Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 16:50
1998 Lượt xem

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh luôn thấu suốt mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị. Trên thực tế, Người đã giải quyết rất sáng tạo, khéo léo và thành công mối quan hệ rất phức tạp và đầy tế nhị này, qua đó hạn chế được những mặt tiêu cực của các tôn giáo, đồng thời phát huy được vai trò của đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng Việt Nam. Giờ đây, những tư tưởng đó vẫn soi sáng cho chúng ta trong nhìn nhận và giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: tôn giáo, chính trị, Hồ Chí Minh.

Trong quá trình nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã nhận thấy giữa tôn giáo và chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng mối quan hệ đó như thế nào và theo hướng nào phụ thuộc vào đặc điểm của tôn giáo đó, cũng như mục đích chính trị của lực lượng cầm quyền. Người nhìn nhận và giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong hệ quy chiếu của cuộc đấu tranh cho sự nghiệp chính trị vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh sau:

1. Phê phán những kẻ lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị đen tối

Là một người dân thuộc địa, cùng với quá trình đi tìm nguyên nhân mất nước và con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ rất mật thiết giữa tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo với sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Bên cạnh việc khẳng định những giá trị tích cực của Thiên chúa giáo, nhất là tinh thần bác ái, Người cũng nhận thấy sự bỉ ổi của những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện những việc xấu xa, làm ô danh Thiên chúa. Đó là việc do thám tình hình để báo cho quân đội chiếm đóng, đem những lời thú tội của con chiên báo cho nhà cầm quyền, cho vay nặng lãi, cướp đoạt ruộng đất của người dân, nhất là nông dân: “Trong cuộc xâm chiếm Đông Dương thì chính những nhà truyền đạo Thiên chúa đã đi do thám để báo cho đội quân chiếm đóng biết những kế hoạch phòng thủ của nước chúng tôi. Cũng chính những nhà truyền đạo đã dẫn đường những đội quân tấn công, cũng chính lại là những nhà truyền đạo đã lợi dụng tình trạng lộn xộn của đất nước để ăn cắp những văn bản chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân này nọ hay của một làng nào đó”(1). Thực dân Pháp đã sử dụng tôn giáo để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta: “các sứ giả của Chúa ...nộp những người An Nam yêu nước cho bọn chiến thắng đem lên máy chém hay giá treo cổ”(2). Thậm chí có những linh mục chân đi đất, quần xắn đến mông, lưng thắt bao đạn, vai khoác súng dài, hông đeo súng ngắn, dẫn đầu một đoàn con chiên vác giáo mác và súng kíp; với sự yểm hộ của quân đội xông vào các làng của nhân dân. Bởi vậy làm cho người dân Việt Nam bị hành hình bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, mà còn bằng cây thánh giá của giáo hội sa đọa làm ô danh Chúa.

2. Đặt vấn đề tôn giáo trong vận mệnh chung của dân tộc, gắn với cuộc đấu tranh cách mạng

Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn thấy  vận mệnh dân tộc tác động sâu sắc tới vận mệnh của tôn giáo và ở chiều ngược lại, sự phát triển của tôn giáo có ảnh hưởng tới dân tộc. Do đó, Người luôn hướng tôn giáo vào cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Bởi vì, Tổ quốc được độc lập thì tôn giáo được tự do. Người cùng với Đảng ta ra sức vận động các lực lượng tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định dù là theo các tôn giáo khác nhau, nhưng đã là người Việt Nam thì ai dù ít hay nhiều cũng có lòng yêu nước.

 Điều quan tâm nhất của Hồ Chí Minh vẫn là làm thế nào để đoàn kết toàn  dân tộc, đoàn kết lương giáo, thu hút những người theo tôn giáo tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, tất cả cách ứng xử của Hồ Chí Minh với tôn giáo vẫn là hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, giữa người cộng sản và người có tín ngưỡng, tôn giáo có sự khác nhau về thế giới quan, nhưng sự khác biệt ấy không tất yếu dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Nghĩa là người có cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định phục vụ lợi ích của dân tộc. Ở Việt Nam, về việc kết nạp đảng viên là người có đạo, Hồ Chí Minh nói rõ: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”(3). Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi trong nước ta cũng như trên thế giới có nhiều chức sắc và tín đồ các tôn giáo tham gia đấu tranh cách mạng và nhiệt tâm xây dụng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Và có không ít những kẻ chẳng có tín ngưỡng, tôn giáo gì vẫn cam tâm ôm chân ngoại bang bán rẻ Tổ quốc. Như vậy, hữu thần hay vô thần, có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo không phải là lý do quyết định thái độ chính trị của mỗi người.

3. Khai thác, phát huy cái thiện, cái nhân văn của các tôn giáo vào sự nghiệp chính trị

Là một nhà chính trị, nhưng Hồ Chí Minh luôn nhìn tôn giáo một cách toàn diện, trong đó có góc nhìn của nhà chính trị thông qua lăng kính văn hóa. Bởi vậy, Người đã nhìn thấy được những giá trị nhân văn, nhân đạo trong các giáo lý của tôn giáo. Nếu trong lịch sử, chúng ta đã từng chứng kiến có những nhân vật chính trị đã quay lưng vào quá khứ và phủ nhận những giá trị lịch sử, có thái độ cực đoan đối với tôn giáo. Thì trái lại, Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn của nhân loại dù có phủ bên ngoài một màu sắc tôn giáo để gạn đục, khơi trong; để giữ gìn, tiếp biến.

Người xem Phật Thích Ca, Chúa Giê su và Đức Khổng tử là những nhà hiền triết, những bậc thầy và luôn xem mình là học trò nhỏ của các vị ấy. Với đạo Thiên chúa, Người nhấn mạnh: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng. Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu. Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”(4). Cho nên, Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc. Chúng ta phải kháng chiến trường kỳ và gian khổ, nhưng chúng ta nhất định thắng lợi và hưởng hạnh phúc thật sự, như Chúa Cơ đốc đã hứa với chúng ta”(5). Bởi vậy, Người cũng cho rằng nếu Giêsu sinh ra trong thời đại chúng ta thì người sẽ là người chủ nghĩa xã hội đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại.

Với đạo Phật, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”(6) là để thực hiện cái tinh thần “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”.

Với Khổng Tử, Hồ Chí Minh xem đó là một người vĩ đại đã khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Mặc dù Hồ Chí Minh phê phán Khổng Tử là phong kiến, tuy nhiên, đối với cá nhân Khổng Tử, Hồ Chí Minh có sự đánh giá rất công bằng với cái nhìn rất biện chứng khi Người viết: “Cũng có khả năng là siêu nhân này chịu thích ứng với hoàn cảnh và nhanh chóng trở thành người kế tục trung thành của Lênin”(7). Ngay cả khi Khổng Tử bị lên án, phê phán gay gắt, miệt thị ở ngay trên quê hương ông, bị xem là dinh lũy cuối cùng của chế độ phong kiến thối nát, thì Hồ Chí Minh lại khuyên: “Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”(8).

Điểm đặc sắc ở nhà chính trị Hồ Chí Minh là chấp nhận những khác biệt về nhận thức, tư tưởng, chú trọng khai thác những điểm tương đồng để thu hút tập hợp quần chúng có tôn giáo để thực hiện sự nghiệp cách mạng.

4. Thừa nhận sự tồn tại lâu dài của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và Nhà nước tôn trọng tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân nhưng xử lý nghiêm những hành động lợi dụng tôn giáo để phá hoại đất nước

Khi bước vào xây dựng xã hội mới, đặc biệt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thống nhất Tổ quốc, một trong những điều trăn trở đối với đồng bào có đạo là trong chủ nghĩa xã hội do người cộng sản lãnh đạo có chấp nhận sự tồn tại của tôn giáo hay không? Và thái độ của người cộng sản vô thần đối với tôn giáo như thế nào? Hồ Chí Minh rất lưu tâm giải tỏa vướng mắc này của bà con tín đồ và chức sắc các tôn giáo.

Ngày 10-5-1958 khi trả lời câu hỏi của cử tri Hà Nội: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không”. Hồ Chí Minh trả lời rõ: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”(9). Người còn nói rõ thêm, Người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo.

Từ đó, Người khẳng định đường lối và chính sách nhất quán, Đảng ta không những không tiêu diệt tôn giáo như những kẻ xâm lược và tay sai của chúng tuyên truyền, mà trái lại còn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động. Nếu các tôn giáo chủ trương tiêu trừ các tộc ác đối với loài người, thì Đảng Cộng sản cũng chủ trương như vậy: “Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo, mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”(10). Người khẳng định, Chính phủ ta luôn thật thà tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do”(11). Tuy nhiên, mọi hoạt động tôn giáo phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, phải không được đi ngược lại với lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc và nhân dân. Mọi hành động vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, hoặc lợi dụng tôn giáo để làm những việc vi phạm pháp luật đều bị nghiêm trị: “Nếu giáo hội có người làm tay sai cho đế quốc xâm lược, thì bất kỳ những người đó ở tôn giáo nào cũng phải chịu pháp luật trừng trị. Không vì trừng trị bọn phản động trong giáo hội, mà Chính phủ can thiệp đến tín ngưỡng tự do. Cũng không vì bảo hộ tín ngưỡng tự do, mà Chính phủ dung túng bọn chó săn của đế quốc, để mặc chúng phá hoại Tổ quốc yêu quý của chúng ta”(12). Do đó, quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là đảm bảo tín ngưỡng tự do nhưng hoạt động tôn giáo không được cản trở hoạt động sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

5. Chính quyền cần có phương pháp phù hợp, khéo léo đối với từng tôn giáo khác nhau, không để kẻ địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng

Đây là một vấn đề rất quan trọng mà Hồ Chí Minh luôn yêu cầu chính quyền và đội ngũ cán bộ các cấp phải thực hiện cho tốt, bởi chính sách đúng nhưng phải có phương pháp phù hợp thì mới thành công. Người chỉ rõ: “Đối với đồng bào Công giáo thì chưa biết ra sức tranh thủ. Có nơi vận động đã có kết quả, nhưng rồi lại không cố gắng liên tục. Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch, và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến”(13).

Người phê phán tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách thô thiển đối với đồng bào có đạo: “Đối với nông dân công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân công giáo khó chịu”(14). Do đó, trong tuyên truyền lý luận, đường lối, chính sách, pháp luật với các quần chúng có đạo cần phải hiểu rõ đặc điểm tình hình cụ thể, của từng tôn giáo, của từng địa phương, từng giai đoạn. Nhưng dù thế nào, cũng phải hết sức tôn trọng họ, nhất là các chức sắc tôn giáo, tránh không xúc phạm gì đến tình cảm của các tín đồ trong quần chúng. Nếu làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo, sẽ gây thiệt hại lớn, nó chỉ dẫn đến chỗ làm tăng thêm lòng cuồng tín của giáo dân.

Do lịch sử để lại, đạo Thiên Chúa có sự gắn kết với quá trình thực dân Pháp xâm lược nước ta, cộng với một số giáo sĩ phản động câu kết với thực dân, tuyên truyền, lôi kéo đồng bào ở những vùng công giáo chống lại cách mạng. Do đó có không ít cán bộ, đảng viên còn có thiên kiến với đạo thiên chúa, số này thường xa lánh, ngại tiếp xúc với đồng bào có đạo. Người chỉ rõ làm như vậy là không đúng. Người yêu cầu những cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phải đi sâu vào quần chúng có đạo, dẫn dắt họ tham gia vào sản xuất, chiến đấu, để đồng bào hòa nhập vào sự nghiệp chung của dân tộc.

6. Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của giáo dân để vận động họ, thuyết phục họ, giáo dục họ, tổ chức họ trong đấu tranh cách mạng

Hồ Chí Minh chỉ rõ, chính quyền và cán bộ, đảng viên các cấp cần quan tâm đến đời sống giáo dân một cách toàn diện cả về phần đạo và phần đời. Người cho rằng, phải làm sao để cho đồng bào giáo dân có được cuộc sống mà ở đó “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. “Các cấp ủy phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo... Đồng bào Công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào Công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn”(15).

Người chỉ rõ, ở những nơi đồng bào tôn giáo còn đói kém, thì ta phải hướng dẫn họ tăng gia sản xuất, phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của họ. Niềm tin của đồng bào có đạo vào chính quyền không chỉ ở chỗ chúng ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của họ, tôn trọng đời sống tinh thần của họ, mà còn ở chỗ không ngừng quan tâm đến phần đời, việc đời của họ mà một trong những điều quan trọng là nâng cao đời sống vật chất của giáo dân. Mặc dù quan tâm đến cả vấn đề đạo và đời của tôn giáo, nhưng Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc đời.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, chúng ta thấy rằng tôn giáo và chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng chính trị cách mạng và chính trị phản cách mạng nhìn nhận và giải quyết mối quan hệ đó theo những hướng hết sức khác nhau. Do đó, chính trị cách mạng phải phát huy được ảnh hưởng của mình trong tôn giáo, khai thác được các giá trị tích cực của tôn giáo và vận động, thuyết phục được đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Nhìn nhận tôn giáo phải toàn diện, với các tôn giáo khác nhau phải có những cách khác nhau, chủ trương thì nhất quán nhưng phương pháp cần linh hoạt. Lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc làm hệ quy chiếu để ứng xử với các tôn giáo. Trên cơ sở quan tâm cả việc đạo và việc đời, nhưng phải lấy việc đời để tác động đến việc đạo, định hướng việc đạo, từng bước chuyển hóa việc đạo, thông qua việc đạo để giải quyết tốt việc đời.

Việc nhìn nhận mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo ở Hồ Chí Minh là rất sâu sắc, bởi vậy Người giải quyết mối quan hệ này hết sức linh hoạt, khéo léo và tế nhị. Chính điều đó đã làm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Đồng thời góp phần phát huy được ưu điểm, sức mạnh của đồng bào có đạo trong sự nghiệp chung của dân tộc. Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những tư tưởng sâu sắc, những ký ức tốt đẹp với giáo dân và những bài học hết sức thấm thía trong việc nhìn nhận và giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo trong điều kiện hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.230.

(2), (7), (8) Sđd, t.2, tr.110, 563, 563.

(3), (5), (13) Sđd, t.8, tr.200, 374, 321.

(4) Sđd, t.4, tr.544.

(6), (11) Sđd, t.5, tr.228, 53.

(9) Sđd, t.11, tr.405.

(10), (12), (14) Sđd, t.9, tr.285, 285-286, 26.

(15) Sđd, t.14, tr.102-103.

ThS Dương Thị Thùy Dung

Trường Chính trị tỉnh Bình Định

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền