Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong nền kinh tế số
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:08
5381 Lượt xem

Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong nền kinh tế số

(LLCT) - Những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kinh tế nói chung và về sở hữu nói riêng làm nền tảng cho chúng ta xây dựng một chế độ chính trị mới. Ngày nay, trước những tác động của quá trình toàn cầu hóa, của Cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số, cần nhìn nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu cho phù hợp với bối cảnh ngày nay. Bài viết tập trung làm rõ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu và giải pháp vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong nền kinh tế số hiện nay.

1. Quan điểm của C.Mác, V.I.Lênin về sở hữu

Trong các tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, Tư bản,... C.Mác và Ph.Ăngghen coi sở hữu là một phạm trù lịch sử, một quan hệ xã hội - quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội. C.Mác cho rằng, sở hữu là một quan hệ xã hội có tính lịch sử(1), “một quan hệ không đơn giản và cũng là một khái niệm hoặc một nguyên lý không trừu tượng chút nào, mà là tổng hòa các quan hệ sản xuất”(2). Sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải, mà điều cốt yếu là đề cập đến quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội.

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất TBCN cũng đồng thời nảy sinh và trở nên gay gắt, nổi bật là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đồ sộ, xã hội hóa rộng lớn và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản. Chính ma lực của lợi nhuận và “lòng tham không đáy” khiến các nhà tư bản chạy đua “bóp nặn thị trường”, tìm mọi cách bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì lẽ đó, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra khẩu hiệu và cũng là mục đích cao cả của giai cấp vô sản đó là: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(3). Trong các tác phẩm mang tính cương lĩnh, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định một cách triệt để và dứt khoát rằng, sở hữu là “vấn đề cơ bản”, then chốt của cách mạng XHCN. Xóa bỏ chế độ tư hữu là tiền đề cơ bản cho việc xóa bỏ tất cả mọi “sự tha hóa”, cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội. Đó là một hành động cách mạng thực tế, “cấp thiết và không thể tránh khỏi”, “hành động cộng sản chủ nghĩa” lâu dài, chứ không phải là một hành động nhất thời, trong chốc lát. Rằng vấn đề sở hữu là “vấn đề hàng đầu”, “vấn đề sống còn”, “vấn đề lịch sử toàn thế giới” trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân TBCN, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là quá trình cải tạo toàn bộ chế độ xã hội.

Để xóa bỏ chế độ tư hữu, theo C.Mác sẽ phải “kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”. Không thể xóa bỏ chế độ tư hữu ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền sản xuất xã hội bằng mệnh lệnh hành chính, hay theo ý muốn chủ quan của con người. Những người cộng sản chỉ đặt ra cho mình nhiệm vụ xóa bỏ chế độ tư hữu bằng cách xóa bỏ sở hữu tư sản mà thôi. Ngay cả khi nhiệm vụ đó được đặt ra thì việc xóa bỏ chế độ tư hữu cũng không thể thực hiện được ngay lập tức, như Ph.Ăngghen đã viết trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản. Trả lời câu hỏi: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ph.Ăngghen nêu rõ: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”(4). Việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động, phát triển xã hội và được thực hiện triệt để khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động không còn thích hợp với cái vỏ TBCN của chúng nữa. Khi đó, cái vỏ ấy sẽ vỡ tung ra với phương thức sản xuất mới có quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. C.Mác gọi đó là “sự phủ định cái phủ định”.

Kế thừa những quan điểm của C.Mác về sở hữu, V.I.Lênin đã nhận rõ tầm quan trọng của việc xóa bỏ chế độ tư hữu TBCN. Ông khẳng định: “Để thực sự giải phóng giai cấp công nhân, cần phải có cuộc cách mạng xã hội, xuất phát một cách tự nhiên từ toàn bộ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối xã hội chủ nghĩa...”(5). Đồng thời, V.I.Lênin cũng cho rằng, CNXH không hề xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân lao động, mà chỉ muốn xóa bỏ quyền sở hữu của địa chủ và tư bản. Trên cơ sở đó, ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, V.I.Lênin đã đề ra và chỉ đạo thi hành Chính sách kinh tế mới (NEP), làm sống lại nền kinh tế của đất nước với chế độ đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, kể cả các thành phần phú nông và tư sản thành thị, đem lại sự khởi sắc nền kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới.

2. Sở hữu trong nhận thức của Đảng ta

Cơ sở lý luận căn bản của việc đổi mới nhận thức về sở hữu ở Việt Nam là: thứ nhất, sự đổi mới quan niệm về CNXH, về thời kỳ quá độ lên CNXH; thứ hai, sự thay đổi quan niệm về sở hữu, coi sở hữu vừa là mục đích vừa là phương tiện. Theo đó, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần với các loại hình sở hữu khác nhau là chiến lược lâu dài và tối ưu, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, năng động hóa nền kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Sự thành công tiếp theo của công cuộc đổi mới phần nhiều phụ thuộc vào những chủ trương và giải pháp nhằm sử dụng một cách tối ưu các loại hình sở hữu.

Từ Đại hội VI và sau này là các Đại hội VII, VIII và IX, Đảng ta đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu với nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Các thành phần kinh tế được hình thành trên cơ sở của ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nếu như trước đây, các thành phần kinh tế chủ yếu được xây dựng trên cơ sở của sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể thì hiện nay, nhiều thành phần kinh tế được xây dựng và phát triển trên cơ sở của sở hữu tư nhân hoặc sở hữu hỗn hợp về tư liệu sản xuất. Thêm vào đó, những chủ trương, chính sách đối với các thành phần kinh tế qua các kỳ Đại hội đều đã có những thay đổi để phù hợp với mỗi giai đoạn.

Tại Đại hội X, trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Đảng khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”(6). Tại Đại hội XI, Đảng ta làm rõ thêm: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Kế thừa, phát triển đường lối của các kỳ Đại hội trước, tại Đại hội XII, Đảng ta xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đồng thời tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề cốt lõi về bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trong đó khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta không khác biệt mà mang đầy đủ các đặc trưng phổ biến của kinh tế thị trường, như: tự do kinh doanh và cạnh tranh; mở cửa và hướng tới tự do hóa; đa dạng hóa các hình thức sở hữu; lấy quy luật giá trị và quan hệ cung cầu để xác định giá cả; coi cạnh tranh là động lực phát triển.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, bắt đầu bằng đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế, đã thu được những thành tựu đáng phấn khởi. Từ một nước nông nghiệp có nền kinh tế phát triển chậm, thường xuyên phải nhập lương thực, Việt Nam đã trở thành nước có sự phát triển năng động trong khu vực với tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao. Để có được thành tựu như vậy, phải kể đến những đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, một trong những đổi mới quan trọng nhất là đổi mới nhận thức về sở hữu.

Đảng đã đề ra chủ trương thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn; sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, v.v..

Cần phải nhấn mạnh, sự đổi mới căn bản trong nhận thức về sở hữu được thể hiện ở chủ trương, chính sách đối với các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân. Nếu như thời kỳ trước đổi mới, thành phần kinh tế tư bản tư nhân bị xoá bỏ, thành phần kinh tế cá thể bị cải tạo và thu hẹp dần thì từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta không ngừng thay đổi chủ trương, chính sách theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đó phát triển.

Cũng cần lưu ý, sự đổi mới quan niệm về sở hữu của Đảng ta bao gồm sự thay đổi quan niệm sở hữu chủ yếu là mục đích sang quan niệm coi sở hữu vừa là mục đích vừa là phương tiện

Xét theo quy luật, bản thân các hình thức sở hữu là hình thức biểu hiện và bị quy định bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó có nghĩa là, nếu các hình thức sở hữu mà phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì nó sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; còn trong trường hợp ngược lại, nó không những không có tác dụng thúc đẩy, mà còn cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Với ý nghĩa đó, sở hữu lại là phương tiện để phát triển lực lượng sản xuất. Điều này, đặc biệt quan trọng đối với những nước chưa trải qua giai đoạn phát triển TBCN thực hiện quá độ rút ngắn đi lên CNXH.

Do không hiểu được sở hữu vừa là mục đích vừa là phương tiện, hoặc quá nhấn mạnh đến khía cạnh mục đích của việc xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, trong thời kỳ trước đổi mới, chúng ta đã tập trung xây dựng chế độ công hữu dưới hai hình thức là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Một số người có quan niệm rằng, càng có nhiều hợp tác xã càng có nhiều CNXH. Vì vậy, khi Đảng ta chủ trương thực hiện “khoán 10”, giải tán các hợp tác xã thì không ít người cho rằng, làm như vậy là xóa CNXH. Với cách nghĩ như vậy, vô hình trung đã đồng nhất CNXH với một hình thức sở hữu cụ thể, đó là sở hữu tập thể. Thực ra, sở hữu tập thể chỉ là một phương tiện để phát triển lực lượng sản xuất. Khi phương tiện đó chưa phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, thì có thể được thay thế bằng một phương tiện khác, phù hợp hơn.

Xuất phát từ nhận thức đó, các loại hình sở hữu, các thành phần kinh tế đều được xem là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tất cả các loại hình sở hữu đều là những phương tiện để đạt tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, như đã được xác định trong các đại hội gần đây của Đảng.

Có một câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam, khi nào sở hữu tư nhân bị xóa bỏ: Đây là câu hỏi rất khó xác định về mặt thời gian. Nhưng, xét về mặt phương pháp luận, có thể khẳng định rằng, chỉ khi nào sở hữu tư nhân không còn là hình thức tất yếu của lực lượng sản xuất, không còn đóng vai trò thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và trở thành “xiềng xích”, mâu thuẫn gay gắt với sự phát triển của lực lượng sản xuất thì khi đó, sở hữu tư nhân sẽ không còn tồn tại. Đó cũng sẽ là quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên, tức là tuân theo quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với sự phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Còn sự biến đổi của các hình thức cụ thể của sở hữu tư nhân thành các hình thức sở hữu khác, như sở hữu hỗn hợp, sở hữu tập thể, v.v.. cũng là một quá trình tự nguyện dựa trên đòi hỏi khách quan do sự phát triển cụ thể của sản xuất quy định.

3. Sở hữu trong nền kinh tế số

Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...) mà công nghệ số được áp dụng(7).

Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển trên toàn cầu. Việc áp dụng những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý. Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.

Biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống, như: các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận,... để tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Nhưng ở tầm vĩ mô, kinh tế số cũng có những đóng góp trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Đặc trưng của kinh tế số

Kinh tế số có thể được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính, đan xen với nhau: xử lý vật liệu; xử lý năng lượng; xử lý thông tin. Trong đó; xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất.

Trong nền kinh tế số, các hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Trong nền kinh tế này, các loại thị trường dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng.

Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, goViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)... đây chính là những bước phát triển của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây. Hiện nay, mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống (như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu phòng khách sạn nào...) đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số.

Vậy quan điểm sở hữu được hiểu như thế nào khi phương thức kinh doanh đã thay đổi trong nền kinh tế số

Để lý giải quan điểm sở hữu trong nền kinh tế số, chúng ta dựa trên quan điểm về tài sản. Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Khi phân loại tài sản theo chu kỳ sản xuất, ta có tài sản cố định và tài sản lưu động. Còn khi phân loại tài sản theo đặc tính cấu tạo của vật chất, ta có tài sản hữu hình và tài sản vô hình(8).

Tài sản cố định là những tư liệu sản xuất, là một trong những loại tài sản có giá trị lớn được huy động và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục đích sinh lời. Các loại tài sản này thường có chu kỳ sử dụng dài hạn. Tài sản cố định được phân thành bất động sản và động sản. 1. Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các tài sản khác do pháp luật quy định. 2. Động sản là những tài sản cố định không phải là bất động sản.

Tài sản lưu động là đối tượng lao động chỉ dùng được trong một chu kỳ sản xuất như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và những khoản có thể chuyển ngay thành tiền mặt, như thương phiếu, v.v.

Tài sản hữu hình: bao gồm những vật (có những điều kiện nhất định) tiền và giấy tờ có giá (ngôn ngữ luật học). Tài sản hữu hình là những thứ có thể dùng giác quan nhận biết được hoặc dùng đơn vị đo lường được. Tài sản hữu hình có một số đặc tính như:

Thuộc sở hữu của ai đó;

Có đặc tính vật lý;

Có thể trao đổi được;

Có thể mang giá trị tinh thần hoặc vật chất;

Là những thứ đã tồn tại (tài sản trước kia) đang tồn tại và có thể có trong tương lai.

Tài sản vô hình là những quyền tài sản (nghĩa hẹp) thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định, thường chỉ gắn với một chủ thể và không thể chuyển giao. Tuy nhiên, một số quyền tài sản có thể chuyển giao, như: thương hiệu, hàng hóa, tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum, gần đây là đồng Libra của Facebook...), tài sản trí tuệ hoặc ủy quyền cho chủ thể khác. Tài sản vô hình là những thứ không thể dùng giác quan để thấy được và thường không thể dùng đại lượng để tính. Nhưng trong quá trình chuyển giao có thể quy ra tiền (cái này là quan trọng nhất). Tùy từng thời điểm nhất định mà quyền tài sản có giá như thế nào. Việc gây thiệt hại về tài sản vô hình của chủ thể sẽ phải bồi thường nhưng rất khó để xác định giá trị của nó.

Nền kinh tế số cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia dựa trên công nghệ hạ tầng về thông tin để khai thác nguồn tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, trong nền kinh tế số, quan điểm về tài sản cần có sự bổ sung, thêm tài sản là tài nguyên số.  Đây là dạng tài sản hữu hình. Đối tượng sở hữu tài nguyên số cũng đa dạng thuộc nhiều thành phần kinh tế. Mặt khác, nếu trước đây đối tượng sở hữu tài sản (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp..) dưới các dạng, như: tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản hữu hình và tài sản vô hình là một (cùng chung các loại tài sản này) với tỷ lệ góp vốn khác nhau trong ngành hàng kinh doanh. Còn trong nền kinh tế số, vấn đề sở hữu các loại tài sản này đã có sự thay đổi. Đối tượng sở hữu tài sản hữu hình (theo quan niệm truyền thống) với đối tượng sở hữu tài nguyên số có thể tách rời. Họ kết hợp với nhau để tạo ra việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh nhất, giá thành rẻ.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) C Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.745-746.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.431.

(3), (4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.616, 469.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.518.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ Đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.306.

(7) Theo https://unitrain.edu.vn.

(8) https://vi.wikipedia.org.

TS Trần Thị Hằng

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Hoài Thu

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền