình thức góp vốn mua cổ phần và cho vay) đã tăng lên. Năm 1987, cả nước chưa có một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến năm 2018 đã có hơn 26,5 nghìn dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là nước có sức hấp dẫn nguồn vốn FDI. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018(21). Bên cạnh đó, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 70 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Đức, Malaysia, Anh...

Kết quả đạt được về phương thức phân phối: Nếu trước đổi mới, việc phân phối kết quả sản xuất trong nền kinh tế chủ yếu được thực hiện căn cứ vào mức đóng góp về lao động của mỗi thành viên và bổ sung hình thức phân phối thông qua quỹ xã hội, thì kể từ khi đổi mới, phương thức phân phối đã được chuyển đổi về căn bản. Phân phối ở Việt Nam hiện nay bao gồm các hình thức: phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, phân phối theo vốn và các nguồn lực khác đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối thông qua các quỹ xã hội. Các hình thức phân phối được thực hiện theo nguyên tắc công bằng. Cơ chế vận hành các hình thức phân phối không đơn giản là công việc của nhà nước, mà còn thực hiện thông qua cơ chế thị trường. Nguyên tắc công bằng trong phân phối đã và đang tạo động lực trực tiếp để ổn định kinh tế - xã hội; kích thích tính tích cực, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhờ đó, mức thu nhập của dân cư ngày càng được cải thiện. Nếu năm 1986, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, thì năm 2014 đã ở mức 5.629 USD và năm 2018 tăng lên 6.100 USD tính theo giá ngang bằng sức mua (PPP)(22). Tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động từ 2 con số (12,7%) năm 1986 đã giảm xuống còn 1 con số (2,0%) năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 đã giảm xuống còn 6,8%(23).

3. Những thách thức trong đổi mới lý luận phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay

Tuy đã đạt được nhiều thành quả, nhưng trước bối cảnh và yêu cầu mới, lý luận về phát triển kinh tế của Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Một là, tuy đã nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế và coi đó là nhiệm vụ trung tâm để phát triển, nhưng chúng ta vẫn thiếu một tầm nhìn tổng thể có tính dài hạn về mục tiêu, về lựa chọn con đường, cách thức, bước đi để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó.

Hai là, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững là quan điểm định hướng chiến lược đã được chính thức xác định từ Đại hội IX của Đảng. Điều kiện cần để hiện thực hóa quan điểm này là bảo đảm đầy đủ các nguồn lực và sử dụng chúng có hiệu quả. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với không ít hạn chế, thách thức trong việc tạo lập và sử dụng các nguồn lực. Cụ thể là:

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện còn 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong nhân dân(24) nhưng chủ yếu dưới dạng tích trữ và tiêu dùng cho đời sống như nhà ở, mua sắm, tín dụng đen..., mà chưa quan tâm vào lựa chọn đầu tư phát triển kinh tế. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Do không có tích lũy nên Chính phủ buộc phải đi vay để đầu tư; phải phát hành nợ, khiến nợ công tiếp tục tăng cao. Tình trạng nợ xấu, đầu cơ, sở hữu chéo, cho vay chéo trong các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và khó kiểm soát. Tình trạng doanh nghiệp nhà nước triển khai dự án chậm tiến độ, thua lỗ, đầu tư “ngoài luồng” gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực vẫn kéo dài chưa xử lý dứt điểm...

Nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, các mỏ và vùng biển tuy có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, song vẫn chưa được sử dụng hiệu quả. Đất phát triển nông nghiệp ở nhiều nơi bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích (nhất là đất ở các nông trường). Việc khai thác khoáng sản tại không ít doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ...

Đặc biệt, nguồn nhân lực và nguồn khoa học, công nghệ tuy được xác định là then chốt, nhưng vẫn tồn tại nhiều nhược điểm cố hữu.   

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang sản xuất ở dưới mức tiềm năng. Nước ta vẫn thiếu cơ chế đồng bộ và hiệu quả trong huy động và sử dụng các nguồn lực

Ba là, giải pháp có tính cơ bản, mấu chốt nhất để phát triển kinh tế đã được lựa chọn là đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa xác định tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện giải pháp này. Mặc dù Đại hội XII đã đặt ra yêu cầu phải xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nước ta đang ở bước thứ hai của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa(25), song việc nhận thức thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn bỏ ngỏ. Bởi vậy, chúng ta vẫn lúng túng trong tổ chức thực tiễn, như lựa chọn dự án, lĩnh vực trọng điểm có tính đột phá để đầu tư.

Bốn là, thách thức của vấn đề thể chế. Tuy đã coi hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược cần coi trọng, nhưng bước đột phá trong nhận thức phương thức phát triển kinh tế vẫn chưa thật rõ ràng. Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra mục tiêu của “đột phá” này là nhằm giải phóng, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, song cơ sở của sự tương tác giữa giải pháp này đối với các mục tiêu kể trên chưa được làm rõ. Việc hiểu biết đầy đủ về cách thức các thể chế và sự phát triển kinh tế tương tác với nhau là cần thiết để hoạch định và thực thi chính sách trong giai đoạn hiện nay.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.723-724, 723-724.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1987, tr.86.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.160.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.82-113.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.162.

 (7), (8), (9), (10), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 180-181, 75, 99, 107, 75.

(11), (14) (25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 87, 89, 90.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.543-544.

(15) Lan Anh: “32 năm đổi mới, Việt Nam lọt Top 50 nền kinh tế thế giới”, https://www.brandsvietnam.com.

(16) Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam và thống kê của IMF.

(17) Thụy Miên: “Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.587 USD”, https://vneconomy.vn.

(19), (24) Tổng cục Thống kê: “Tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2018”, https://www.gso.gov.vn.

(20) Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm quý 2 năm 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2018, tr.11.

(21) Theo các niên giám thống kê và báo cáo chính thức của Tổng cục Thống kê.

(22) Theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2018.

(23) Số liệu công bố của IMF và WB.

(25) https://vov.vn.

 

PGS, TS An Như Hải

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền