Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Xây dựng phong cách làm việc của người cán bộ đoàn theo phong cách Hồ Chí Minh
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:21
2203 Lượt xem

Xây dựng phong cách làm việc của người cán bộ đoàn theo phong cách Hồ Chí Minh

(LLCT) -  Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ những phẩm chất đạo đức cá nhân, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lấy phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, soi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Bài viết phân tích và làm rõ những đặc điểm phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người cán bộ Đoàn cần học tập, rèn luyện và noi theo để nâng cao hiệu quả trong việc vận động, thuyết phục, phát huy sức mạnh của thanh niên trong thời đại mới.

Phong cách được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn, tạo ra những nét riêng biệt, mang dấu ấn cá nhân, tạo ra sự ổn định, thống nhất trong các hoạt động. Khi nói đến phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, GS, TS Đặng Xuân Kỳ cho rằng, Hồ Chí Minh có phong cách quần chúng, phong cách tập thể - dân chủ và tác phong khoa học(1).

1. Phong cách quần chúng

Bản chất của phong cách quần chúng chính là cách làm việc hòa đồng với tập thể, gần gũi với nhân dân. Phong cách làm việc quần chúng phải được bắt đầu bằng nhận thức về vị trí và vai trò của nhân dân trong xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng phải kính trọng nhân dân, lễ phép với nhân dân, lắng nghe dân; phải tin dân, dựa vào dân và phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân thì hoạt động của người cán bộ mới mang lại hiệu quả. Hồ Chí Minh tổng kết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(2).

Làm việc theo phong cách quần chúng có lợi ích rất lớn đối với cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: “cách làm việc, cách tổ chức...của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(3). Xuất phát từ lợi ích của dân nên người cán bộ phải điều chỉnh cách làm cho hợp với dân: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(4).

Để có phong cách quần chúng, Người lưu ý: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân nói gì, ta cũng nhắm mắt theo”, “người cán bộ phải dùng cách so sánh của nhân dân mà tự mình so sánh”(5). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, học dân nhưng người cán bộ phải dùng “óc nghĩ” và “mắt trông” mà suy đoán, đánh giá, quyết định chứ không theo dân một cách mù quáng.

Cán bộ Đoàn là cán bộ dân vận, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ, đoàn thể với thanh niên. Để làm tròn trách nhiệm của người cán bộ thanh vận, cán bộ Đoàn phải gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên, thường xuyên gặp gỡ thanh niên, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Để tuyên truyền, vận động thanh niên hiệu quả, cán bộ Đoàn cần quan tâm và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, kế hoạch của Đoàn bằng nhiều kênh khác nhau. Đồng thời, qua nhiều kênh khác nhau, cán bộ Đoàn nắm bắt tình hình thanh niên, dư luận xã hội trong thanh niên, giúp thanh niên phản biện lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, kế hoạch của Đoàn. Gắn bó với thanh niên là một việc hết sức quan trọng để cán bộ Đoàn có sự phản ánh kịp thời tình hình thanh niên, kịp thời định hướng đúng đắn dư luận trong thanh niên.

Bên cạnh đó, phong cách quần chúng của cán bộ Đoàn còn được biểu hiện ở sự gần gũi, hòa đồng với thanh niên. Không nên lúc nào cũng áo sơ mi, quần ống rộng, cắp cặp để đi đến với thanh niên. Thanh niên thích những “người bạn” có phong cách trẻ trung, hiện đại. Cán bộ Đoàn phải “đồng” thì mới “hòa” mình vào với thanh niên. Cán bộ Đoàn phải biết sử dụng công nghệ để kết nối, giao lưu và làm việc cùng thanh niên. Cái gì thanh niên hiện đại có thì cán bộ Đoàn phải có để làm bạn cùng thanh niên. Từ việc làm bạn với thanh niên, gắn bó với thanh niên, cán bộ Đoàn sẽ có cách làm việc phù hợp với thanh niên.

2. Phong cách tập thể - dân chủ

Phong cách tập thể - dân chủ là làm việc phải phát huy sức mạnh của tập thể, thực hành dân chủ. Thực hành dân chủ sẽ mang lại sức mạnh to lớn cho người cán bộ Đoàn và tổ chức Đoàn. Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(6). Cán bộ Đoàn cần hiểu rõ về đặc điểm tâm lý lứa tuổi thanh niên để biết cách tập hợp, tổ chức, khơi dậy và phát huy thế mạnh của từng cá nhân. Nếu cán bộ Đoàn chuyên quyền, độc đoán, “độc tôn chân lý” thì tổ chức Đoàn sẽ trở nên nhàm chán, cứng nhắc, vô nghĩa đối với thanh niên.  Hồ Chí Minh đã cảnh báo những cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”(7) là những cán bộ gây cản trở, có hại cho cách mạng. Muốn khắc phục bệnh “quan chủ” và phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người, cần phải xây dựng phong cách làm việc dân chủ bằng quán triệt nguyên tắc làm việc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” .

Làm việc theo phong cách dân chủ là coi trọng lợi ích của tập thể, của người dân. Phong cách dân chủ thể hiện ở chỗ việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức làm; việc gì hại cho dân dù nhỏ mấy cũng phải tránh. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Phong cách dân chủ của người cán bộ vừa khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của quần chúng nhân dân, vừa làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó. Người cán bộ tạo ra không khí dân chủ bằng cách lắng nghe, khơi gợi cho quần chúng nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Có như vậy thì quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Coi trọng, khen ngợi những sáng kiến đó thì quần chúng càng thêm hăng hái sáng tạo và làm việc. Ngược lại, nếu người cán bộ không chịu lắng nghe thì quần chúng “dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau... Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác”(8).

Để phát huy dân chủ, Hồ Chí Minh chỉ ra quá trình hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần trải qua các khâu: dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra. “Dân biết” là dân được thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, quy định của địa phương, quyền và nghĩa vụ của công dân. “Dân biết” dân mới “bàn”. “Dân bàn” là bàn bạc đi đến thống nhất với chủ trương, chính sách, quy định của tổ chức và thống nhất cách làm. Trong điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương thì việc để dân bàn hết sức cần thiết để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được vận dụng một cách phù hợp nhất cho từng đối tượng, từng địa phương. Trong khi dân bàn, có nhiều ý kiến khác nhau, trái ngược nhau, cán bộ cần tôn trọng tất cả các ý kiến đó. Đương nhiên có những vấn đề dân chỉ bàn, góp ý, có những vấn đề thuộc phạm vi tự quản thì có quy chế để dân ra quyết định và thực hiện.

“Dân bàn” là để cho dân nói những sáng kiến, nguyện vọng của mình gắn với chính lợi ích của dân. Đó là tinh thần làm chủ của dân trước việc thực hiện, đồng thời là sự phản biện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của dân. Khi bàn là thấu rõ, là đi đến thống nhất. Khi thống nhất thì “dân làm” sẽ thuận lợi. Dân là người làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, là chủ thể của các sản phẩm xã hội nên không thể không có “dân làm”. Ở xã hội dân chủ hay không thì dân đều làm, phải làm. Nhưng dân làm đến mức nào và làm trên tinh thần nào là vấn đề khác nhau. Nếu đã thấu rõ từ đầu, hiểu mục đích của việc làm thì dân dốc tâm, dốc sức làm. Nếu bị cưỡng chế làm, sẽ tạo ra sự phản kháng, chống đối, lừa dối, uể oải hoặc làm ngược. “Dân kiểm tra” là quyền kiểm tra, giám sát của dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và giám sát dân trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, hương ước của làng xã.

Phong cách dân chủ của người cán bộ Đoàn thể hiện người cán bộ luôn gần gũi, gắn bó với thanh niên, lắng nghe thanh niên, có thái độ tôn trọng thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải phát huy “tai nghe” của mình. Cán bộ Đoàn biết lắng nghe thanh niên, chia sẻ cùng thanh niên, học cách phê bình và nghe thanh niên phê bình mình. Lắng nghe thanh niên để nắm bắt kịp thời tình hình thanh niên, để chọn lọc, định hướng đúng sai cho thanh niên, tham mưu với Đảng, Nhà nước và với cấp trên về chính sách cho thanh niên.

Phong cách dân chủ của người cán bộ Đoàn còn thể hiện qua việc phát huy sức mạnh của thanh niên. Có bình đẳng mới có dân chủ. Bình đẳng giữa cán bộ Đoàn với thanh niên, bình đẳng giữa các thành viên trong tổ chức. Thanh niên được biết, được bàn những việc họ sẽ làm - đó vừa là quyền lợi của thanh niên, vừa là nghĩa vụ của thanh niên. Người cán bộ Đoàn phải chủ động cho thanh niên biết, tạo môi trường cho thanh niên bàn, tôn trọng việc “bàn” của thanh niên. Sức của một người thì có hạn nhưng sức của mọi người là vô hạn. Cán bộ Đoàn không thể tự mình làm hết được mà phải phát huy sức mạnh của thanh niên để họ tình nguyện, xung kích, sáng tạo. Thanh niên sẵn sàng cống hiến vì lý tưởng tốt đẹp: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Khi thanh niên hành động là khi thanh niên được là chủ và làm chủ.

Người cán bộ thanh niên phải vì thanh niên, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên. Nếu không mang đến quyền lợi cho thanh niên thì không thể thu hút, tập hợp thanh niên. Thanh niên rất quan tâm đến việc mình được gì khi tham gia Đoàn như được: dạy nghề, giới thiệu việc làm, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, được thể hiện mình, kết nối bạn bè, kết nạp Đảng...Những năm gần đây, Đoàn Thanh niên đã đồng hành cùng thanh niên trên bốn lĩnh vực, thu hút hàng triệu lượt thanh niên tham gia phong trào. Một là, đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên được học tập, nâng cao trình độ, phát triển tài năng. Hai là, đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm. Ba là, đồng hành với thanh niên trong nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần, góp phần nâng cao thể lực, định hướng và xây dựng lối sống đẹp, nếp sống lành mạnh cho thanh niên. Bốn là, đồng hành với thanh niên trong phát triển kỹ năng xã hội, giúp thanh niên phát triển các kỹ năng cần thiết trong làm việc và hoạt động xã hội, nhất là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong phong trào đồng hành với thanh niên, cán bộ Đoàn là người bạn cùng thanh niên đồng hành. Phong cách dân chủ của cán bộ Đoàn thể hiện qua hành động “đồng hành với thanh niên”.

3. Phong cách làm việc khoa học

Phong cách làm việc khoa học là làm việc có kế hoạch, có mục tiêu rõ ràng, phải cụ thể, kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và có điển hình. Ngược lại với tác phong khoa học là tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, chậm chạp, lề mề. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ cần tránh “bệnh cận thị - không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỷ mỷ”(9).

Phong cách làm việc khoa học xuất phát từ tư duy khoa học. Tư duy khoa học là phải nắm thông tin và xử lý thông tin một cách khoa học. Muốn vậy, người cán bộ phải đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm người, nắm việc, nắm tình hình cụ thể. Trên cơ sở kết quả điều tra, nghiên cứu chính xác, nắm chắc và hiểu thấu vấn đề thì mới đi đến kết luận và quyết định đúng. “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”(10).

Để có phong cách khoa học, người cán bộ phải huy động hết các giác quan để thấu hiểu và làm việc “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Người cán bộ phải có cái nhìn vừa toàn diện vừa cụ thể; phải có quyết định vừa cẩn thận, vừa nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi, đến chốn. Tránh làm qua loa, đại khái, “đầu voi đuôi chuột”, làm kém mà báo cáo hay, tránh bệnh “hữu danh vô thực”.

Theo Hồ Chí Minh, người có phong cách làm việc khoa học là phải thường xuyên rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm là tri thức quý báu để làm việc tránh sai lầm, rút ngắn thời gian, công sức và đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm có thể được đúc kết từ thực tiễn cá nhân, thực tiễn của tổ chức, của địa phương hoặc thực tiễn rộng lớn của đất nước, thế giới. Có kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm không thành công. Kinh nghiệm trong dân chúng rất phong phú và phù hợp với dân chúng. Phong cách dân chủ là điều kiện thuận lợi để người cán bộ tạo dựng cho mình tác phong khoa học.

Phong cách khoa học còn được biểu hiện trong việc dùng người và xử trí công việc. Theo Hồ Chí Minh, nếu sử dụng bộ máy những người giúp việc thì phải khách quan, tỉnh táo. Phải có cách kiểm tra các báo cáo, nắm chắc vấn đề, tuyệt đối không để lọt những báo cáo dối trá, “phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây”(11). Kiểm tra còn là một cách để bổ sung, hoàn thiện chủ trương, nghị quyết cho đúng đắn hơn.

Phong cách khoa học của người cán bộ Đoàn là nhanh nhẹn, nhạy bén, nhanh chóng nắm bắt được diễn biến của cuộc sống hiện tại. Vì vậy, cán bộ Đoàn phải năng động, thích ứng được với thời cuộc, với thanh niên và linh hoạt trong công việc. Cán bộ Đoàn phải sáng tạo, xung kích vì cộng đồng, là người dám nghĩ, dám làm, tìm tòi cái mới, cách làm mới. Cán bộ Đoàn phải mạnh dạn, chủ động tìm tòi những cái mới, cái hay cho thanh niên, dẫn dắt thanh niên tiếp thu những giá trị mới. Cái mới và sự sáng tạo luôn hấp dẫn thanh niên hơn bất cứ lứa tuổi nào. Người cán bộ Đoàn nếu không có sự sáng tạo, không mang đến cái mới cho thanh niên thì khó thu hút, tập hợp, vận động, phát huy được thanh niên. Tuy nhiên, không phải cái mới nào cũng là nhân tố cho sự phát triển. Có những cái mới tạo ra sự lệch lạc, biến dị, phá hoại truyền thống và sự phát triển thì người cán bộ Đoàn phải luôn bên cạnh thanh niên để dẫn dắt họ, định hướng cho họ. Trong xu thế toàn cầu hóa, Internet phát triển mạnh mẽ, thông tin bùng nổ thì “làn gió lành” và “làn gió độc” cũng đồng thời tác động đến thanh niên. Do đặc tính của thanh niên là những người trẻ tuổi, thích cái mới, làm theo cái mới thiếu suy xét thì rất cần có người chỉ đường dẫn lối. 

Hiện nay, nhiều thanh niên có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cao, để làm thủ lĩnh của họ thì người cán bộ Đoàn phải giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. Ngoài ra, cán bộ Đoàn cần có những kỹ năng phù hợp với thanh niên để thu hút, tập hợp thanh niên. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đòi hỏi cán bộ Đoàn phải tự trau dồi kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Là thủ lĩnh của thanh niên, cán bộ Đoàn phải dẫn dắt thanh niên và tạo cơ hội cho thanh niên hội nhập quốc tế.

Như vậy, học tập theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ Đoàn phải đa phong cách. Song các phong cách của cán bộ Đoàn đều thống nhất và hướng đến đối tượng là thanh niên, vì thanh niên. Học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh để người cán bộ Đoàn có những phong cách chuẩn mực, phù hợp với thanh niên nhưng không làm mờ đi phong cách cá nhân của mỗi người cán bộ.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(1) Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 179.

(2), (3), (4), (5), (8), (9), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.335, 288, 286, 337, 283, 297, 283, 319.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.325.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.176.

TS Phạm Thị Hằng

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền