Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội cách mạng
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:11
10790 Lượt xem

V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội cách mạng

(LLCT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định giá trị khoa học, bản chất cách mạng, đồng thời bổ sung, phát triển sáng tạo, toàn diện lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội, làm cho Học thuyết Mác - Lênin về quân đội hoàn bị hơn và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những nội dung V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình mới, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” quân đội.

Từ khóa: V.I.Lênin, lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phát triển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển nhanh chóng. Với nước Nga, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội diễn biến mau lẹ; đế quốc Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Nước Nga tập trung mọi mâu thuẫn cơ bản, trở thành trung tâm của phong trào cách mạng thế giới và bước vào “đêm trước của cách mạng vô sản”.

Sự bùng nổ Cuộc chiến tranh thế giới thứ I và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN chống lại sự can thiệp của “thù trong, giặc ngoài” nhằm thủ tiêu nước Cộng hòa Xôviết non trẻ đã đặt ra việc tổ chức, xây dựng quân đội, đấu tranh vũ trang, giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng là vấn đề trực tiếp, cấp bách cho giai cấp vô sản. Để đáp ứng yêu cầu đó cần có lý luận khoa học dẫn đường, và V.I.Lênin đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi này.

Bằng thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, với trí tuệ uyên bác, lòng nhiệt thành cách mạng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, V.I.Lênin đã kiên trì bảo vệ, phát triển toàn diện, sâu sắc lý luận C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội phù hợp với thực tiễn cách mạng của nước Nga.

1. V.I.Lênin bảo vệ, phát triển các quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội

Thứ nhất, về nguồn gốc ra đời của quân đội. Xuất phát từ các quan hệ kinh tế-xã hội hiện thực, từ vấn đề về giai cấp, đấu tranh giai cấp, về nhà nước, V.I.Lênin đã luận giải sâu sắc lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về nguồn gốc ra đời của quân đội khi khẳng định quân đội ra đời gắn liền với sự ra đời của nhà nước; quân đội là một tổ chức đặc biệt của nhà nước. Nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự ra đời của quân đội là từ sự ra đời chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nguồn gốc trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại của quân đội là sự phân chia giai cấp và đối kháng giai cấp trong xã hội có giai cấp. Khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp là nguồn gốc khách quan dẫn đến sự xuất hiện nhà nước. Từ đó, V.I.Lênin chỉ ra: Nhà nước hình thành một lực lượng đặc biệt, tức là những đội vũ trang đặc biệt được tạo ra để bảo vệ lợi ích của mình, đàn áp quần chúng nhân dân lao động.

V.I.Lênin đã phân tích rất sâu sắc về sự ra đời của quân đội và sự quan tâm của các nhà nước tới việc xây dựng, củng cố quân đội. Người đã khái quát sự ra đời và xây dựng, củng cố quân đội trong lịch sử để chứng minh vấn đề này. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, đời sống tinh thần đã phải thích ứng với các nhu cầu của tổ chức quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị bóc lột và đời sống chính trị - xã hội có xu hướng ngày càng bị quân sự hóa. Quá trình đó được phát triển hơn nữa trong chế độ phong kiến và đạt tới đỉnh cao trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa của chủ nghĩa tư bản. V.I.Lênin chỉ rõ: “chủ nghĩa quân phiệt hiện đại do những quan hệ xã hội tư bản quy định, là “biểu hiện sinh động” của chủ nghĩa tư bản: Là lực lượng quân sự mà các nước tư bản chủ nghĩa dùng trong những cuộc xung đột của chúng với nước ngoài… và là vũ khí mà các giai cấp thống trị nắm lấy để đàn áp mọi phong trào (kinh tế và chính trị) của giai cấp vô sản”(1).

Thứ hai, về bản chất của quân đội. V.I.Lênin tiếp tục khẳng định, bản chất của quân đội gắn liền với bản chất giai cấp, nhà nước tổ chức ra quân đội và luận giải sâu hơn: “Không phải chỉ dưới chính thể quân chủ, quân đội mới là công cụ đàn áp. Nó vẫn là công cụ đàn áp trong tất cả các chính thể cộng hòa tư sản, kể cả những chính thể cộng hòa dân chủ nhất”(2). Bản chất của quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định nhằm bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp, nhà nước ấy; trong lịch sử chưa có một quân đội nào chiến đấu vì lợi ích chung của tất cả các giai cấp. Bản chất giai cấp của quân đội phụ thuộc vào bản chất của giai cấp, nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng quân đội. V.I.Lênin khẳng định, quân đội thường trực và cảnh sát là những công cụ vũ lực chủ yếu của quyền lực nhà nước. Người cũng vạch trần tính chất phản động, phản khoa học của các quan điểm tư sản về bản chất của quân đội và khẳng định: Hiện nay cũng như trước kia và sau này quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được; nghĩa là, không có quân đội nào ra đời và tồn tại lại thoát ly khỏi các quan hệ chính trị, giai cấp hiện thực của nó.

Thứ ba, về các kiểu quân đội. V.I.Lênin đã làm sâu sắc hơn lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về các kiểu quân đội. Người luận giải, khi chủ nghĩa tư bản ra đời đưa tới sự xuất hiện và tồn tại quân đội tư sản trong lịch sử. Đây là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước tư sản để duy trì các quan hệ bóc lột, thực hiện đường lối chính trị của giai cấp tư sản, thực hiện chính sách thực dân cũ và mới của chủ nghĩa đế quốc, biểu hiện ở việc đàn áp các phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động, xâm chiếm lãnh thổ các nước khác, củng cố chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. V.I.Lênin nhấn mạnh, quân đội của nhà nước tư bản là công cụ vững chắc nhất để duy trì và bảo vệ chế độ cũ, là phương tiện quan trọng để nhà nước tư bản đạt được các mục tiêu chính trị phi nghĩa. Với sự ra đời của nhà nước XHCN tất yếu đưa tới sự ra đời một quân đội kiểu mới - quân đội XHCN.

Thứ tư, về quân đội kiểu mới và những nguyên tắc chủ yếu xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Đây là cống hiến to lớn của V.I.Lênin trong việc bổ sung, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội khi trình bày sự ra đời, bản chất, chức năng của quân đội XHCN. Người khẳng định, quân đội XHCN là quân đội kiểu mới; quân đội của giai cấp vô sản ra đời gắn với phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và sự ra đời của nhà nước vô sản, thực hiện việc bảo vệ lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động và giai cấp vô sản; giai cấp vô sản muốn là giai cấp thống trị và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chống lại sự áp bức, bóc lộ, nô dịch của giai cấp tư sản, thì phải tổ chức ra quân đội của mình và xây dựng lực lượng đó đủ mạnh để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc, xây dựng chế độ xã hội mới - XHCN.

Từ yêu cầu tất yếu phải bảo vệ thành quả cách mạng bằng sức mạnh bạo lực vũ trang và xây dựng chính quyền Xôviết, V.I.Lênin chỉ rõ, phải tổ chức, củng cố quân đội (Hồng quân) vững mạnh. Nhất thiết: “Cần có quân đội cách mạng để đấu tranh bằng quân sự và lãnh đạo quần chúng về mặt quân sự chống lại những tàn dư của lực lượng quân sự của chế độ chuyên chế. Cần có quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực, mà trong cuộc đấu tranh hiện đại, thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”(3).

V.I.Lênin bổ sung, phát triển lý luận về tổ chức, xây dựng quân đội kiểu mới rất sâu sắc, toàn diện. Sau Cách mạng Tháng Mười, đầu năm 1918, Người đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công-nông. V.I.Lênin trình bày rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và xây dựng quân đội kiểu mới. Theo Người, quân đội XHCN là công cụ bạo lực vũ trang để thực hiện đường lối chính trị của giai cấp công nhân và nhà nước XHCN. Bản chất giai cấp công nhân của quân đội xã hội chủ nghĩa do bản chất của chế độ xã hội mới quy định, được biểu hiện ở các đặc trưng về chính trị, xã hội và khác biệt về chất so với các quân đội trong lịch sử. Giai cấp công nhân và nhà nước xã hội chủ nghĩa quyết định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và nguyên tắc tổ chức, cơ chế lãnh đạo đối với quân đội. Hệ tư tưởng của giai cấp công nhân giữ vị trí thống trị đối với quân đội XHCN, là cơ sở của sức mạnh chính trị và chi phối đến đời sống tinh thần của quân nhân trong quân đội.

V.I.Lênin đã chỉ ra đặc trưng quan trọng nhất và cội nguồn chủ yếu của sức mạnh quân đội XHCN là sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với quân đội. Sự lãnh đạo đó thể hiện toàn diện như: Xác định mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ cho quân đội, phương hướng, biện pháp để củng cố và tăng cường sức mạnh chiến đấu cho quân đội. Các tổ chức đảng, đoàn… đội ngũ cán bộ trong quân đội có nhiệm vụ quán triệt và thực hiện đường lối chính trị, chính sách của đảng. Người chỉ rõ: “ở đâu mà chính sách của đảng được thi hành nghiêm chỉnh nhất,… ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”(4).

Trong điều kiện mới, V.I.Lênin chỉ rõ, ngay từ khi ra đời, quân đội XHCN mang tính nhân dân sâu sắc. Và chỉ có quân đội XHCN mới thực sự là quân đội phục vụ nhân dân và bảo vệ lợi ích quần chúng lao động. Tính nhân dân của quân đội XHCN trước hết là do nhiệm vụ và chức năng mà quân đội thực hiện; do mối liên hệ bền chặt giữa quân đội với nhân dân lao động. V.I.Lênin phân tích, với quân đội XHCN, bản chất giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc có sự thống nhất chặt chẽ với nhau. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng quân đội XHCN. Sự thống nhất ấy bắt nguồn từ thống nhất về lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của dân tộc. Quan hệ giữa các quân nhân thuộc các dân tộc khác nhau được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, thực sự bình đẳng, thân ái, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tiếp đó, quân đội XHCNcòn mang tính quốc tế sâu sắc. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ đối với sự nghiệp cách mạng trong nước, quân đội XHCN còn phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thứ năm, về sức mạnh chiến đấu của quân đội vô sản. V.I.Lênin phân tích, sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền và bắt tay vào xây dựng xã hội mới, tàn tích của xã hội cũ vẫn còn; chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục chống phá công cuộc xây dựng XHCN. Vì vậy, xây dựng, củng cố quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng vững chắc là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp cách mạng XHCN. Người khẳng định: “Sự bền vững của nước cộng hòa trong chiến đấu chống đế quốc, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Nga và trên toàn thế giới đều tùy thuộc vào sự tăng cường quân đội”(5). Theo đó, giai cấp vô sản phải tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng CNXH trên thế giới và ở mỗi nước. Và: “Trong mỗi bước đi đến hòa bình, chúng ta đều phải dốc toàn lực ra để hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, tuyệt đối không được giải giáp quân đội chúng ta. Quân đội của chúng ta là một bảo đảm thực sự khiến cho các cường quốc đế quốc chủ nghĩa không dám có chút mưu toan hành động gì, mưu toan xâm phạm gì đối với chúng ta được”(6).

V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen khi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố chính trị, tinh thần, kỷ luật, vũ khí, trang bị kỹ thuật và khoa học trong sức mạnh chiến đấu của quân đội vô sản, trong đó chính trị-tinh thần và kỷ luật là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất. Người nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(7). Tinh thần của quân đội phụ thuộc rất lớn vào chế độ kinh tế, vai trò lãnh đạo của giai cấp cầm quyền và mục đích chính trị của chiến tranh. V.I.Lênin luận giải: “Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những ngư­ời anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sỹ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn ch­ưa từng thấy”(8). Người phân tích, yếu tố tinh thần của quân đội XHCN còn phụ thuộc vào hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội: “ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất, thì ở đấy… tinh thần của họ cũng cao hơn”(9).

Tiếp đó, V.I.Lênin đã phân tích vai trò to lớn của kỷ luật quân đội. Người yêu cầu quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, thống nhất cao về ý chí và hành động để tạo nên sức mạnh. Bởi vì, “Ở đâu mà kỷ luật giữ được vững nhất… ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ gìn được trật tự tốt hơn”(10), sẽ giành được nhiều thắng lợi. V.I.Lênin luận giải sâu sắc hơn mối quan hệ giữa con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Theo Người, trong chiến tranh, con người là yếu tố quyết định thắng lợi. Song, yếu tố con người phải gắn với vũ khí, trang bị kỹ thuật. Yếu tố tinh thần chỉ có thể phát huy được tác dụng khi dựa trên một cơ sở vật chất nhất định. Tinh thần của quân đội dù cao đến đâu cũng không thể là yếu tố duy nhất đảm bảo thắng lợi trên chiến trường. V.I.Lênin cho rằng: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(11). Người còn chỉ ra vấn đề có tính quy luật nổi lên là yếu tố khoa học quy định rất lớn đến sự vận động, phát triển sức mạnh chiến đấu của quân đội. “Không có khoa học thì không thể xây dựng được một quân đội hiện đại”(12)  và khoa học tác động rất lớn tới các yếu tố cấu thành của sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Thứ sáu, về học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trung thành với tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng XHCN của C.Mác và Ph.Ăngghen; từ thực tiễn đấu tranh bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và chính quyền Xôviết non trẻ; V.I.Lênin đã xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN với những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc. Khẳng định tính tất yếu khách quan của việc bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lênin tuyên bố: “Kể từ ngày 25-10-1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”(13).

V.I.Lênin xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ CNXH với tính cách là tổ quốc, bảo vệ Nhà nước Xôviết non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN phải chống lại sự tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động mưu toan lật đổ nhà nước XHCN, thì phương thức đấu tranh là phải tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang để bảo vệ Tổ quốc. Về lực lượng bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lênin nhấn mạnh đến quần chúng lao động, công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, sự tổ chức, quản lý của chính quyền Xôviết. Người chỉ ra sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần; trong đó cần đặc biệt chú trọng xây dựng và phát huy sức mạnh tinh thần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước Xôviết.

V.I.Lênin đã bổ sung vấn đề xây dựng và củng cố quốc phòng: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”(14), và nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước. Người đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đi đôi với nhiệm vụ xây dựng CNXH. V.I.Lênin khẳng định: Khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng; đồng thời, cần chăm lo đến khả năng quốc phòng và Hồng quân như chăm lo con ngươi của mắt mình.

2. Ý nghĩa thực tiễn của lý luận Mác - Lênin về quân đội trong bối cảnh hiện nay

Trên thực tế, nội dung V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội đã tạo nền tảng rất quan trọng để xây dựng quân đội vô sản, thúc đẩy cách mạng vô sản thế giới và cách mạng nước Nga phát triển; giúp các đảng cộng sản lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quân đội để chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc. Với việc xây dựng Hồng quân Liên Xô, Hải quân Xô-viết và quân đội vô sản của nhiều nước trên thế giới có sức mạnh chiến đấu cao, tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, kỹ chiến thuật, trang bị tốt, chiến thắng sự xâm lược, bao vây, tiến công của các nước đế quốc và sự can thiệp của các thế lực thù địch đối với nước Nga cũng như nhiều nước khác là minh chứng sâu sắc về giá trị và sức sống nội dung V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội.

Vận dụng sáng tạo nội dung V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội vào thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu đủ sức đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng quân đội ta là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc và tinh thần quốc tế cao cả. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chú trọng việc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; coi kỷ luật là sinh mệnh của quân đội và: “Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”(15). Ra sức củng cố và đẩy mạnh công tác chính trị trong quân đội, tạo môi trường dân chủ, đoàn kết cho bộ đội; chăm lo bồi dưỡng nhân tố con người trong quân đội thực sự tinh, có phẩm chất, năng lực toàn diện, có đạo đức cách mạng, tri thức quân sự, sức khỏe và trình độ văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ; chú trọng xây dựng quân đội về tổ chức, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng...

Hiện nay, tình hình chính trị, an ninh thế giới diễn biến rất phức tạp; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xâm phạm chủ quyền quốc gia, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ,... diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là an ninh mạng. Sự xuất hiện nhiều nhân tố mới tác động đến quân đội, dễ dẫn đến lầm tưởng về bản chất giai cấp của quân đội. Cùng với đó, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, đang đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng những yêu cầu mới cả về lượng và chất. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận diễn biến rất phức tạp. Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi “phi chính trị hóa” quân đội.

Trong bối cảnh đó, nội dung V.I.Lênin bảo vệ, phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về quân đội luôn là kim chỉ nam định hướng trong việc tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thế giới, khu vực, trong nước, tương quan so sánh lực lượng; nghiên cứu vấn đề quân đội các nước trên thế giới trong thời đại ngày nay (về nguồn gốc, bản chất của quân đội, sức mạnh chiến đấu của quân đội…). Trên cơ sở đó để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp tình hình mới, hoạch định đường lối, chủ trương đúng đắn để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, tăng cường các tiềm lực sức mạnh quân sự quốc gia, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vững chắc; phát huy sức mạnh, trí tuệ, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tạo ra ưu thế mới để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những tư tưởng dao động, thái độ ươn hèn, hoảng sợ trước các tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ của các “siêu cường”.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.227.

(2), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.610, 114.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.376.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.65-66.

(6), (12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.288, 210.

(7), (8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.147, 147.

(9), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.66, 66.

(11), (14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.497, 480-481.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.102.

 

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.461.

Trung tá, TS Nguyễn Thanh Hải

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền