Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau tám năm đổi mới mô hình tăng trưởng
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 15:59
7976 Lượt xem

Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau tám năm đổi mới mô hình tăng trưởng

(LLCT) - Sau 8 năm đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhanh và ổn định. Tuy vậy, vẫn còn không ít những hạn chế, đó là: Tăng trưởng kinh tế (TTKT) vẫn còn dựa nhiều vào vốn, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ và lao động có kỹ năng; TTKT không bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; năng suất lao động chậm được cải thiện,... Để nâng cao chất lượng TTKT của Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN...

1. Khái niệm chất lượng tăng trưởng kinh tế và các tiêu chí đánh giá

Khái niệm TTKT phản ánh động thái biến đổi của lượng giá trị gia tăng (GDP) mà nền kinh tế đạt được năm sau so với năm trước, thời kỳ sau so với thời kỳ trước. Khái niệm TTKT chỉ phản ánh sự biến đổi về lượng GDP, không phản ánh những thuộc tính bên trong của quá trình tạo ra sự biến đổi về lượng GDP đó. Khái niệm này không thể hiện cách thức của sự gia tăng về lượng GDP (TTKT) cũng như hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố đầu vào; khả năng duy trì TTKT trong thời gian tới. Tất cả những nội dung này được thể hiện trong một khái niệm khác, đó là chất lượng TTKT.

Chất lượng TTKT là thuộc tính bên trong của quá trình TTKT, thể hiện ở trạng thái, phương thức, hiệu quả của TTKT và khả năng duy trì TTKT trong dài hạn. Có thể chỉ ra bốn nội dung, hay 4 tiêu chí đánh giá chất lượng TTKT, gồm:

(1) Trạng thái của TTKT

Tốc độ TTKT nhanh hay chậm, quy mô TTKT nhiều hay ít thể hiện số lượng của TTKT. Tuy nhiên, tốc độ TTKT ổn định hay không ổn định thể hiện chất lượng TTKT. Tốc độ TTKT không ổn định tức là khoảng cách trồi sụt giữa các năm tăng cao, lúc lên cao, lúc xuống thấp, thậm chí là bằng không hoặc âm. Không thể nói chất lượng TTKT cao, khi tốc độ TTKT không ổn định.

(2) Phương thức của TTKT

Nhìn ở góc độ đầu vào: Nếu TTKT chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và lao động (những yếu tố hữu hạn), thì đó là TTKT theo chiều rộng, thể hiện chất lượng TTKT thấp.  Nếu TTKT chủ yếu dựa vào tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), thì đó là TTKT theo chiều sâu, thể hiện chất lượng TTKT cao.

Nhìn ở góc độ đầu ra: Nếu TTKT ngày càng dựa vào tích lũy tài sản, vào xuất khẩu ròng của khu vực kinh tế trong nước, điều đó thể hiện sự tự chủ của nền kinh tế, chất lượng TTKT cao và ngược lại.

Nhìn ở góc độ cấu trúc TTKT theo ngành: Nếu TTKT chủ yếu dựa vào khai thác và bán tài nguyên thô, vào ngành dựa trên công nghệ thấp, thì đó là TTKT theo chiều rộng, thể hiện chất lượng TTKT thấp. Nếu TTKT chủ yếu dựa vào các ngành công nghệ cao, các ngành có giá trị gia tăng cao, đó là TTKT theo chiều sâu, thể hiện chất lượng TTKT cao.

Nhìn ở góc độ cấu trúc TTKT theo thành phần/khu vực kinh tế: Nếu TTKT chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đó là TTKT phụ thuộc và không vững chắc, thể hiện chất lượng TTKT thấp. Nếu TTKT chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế trong nước, đó là TTKT tự chủ và vững chắc, thể hiện chất lượng TTKT cao.

(3) Hiệu quả của TTKT

Hiệu quả của TTKT thể hiện ở hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như hiệu quả sử dụng vốn (ICOR), hiệu quả sử dụng lao động (năng suất lao động), hiệu quả sử dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (TFP) trong sản xuất. Nếu hiệu quả sử dụng vốn, lao động, khoa học - công nghệ thấp, đó là chất lượng TTKT thấp và ngược lại nếu hiệu quả sử dụng vốn, lao động, khoa học - công nghệ cao, đó là chất lượng TTKT cao.

(4) Khả năng duy trì TTKT trong dài hạn 

Khả năng duy trì TTKT trong dài hạn là khả năng sáng tạo khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là hai yếu tố bảo đảm vững chắc cho việc đạt được TTKT trong tương lai và điều đó thể hiện chất lượng TTKT cao. Ngược lại, nếu TTKT chỉ dựa vào công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực thấp, thì trong tương lai việc duy trì TTKT là rất khó khăn, thể hiện chất lượng tăng trưởng thấp. 

2. Đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau tám năm đổi mới mô hình tăng trưởng (2011-2018)

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, duy trì được trạng thái TTKT tương đối ổn định

Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định. Tốc độ TTKT trong 8 năm qua dao động trong khoảng 6% đến 7%, ngoại trừ 2 năm 2012 và 2013 thấp lần lượt là 5,25% và 5,42%. Cùng với việc duy trì tốc độ TTKT khá ổn định là việc kiềm chế được tỷ lệ lạm phát xuống mức hợp lý.

Thứ hai, phương thức TTKT đã đổi mới theo hướng chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng, thể hiện ở:

(1) Nhìn từ góc độ đầu vào:

TTKT đã ngày càng dựa vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), giảm dần sự phụ thuộc vào tăng vốn và lao động. Nếu như giai đoạn trước đổi mới mô hình TTKT (2001-2010), đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP Việt Nam là 26,4% (đóng góp của vốn là 54,20%; của lao động là 19,4%); thì sang giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đã tăng lên, đạt 30,2 % (đóng góp của vốn là 54,3%; của lao động là 15,5%); các con số tương ứng của năm 2016 là 35,5%, (57,2% và 7,3%) và năm 2017 là 39,5% (54,7% và 5,8%); ước tính năm 2018 là 40,2%(1). Như vậy, kết quả 3 năm 2016-2018, đóng góp của TFP vào TTKT trung bình đạt 38,4%, vượt mức mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII là “Năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%”.

(2) Nhìn từ góc độ cấu trúc TTKT theo ngành:

TTKT đã giảm dần phụ thuộc vào ngành nông, lâm, thủy sản và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đóng góp của ngành nông, lâm, thủy sản vào tăng trưởng GDP theo tỷ lệ phần trăm giai đoạn 2011-2018 tuy có tăng, giảm giữa các năm, song nhìn chung có xu hướng giảm. Năm 2011, tỷ trọng này ở mức 12,18%, năm 2016 giảm xuống mức 3,54%. Năm 2018 tăng lên 8,7%, song vẫn thấp hơn so với năm 2011. Đóng góp của ngành khai khoáng vào tăng trưởng GDP theo điểm phần trăm giảm từ mức 5,1 điểm % trong giai đoạn 2011- 2015 xuống - 0,33 điểm % năm 2016 và - 0,54 điểm % năm 2017.

Từ năm 2016, tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt ngành nông, lâm, thủy sản, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng giảm mạnh: tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,8% trong 6 tháng/2018; của ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6,0% trong 6 tháng/2018(2).

Thứ ba, hiệu quả TTKT có xu hướng tăng lên, thể hiện ở:

(1) Hiệu quả sử dụng vốn tăng lên:

Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào TTKT Việt Nam giai đoạn 2011-2018 đang cao dần lên cho thấy yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng hiệu quả hơn. Cụ thể là giai đoạn 2006-2010, ICOR của nền kinh tế là 6,96 lần, sang giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn 6,25 lần và bình quân ba năm 2016-2018 giảm xuống còn 6,17 lần.

(2) Năng suất lao động (NSLĐ) tăng lên:

Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ đạt 3,45%/năm; sang giai đoạn 2011-2015 tăng lên 4,35%/năm và giai đoạn 2016-2018 là 5,75%/năm(3). Tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore 1,5%/năm; Malaysia 1,9%/năm; Thái Lan 2,5%/năm; Indonesia 3,5%/năm; Philippines 2,8%/năm(4). Tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang TFP, mặc dù đây mới chỉ là chỉ dấu tích cực ban đầu(5). Do tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam tăng lên, nên khoảng cách chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực đã dần được thu hẹp. Cụ thể, năm 2000, NSLĐ của Việt Nam kém của Singapore 20,5 lần, nhưng đến năm 2010 giảm xuống còn 15,7 lần và năm 2016 là 12,1 lần; các con số tương ứng với Malaysia là 8,1 lần, 6,6 lần và 5,7 lần; với Thái Lan là 3,4 lần, 2,9 lần và 2,7 lần(6).

Một số hạn chế

Thứ nhất, TTKT vẫn còn dựa nhiều vào vốn, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ và lao động có kỹ năng

Giai đoạn 2001-2010 (trước đổi mới mô hình TTKT), đóng góp của yếu tố vốn và lao động vào TTKT ở mức 73,6%, sang giai đoạn thực hiện đổi mới mô hình TTKT, đóng góp của hai yếu tố này đã giảm xuống, song vẫn còn ở mức cao, cụ thể là giai đoạn 2011-2015 là 69,8% và giai đoạn 2016-2018 là 61,6%. Đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp - TFP (đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý, kỹ năng của người lao động...) vẫn còn ở mức thấp hơn so với một số nước khác trong cùng giai đoạn tăng trưởng nhanh như: Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippines (70%), Malaysia (64%), Indonesia (37%) hay nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc (39%)(7).

Thứ hai, TTKT không bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nếu như bình quân giai đoạn 1988-1996, khu vực FDI chỉ đóng góp 15,04% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, thì sang giai đoạn 2010-2018, đã lên tới 27,7% (hơn ¼)(8). Nền kinh tế tiếp tục có độ mở cửa rất cao đo bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP. Vốn đầu tư khu vực FDI bình quân giai đoạn 2015-2018 chiếm 24% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71-72% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, một nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng “hộ” các nước khác, khi lợi nhuận của khu vực FDI được mang trở lại đất nước họ. Ví dụ năm 2017, trong hơn 220 tỷ USD GDP thì có tới hơn 60 tỷ USD do Samsung “đóng góp” từ điện thoại di động và các thiết bị điện tử. Phải thấy 60 tỷ USD này thuộc sở hữu của Samsung, không phải của Việt Nam và họ sẽ mang về nước(9). Khi TTKT phụ thuộc nhiều vào FDI, thì đó là kiểu tăng trưởng hộ, tăng trưởng không bền vững, chất lượng TTKT thấp.

Thứ ba, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, NSLĐ chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.

Hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 đã tăng lên so với giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, tăng rất ít và nếu so với một số nước ở cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam còn thấp. Nhật Bản những năm 70, Hàn Quốc những năm 80, hệ số ICOR chỉ khoảng 2,5 đến 3 lần, trong khi đó của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 khoảng 6,2 lần. Nguyên nhân hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam thấp chủ yếu là do phân bổ vốn và quản lý quá trình đầu tư vốn chưa hợp lý, nhiều bất cập.

Cũng như hiệu quả sử dụng vốn, NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tuy tăng lên so với giai đoạn trước, song so với nhiều nước trong khu vực còn thấp hơn rất nhiều. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2016, NSLĐ của Việt Nam đạt 9.894 USD (tính theo giá so sánh của năm 2011), chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào. Đáng chú ý là mức chênh lệch tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tính theo PPP tiếp tục gia tăng. Cụ thể là mức NSLĐ (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD(10). NSLĐ của Việt Nam thấp và ngày càng lệch so với nhiều nước trong khu vực là do tỷ lệ thất nghiệp hữu hình và trá hình của Việt Nam khá cao; trình độ công nghệ thấp, trung bình là chủ yếu và lao động Việt Nam chỉ đảm nhận công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp.

Thứ tư, khả năng duy trì TTKT trong tương lai còn thấp

Trước hết, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ của Việt Nam rất lạc hậu. Hiện phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài từ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang(11). Chi phí đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1/5 mức trung bình thế giới và bằng 1/3 các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương(12). Năm 2015, Việt Nam chỉ chi 15 USD/người cho nghiên cứu và phát triển. Con số so sánh tương ứng của Thái Lan là 64 USD/người, Malaysia là 260 USD/người, Trung Quốc là 300 USD/người, Nhật Bản là hơn 2.300 USD/người(13).

Hai là, chất lượng lao động của Việt Nam thấp. Đến cuối năm 2018, chỉ có khoảng 22,9% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Tính riêng ở khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13-14%; ở ngành nông, lâm, thủy sản chỉ hơn 4%. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao; lao động thiếu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.

3. Một số khuyến nghị

Để nâng cao chất lượng TTKT của Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung vào những điểm sau:

- Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Tám năm thực hiện đổi mới mô hình TTKT, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, song do nguồn lực tăng trưởng cũ đang tới hạn, trong khi nguồn lực tăng trưởng mới chưa đảm bảo, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Để nâng cao chất lượng TTKT và không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ cần xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cụ thể cần: Tăng cường quản trị công cho hệ thống đổi mới sáng tạo; Tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo; Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp: đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; Nâng cao đóng góp của các trường đại học và cơ sở nghiên cứu nhà nước.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực

Công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới là yếu tố quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá, vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Để thực hiện điều này, Chính phủ cần: (i) Tăng cường thực sự hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục về công nghệ, khoa học; thực hiện hệ thống giáo dục kép kết hợp nhà trường và doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách nhà trường và doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa xưởng và trường; (ii) Gắn kết việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; (iii) Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với phát triển xã hội học tập; (iv) Mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước

Để đảm bảo TTKT ổn định, vững chắc, không phụ thuộc vào khu vực FDI, Chính phủ cần chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, cụ thể là: (i) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; (ii) Đặc biệt quan tâm xây dựng chương trình hành động, tạo điều kiện về đất đai, vốn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân; (iii) Đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế tư nhân.

- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Hoàn thiện thể chế kinh tế, nhất là thể chế quản lý kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện tốt các mắt xích quan trọng trên. Muốn vậy, trong thời gian tới Chính phủ cần: (i) hoàn thiện pháp luật về kinh tế, đặc biệt là pháp luật liên quan đến sở hữu, doanh nghiệp, thị trường, lao động, khoa học và công nghệ, đầu tư; (ii) Hoàn thiện các chính sách về kinh tế như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại, chính sách việc làm...; (iii) Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, từ cấp Chính phủ đến ủy ban nhân dân các cấp.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Viện Năng suất Việt Nam: Báo cáo Năng suất Việt Nam 2017, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2018, tr.28 và Báo cáo Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

(2) Báo cáo Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

(3) Thời báo Kinh tế Việt Nam: Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới, tr.7.

(4), (11) Nguyễn Bích Lâm: Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy, Tham luận tại Diễn đàn CEO 2018, Hà Nội, ngày 13-4-2018 http://www.gso.gov.vn.

(5) Anh Phương: Nhóm ngành nào có NSLĐ đáng tự hào, http://soha.vn, ngày 26-9-2018.

(6) Lương Bằng: Năng suất lao động: Cứ thế này, bao giờ bằng được Malaysia, Thái Lan, https://vietnamnet.vn, ngày 17-12-2017.

(7) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Đổi mới mô hình TTKT dựa trên đổi mới và sáng tạo công nghệ, Trung tâm Thông tin-Tư liệu, 2017, tr.7.

(8) “30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, http://www.trungtamwto.vn, ngày 15-11-2018.

(9) TTKT dựa quá nhiều vào FDI sẽ là nền kinh tế tăng trưởng hộ các nước khác https://www.msn.com/vi-vn, ngày 03/01/2019.

(10) Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% của Singapore, http://vneconomy.vn, Bạch Dương, 27-12-2017.

(12) “Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019”, http://hdll.vn, ngày 24-12-2018.

(13) “Chọn mô hình tăng trưởng cho chiến lược 10 năm”, https://nhandan.com.vn/, ngày 25-3-2019.

PGS, TS Nguyễn Thị Thơm     

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền