Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng của V.I.Lênin về nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản
Thứ năm, 23 Tháng 1 2020 22:36
1862 Lượt xem

Tư tưởng của V.I.Lênin về nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản

(LLCT) -  V.I.Lênin là người trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thành công, đưa Đảng Cộng sản (b) Nga - Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới giành vị thế của một đảng cầm quyền; đồng thời, với vai trò lãnh tụ của Đảng Cộng sản (b) Nga và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng nước Nga Xôviết, V.I.Lênin có điều kiện để bàn luận sâu sắc về nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản. Những quan điểm của V.I.Lênin vẫn là những chỉ dẫn quan trọng cho các đảng cộng sản cầm quyền hiện nay.

 

1. Nội dung cầm quyền của đảng cộng sản

Trước hết, đảng kiên định giữ vững vị thế của đảng cầm quyền, kiên quyết không nhượng bộ, chia sẻ quyền lực.

Đảng cộng sản cầm quyền tuyệt nhiên không phải vì lợi ích của đảng, mà vì lợi ích của nhân dân; nhân dân tín nhiệm, suy tôn đảng vào vị thế của đảng cầm quyền để đảng phục vụ nhân dân. Vì thế, đảng phải kiên định giữ vững vị thế của đảng cầm quyền. Việc này không phải vì lợi ích của đảng, mà vì lợi ích của nhân dân. Theo V.I.Lênin, “về nguyên tắc, đảng cộng sản phải giữ vững vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì được nữa”(1); “nghĩ rằng chúng ta sẽ từ bỏ dù chỉ một phần trăm, một phần ngàn vị trí mà chúng ta đã tự tay giành được, như thế là sai lầm. Chúng ta quyết không nhượng bộ một li nào cả”(2).

Trong việc giữ vững vị thế cầm quyền, điều cốt tử nhất là đảng giữ vững vai trò lãnh đạo nhà nước, nắm chắc bộ máy nhà nước. Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực, V.I.Lênin khẳng định mạnh mẽ: “Hiện nay chính quyền đã giành được, đang được giữ vững và củng cố trong tay một đảng, đảng của giai cấp vô sản, thậm chí không còn có “những người bạn đường không chắc chắn” nữa. Hiện nay, khi thậm chí không thể nói đến chuyện chia sẻ chính quyền, chuyện từ bỏ chuyên chính của vô sản chống lại giai cấp tư sản, mà còn nói đến thỏa hiệp thì chẳng khác nào lắp lại như vẹt những câu kệ đã học thuộc lòng nhưng không hiểu gì hết”(3).

Hai là, đảng xây dựng cương lĩnh, đường lối, chính sách lớn định hướng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đảng không phải là cơ quan nhà nước. Nhà nước quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Về phần mình, với tư cách là đảng cầm quyền, đảng xây dựng cương lĩnh, đường lối, chính sách lớn định hướng cho sự nghiệp xây dựng CNXH và tổ chức, hoạt động của nhà nước. V.I.Lênin chỉ dẫn: nếu tưởng rằng đại hội đảng có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề là sai lầm, “những quy định về pháp luật của chúng ta sẽ giải quyết vấn đề ấy, nhiệm vụ của chúng ta chỉ là định đường lối nguyên tắc và nêu ra khẩu hiệu. Đảng ta là một đảng cầm quyền và những quyết định do đại hội của đảng thông qua là những điều mà toàn nước Cộng hòa phải tuân theo; cho nên, ở đây, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề ấy về nguyên tắc”(4). Cương lĩnh, đường lối của đảng là sự định hướng tổng quát mục tiêu, con đường xây dựng CNXH.

Trong xây dựng CNXH, cương lĩnh của đảng có yêu cầu mới, không chỉ là cương lĩnh thuần túy chính trị, mà phải mang tính chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch tổng quát kinh tế - xã hội. Tại Đại hội VIII các Xôviết toàn Nga, V.I.Lênin phát biểu: “Cương lĩnh đảng của chúng ta không thể chỉ là một cương lĩnh của đảng. Nó phải trở thành cương lĩnh xây dựng kinh tế của chúng ta, nếu không, nó cũng không thể nào dùng làm cương lĩnh của đảng được. Nó cần được bổ sung bằng một cương lĩnh thứ hai của đảng, bằng kế hoạch những công tác nhằm khôi phục toàn bộ nền kinh tế quốc dân và nâng nền kinh tế đó tới mức kỹ thuật hiện đại... Chúng ta phải có một kế hoạch được quy định rõ ràng; đương nhiên, đó sẽ chỉ là một kế hoạch sơ bộ. Cương lĩnh đó của đảng sẽ không phải là bất di bất dịch như cương lĩnh thực sự của chúng ta là cương lĩnh chỉ có thể được sửa đổi trong các đại hội đảng thôi. Không, cương lĩnh đó sẽ mỗi ngày được cải tiến hơn trong mỗi xưởng, trong mỗi xã; nó sẽ được cải tiến, hoàn chỉnh và sửa đổi. Cương lĩnh đó là cần thiết với tính cách là một bản phác thảo đầu tiên xuất hiện trước mặt nước Nga như một kế hoạch kinh tế rộng lớn, dự tính ít ra cho mười năm và chỉ rõ cần phải tiến hành làm sao để đặt nước Nga trên một cơ sở kinh tế thực sự, cần thiết đối với chủ nghĩa cộng sản”(5).

Ba là, đảng lãnh đạo việc xây dựng bộ máy của nhà nước.

Nhà nước do nhân dân lập ra, nhưng đảng cầm quyền có quyền lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của nhà nước, trong đó có việc nhập các vị trí “cấp cao” của chính quyền với các vị trí “cấp cao” của đảng làm một; bố trí cán bộ lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Đây là một đặc quyền và ưu thế của đảng cầm quyền, do đảng chiếm được đa số ghế trong các Xôviết đại biểu của nhân dân. Đảng cộng sản cầm quyền cũng có quyền và trách nhiệm lãnh đạo việc xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước theo đúng quan điểm của đảng và ý nguyện của nhân dân.

Đảng có quyền lập chính phủ và đề ra các nguyên tắc tổ chức của nhà nước. V.I.Lênin khẳng định: “với tư cách là một đảng chiếm đa số tại Đại hội II toàn Nga các Xô-viết, chúng ta có quyền và có nhiệm vụ trước nhân dân thành lập chính phủ.

Mọi người đều biết rằng, Ban chấp hành trung ương đảng ta đã trình Đại hội II toàn Nga các Xô-viết một bản danh sách các bộ trưởng dân ủy thuần túy bôn-sê-vích và đại hội đã thông qua bản danh sách chính phủ thuần túy bôn-sê-vích đó”(6).

Có thể hợp nhất một số cơ quan đảng với cơ quan nhà nước. Vừa là lãnh tụ của Đảng Cộng sản (b) Nga, vừa là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy, V.I.Lênin nhận thấy, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền xây dựng CNXH, có thể và cần thiết hợp nhất một số cơ quan lãnh đạo đảng với cơ quan nhà nước, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo đảng với chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước. Tại Đại hội X Đảng Cộng sản (b) Nga, Người khẳng định: “tất cả chúng ta đều biết rằng với tư cách là đảng chấp chính, chúng ta không thể không nhập các “cấp cao” của chính quyền với các “cấp cao” của đảng làm một, - chúng ta đang làm như vậy và sẽ tiếp tục làm như vậy”(7). Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn và phức tạp, Người mới chỉ đề cập việc hợp nhất cơ quan kiểm tra đảng với cơ quan thanh tra của nhà nước vì có chức năng tương đồng.

Đảng bố trí cán bộ chủ chốt của cơ quan nhà nước. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc và là một lợi thế của đảng cầm quyền. V.I.Lênin tuyên bố công khai tại Đại hội VIII các Xôviết toàn Nga: “Chừng nào một đảng cầm quyền còn quản lý, chừng nào đảng ấy còn phải giải quyết tất cả mọi vấn đề về những sự bổ nhiệm khác nhau, thì anh không thể để có tình trạng là việc bổ nhiệm các chức vụ nhà nước quan trọng nhất lại do một đảng không lãnh đạo tiến hành”(8). Người cán bộ được đảng cầm quyền bố trí nắm giữ cương vị lãnh đạo của cơ quan nhà nước chính là người đại diện của đảng. Vì vậy, trong diễn văn tại Hội nghị II toàn Nga các cán bộ tổ chức, V.I.Lênin phát biểu: “Người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất; đó là nhiệm vụ chủ yếu của anh ta và không làm như vậy anh ta sẽ không còn là người cán bộ của Đảng, không làm như vậy anh ta không thể tự coi mình là người cộng sản được”(9).

Bốn là, trọng tâm là lãnh đạo phát triển kinh tế.

Trong điều kiện hòa bình, nhất là đối với một đất nước chưa trải qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế, lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng cầm quyền và “hiện nay đối với chúng ta, những nhiệm vụ kinh tế, mặt trận kinh tế vẫn lại là vấn đề chủ yếu nhất, căn bản nhất”(10). Điều này do chính sứ mệnh lịch sử quy định cho đảng cộng sản cầm quyền. Trong các xã hội hiện đại, đảng chính trị nào dẫn dắt quần chúng làm cách mạng giành được thắng lợi cũng đương nhiên phải lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước, tạo nên sự hơn hẳn so với xã hội cũ về kinh tế. Trong Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết, V.I.Lênin viết: “Trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào, khi giai cấp vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi, và trong chừng mực mà nhiệm vụ tước đoạt những kẻ đi tước đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của chúng đã được hoàn thành trên những nét chủ yếu và cơ bản, - thì tất nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác được đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn”(11).

Giành chính quyền đã khó, nhưng để chiến thắng giai cấp tư sản, chứng minh trên thực tế sự ưu việt, tính hơn hẳn của xã hội XHCN so với xã hội tư bản trước đó là việc còn khó khăn hơn, nhưng là điều bắt buộc. V.I.Lênin phân tích sâu sắc: “xét cho cùng, thì nguồn lực lượng to lớn nhất để chiến thắng giai cấp tư sản và cái bảo đảm duy nhất cho những thắng lợi đó được bền vững và không gì phá vỡ nổi, chỉ có thể là một phương thức sản xuất xã hội mới, cao hơn, chỉ có thể là việc đem sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thay thế cho sản xuất tư bản chủ nghĩa và tiểu tư sản”(12); “xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”(13).

2. Phương thức cầm quyền của đảng cộng sản

Một là, đảng tiến hành công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân.

Cũng như trong đấu tranh giành chính quyền, những người cộng sản chỉ là một bộ phận nhỏ dân cư, những người cộng sản sẽ không giữ được chính quyền nếu không có được sự ủng hộ đầy đủ nhất và hết lòng của quảng đại quần chúng nhân dân. Vì thế, nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu và cũng là cách thức cầm quyền quan trọng nhất của đảng là đi sâu tuyên truyền, vận động nhân dân. V.I.Lênin căn dặn: cần “sửa đổi một cách căn bản công tác hàng ngày của đảng, đi xuống với hàng triệu công nhân, cố nông và tiểu nông, là những người mà nếu không có các Xô-viết, không có việc lật đổ giai cấp tư sản, thì không sao thoát được các tai họa do chủ nghĩa tư bản và chiến tranh mang lại. Giải thích điều đó một cách cụ thể, đơn giản, rõ ràng, cho quần chúng, cho hàng chục triệu người, nói với họ là các Xô-viết của họ phải nắm lấy toàn bộ chính quyền, đội tiên phong của họ, đảng của giai cấp vô sản cách mạng phải lãnh đạo cuộc đấu tranh, - chuyên chính vô sản có nghĩa là như thế đấy”(14). Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, V.I.Lênin viết: “Phải biết tự nguyện chịu mọi hy sinh, vượt những trở ngại lớn nhất, để tiến hành một công tác tuyên truyền và cổ động có hệ thống, bền bỉ, dẻo dai và nhẫn nại chính ngay trong các cơ quan, các hội, các tổ chức - thậm chí phản động nhất - nghĩa là bất cứ ở chỗ nào có quần chúng vô sản hay nửa vô sản”(15); “tất cả nhiệm vụ của người cộng sản là phải biết thuyết phục những phần tử lạc hậu, biết công tác trong số những người lạc hậu đó, chứ không phải xa lánh họ với những khẩu hiệu “tả” bày đặt ra một cách ngờ nghệch”(16). Trong công tác tuyên truyền của đảng, V.I.Lênin đặc biệt lưu ý về tầm quan trọng của việc tuyên truyền kinh tế đối với đảng cầm quyền đang lãnh đạo phát triển kinh tế.

Hai là, phát huy vai trò của nhà nước, trên cơ sở phân định một cách rõ ràng những nhiệm vụ của đảng với nhiệm vụ của nhà nước.

Khi có nhà nước, đảng đã trở thành đảng duy nhất cầm quyền, vấn đề lớn nhất, nhưng cũng phức tạp nhất là giải quyết mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhà nước. Tách biệt tuyệt đối giữa đảng với nhà nước thì đảng không còn là đảng cầm quyền và các đảng chính trị cầm quyền trên thế giới đều gắn với chính quyền trong thời gian cầm quyền, nhưng đồng nhất đảng cầm quyền với nhà nước thì đảng không còn là tổ chức chính trị, tự biến mình thành cơ quan quản lý nhà nước trong khi không được giao quyền này. V.I.Lênin đã trăn trở rất nhiều về vấn đề này và đã nêu quan điểm bước đầu của mình.

Trong tác phẩm Những nhiệm vụ của chúng ta và Xô-viết đại biểu công nhân viết trước Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Xô-viết đại biểu công nhân hay là Đảng? Theo tôi, không thể đặt vấn đề như vậy, và giải quyết vấn đề đó nhất thiết chỉ có thể là: vừa cần có Xô-viết đại biểu công nhân, vừa cần có Đảng. Vấn đề - và là vấn đề hết sức quan trọng - chỉ là ở chỗ làm thế nào phân rõ và kết hợp những nhiệm vụ của Xô-viết và những nhiệm vụ của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga”(17). Cho đến cuối đời, Người tiếp tục khẳng định: “cần phân định một cách rõ ràng hơn nữa những nhiệm vụ của đảng (và của Ban chấp hành trung ương của nó) với nhiệm vụ của Chính quyền Xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ Xô-viết và các cơ quan Xô-viết, còn về đảng thì dành quyền lãnh đạo chung công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không can thiệp một cách quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay”(18).

Với quan điểm như vậy, tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lênin đánh giá: “Giữa đảng và các cơ quan Xô-viết, hiện đã có những quan hệ không đúng... Tôi đã lấy một thí dụ để chứng minh rằng, ngay đối với một việc nhỏ cụ thể, người ta cũng đã đưa đến Bộ chính trị như thế nào rồi. Trên hình thức, sửa chữa được hiện tượng đó là việc rất khó, vì ở nước ta chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo, và không thể ngăn cấm bất cứ một đảng viên nào khiếu nại cả. Cho nên, đối với bất cứ việc gì ở Hội đồng bộ trưởng dân ủy, người ta cũng đều đưa sang Bộ chính trị... Về điểm này, Ban chấp hành trung ương đều hoàn toàn nhất trí, và tôi hy vọng rằng đại hội sẽ rất chú trọng đến vấn đề này và sẽ phê chuẩn các chỉ thị nhằm làm cho Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương khỏi phải giải quyết các công việc vụn vặt, và nhằm cải tiến công tác của cán bộ phụ trách. Các bộ trưởng dân ủy cần phải chịu trách nhiệm về sự hoạt động của mình; không nên để tình trạng người ta chạy, trước hết, đến Hội đồng bộ trưởng dân ủy, rồi sau lại chạy đến Bộ chính trị. Chính thức mà nói, chúng ta không thể xóa bỏ quyền khiếu nại với Ban chấp hành trung ương được, vì đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất. Phải chấm dứt tình trạng là bất kỳ vấn đề vụn vặt nào cũng đưa ra trước Ban chấp hành trung ương, mà phải nâng cao uy quyền của Hội đồng bộ trưởng dân ủy, phải làm thế nào cho chính những vị bộ trưởng dân ủy, chứ không phải là những người phó của họ, tham gia nhiều hơn nữa vào công tác ở Hội đồng, phải thay đổi tính chất công tác của Hội đồng bộ trưởng dân ủy, theo cái hướng mà tôi đã không thể làm được trong năm vừa qua: chú ý nhiều hơn nữa đến việc kiểm tra tình hình chấp hành”(19). Từ thực tế công tác, Người đề xuất: giảm nhẹ công việc cho Bộ chính trị, rút bớt cho Bộ chính trị những công việc không phù hợp, nâng cao uy tín và khả năng làm việc của Bộ chính trị”(20).

Ba là, bố trí đúng người vào vị trí phù hợp.

Từ trong lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, V.I.Lênin đã rất chú trọng vấn đề lựa chọn đúng người và bố trí đúng người vào vị trí phù hợp. Tuy nhiên, khi có chính quyền, bộ máy đảng và nhà nước hết sức lớn. Trong tình hình ấy, việc bố trí đúng người vào vị trí phù hợp trở thành một phương thức của đảng cầm quyền. V.I.Lênin đã sớm nhận ra tình trạng đặt đảng viên không đúng chỗ. Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, Người chỉ rõ: “Tuy rằng, trong những công sở, chúng ta luôn luôn bị ngập đầu với những việc lặt vặt như thế, song trong cái dây xích thì đó không phải là cái khâu mà chúng ta nên nắm lấy; mấu chốt không phải ở đấy; mấu chốt của vấn đề là ở chỗ con người được đặt không đúng chỗ, là ở chỗ người cộng sản phụ trách này nọ đã từng tham gia rất giỏi vào toàn bộ cuộc cách mạng, bây giờ đã được giao cho một việc kinh doanh công thương nghiệp nào đó, mà lại không hiểu gì cả, lại cản trở không cho người ta thấy sự thật”(21).

Bố trí người vào từng vị trí thích hợp là một trong các quyền của đảng cầm quyền. Nhưng, đây là việc khó, “người cộng sản lãnh đạo chỉ có một cách duy nhất để chứng minh quyền lãnh đạo của mình, đó là tìm cho mình được nhiều, càng ngày càng nhiều, những người phụ tá trong số các nhà sư phạm thực hành, biết giúp đỡ họ làm việc, biết đề bạt họ, biết giới thiệu và chú ý đến kinh nghiệm của họ... Còn người đảng viên cộng sản nào chỉ bàn luận về “lãnh đạo” mà không biết sắp xếp các chuyên gia làm công tác thực tế, không biết làm cho họ đạt đ­ược kết quả thực tế, không biết vận dụng kinh nghiệm thực tế của hàng trăm và hàng trăm giáo viên, - thì người đảng viên cộng sản đó thật là vô dụng”(22).

Bốn là, đảng kiểm tra, kiểm soát hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước.

Kiểm tra, kiểm soát là một phương thức duy trì vị thế và phát huy vai trò cầm quyền của đảng cầm quyền. Từ thực tiễn, V.I.Lênin khái quát: “Mấu chốt của vấn đề không phải là ở các cơ quan, ở việc cải tổ, ở các sắc lệnh mới mà là ở con người và ở sự kiểm tra việc thực hiện. Lựa chọn người và kiểm tra việc thực hiện”(23). Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực, Người phê phán tình trạng những người cộng sản tự mình làm tất cả, làm quá sức mà vẫn không kịp, làm một lúc cả hàng hai chục việc mà không được một việc nào ra trò... và yêu cầu “phải kiểm tra công việc của hàng chục, hàng trăm người phụ giúp, tổ chức kiểm tra công việc của họ từ dưới lên, nghĩa là tổ chức sự kiểm tra của quần chúng chân chính”(24).

Kiểm tra không chỉ đối với việc thực hiện, mà phải kiểm tra chính nội dung của các chủ trương do đảng đề ra. Trong tác phẩm Thà ít mà tốt, V.I.Lênin viết: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”(25).

Năm là, phát hiện, ủng hộ, chăm sóc, phát huy cái mới; chú trọng việc làm thí điểm.

Cầm quyền là công việc mới mẻ đối với đảng cộng sản và nhiệm vụ mà đảng cầm quyền phải giải quyết cũng là vấn đề rất mới đối với cả xã hội. Vì thế, không phải đảng ngay lập tức có thể đưa ra các quyết định đúng đắn cho mọi vấn đề của cuộc cách mạng XHCN. Cách thức, con đường thiết thực, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bám sát thực tiễn, phát hiện, ủng hộ, chăm sóc, phát huy cái mới; làm thí điểm để rút kinh nghiệm. V.I.Lênin gợi ý: “Chúng ta nên nghiên cứu cẩn thận những mầm non của cái mới, hết sức chú ý đến chúng, giúp bằng đủ mọi cách cho chúng trưởng thành lên và “chăm sóc” những mầm còn non yếu đó, trong số những mầm non ấy, có một số nào đó sẽ không tránh khỏi bị tiêu vong... Vấn đề là ở chỗ, phải khuyến khích tất cả những mầm non của cái mới, chẳng kể những mầm non đó như thế nào; cuộc sống sẽ chọn lọc những cái nào có nhiều sức sống nhất trong số những mầm non đó”(26). Nhân câu chuyện về một người Nhật qua 605 liều thuốc thí nghiệm đến liều thuốc thứ 606 mới tìm ra thứ thuốc đáp ứng được những điều kiện để chữa bệnh giang mai, V.I.Lênin rút ra kết luận: “những ai định giải quyết một vấn đề khó khăn hơn, tức là chiến thắng chủ nghĩa tư bản cũng phải có đủ kiên nhẫn để thí nghiệm hàng trăm hàng nghìn những phương pháp, phương thức, thủ đoạn đấu tranh mới, để hoàn chỉnh được những cái nào thích hợp hơn cả”(27).

Sáu là, đảng dựa vào các đoàn thể quần chúng, trực tiếp vào các công đoàn, và nhân dân.

Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lênin phân tích: “việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không phải là việc riêng của Đảng cộng sản... mà là việc của tất cả quần chúng lao động”(28); “vận mệnh lịch sử lại do quảng đại quần chúng quyết định”(29); “chỉ khi nào những người cộng sản biết dùng bàn tay của những người khác để xây dựng nền kinh tế..., khi đó chúng ta mới có thể lãnh đạo được nền kinh tế”(30). Ở đây có một tư tưởng hết sức sâu sắc: cầm quyền, lãnh đạo giỏi không phải là tự mình làm tất cả mọi việc, mà quan trọng là biết “dùng bàn tay của những người khác”.

Nếu như trong cách mạng vô sản giành chính quyền, công đoàn và các đoàn thể nhân dân là lực lượng tập hợp, vận động công nhân và các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh, thì nay các tổ chức này tiếp tục là cơ sở chính trị của đảng cộng sản cầm quyền. Đặc điểm đặc biệt của đảng cộng sản trở thành cầm quyền không qua tranh cử mà dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân lao động từ trong đấu tranh cách mạng quy định đảng cộng sản cầm quyền phải nắm chắc và phát huy tốt vai trò của các đoàn thể nhân dân. V.I.Lênin phân tích: “trong hệ thống chuyên chính vô sản, công đoàn có một vị trí ở giữa đảng và chính quyền nhà nước, nếu ta có thể nói như vậy được... Nhưng không có một nền móng như các tổ chức công đoàn, thì không thể thực hiện được chuyên chính, không thể thực hiện được các chức năng nhà nước”(31). Dựa vào công đoàn - tổ chức rộng rãi của công nhân, mà đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân - là cách tốt nhất để “mượn bàn tay” của công đoàn để dẫn dắt công nhân. Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản, V.I.Lênin giải thích: “Trong công tác, đảng dựa trực tiếp vào các công đoàn... về hình thức thì đó là những tổ chức không đảng. Thực ra, tất cả những cơ quan lãnh đạo của tuyệt đại đa số công đoàn và trước hết, dĩ nhiên là Trung ương hay Thường vụ các công đoàn toàn Nga (Hội đồng trung ương các công đoàn toàn Nga) đều gồm những đảng viên cộng sản và thi hành tất cả những chỉ thị của đảng. Tóm lại, chúng ta có một bộ máy vô sản, về hình thức thì không phải là cộng sản, một bộ máy mềm dẻo và tương đối rộng rãi, rất mạnh, một bộ máy mà thông qua đó đảng liên hệ chặt chẽ với giai cấp và với quần chúng và thông qua đó, chuyên chính của giai cấp được thực hiện dưới sự lãnh đạo của đảng. Nếu không có sự liên hệ hết sức chặt chẽ với công đoàn, không được công đoàn nhiệt liệt ủng hộ, không có công tác đầy hy sinh tận tụy của công đoàn không những trong công cuộc kiến thiết kinh tế mà cả trong việc tổ chức quân sự thì dĩ nhiên là chúng ta không thể quản lý được nhà nước và thực hiện được chuyên chính, tôi không nói trong hai năm rưỡi, mà ngay cả trong hai tháng rưỡi cũng không được”(32). Một trong những vai trò của công đoàn là giới thiệu những công nhân ưu tú để đảng giới thiệu tham gia bộ máy nhà nước.

Bảy là, hình thành và thực hiện lề lối làm việc phù hợp.

Trong phương thức cầm quyền của đảng cộng sản, vấn đề xây dựng và thực hiện phong cách, lề lối làm việc khoa học, thận trọng, thiết thực có ý nghĩa lớn. Nhiệm vụ chính trị mới, bối cảnh hoạt động mới, các mối quan hệ mới... đòi hỏi các cơ quan lãnh đạo đảng, các cán bộ đảng, đảng viên phải thay đổi phong cách công tác, lề lối làm việc. Trong tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết, V.I.Lênin giải thích rõ: “Sự xuất hiện của một giai cấp mới trên vũ đài lịch sử, với tư cách là người lãnh tụ và người lãnh đạo xã hội, không bao giờ diễn ra mà lại không có một thời kỳ “tròng trành” hết sức dữ dội, một thời kỳ chấn động, đấu tranh và bão táp, đó là một mặt; mặt khác, không bao giờ diễn ra mà không có một thời kỳ mò mẫm, thí nghiệm, do dự, ngả nghiêng trong việc lựa chọn những phương pháp mới đáp ứng đúng với tình thế khách quan mới... Dĩ nhiên, không phải chỉ cần mất hàng tuần mà phải mất hàng bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, thì một giai cấp mới trong xã hội, hơn nữa một giai cấp trước kia bị áp bức, bị đày đọa trong cảnh khốn cùng và dốt nát, mới có thể làm quen với tình hình mới của mình, mới nhìn nhận kỹ lưỡng mọi vật xung quanh được, mới tổ chức tốt công tác của mình, mới đào tạo được những cán bộ tổ chức của mình. Cố nhiên, đảng lãnh đạo của giai cấp vô sản cách mạng chưa thể có được kinh nghiệm và thói quen trong việc thi hành những biện pháp tổ chức đại quy mô cho hàng triệu và hàng chục triệu công dân; đảng ấy phải mất rất nhiều thời gian mới thay đổi được những thói quen cũ, thói quen hầu như chỉ biết làm cổ động. Nhưng trong việc đó không có cái gì là không thể thực hiện được, và một khi chúng ta đã có nhận thức rõ ràng là cần phải thay đổi những thói quen ấy, một khi chúng ta đã có một sự quyết tâm vững chắc để thực hiện sự thay đổi đó, một khi chúng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu vĩ đại và khó khăn ấy, thì chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu ấy”(33).

Trong đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đảng cộng sản cầm quyền, V.I.Lênin đã có những chỉ dẫn cụ thể: phải tránh lối đề ra những chương trình, kế hoạch viển vông, không thiết thực, không khả thi; cải tiến cách viết nghị quyết; sâu sát cơ sở, gần gũi người lao động; giảm bớt hội họp; v.v..

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2019

(1), (9), (15), (16), (32) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.479, 181, 45-46, 47, 38-39.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.277.

(3), (4), (7), (24):  V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.261, 74, 17, 293.

(5), (8), (10),  (22), (31) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.193, 204-205, 167, 407-408, 250.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.83.

(11), (33) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.228-229, 235-236.

(12), (13), (26), (27) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.20-21, 25, 23, 23-24.

(14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.155.

(17) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.73-74.

(18), (19), (20), (21), (23), (25), (28), (29), (30) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.75, 136-138, 467, 133-134, 474, 443, 110-111, 113, 117.

PGS, TS Trần Khắc Việt

ThS Bùi Văn Hải

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền