Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 18 Tháng 5 2020 15:35
3984 Lượt xem

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra các nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) của từng ngành, lĩnh vực. Quán triệt các nguyên tắc đó trong thực tế, cần xác định rõ tính cấp thiết và nội dung của việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL đã có dưới các hình thức: Sáp nhập; hợp nhất; chia tách; thay đổi vị trí pháp lý để hình thành đơn vị SNCL mới nhằm xây dựng hệ thống các đơn vị SNCL hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công ngày càng cao của người dân.

Từ khóa: sắp xếp, tổ chức lại; đơn vị sự nghiệp công lập.

1. Sự cần thiết phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Các đơn vị sự nghiệp công lập có vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và xã hội. Chất lượng dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sự nghiệp là hình ảnh của Nhà nước trước nhân dân, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự ưu việt của chế độ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.

  Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Viên chức năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28-6-2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL. Tuy nhiên, việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL còn thấp.

Do vậy, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19 đề ra chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL theo hướng “Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức...”.

Các căn cứ đề ra chủ trương trên là:

Thứ nhất, xuất phát từ những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị SNCL hiện nay như Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã chỉ rõ: “Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm. Quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí...”(1).

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của các đơn vị SNCL. Trong điều kiện phát triển của khoa học, công nghệ, cùng với sự đổi mới về phương thức cung ứng dịch vụ công, phương thức tương tác giữa đối tượng thụ hưởng dịch vụ công và chủ thể cung cấp dịch vụ công có nhiều thay đổi, các đơn vị SNCL cần phải xác lập cơ cấu, quy mô tổ chức thực sự hợp lý để có thể đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu dịch vụ công của tổ chức và công dân.

Thứ ba, xuất phát từ sự phát triển của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập ngày càng phát triển, có khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày phong phú và đa dạng của tổ chức, công dân. Tình hình đó, một mặt đặt ra vấn đề là các đơn vị SNCL không cần thiết phải đảm nhận cung ứng tất cả các loại hình dịch vụ công, mà có thể và cần thiết chuyển giao cho các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; mặt khác, đòi hỏi các đơn vị SNCL phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động để có thể cạnh tranh với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp. Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo cung cấp dịch vụ công, nhưng không nhất thiết phải là người trực tiếp cung cấp tất cả các dịch vụ đó.

Thứ tư, nhu cầu của tổ chức và người dân đối với dịch vụ công ngày càng tăng lên về cả số lượng và chất lượng, đòi hỏi các đơn vị SNCL phải hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công bảo đảm về số lượng và chất lượng. Để làm được điều này, việc tổ chức lại các đơn vị SNCL là một yêu cầu tất yếu, đồng thời là giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, nền kinh tế thị trường dẫn đến sự phân tầng xã hội cả về mức thu nhập và cả về cơ hội phát triển. Các đối tượng yếu thế, người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa không thể có đầy đủ các tiền đề và điều kiện cần thiết để phát triển như các đối tượng có nhiều điểu kiện và khả năng thuận lợi ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển. Với định hướng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, việc quan tâm tạo ra những cơ hội để phát triển của các nhóm dân cư là một yêu cầu cần thiết. Việc tổ chức lại các đơn vị SNCL là sự tối ưu hóa phương thức cung ứng dịch vụ công, giúp tập trung nguồn lực vừa để nâng cao chất lượng dịch vụ công, vừa để hỗ trợ và góp phần tăng cơ hội tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công của các nhóm đối tượng, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế, những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm cộng đồng dân cư, giữa các vùng miền ở nước ta.

Thứ sáu, tổ chức lại các đơn vị SNCL sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách khi phải dàn trải đầu tư cho tất cả các đơn vị SNCL, các loại hình dịch vụ công cho tất cả các nhóm đối tượng. Việc tổ chức lại đơn vị SNCL tạo điều kiện để Nhà nước đầu tư ngân sách vào những đơn vị cung ứng những dịch vụ công cơ bản và thiết yếu nhất, đồng thời tập trung ngân sách để trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế trong quá trình phát triển. Điều này là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội trong lĩnh vực dịch vụ công. Các nhóm đối tượng có thu nhập khá giả trong xã hội có điều kiện sẽ được tiếp cận với các loại dịch vụ với chất lượng cao mà họ mong muốn. Trong khi các nhóm đối tượng khác vẫn có cơ hội để hưởng các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu để họ có thể có những điều kiện để phát triển.

Thứ bảy, tổ chức lại các đơn vị SNCL góp phần tạo ra những thay đổi trên thị trường cung ứng dịch vụ công, thu hút thêm những nguồn đầu tư cho dịch vụ công bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ làm tăng nguồn cung các dịch vụ công mà còn góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công ở nước ta hiện nay. Khi nguồn cung dịch vụ công được mở rộng đồng nghĩa có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ công hơn cho các nhóm đối tượng dân cư. Sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ công làm tăng thêm sự lựa chọn cho người dân, nhất là những đối tượng người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

2. Nguyên tắc và nội dung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra các nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL của từng ngành, lĩnh vực: “1) Pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị SNCL; 2) Trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị SNCL, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); 3) Một đơn vị SNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; 4) Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị SNCL hoạt động không hiệu quả; 5) Đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần”(2).

Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL là việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị SNCL đã có dưới các hình thức: sáp nhập; hợp nhất; chia tách; thay đổi vị trí pháp lý để hình thành đơn vị SNCL mới nhằm đạt mục tiêu đã đề ra của các chủ thể có thẩm quyền. Mục đích của tổ chức lại hệ thống đơn vị SNCL là xây dựng hệ thống các đơn vị SNCL hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công ngày càng cao  của người dân.

a) Về thành lập mới đơn vị SNCL

Việc thành lập mới đơn vị SNCL nhằm đáp ứng yêu cầu cung ứng dịch vụ công cho xã hội. Đó là những lĩnh vực sự nghiệp mới mà khu vực ngoài công lập chưa sẵn sàng cung ứng, không muốn hoặc không được phép cung ứng. Việc thành lập mới đơn vị SNCL nhằm đảm bảo không có sự thiếu hụt về dịch vụ công thiết yếu đối với người dân và xã hội. Việc thành lập mới đơn vị SNCL cần đảm bảo các điều kiện:

- Xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ;

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị SNCL đã được cấp có thấm quyền phê duyệt;

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật;

- Không làm tăng số lượng đơn vị SNCL chưa tự bảo đảm về tài chính thuộc phạm vi quản lý và không làm tăng tổng số lượng người làm việc trong đơn vị SNCL hưởng lương từ NSNN thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật;

- Tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu);

- Đối với các đơn vị SNCL có trụ sở ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, cần đáp ứng các điều kiện đặc thù sau: phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; có thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc thành lập và hoạt động của đơn vị SNCL.

b) Về sáp nhập, hợp nhất đơn vị SNCL

Sáp nhập đơn vị SNCL là việc một hoặc một số đơn vị SNCL công lập có thể sáp nhập vào một đơn vị SNCL khác bằng cách chuyển toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cùng với toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp tương ứng sang đơn vị sự nghiệp công lập nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại và xóa tên trong sổ đăng ký đối với đơn vị SNCL bị sáp nhập.

Hợp nhất đơn vị SNCL là việc hai hoặc nhiều hơn hai đơn vị SNCL (đơn vị bị hợp nhất) hợp nhất với nhau để hình thành một đơn vị SNCL mới (đơn vị hình thành sau hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các tổ chức bị hợp nhất sang đơn vị hình thành sau hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại và xóa tên trong sổ đăng ký đối với các đơn vị bị hợp nhất.

Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị SNCL nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức hợp lý các đơn vị SNCL, khắc phục vụ sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị SNCL. Điều này cho phép giảm số lượng đầu mối các đơn vị SNCL, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của đơn vị SNCL sau khi được sáp nhập, hợp nhất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho đơn vị SNCL.

Đơn vị SNCL bị sáp nhập, hợp nhất trong các trường hợp:

- Có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lặp, chồng chéo với chức năng, nhiệm của các cơ quan, đơn vị hợp nhất khác.

- Có chức năng phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tương tự với các tổ chức bị hợp nhất khác.

- Được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Đơn vị SNCL được hình thành sau quá trình hợp nhất:

- Tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất có phương án bảo đảm duy trì chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Cơ quan chủ quản của tổ chức hình thành sau quá trình hợp nhất phải có chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

c) Về giải thể đơn vị SNCL

Việc giải thể đơn vị SNCL là một hình thức sắp xếp lại, tổ chức lại các đơn vị SNCL với mục tiêu giảm số lượng đầu mối, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Với sự phát triển của đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, khi các dịch vụ công do một đơn vị SNCL cung ứng mà khu vực ngoài công lập có thể cung ứng đầy đủ, đảm bảo về số lượng và chất lượng thì việc giải thể đơn vị SNCL đó sẽ giảm bớt nguồn đầu tư từ NSNN, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực sự nghiệp ngoài công lập.

Việc giải thể đơn vị SNCL được thực hiện khi có một trong các tiêu chí:

- Đơn vị SNCL không còn chức năng, nhiệm vụ do kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức mà không có quyết định gia hạn; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bị hủy bỏ hiệu lực.

- Không phù hợp với quy hoạch đơn vị SNCL được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Báo cáo đánh giá tổ chức trong 3 năm liên tiếp phản ánh tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không hiệu quả do tổ chức đánh giá độc lập.

- Chức năng, nhiệm vụ chính của đơn vị SNCL là dịch vụ sự nghiệp công đã được xã hội hóa cao, khu vực ngoài nhà nước có khả năng cung cấp toàn bộ dịch vụ công này với chất lượng đáp ứng yêu cầu.

d) Về chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần và được phát hành ra thị trường nhằm huy động vốn tham gia đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Người sở hữu cổ phần được gọi là các cổ đông.

Đơn vị SNCL chuyển đổi thành công ty cổ phần là một hướng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL với mục đích đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống các đơn vị SNCL phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị SNCL, tăng thu nhập cho người lao động trong các đơn vị SNCL chuyển đổi. Việc chuyển đổi đơn vị SNCL thành công ty cổ phần tạo ra sự thay đổi toàn diện về sở hữu, cơ cấu tổ chức và quy trình quản lý. Đơn vị SNCL chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ có mô hình hoạt động doanh nghiệp, năng động và linh hoạt hơn.

Các đơn vị SNCL thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các đơn vị SNCL hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không thuộc danh mục chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng khu vực tư nhân có khả năng cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từng trường hợp chuyển thành công ty cổ phần.

Hình thức chuyển đổi đơn vị SNCL gồm:

- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL hoặc vừa kết hợp bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Hình thức chuyển đổi bao gồm: giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn nhà nước hiện có; kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; phương thức bán cổ phần lần đầu: bán đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp.

Theo quy định, khi thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các đơn vị SNCL hoạt động trong 20 ngành, lĩnh vực sau: khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; chiếu sáng; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn về quản lý và kinh doanh...); dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, bảo trì bến tàu, bến xe; kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy; kiểm định xây dựng; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe; kinh doanh mặt bằng hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư; các dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, quảng bá du lịch; quản lý bất động sản; quản lý chợ, trung tâm thương mại; kinh doanh nhà, nhà khách, nhà nghỉ và dịch vụ lưu trú ngắn ngày và phục vụ hội họp; phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL ở nước ta hiện nay là rất cần thiết, tuy nhiên đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chỉ có thể đạt được mục tiêu khi được thực hiện đồng bộ với hệ thống các giải pháp: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung tổ chức lại hệ thống các đơn vị SNCL; đổi mới quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị SNCL; hoàn thiện cơ chế tài chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1), (2) Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nội vụ, Kỷ yếu hội thảo: “Đổi mới quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp” (Bộ Nội vụ, ngày 29-10-2019).

2. Bộ Tài chính, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Thực trạng và khuyến nghị, 2016.

3. Bộ Tài chính, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bắc Giang, 2017.

4. Vương Đình Huệ: Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Cộng sản, ngày 22-2-2018.

PGS, TS Nguyễn Minh Phương

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền