Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    90 năm xây dựng Đảng về tổ chức - Thành tựu và Kinh nghiệm
Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 09:29
2437 Lượt xem

90 năm xây dựng Đảng về tổ chức - Thành tựu và Kinh nghiệm

(LLCT) - Xây dựng Đảng về tổ chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và là quá trình liên tục suốt 90 năm kể từ ngày thành lập đến nay. Nhờ vậy, trải qua các thời kỳ lịch sử với những đặc điểm khác nhau, tổ chức của Đảng ngày càng lớn mạnh và công tác tổ chức cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý báu mà ngày nay chúng ta cần phát huy. Bài viết đề cập tới những thành tựu và kinh nghiệm của công tác tổ chức của Đảng bao gồm các mặt: xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng bộ máy các cơ quan lãnh đạo và cơ quan tham mưu của Đảng các cấp; xây dựng thể chế Đảng (Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng trên các mặt).

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Đảng về tổ chức.

1. Sự trưởng thành qua 90 năm về tổ chức

Giai đoạn đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp (1930-1954)

Thấm nhuần tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về nguyên lý tổ chức và hoạt động của Đảng cách mạng kiểu mới, học tập kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Bônsêvic Nga, ngay sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10-1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương), Đảng xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển các tổ chức đảng ra khắp các địa bàn hoạt động.

Điều lệ vắn tắt tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930), quy định hệ thống tổ chức đảng bao gồm: chi bộ; huyện, thị, khu bộ; tỉnh bộ, thành bộ, đặc biệt bộ và Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Điều lệ Đảng quy định có thêm cấp Tổng bộ và cấp Xứ bộ (ở Bắc, Trung, Nam, Lào, Cao miên)(1). Những quy định này được kế thừa trong Điều lệ được thông qua tại Đại hội lần thứ nhất năm 1935(2).

Ở mỗi cấp, cơ quan lãnh đạo cao nhất là các Đại hội đại biểu, giữa hai kỳ đại hội là các ban chấp hành (cấp ủy). Ở cấp xứ trở lên thì có Ban Thường vụ. 

Sau ngày thành lập Đảng, theo sự chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy Đảng, với sự lăn lộn của các đảng viên và phong trào cách mạng phát triển ở các nơi, tổ chức đảng được phát triển ở nhiều tỉnh, huyện, tổng, xã trong cả nước. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng cũng đã hình thành trong các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền của thực dân Pháp, trong các nhà tù của đế quốc. Tuy nhiên cho tới cách mạng Tháng Tám năm 1945, do điều kiện bị địch đàn áp, khủng bố, giao thông khó khăn, nhiều tỉnh,  huyện nhất là ở các vùng núi cao, xa xôi chưa hình thành được tổ chức Đảng và thành lập được cơ quan lãnh đạo, thậm chí chưa có đảng viên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với sự hình thành chính quyền cách mạng trong cả nước, các tổ chức Đảng tiếp tục phát triển ở các địa phương. Một số địa phương trước đó do điều kiện khách quan và chủ quan chưa có đảng viên và tổ chức đảng, đã xây dựng được tổ chức đảng, hình thành cơ quan lãnh đạo, kết nạp, phát triển đảng viên.

Về tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, trong Điều lệ và chủ trương, Đảng tổ chức các cơ quan tham mưu, giúp việc, nhất là ở cấp Trung ương, cấp xứ. Tuy nhiên, do điều kiện hoạt động khó khăn, thiếu cán bộ, trước Cách mạng Tháng Tám (1945), các cơ quan tham mưu, giúp việc chủ yếu chỉ tồn tại trên danh nghĩa cấp, do các cấp ủy viên trực tiếp phụ trách, thực hiện chứ không hình thành bộ máy tổ chức. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ II, bộ máy tham mưu, giúp việc mới hình thành và được củng cố. 

Về mặt thể chế Đảng, ngay từ Hội nghị thành lập Đảng, Đảng đã chú trọng xây dựng và sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp với tình hình. Đó không chỉ là Tuyên ngôn về mục đích, lý tưởng của Đảng, là quy định về hệ thống tổ chức và bộ máy của Đảng mà còn quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp; quy định về nguyên tắc sinh hoạt của đảng; về quyền và nghĩa vụ của đảng viên.

Giai đoạn vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc (1955-1975)

Ở miền Bắc, theo Điều lệ được Đại hội III của Đảng (1960) thông qua, cho tới ngày thống nhất Tổ quốc (1975), hệ thống tổ chức của Đảng gồm: toàn quốc; cấp khu (liên khu), tỉnh, thành phố cấp quận, huyện, thị xã, khu phố, xí nghiệp, cơ quan... Tương ứng với các cấp đảng bộ có Ban Chấp hành (Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, thành; Ban Chấp hành đảng bộ huyện, xã và chi ủy)(3).

Trong điều kiện thuận lợi hơn so với trước, các tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở) đã phát triển mạnh, có mặt ở hầu hết các đơn vị hành chính cấp cơ sở, trong các đơn vị và cơ quan chính trị, xã hội, kinh tế. Các bộ của Chính phủ (bao gồm cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đều thành lập đảng bộ. Riêng với quân đội, Đảng bộ quân đội bao gồm nhiều đảng bộ quân chủng, binh chủng, quân khu với cơ quan lãnh đạo cao nhất và trực tiếp là Quân ủy Trung ương. 

Thời kỳ này, từ Trung ương tới các Ban chấp hành đảng bộ ở cấp tỉnh, huyện, đều tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc cấp ủy với cơ cấu về cơ bản là: văn phòng cấp ủy, ban tổ chức, ban tuyên huấn, ban dân vận, ban kiểm tra. Biên chế của các cơ quan này đã nhiều hơn và phân định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ đã rạch ròi hơn. Ở Trung ương có thêm Ban thống nhất, đặc trách về công tác miền Nam. Điều đặc biệt là Điều lệ Đảng quy định chức vụ Chủ tịch Đảng và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương.

Ở miền Nam, cơ cấu tổ chức Đảng có nhiều thay đổi. Từ năm 1954 đến năm 1961 Đảng bộ Nam Bộ do Xứ ủy Nam bộ phụ trách. Dưới cấp xứ bộ có các liên tỉnh bộ, tỉnh bộ, huyện bộ...do các cấp ủy các cấp tương ứng lãnh đạo. Từ tháng 10-1961, thành lập Trung ương cục đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng phụ trách các đảng bộ miền Nam. Trung ương cục miền Nam gồm các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương hoạt động ở miền Nam, do một Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam là Bí thư. Bên dưới Trung ương cục miền Nam có Khu ủy, Tỉnh ủy, huyện ủy... Trung ương cục miền Nam, các khu ủy, tỉnh ủy có các cơ quan tham mưu, giúp việc theo điều kiện và tình hình (như Ban thanh vận, Ban trí vận...). Ở các tỉnh có phong trào cách mạng phát triển đồng đều thì hầu hết các huyện của tỉnh đều có đảng bộ huyện và huyện ủy.

Giai đoạn cả nước quá độ đi lên CNXH và tiến hành Đổi mới (từ 1976 đến nay)

Vấn đề tổ chức của Đảng thời kỳ này bao gồm các công tác trọng tâm là: tổ chức các đảng bộ trong toàn quốc theo mô hình chung, thống nhất; quy định thống nhất chức năng, nhiệm vụ các cấp ủy (từ đảng ủy trực thuộc Trung ương tới đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy và chi ủy cấp cơ sở); thống nhất bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp.

-Tổ chức các đảng bộ trong toàn quốc theo mô hình thống nhất: Từ Đại hội IV (1976) đến trước Đại hội VI (1986) là thời kỳ tổ chức Đảng trong cả nước được hoàn chỉnh, thống nhất theo một mô hình chung, cơ bản theo đơn vị hành chính, bỏ cấp khu tự trị. Các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương bao gồm các đảng bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố (sau năm 1976 do sáp nhập một số tỉnh, số lượng đảng bộ giảm, nhưng sau khi chia tách tỉnh, số lượng lại tăng, đến nay là 63 đảng bộ tỉnh, thành phố) và 2 đảng bộ lớn là Đảng bộ quân đội và Đảng bộ công an. Bên cạnh đó là một số đảng bộ khối các cơ quan Trung ương (có lúc lên tới 7 đảng bộ khối nay còn 3 là Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ khối các doanh nghiệp, Đảng bộ ngoài nước).Tổng số hiện nay là 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Bên dưới đảng bộ trực thuộc Trung ương là đảng bộ cấp trên cơ sở, bao gồm đảng bộ cấp huyện và tương đương, đảng bộ ở cơ quan bộ, cơ quan ban đảng (ví dụ, Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là đảng bộ cấp trên cơ sở). Hiện cả nước có khoảng 800 đảng bộ cấp trên cơ sở.

Tính đến nay, cả nước có 54.349 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 25.699 đảng bộ cơ sở và 28.567 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên trong cả nước là 5.097.747(4).

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cơ quan lãnh đạo, điều hành của Đảng: Theo Điều lệ Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội Đại biểu. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương. Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư để lãnh đạo, điều hành công tác của Đảng giữa hai kỳ họp. Từ Đại hội IV, chức vụ Tổng Bí thư thay thế cho Bí thư thứ nhất như Đại hội III quy định.

Một điểm đáng lưu ý là sau 20 năm ổn định với hệ thống cơ quan lãnh đạo, điều hành như trên, Đại hội VIII (1996) đã thông qua Điều lệ Đảng sửa đổi, theo đó, thay đổi cơ cấu của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, lập ra Thường vụ Bộ Chính trị thay thế Ban Bí thư như trước kia. Sự thay đổi này kéo dài trong một nhiệm kỳ, tới Đại hội IX (2001), Điều lệ sửa đổi lại tái lập Bộ Chính trị và Ban Bí thư như hiện nay.

- Tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy theo mô hình chung và chuyên nghiệp hơn: Trong thời kỳ từ 1976 tới 1986, từ Trung ương tới cấp ủy đảng địa phương (tỉnh, huyện), bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc đã phình to hơn. Ở Trung ương, ngoài 5 cơ quan trước, có thêm các cơ quan sau: Ban Tài chính-Quản trị, Ban Đối ngoại, Ban Kinh tế, Ban Công nghiệp, Ban Nông nghiệp, Ban Nội chính, Ban Khoa giáo, Ban Văn hóa-Văn nghệ. Có thể nói đây là thời kỳ Trung ương Đảng có nhiều cơ quan nhất, hơn nữa nhìn chung cơ cấu bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của mỗi cơ quan (nhất là các cơ quan mới) chưa được quy định rõ ràng, rành mạch nên số lượng cán bộ tuy đông song hiệu lực, hiệu quả còn nhiều hạn chế.

Theo mô hình ở Trung ương, ở nhiều tỉnh, thành phố cũng có thêm các ban Nội chính, ban Khoa giáo, ban Kinh tế, ban Nông nghiệp (một số thành phố thay bằng ban Công nghiệp) trong bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy.

Năm 1986, Đại hội VI đã mở ra thời kỳ Đổi mới đất nước. Đại hội đã chỉ ra những khuyết điểm nhiều mặt, trong đó có sự cồng kềnh, thiếu khoa học trong tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước và nêu yêu cầu tinh giản bộ máy, biên chế đi đôi với nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý đất nước. Sau Đại hội, một số tỉnh và huyện do sáp nhập trở nên quá lớn thì được chia tách, đương nhiên về tổ chức đảng cũng được chia tách theo. Do vậy cùng với số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện tăng lên thì số lượng đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện cũng tăng lên. Xu hướng này kéo dài cho tới sau năm 2000, nâng tổng số đảng bộ cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong cả nước lên 63.

Thấy rõ nhược điểm của sự phình to bộ máy, các cơ quan Đảng ở Trung ương được sắp xếp lại, theo đó cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, một số Ban được sáp nhập, ví dụ Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp sáp nhập trở lại với Ban Kinh tế. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương sáp nhập vào Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ sau Đại hội VII (1991), vấn đề sáp nhập các Ban của Trung ương Đảng và của cấp ủy địa phương được đặt ra nghiêm túc, được nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cân nhắc. Sau Đại hội VIII (1996), trong khi ở Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị, Ban Khoa giáo, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ còn tồn tại, thì ở cấp tỉnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết sáp nhập các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy chỉ còn 6 là: Văn phòng, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ủy ban kiểm tra.

Đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, sau Đại hội X (2006), các ban đảng Trung ương tiếp tục được sáp nhập: Ban Khoa giáo hợp nhất với Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo; Ban Tài chính - Quản trị Trung ương và Ban Kinh tế nhập vào Văn phòng Trung ương; Ban Bảo vệ chính trị nội bộ và Ban Nội chính hợp nhất vào Ban Tổ chức Trung ương. Từ đây, số ban Đảng Trung ương chỉ còn Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban kiểm tra trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương. Ngoài ra có Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Ở cấp tỉnh chỉ còn 5 ban.

Sau Đại hội XI (2011), trước tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan tới lãnh đạo lĩnh vực kinh tế, Bộ Chính trị quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương. Ở cấp tỉnh, tái lập lại Ban Nội chính.

-Tăng cường xây dựng thể chế Đảng ngày càng đầy đủ, chặt chẽ.  Lần đầu tiên sau Đại hội VII (1991), trên cơ sở Điều lệ Đảng, Trung ương Đảng đã ban hành ngay Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Chính trị các khóa cũng chú trọng và lần lượt ban hành các Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan tham mưu, giúp việc, giúp cho vấn đề tổ chức được đồng bộ giữa hai mặtbộ máy và thể chế, đặc biệt đối với các cơ tham mưu trong lĩnh vực nhạy cảm, động chạm sát sườn tới quyền và lợi ích của cán bộ là cơ quan tổ chức, kiểm tra của Đảng. Hiện nay trong bối cảnh đấu tranh chống tham nhũng, vấn đề bộ máy và thể chế của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong lĩnh vực này đang được quan tâm hơn nữa.

2. Một số kinh nghiệm trong xây dựng Đảng về tổ chức

Xây dựng Đảng về tổ chức phải luôn quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất và nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng cộng sản phải là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp công nhân làm cách mạng vô sản xây dựng CNXH. Đảng phải được tổ chức chặt chẽ, thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ. V.I.Lênin từng nói, trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, giai cấp công nhân không có sức mạnh nào khác là sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, triệu người như một. Đảng của giai cấp công nhân không thể tập hợp lỏng lẻo của một nhóm, lại càng không phải là câu lạc bộ.

Vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tổ chức, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ đầu đã thể hiện là đội tiền phong và đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam và hơn thế còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc, đại diện cho lợi ích toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập và đi lên CNXH. Nhưng dù là Đảng của toàn dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải được tổ chức theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là các nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc. Những nguyên tắc được ghi trong Điều lệ Đảng hiện nay chính là sự tổng kết cô đúc lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn của Đảng suốt 90 năm qua mà dù có mở rộng dân chủ tới đâu, điều này cũng không thể buông lỏng.

Xây dựng Đảng về tổ chức phải căn cứ bối cảnh, điều kiện nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ.

Một mặt phải giữ vững bản chất của Đảng và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, mặt khác việc đổi mới về tổ chức bộ máy, thể chế của Đảng phải tùy theo điều kiện khách quan nhằm bảo đảm Đảng luôn phát huy được vai trò lãnh đạo, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thời kỳ mới thành lập, trong điều kiện hoạt động bí mật, phương tiện thông tin, liên lạc vô cùng khó khăn, luôn bị đế quốc Pháp theo dõi và đàn áp tàn bạo, tổ chức đảng, cơ quan lãnh đạo ở các cấp được tổ chức theo kỳ, tỉnh, huyện, tổng, xã, chi bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổ chức đảng bộ theo Khu, tỉnh, huyện, xã (ở miền Bắc, duy trì tổ chức Đảng theo 2 khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc; ở miền Nam là đảng bộ các liên tỉnh, các khu 5,6,7,8,9 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ, tiếp theo là Trung ương Cục miền Nam). Thời kỳ cả nước cùng đi lên CNXH, tổ chức đảng về cơ bản theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã.

Bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc các cơ quan lãnh đạo Đảng ở các cấp càng phải tùy bối cảnh, điều kiện khách quan và nhiệm vụ từng thời kỳ mà được tổ chức cho khoa học và phù hợp. Đã có thời kỳ bộ máy này phình to và hoạt động mang tính bao biện, làm thay cơ quan nhà nước, nhưng cũng có thời kỳ do nhận thức chưa đúng nên đơn giản hoá quá mức dẫn đến thiếu cơ quan tham mưu cho cơ quan lãnh đạo Đảng trên những mặt công tác quan trọng, chẳng hạn lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận.

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, không có đảng đối lập hoặc đảng tham chính nào khác, do đó về tổ chức bộ máy và thể chế, dù đổi mới ra sao phải luôn bảo đảm cho Đảng giữ đúng vị trí của người lãnh đạo cao nhất của xã hội.

Phải luôn bảo đảm sự đồng bộ giữa bộ máy và thể chế của Đảng

Để cho các cơ quan lãnh đạo, điều hành cũng như cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng từ Trung ương tới địa phương hoạt động có hiệu quả, điều quan trọng hàng đầu là phải có cơ cấu hợp lý và thể chế rõ ràng, khoa học. Điều này đòi hỏi phải xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan cũng như mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan và các chức danh trong bộ máy. Từ sau Đại hội VII năm 1991 đến nay, Đảng ta đã làm khá tốt điều này.

Dưới tác động của các nhân tố khách quan từ xã hội tới nhân tố chủ quan bên trong, xu hướng chung của bộ máy là ngày càng to về quy mô, phức tạp về thể chế, thậm chí vượt quá mức độ cần thiết. Do vậy, việc chỉnh đốn lại tổ chức bộ máy và thể chế là thường xuyên, định kỳ. Từ sau Đại hội VI, Đảng ta đã thực hiện nhiều lần sắp xếp lại bộ máy, biên chế, song cũng nhiều lần sau khi thu gọn, bộ máy, biên chế lại phình to và hiện nay vấn đề tinh gọn bộ máy, biên chế đang được đặt ra và giải quyết. Đồng thời với sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cũng cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện không ngừng về thể chế. Trong điều kiện đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường, việc hoàn thiện thể chế phải theo hướng vừa bảo đảm thống nhất, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đồng thời tăng cường dân chủ trong Đảng. Đây là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tương hỗ lẫn nhau. Càng dân chủ thì Đảng càng có thêm tai, mắt của quần chúng để kiểm soát quyền lực tốt hơn, ngược lại càng kiểm soát quyền lực tốt và tránh được độc quyền thì dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy thực chất hơn.

Đổi mới tổ chức, nhất là tổ chức bộ máy cơ quan Đảng hiện nay cần tính tới xu thế toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ hiện đại và xu hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa hệ thống chính trị

Bộ máy của Đảng phải đủ bảo đảm cho Đảng thuận lợi trong giao lưu, hợp tác quốc tế, nhưng cũng không trở nên cồng kềnh, tiêu tốn nguồn lực của đất nước, có thể dẫn đến phản cảm của xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng phải được hiện đại hóa, tiếp cận với tiêu chuẩn Lãnh đạo thông minh. Điều này phải được thể hiện trong bộ máy, thể chế và con người của cơ quan lãnh đạo và cơ quan tham mưu. Việt Nam là quốc gia có tiềm lực về công nghệ thông tin, có hạ tầng viễn thông và internet phát triển mạnh mẽ, thì việc tiếp cận với công nghệ hiện đại trong tổ chức và vận hành của bộ máy lại càng thuận lợi. Với công nghệ thông tin hiện đại, các cơ quan tham mưu có thể dễ dàng cập nhật thông tin ở mọi nơi một cách nhanh chóng và đầy đủ để cung cấp cho người lãnh đạo. Năng lực sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ tham mưu sẽ thay thế cho số lượng người làm tham mưu (và cả số lượng nhân viên giúp việc cho người tham mưu). Cũng nhờ công nghệ hiện đại, cơ quan lãnh đạo và người có thẩm quyền có thể đưa ra các quyết định bất cứ lúc nào và ở đâu. Như vậy, trong thời đại công nghệ số, Đảng cần phải đầu tư thích đáng vào nhân tố con người và cả công nghệ nữa.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.118.

(2) Sđd, t.5, tr.119.

(3) Sđd, t.21, tr.797.

(4) Ban Tổ chức Trung ương: Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng (tháng 12-2019).

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền