Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Phát triển bền vững kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 15:27
2966 Lượt xem

Phát triển bền vững kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp

(LLCT) - Trong những năm qua, với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) theo hướng cởi mở, thông thoáng, nhất là từ khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, KTTN đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để kinh tế tư nhân phát triển bền vững và thực sự trở thành “động lực quan trọng” của nền kinh tế. 

Từ khóa: kinh tế tư nhân, phát triển bền vững kinh tế tư nhân.

1. Thành tựu và một số vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Kinh tế tư nhân ở nước ta được xác định là loại hình kinh tế nằm ngoài kinh tế nhà nước (không tính kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), gồm “kinh tế cá thể, tiểu chủ và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân”(1) dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Đến nay, loại hình KTTN ở Việt Nam khá đa dạng, từ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân hoặc công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới 50% (gọi chung là doanh nghiệp tư nhân - DNTN) và các hộ kinh doanh cá thể (phi nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản).

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN, nên số DNTN đã không ngừng phát triển. Chỉ tính trong 9 năm (2011-2019) đã có khoảng gần 900.000 DNTN đăng ký thành lập mới, riêng 3 năm (2017- 2019) có khoảng 382.599 doanh nghiệp(2). Số DNTN đang hoạt động cũng tăng lên nhanh chóng, từ 321.416 doanh nghiệp năm 2011 lên 690.453 doanh nghiệp năm 2019(3), bình quân mỗi năm tăng trên 41.000 doanh nghiệp. Những năm gần đây, KTTN đã đóng gần 40% GDP nền kinh tế, gần 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 35% ngân sách nhà nước, trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và trên 30% tổng kim ngạch nhập khẩu, giải quyết 85% số việc làm(4), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thực hiện an sinh xã hội... Tuy nhiên, với mục tiêu để KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế cũng như đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp; tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tỷ trọng đóng góp vào GDP 50% năm 2020, 55% năm 2025, và 60-65% năm 2030; năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 đã đề ra thì phát triển bền vững KTTN đang đứng trước những vấn đề đặt ra dưới đây:

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh nhưng tỷ lệ ngừng hoạt động, giải thể nhiều

Mặc dù số lượng DNTN tăng nhanh qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn (gần 97% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế) nhưng tỷ lệ phá sản và ngừng hoạt động cũng rất cao. Năm 2019, số DNTN đăng ký thành lập mới cao nhất trong 9 năm qua (138,1 nghìn doanh nghiệp), đồng thời số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể, phá sản cũng khá cao: 28.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 5,9% so với năm 2018); 43.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 41,7%). Trong số 16.800 doanh nghiệp chính thức giải thể năm 2019 (tăng 3,2% so với năm 2018), có 15.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm trên 90%; 212 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, chiếm trên 1%(5). Như vậy, số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh chiếm 64,59% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Thực tế này khiến các hộ kinh doanh cá thể thiếu động lực phát triển trở thành doanh nghiệp và mục tiêu một triệu doanh nghiệp năm 2020 và xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 khó thành hiện thực.

 Thứ hai, thiếu “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế tư nhân tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, DNTN chỉ có khoảng 1,7% có quy mô lớn, còn lại hơn 98% có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 78,2%. Hầu hết các DNTN được hình thành sau thời gian tích lũy ngắn, dựa vào vốn tự có, ít được Nhà nước hỗ trợ và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ nên kinh nghiệm quản trị, mô hình phát triển, khả năng liên kết... còn nhiều hạn chế. Một số tập đoàn KTTN đã được hình thành, có quy mô khá lớn nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng. Đối với các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, quy mô vốn và lao động của các hộ này cũng rất thấp: 150,61 triệu đồng và 1,69 người(6). Vì vậy, KTTN nói chung, đặc biệt là DNTN Việt Nam thiếu vắng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng phát triển châu Á cho biết, mới có 21% DNTN của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn so với Thái Lan (30%) và Malaysia (46%).

Thứ ba, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao, năng suất lao động thấp nhất trong các khu vực kinh tế

Giai đoạn 2011-2017, bình quân năng suất lao động xã hội của DNTN chỉ bằng 28,59% doanh nghiệp nhà nước và 58,62% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2017, năng suất lao động của DNTN tăng lên và đạt 228,4 triệu đồng/lao động, bằng 33,68% doanh nghiệp nhà nước và 69% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(7). Năng suất lao động của DNTN thấp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Tính cả hộ kinh doanh, năng suất lao động của khu vực KTTN còn thấp hơn nhiều, chỉ bằng 17% khu vực kinh tế nhà nước và bằng 14,42% khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hiệu suất sinh lời của KTTN khá thấp. Bình quân giai đoạn 2011-2017, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của DNTN chỉ đạt gần 3,8%, thấp hơn mức chung của toàn bộ doanh nghiệp (gần 6%). Tương tự đối với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (1,7% so với 3,8%) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn (1,23% so với 2,63%)(8). Tỷ suất sinh lời thấp ảnh hưởng đến khả năng tự tích lũy và mở rộng quy mô của khu vực KTTN.

Thứ tư, năng lực công nghệ, trình độ đội ngũ chủ doanh nghiệp và lao động của KTTN thấp

DNTN là loại hình tiên tiến nhất trong KTTN, song phần lớn các DNTN sử dụng công nghệ thấp, trong đó có 52% DNTN sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% sử dụng thiết bị tương đối hiện đại. Quy mô nhỏ, vốn ít nên hầu hết các DNTN chưa đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong, chưa quan tâm đến đổi mới sáng tạo. Đến nay, các DNTN Việt Nam chỉ dành từ 0,2%-0,3% doanh thu vào đổi mới công nghệ, trong khi đó các doanh nghiệp ở Ấn Độ dành 5%, Hàn Quốc 10%. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ chủ doanh nghiệp và lao động cũng rất thấp: trên 55% tổng số đội ngũ chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ trung cấp trở xuống, trong đó, 43,3% trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông. Do đó, việc nắm bắt cơ hội cũng như thực hiện các cải cách đưa ra tầm nhìn đúng cho sự phát triển của DNTN còn hạn chế. Đội ngũ lao động trong khu vực KTTN có 75% chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật(9). Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, lao động chủ yếu có trình độ phổ thông. Với những hạn chế này, mục tiêu thu hẹp khoảng cách công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DNTN so với các nước ASEAN-4 khó thực hiện được.

Thứ năm, đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm và chủ yếu do khu vực phi chính thức

Mặc dù hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTN từng bước được hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn, song đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế của nước ta những năm gần đây có xu hướng giảm. Giai đoạn 2011-2018, tỷ trọng đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế nước ta giảm, từ 39,89% năm 2011 xuống 38,25% năm 2018, giảm 1,64%. Bình quân cả giai đoạn này, KTTN đóng góp gần 39% vào tăng trưởng GDP, giảm trên 4% so với giai đoạn 2006-2010 (43% với 39%)(10). Trong đó, các DNTN chỉ đóng góp trên 8%, còn thành phần kinh tế nhỏ lẻ, phi chính thức (kinh tế cá thể) đóng góp trên 30% GDP. Điều này cho thấy, thể chế phát triển KTTN vẫn còn nhiều nút thắt, chưa tạo ra đột phá để khu vực kinh tế này phát triển, đồng thời, bản thân KTTN cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém nên chưa đóng góp tương xứng với tiềm năng, vị trí cũng như vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thứ sáu, việc vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn phổ biến, đại đa số DNTN chưa có thương hiệu. Tình trạng các cơ sở KTTN sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Môi trường, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó chủ yếu là KTTN ngày càng gia tăng. Các năm 2011-2014 có 44.991 vụ, bình quân 11.247 vụ/năm, riêng năm 2018, có 13.929 vụ(11). Ngoài ra, tình trạng nhiều DNTN vì lợi nhuận bất chấp đạo đức kinh doanh, làm ăn chộp giật, gian lận thương mại, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, vi phạm Luật Cạnh tranh còn phổ biến, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DNTN không đảm bảo lợi ích của người lao động, có tới 50% doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động và có rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm với hàng nghìn tỷ đồng(12). Nhiều DNTN báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn và nợ thuế kéo dài, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội và làm suy giảm lòng tin của người dân cũng như các cơ quan chức năng đối với KTTN.

 2. Giải pháp phát triển bền vững kinh tế tư nhân trong thời gian tới

2.1. Nhóm giải pháp thuộc về khu vực kinh tế tư nhân

 Một là, nâng cao năng lực quản trị của khu vực KTTN. Chủ DNTN, nhất là chủ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các nhân sự cấp cao; chủ cơ sở kinh tế cá thể phải chủ động và tích cực trau dồi các kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị doanh nghiệp, pháp luật trong kinh doanh, kiến thức về hội nhập; bám sát các định hướng của Đảng và Nhà nước, chủ động, nhạy bén nắm bắt cơ hội để xây dựng chiến lược kinh doanh và quản trị phù hợp với yêu cầu thị trường và nguồn lực hiện có, phòng tránh rủi ro pháp lý, liên kết sản xuất... Có như vậy, các loại hình KTTN mới có thể tồn tại, thích ứng và phát triển bền vững.

Hai là, chú trọng đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao trình độ lao động. Đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, qua đó, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh cho khu vực KTTN... Tuy nhiên, do đặc thù nên mỗi loại hình KTTN cần thực hiện những giải pháp khác nhau cho phù hợp:

Đối với các DNTN quy mô lớn và vừa: Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu và triển khai. Một mặt, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp thực hiện nghiên cứu và triển khai (có thể tự chủ hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác, tranh thủ cơ hội từ phía Nhà nước). Mặt khác, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị. Đồng thời, cần tập trung nâng cao trình độ đội ngũ lao động, nhất là đội ngũ lao động trực tiếp. Các doanh nghiệp cần đặt ra yêu cầu hay áp lực để người lao động tự học hoặc tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ; có cơ chế khuyến khích, thu hút cũng như tạo động lực để họ vươn lên học tập nâng cao trình độ tay nghề thông qua chế độ lương, thưởng, hoặc mời chuyên gia về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động trong doanh nghiệp.  

Đối với các DNTN quy mô nhỏ, siêu nhỏ: các doanh nghiệp này năng lực tài chính hạn chế, khó tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài nên cần tập trung nâng cao năng lực chủ động tiếp nhận chuyển giao, đổi mới công nghệ như: nâng cao trình độ lao động, chủ động tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất.

Đối với các hộ kinh doanh: Nguồn lực tự có hạn chế và khó tiếp cận với các nguồn lực bên ngoài nên cần chú trọng ứng dụng tiến bộ công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, kinh doanh.  

Ba là, xây dựng văn hóa kinh doanh, xây dựng thương hiệu, coi trọng chữ tín với khách hàng. Khu vực KTTN, đại diện là DNTN, các hộ kinh doanh cá thể phải có ý thức xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh, xây dựng thương hiệu thể hiện qua các hành động: kinh doanh trung thực, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm lợi ích cho người lao động, người tiêu dùng; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm... Thực hiện nhất quán và tốt các biện pháp này sẽ giữ vững chữ tín đối với Nhà nước, cộng đồng, khách hàng, cổ đông và người lao động; tạo niềm tin cho đối tác...

2.2. Nhóm giải pháp thuộc về Nhà nước

-  Quyết liệt triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Tập trung xóa bỏ những rào cản, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho KTTN phát triển. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Hỗ trợ giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức kinh doanh cũng như năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp, người lao động trong khu vực KTTN.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập DNTN như: thu hẹp các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giảm và đi đến xóa bỏ các giấy phép con. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp.

Bảo đảm thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tạo môi trường, điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa này “lớn” nhanh. Đồng thời, tạo tiền đề hình thành các DNTN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế KTTN sở hữu hỗn hợp có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử.

- Tạo cơ hội và điều kiện cho KTTN khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia vào phát triển kinh tế.

Thực hiện quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch chuyển từ phát triển các lĩnh vực khai thác tài nguyên, bất động sản,... sang các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh. Cần tạo điều kiện cho KTTN tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, được hưởng các ưu đãi về lãi suất, vay vốn, đào tạo, thuê mặt bằng, thủ tục hành chính khi tham gia vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới.

Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chức năng “kinh doanh”. Việc cổ phần hóa, thoái vốn sẽ tạo cơ hội để KTTN khai thác, sử dụng các nguồn lực thoái lui từ khu vực kinh tế nhà nước (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, tài nguyên, nhân lực, thị trường, v.v.), từ đó, thay thế doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực KTTN. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xương sống phục vụ phát triển kinh tế, như: mạng thông tin, internet, giao thông; xây dựng các trung tâm kiểm dịch, hệ thống hỗ trợ xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ sản phẩm cho KTTN. Bên cạnh đó, đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo, gắn giáo dục - đào tạo với nhu cầu thị trường, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề và đào tạo nhân tài.

- Công khai, minh bạch, công bằng về cơ hội, điều kiện đối với KTTN trong tiếp cận các nguồn lực (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, đất đai, tài nguyên, thị trường, các dự án, nhân lực, v.v..). Tăng tính liêm chính trong quản lý nhà nước và trong thực thi chính sách. Tăng cường giám sát và có chế tài nghiêm khắc để bảo đảm cơ hội, điều kiện đối với KTTN trong tiếp cận, sử dụng các nguồn lực và trong thực thi chính sách để phát triển bền vững KTTN và để KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

 - Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với việc thực thi chủ trương, chính sách phát triển KTTN cũng như đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời phát hiện những cơ chế, chính sách, giải pháp phục vụ phát triển khu vực KTTN chưa phù hợp để điều chỉnh, nhân rộng những cơ chế, chính sách hợp lý. Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của KTTN.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

(1) Nghị quyết số: 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

(2) Tính toán từ số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, các năm 2017-2019.

(3) Tổng cục Thống kê các năm 2011-2017; Cục Đăng ký kinh doanh 2019.

(4) Ban Kinh tế Trung ương (2019): Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam.

(5) Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019.

(6) Tổng cục Thống kê: Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, Nxb Thống kê 2018, tr.29.

(7) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019): Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”.

(8) Tổng cục Thống kê.

(9) Vinh Chi: Doanh nghiệp lớn của Việt Nam chỉ ngang bằng doanh nghiệp nhỏ của Philippines, https://vietnamfinance.vn, ngày 23-12-2019.

(10) Tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê các năm.

(11) Kinh tế 2018-2019 Việt Nam và Thế giới, tr.118.

(12) Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Khó xử lý - vì sao?, http: tapchitaichinh.vn, ngày 21-11-2019.

TS Nguyễn Thị Miền

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền