Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Chủ nghĩa xã hội và kiên định con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Thứ bảy, 18 Tháng 4 2020 15:18
8169 Lượt xem

Chủ nghĩa xã hội và kiên định con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Chủ nghĩa xã hội là gì? Đó là vấn đề luôn được đặt ra và được luận giải đối với các Đảng Cộng sản, đối với những dân tộc lựa chọn con đường phát triển đất nước theo mục tiêu XHCN, đặc biệt là trong những bước ngoặt của con đường phát triển ấy và cũng là vấn đề cần được làm rõ hơn trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Bài viết này tập trung làm rõ bản chất, đặc trưng và các giải pháp xây dựng CNXH, đặc biệt là vấn đề kiên định mục tiêu CNXH ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: CNXH.

Hơn 30 năm thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới có nghĩa là thay đổi căn bản cấu trúc mô hình chủ nghĩa kiểu Xô Viết, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu quá độ lên CNXH mà đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản, và thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức mới. Thay đổi mô hình CNXH trong hiện thực đồng thời với thay đổi quan niệm về CNXH. Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới(1).

Đó là những đặc trưng cơ bản của mô hình XHCN đã nêu ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Nam.

Song bản chất, cơ sở quy định của những đặc trưng trên là gì? Thực chất chủ thuyết của con đường phát triển theo mục tiêu XHCN là gì? Làm rõ những vấn đề cơ bản ấy mới giúp chúng ta có bản lĩnh vững vàng và giải quyết thành công những nhiệm vụ thực tiễn.

Muốn vậy chúng ta phải nghiên cứu những luận điểm xuất phát khởi đầu của chủ nghĩa Mác. Tiến lên CNXH là tiến tới giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, chủ nghĩa cộng sản là xã hội nhân đạo hoàn bị, một xã hội mà trong đó không còn tha hóa, áp bức, bóc lột, bất công, mọi người được phát triển tự do, toàn diện, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển của mọi người. Các ông cũng đã kiến giải về mối tương quan giữa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa cộng sản, và đã khẳng định chủ nghĩa cộng sản như vậy, với tư cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo, với tư cách là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị = chủ nghĩa tự nhiên(2). Thực hiện chủ nghĩa nhân đạo trong hiện thực để từng bước tiến tới xã hội nhân đạo hoàn bị là chủ thuyết, là thực chất, là cơ sở quy định cho những đặc trưng của mô hình CNXH ở nước ta hiện nay. Mô hình ấy chính là những phương hướng và giải pháp thực hiện chủ nghĩa nhân đạo trong một giai đoạn lịch sử nhất định và từng bước tiến tới xã hội nhân đạo hoàn bị (xã hội cộng sản).

Chủ nghĩa nhân đạo (hay còn gọi là chủ nghĩa nhân văn) là một dòng tư tưởng của nhân loại (đối lập với phi nhân đạo) lúc đầu là những mong muốn ước nguyện, những hoài bão của con người, sau trở thành những học thuyết gọi là chủ nghĩa nhân đạo (hay chủ nghĩa nhân văn) bao gồm những trào lưu tư tưởng với những sắc thái khác nhau.

Tuy cũng là một dòng trào lưu của chủ nghĩa nhân đạo, nhưng chủ nghĩa nhân đạo trong học thuyết Mác khác với những trào lưu của chủ nghĩa nhân đạo khác ở chỗ:

- Các trào lưu khác xuất phát từ những đạo lý chung chung trừu tượng, còn chủ nghĩa nhân đạo của học thuyết Mác xuất phát từ những cá nhân hiện thực là những hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, và từ những tiền đề đầu tiên của sự tồn tại của con người, đó là sản xuất ra đời sống vật chất của con người. Xuất phát từ những tiền đề hiện thực, C.Mác vạch ra những căn nguyên của nỗi đau, nỗi bất Hạnh đối với con người là tha hóa lao động và tha hóa quyền lực; khắc phục tha hóa, giải phóng con người, phát triển tự do toàn diện của con người là mục tiêu, là giải pháp của chủ nghĩa nhân đạo. Đây là vấn đề mà các trào lưu nhân đạo khác chưa bao giờ đề cập đến.

- Nỗi đau, nỗi bất hạnh đối với con người trước hết và cơ bản là đối với người công nhân, người lao động. Chủ nghĩa nhân đạo của C.Mác với mục tiêu trước hết là giải phóng người công nhân, người lao động đồng thời với giải phóng nhân loại. Do vậy, chủ nghĩa nhân đạo của C.Mác mang tính giai cấp, tính nhân dân, còn các trào lưu nhân đạo khác là phi giai cấp.

- Chủ nghĩa nhân đạo hiện đại nhấn mạnh sự khoan dung, bất bạo động, thụ động, còn chủ nghĩa nhân đạo của C.Mác vạch rõ chỉ có thể khắc phục nỗi đau, nỗi bất hạnh của người công nhân, người lao động bằng hành động chủ động cách mạng của chính họ.

- Chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị đồng thời với chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị chỉ có thể đạt được ở xã hội cộng sản, khi đã khắc phục được mâu thuẫn xung đột giữa con người và con người, giữa con người và tự nhiên, tạo nên sự hài hòa đồng thuận cho sự tồn tại và phát triển. Đó là tính sâu sắc nhất, triệt để nhất của học thuyết Mác.

 Khắc phục phi nhân đạo để thực hiện nhân đạo, khắc phục dã man để tiến tới văn minh, đó là xu hướng chung của con đường tiến hóa của mỗi dân tộc cũng như toàn nhân loại. Chủ nghĩa nhân đạo là ngọn cờ cho xu hướng ấy.

Ở Việt Nam không có những trào lưu tư tưởng triết học, đạo đức học... gọi là “chủ nghĩa nhân đạo” rõ ràng như ở một số nước phương Tây. Nhưng chủ nghĩa nhân đạo thể hiện rất sâu sắc trong truyền thống văn hóa dân tộc, trước hết thể hiện tập trung ở tình thương yêu con người “Thương người như thể thương thân”.

Tình thương yêu ấy khởi nguồn từ thương yêu những người trong gia đình, dòng họ, từ tình thương yêu gia đình dòng họ đến tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm, rồi mở rộng thành tình yêu Tổ quốc, tình thương yêu đồng bào. Chủ nghĩa nhân đạo, thương yêu con người, biểu hiện ở đỉnh cao là chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước thương dân, yêu Tổ quốc, thương đồng bào là nội dung sâu sắc nhất của chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam. Nó được thể hiện trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nước mất thì nhà tan, nhân dân lầm than đau khổ. Vì vậy “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Trong cuộc đấu tranh ấy, cái thiện, lẽ phải, chính nghĩa có lúc bị chà đạp, gặp khó khăn, nhưng cuối cùng sẽ chiến thắng.

Chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam, thể hiện ở tất cả người dân yêu nước, tuy ở mức độ khác nhau, song biểu hiện tập trung cao nhất ở các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Tư tưởng trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là kết tinh chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam: đau xót trước cảnh mất nước, thương dân bị áp bức, bóc lột, đọa đày, không đội trời chung với kẻ thù, tìm mọi cách chống giặc hung tàn bằng chí nhân đại nghĩa; và khi giặc đầu hàng thì “Thần vũ không giết, ta thể lòng trời để tỏ hiếu sinh”. Yêu nước thương dân còn được thể hiện đầy đủ trong cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Sau đó 500 năm, dân tộc Việt Nam lại xuất hiện người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, kế tục và phát triển chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên một trình độ mới. Đọc những tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập và nhiều tác phẩm khác của Người, thấy có cội nguồn từ Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi. Đó là sự hội tụ của hai trí lớn, hai tấm lòng yêu nước thương dân, đó là hồn dân tộc trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh, chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Song chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và phát triển lên trình độ mới. Vào thế kỷ XIX - XX, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra quá trình quốc tế hóa. Chủ nghĩa tư bản “tỏa vòi” đi khắp 5 Châu vừa “hút máu” nhân dân lao động ở chính quốc, vừa hút máu nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Vì vậy, đối với Hồ Chí Minh, thương yêu con người trước hết dành cho những người cùng khổ, những người bị áp bức bóc lột; thương nước, thương dân đồng thời với thương nhân loại đau khổ; từ tình yêu đồng bào mình, dân tộc mình, mở rộng đến yêu thương tất cả nhân loại bị áp bức, bóc lột. Cuộc đấu tranh chống lại sự dã man, phi nhân đạo của chủ nghĩa tư bản không chỉ bằng sức mạnh của nền văn minh, chủ nghĩa nhân đạo của mỗi dân tộc, mà phải bằng sức mạnh của nền văn minh, chủ nghĩa nhân đạo của toàn nhân loại trong thời đại mới. Con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc phải là con đường cách mạng và trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản quốc tế.

 Hồ Chí Minh tìm thấy chân lý đó trong suốt ba mươi năm tìm đường cứu nước, tìm thấy trong Luận cương của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng muốn phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(3). Và người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4).

 Hồ Chí Minh đi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, có nghĩa là chủ nghĩa yêu nước đi đến với CNXH, hay nói cách khác là chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc gặp gỡ chủ nghĩa nhân đạo của thời đại.

Điều đó có thể giải thích vì sao phong trào yêu nước dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh lại giàu sức sống, ngày càng giành được thắng lợi. Vì đó là ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc và nhân loại, của thời đại mới. Nó tập hợp ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người có trí tuệ, lương tâm và danh dự đấu tranh cho chính nghĩa, cho lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội.

 Dưới ngọn cờ ấy, phong trào cách mạng Việt Nam đã diễn ra ngày càng sâu rộng, bền bỉ, lâu dài qua nhiều năm tháng và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, ngọn cờ vinh quang mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

 Tiến lên XHCN và và cộng sản chủ nghĩa là tiến tới xã hội nhân đạo hoàn bị, là con đường của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là con đường chung của nhân loại, nhưng trong những điều kiện khác nhau lại có những giải pháp khác nhau.

Sau sự khủng hoảng dẫn tới sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, các Đảng Cộng sản đứng trước ba sự lựa chọn mô hình:

 - Xóa bỏ mô hình cũ, xác lập mô hình mới và đồng thời từ bỏ mục tiêu XHCN (Liên Xô và Đông Âu).

- Giữ nguyên mô hình cũ (Bắc Triều Tiên).

- Thay đổi từng bước mô hình cũ và từng bước xác lập mô hình mới, giữ vững mục tiêu XHCN và thực hiện mục tiêu ấy bằng giải pháp mới (Trung Quốc - Việt Nam).

Thực tế cho thấy con đường hay mô hình thứ ba tối ưu hơn và đưa lại những thành công. Hơn 40 năm thực hiện công cuộc cải cách mở cửa đã đưa Trung Quốc từ một nước lạc hậu, trở thành một quốc gia hùng mạnh đứng thứ hai trên trường quốc tế. Còn Việt Nam sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước thu nhập trung bình.

Như vậy, nếu như mô hình Xô Viết là giải pháp thực hiện chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX, thì có thể nói rằng Trung Quốc và Việt Nam đang tìm giải pháp thực hiện chủ nghĩa xã hội trong điều kiện của thế kỷ XXI và bước đầu đã có sự thành công lớn.

Trước hết áp dụng giải pháp khắc phục những khuyết tật của mô hình Xô viết:

- Chuyển nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu, dưới hai hình thức toàn dân và tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng sở hữu, khuyến khích phát triển kinh tế tự nhiên, tạo động lực cho kinh tế, xã hội phát triển.

- Chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, mở rộng và hoàn thiện thị trường, tạo động lực đổi mới kỹ thuật - công nghệ, phát huy sự sáng tạo của con người, khơi dậy mọi nguồn lực trong nước, đồng thời mở rộng hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển.

- Đổi mới hệ thống chính trị đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng, chuyển mô hình nhà nước kiểu Xô Viết sang nhà nước pháp quyền; thiết lập thể chế nhà nước tập trung quyền lực, đồng thời đảm bảo cân bằng và kiểm soát quyền lực, khắc phục sự lạm quyền, chuyên quyền, tha hóa quyền lực, tệ nạn quan liêu, tham nhũng.

Công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng đến nay đã trải qua gần 35 năm, đó là quá trình thay đổi từng mặt mô hình cũ, xác lập từng mặt mô hình mới. Cho đến nay vấn đề đặt ra là cấu trúc tổng thể của mô hình mới là gì? Một khi xác định rõ cấu trúc tổng thể của mô hình mới sẽ khắc phục được mâu thuẫn hệ thống lý luận, quan điểm, hệ thống giải pháp thực tiễn, sẽ có cơ sở nhận thức giải quyết đúng những vấn đề cụ thể và sẽ là cơ sở thống nhất về mặt nhận thức, tạo nên sự thành công trong hoạt động thực tiễn.

Những căn cứ để xác định cấu trúc tổng thể của mô hình mới có thể là:

- Mục tiêu XHCN và những kinh nghiệm thực hiện hơn 30 năm đổi mới.

- Cấu trúc cơ bản của xã hội hiện đại mà nhân loại đang thực hiện.

- Những vấn đề đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Những tiền đề lý luận đã có trong lịch sử. Tiền đề lý luận trong lịch sử đó là chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin (NEP), tuy là giải pháp tình thế, nhưng cũng nêu ra những luận điểm cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường. Luận điểm cơ bản của V.I.Lênin là: Tự do thương mại, tự do trao đổi nghĩa là đòn xeo của Chính sách kinh tế mới; tự do thương mại, tự do trao đổi nghĩa là mềm dẻo tối đa về kinh tế, để thực hiện sự mềm dẻo tối đa về kinh tế thì nhà nước phải cứng rắn tập trung quyền lực. Tự do thương mại, tự do trao đổi = tự do của chủ nghĩa tư bản, nhân tố tư bản sẽ nảy sinh, cần hướng kinh tế tư nhân tư bản qua con đường tư bản nhà nước nấc thang quá độ lên CNXH.

Thực hiện mục tiêu XHCN trong điều kiện của thế kỷ XXI là cả một hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn rộng lớn, chỉ trên cơ sở giải quyết đúng cấu trúc tổng thể mới có cơ sở để giải quyết đúng những vấn đề khác.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70.

(2) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.42, 167.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.127, 128.

GS, TS Lưu Văn Sùng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền