Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với Cách mạng Việt Nam và quê hương Long An
Thứ hai, 13 Tháng 7 2020 16:52
1341 Lượt xem

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với Cách mạng Việt Nam và quê hương Long An

(LLCT) - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020), nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, sáng 6-7-2020, tại Trung tâm phục vụ Hội nghị tỉnh Long An, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia:“Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An” . Tạp chí Lý luận chính trị trân trọng trích đăng bài phát biểu Đề dẫn Hội thảo của GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

...

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Tiếp thu truyền thống yêu nước của các anh hùng dân tộc trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX, như: Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Trải qua gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được giao đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, làm việc tận tụy, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương đạo đức mẫu mực: tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - một nhân cách lớn, tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng quốc tế V.I. Lênin và Huân chương Hữu nghị vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết - chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng Giải thưởng Đimitrốp; Hội đồng hòa bình thế giới tặng Huân chương Joliot Curie.

...

Những hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với cách mạng Việt Nam là rất to lớn, trên nhiều lĩnh vực. Tại Hội thảo khoa học hôm nay, đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm một số nội dung chủ yếu sau đây.

1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Tấm gương một trí thức yêu nước nhiệt thành

Sinh ra trên vùng đất Long An - quê hương của những anh hùng dân tộc, đặc biệt là Nguyễn Trung Trực, với câu nói nổi tiếng: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì dân Nam mới hết người đánh Tây". Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của các bậc tiền nhân, với nhiệt huyết yêu nước, mong muốn học hành để phục vụ đất nước, khi mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ từ giã quê hương sang du học tại Pháp. Sau nhiều năm miệt mài học tập, năm 1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu. Có tài năng và trí tuệ hơn người, ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, sau hơn 12 năm tu nghiệp, Nguyễn Hữu Thọ đã trở về Tổ quốc; hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.

Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), tận mắt chứng kiến  sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân đối với những người yêu nước và nhân dân vô tội, càng khâm phục lòng yêu nước, tinh thần hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường và lý tưởng cao đẹp của những người cộng sản; đồng thời, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ càng nhận rõ bản chất thâm độc, tàn bạo, tội ác man rợ của chính quyền thực dân. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các đảng viên cộng sản và đồng bào ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư tình cảm của một trí thức yêu nước nhiệt thành.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Là người trí thức yêu nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hân hoan chào đón ngày độc lập và sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam mới. Nhưng thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã nổ ở Sài Gòn và nhanh chóng lan ra khắp Nam Bộ.

Là người được đào tạo bài bản trong các nhà trường của Pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được chính quyền thực dân ưu ái bằng chức quyền, tiền bạc, nhằm mua chuộc, lôi kéo, để phục vụ nhà nước Pháp(1). Nhưng tiếng gọi trái tim và tình cảm của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã dành cho đồng bào ruột thịt của mình. Bước ngoặt trong cuộc đời và hoạt động cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là chuyến đi thăm “bưng biền” (năm 1946), Luật sư đã gặp gỡ và bị thuyết phục bởi những bạn bè cùng giới trí thức tham gia kháng chiến và các tầng lớp nhân dân đã dũng cảm hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước... Kể từ đây, toàn bộ trí tuệ, sức lực hoạt động, cống hiến của Luật sư gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc.

Năm 1947, theo sự phân công của Đảng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, lên Sài Gòn hoạt động trong Ban trí vận của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí đã trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn do Mặt trận Liên Việt lãnh đạo, tiêu biểu là sự kiện gửi Bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn (4-1947), làm dấy lên một phong trào đòi hòa bình của giới trí thức và các tầng lớp nhân dân ở Việt Nam và Pháp. Vừa đấu tranh công khai, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vừa trực tiếp làm luật sư bào chữa cho nhiều cán bộ cách mạng, điển hình là vụ biện hộ thành công vụ án những người trong tổ chức Liên - Việt Thành phố Sài Gòn(2), bảo vệ công lý và chính nghĩa cho tinh thần yêu nước nhiệt thành của những chiến sỹ cách mạng. Nói về tinh thần yêu nước của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”; là người "tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và dũng cảm của trí thức miền Nam"(3).

2. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, người cộng sản kiên trung, mẫu mực - Nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam

Cuối năm 1949, tại Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo sự phân công của Đảng, đồng chí tiếp tục ở lại nội thành Sài Gòn, tận dụng vị trí hợp pháp để hoạt động công khai trong lòng địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Sài Gòn, đồng chí đã tích cực vận động giới nhân sĩ, trí thức tham gia phong trào đấu tranh đòi mở rộng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Sài Gòn và các địa phương ở Nam Bộ. Đặc biệt, sau sự kiện kẻ địch đàn áp cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn, (tháng Giêng năm 1950), giết hại học sinh Trần Văn Ơn, đồng chí đã vận động giới nhân sĩ, trí thức Sài Gòn đứng ra phát động cuộc đấu tranh rộng khắp trong giới thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam và cả nước lên án hành động khủng bốcủa chính quyền địch, đòi tự do, dân chủ. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Trí vận, các giới đồng bào đã có cuộc biểu tình quy mô lớn, đấu tranh phản đối sự có mặt của 2 tàu chiến Mỹ neo đậu ở cảng Sài Gòn. Đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của nhân dân ta phản đối xâm lược Mỹ ở miền Nam.

Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với nhân sĩ, trí thức và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, thực dân Pháp nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, mời Luật sư tham gia làm Bộ trưởng trong chính quyền thân Pháp, nhưng đều bị đồng chí từ chối. Thấy không hiệu quả, chính quyền thực dân đã ra lệnh bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa về giam ở bót Catina, rồi chuyển sang Khám Lớn (Sài Gòn). Sau đó, kẻ địch đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra tòa xét xử, nhưng trước những lập luận đanh thép của Luật sư và những người biện hộ, tòa án thực dân hoàn toàn đuối lý, phải trả tự do cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và những người cùng bị bắt.

Biết rõ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, ngày 13-4-1950, dù không đủ chứng cứ, cảnh sát Sài Gòn vẫn ra lệnh bắt Luật sư tại nhà riêng và đưa Luật sư đi đày biệt xứở tại bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - nơi có khí hậu khắc nghiệt, bốn bề núi đá, giao thông cách trở, hòng cách ly Luật sư với nhân dân, làm nhụt ý chí người trí thức yêu nước. Tuy nhiên, mưu đồ thâm độc của chính quyền thực dân không lay chuyển được ý chí cách mạng của người đảng viên cộng sản. Sau hơn 2 năm ở bản Giẳng, chính quyền địch đưa Luật sư về giam ở Sơn Tây. Đến tháng 11-1952, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được trả tự do và ngay lập tức, đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Lo sợ ảnh hưởng ngày càng lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với phong trào cách mạng miền Nam, nhất là đối với giới nhân sĩ trí thức, ngày 15-11-1954, chính quyền Sài Gòn lại bắt giam và đưa đồng chí đi lưu đày ở miền núi Củng Sơn, (Tuy Hòa, Phú Yên).  

Trong hơn 10 năm bị bắt, bị giam cầm trong các nhà tù và nơi giam giữ của chính quyền địch, cho dù kẻ thù dùng đủ mọi thủ đoạn mua chuộc, cám dỗ, kết hợp với tra tấn, đánh đập dã man... nhưng đồng chí vẫn tỏ rõ tinh thần kiên trung, bất khuất, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ khí tiết của người đảng viên cộng sản; giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng.

Sau khi được bí mật giải thoát ra vùng giải phóng (11-1961), tại Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (2- 1962), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến tháng 6-1969, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bằng uy tín và tài năng, luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã quy tụ, tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân miền Nam đi theo cách mạng; hình thành nên “lực lượng thứ ba”, tích cực đấu tranh cho mục tiêu: hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời, quân và dân miền Nam giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6-1976); Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4-1980); Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7-1981); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (11/1988). Trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí yêu cầu các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể phải sâu sát thực tiễn, có phương pháp làm việc dân chủ; mở rộng và phát huy dân chủ XHCN song phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Là người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, với trí tuệ uyên bác, sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực, nhất là tinh thông ngành Luật, đồng chí đã có đóng góp to lớn trong việc chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và nhiều bộ luật quan trọng của Nhà nước Việt Nam thời kỳ đổi mới. Theo đồng chí: "Pháp luật xã hội chủ nghĩa không chỉ là sản phẩm của ý định cai trị, mà còn phải chứa đựng trong lòng nó những nhân tố hiện thực mà chính cuộc sống tới mức độ nào đó mới đủ sức đặt ra với ý nghĩa là điều cam kết trong quá trình sản xuất và đời sống cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên"(4).

Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi đã 78 tuổi, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết trong các buổi tiếp xúc với giới trí thức, tôn giáo; đi xuống nhiều tỉnh trung du, miền núi trong cả nước để thăm hỏi bà con các dân tộc ít người và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từ đó tập hợp, vận động họ tham gia các đoàn thể quần chúng. Cùng với việc nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác Mặt trận, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ còn kịp thời đề xuất với Đảng và Nhà nước đổi mới cơ chế, chính sách và giải pháp xây dựng, củng cố Mặt trận ngày càng vững mạnh. Với tầm nhìn xa, trông rộng, với tư duy sắc bén của một trí thức uyên bác và tâm trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có đóng góp xứng đáng vào việc vun đắp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

3. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Người học trò trung thành và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Do điều kiện chiến tranh nên chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn dành sự kính trọng đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy cách mạng vĩ đại của mình. Đồng chí nói: "Trong cuộc đời mỗi người có những điều may mắn khác nhau. Với tôi, điều may mắn cũng là điều hạnh phúc lớn nhất là được đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dẫn dắt từ khi lớp thanh niên trí thức chúng tôi còn bàng hoàng trước ngã ba đường trong đêm dài nô lệ"(5); “... tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn thắp sáng trong tâm hồn tôi, soi đường cho tôi hoạt động cách mạng"(6).

Lòng kính yêu, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mài dũa ý chí, nghị lực và niềm tin để vượt qua những ngày gian khổ trong tù đày, cũng như những giờ phút khó khăn, nguy hiểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương yêu đồng bào, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã đến với con đường cách mạng vô sản,độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, trở thành một nhà cách mạng chân chính - một đảng viên cộng sản ưu tú, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận, người học trò trung thành, người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - người con ưu tú của quê hương Long An

Là một người con của vùng sông nước Vàm Cỏ và miệt vườn Bến Lức - Long An, những phẩm chất cao đẹp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nuôi dưỡng bởi truyền thống trung dũng, kiên cường của quê hương. Dù phải xa quê, đi du học từ rất sớm, nhưng quê hương đối với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một phần máu thịt, mỗi vùng quê, mỗi tên làng, tên đất, tên sông, luôn hiện hữu trong ký ức của người con xa xứ. Sau này, khi nhắc lại kỷ niệm về quê hương,gia đình, đồng chí nói: "Trong những năm du học bên Pháp, tôi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ dòng sông, con kênh, nhớ tiếng còi tàu, còi hang xáng âm vang sớm chiều... Trên đất Pháp, sống bên cạnh những ông Tây bà đầm sang trọng, tôi càng trăn trở với câu hỏi: Vì sao quê hươngmình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá như vậy? Tôi tự nhủ mình ráng học cho giỏi rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì có ích cho nước, có lợi cho dân"(7).

Truyền thống quê hương đã nuôi dưỡng, giáo dục, góp phần hình thành nhân cách đạo đức cách mạng, hướng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đi theo con đường cách mạng đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, tên tuổi, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước, một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đãcó những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần tô đậm, làm rạng danh thêm những trang lịch sử hào hùng của vùng đất Long An trung dũng kiên cường. Nói về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người đồng chí, một người con của Nam Bộ thành đồng đã khẳng định: "Đồng chí là sự kết hợp tuyệt vời giữa phẩm chất hiên ngang, hào hiệp và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ với đức tính cần trọng, khiêm nhường của một nhà trí thức chân chính"(8).

Học và làm theo tấm gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Đảng bộ và nhân dân Long An đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, thi đua lập nhiều thành tích, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

...

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí là hiện thân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; có tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn; suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính”(9). Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và công lao to lớn đối với Đảng và dân tộc ta của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng được ghi nhớ, tôn vinh, học tập và noi theo bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.

__________________

(1) Như việc chính quyền thực dân Pháp đã bổ nhiệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chánh án tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long

(2) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trực tiếp biện hộ cho các đồng chí Hoàng Xuân Bình, Kỹ sư Trương Công Phòng, Dược sư Phạm Hữu Hạnh (Chủ tịch Mặt trậnLiên Việt Sài Gòn - Chợ Lớn) và 22 nhà trí thức trong Ban Chấp hành Liên Việt ở Sài Gòn.

(3) Đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, in trong sách:Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Sđd, tr.376.

(4) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ:Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Sđd, 258.

(5), (6) Nguyễn Hữu Thọ:Theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh Hình tượng Bác Hồ trong Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Sđd, tr.17; 32

(7) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Hành trình yêu nước. Sđd,  tr. 51.

(8)Võ Văn Kiệt: Điếu văn..., Sđd, tr.16.

(9) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền