Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số ý kiến của C.Mác và Ph.Ăngghen về văn học nghệ thuật
Thứ tư, 07 Tháng 8 2013 09:16
4982 Lượt xem

Một số ý kiến của C.Mác và Ph.Ăngghen về văn học nghệ thuật

(LLCT) - Văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế, nhưng rất nhạy cảm vì nó gắn chặt với mọi phương diện của đời sống hiện thực của xã hội. Do đó, khi nghiên cứu lý luận cách mạng để cải tạo thế giới, cải biến đời sống xã hội của con người, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng rất quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ thuật. 

 

 

Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng, Mác và Ăngghen đã chỉ rõ nguồn gốc của văn học nghệ thuậtgắn với nguồn gốc và sự phát triển của con người. Sự ra đời và phát triển của văn học nghệ thuật là một hiện tượng khách quan, gắn với trình độ phát triển của xã hội, với những tiền đề cần thiết của nó. Văn học nghệ thuật chỉ thực sự ra đời khi con người đã phát triển đầy đủ về năng lực tư duy và cảm xúc thẩm mỹ. Đây là một hoạt động tinh thần phong phú, một sự sáng tạo mà con người có thể đem lại cho mình. Chính quá trình lao động xã hội là quá trình phát triển và hoàn thiện con người trên các mặt tư duy, ngôn ngữ và cảm xúc thẩm mỹ.

Khẳng định văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nằm trong kiến trúc thượng tầng của xã hội, Mác cho rằng, văn học nghệ thuật chịu sự tác động trực tiếp của những điều kiện xã hội, của cơ sở kinh tế và các hình thái ý thức xã hội khác, song nó cũng có vai trò tác động trở lại đối với tồn tại xã hội. Văn học nghệ thuật có chức năng nhận thức, đó là nguồn tri thức cho nhân loại, sáng tác của nhà văn “là nguồn mà hầu hết các dân tộc lĩnh hội được học thức từ đó” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.40, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.1004). So với các hình thái ý thức xã hội khác, tác động của văn học nghệ thuật đối với con người, đối với xã hội là rất lớn. Điều đó được Mác và Ăngghen nêu rõ khi các ông nghiên cứu vai trò của văn học Anh. Các ông viết: “Cả một lớp nhà văn tiểu thuyết hiện đại xuất sắc của nước Anh trong các tác phẩm chói lọi và hùng hồn đã vạch ra cho toàn thế giới nhiều chân lý chính trị và xã hội, hơn là tất cả các chính khách chuyên nghiệp, các nhà chính luận và các nhà đạo đức học chuyên nghiệp gộp lại” (Sđd, t.10, tr.710-711). Văn học nghệ thuật đưa tri thức và chân lý đến với con người một cách nhẹ nhàng và dễ thẩm thấu vào đời sống xã hội hơn là các hình thái ý thức xã hội khác.

Một chức năng nữa của văn học nghệ thuật là chức năng thẩm mỹ, Ăngghen viết: “Sách nhân dân có sứ mệnh phải làm cho nông dân vui khi họ mệt mỏi sau khi làm việc nặng nề trở về buổi chiều tối, giúp họ giải trí, làm cho họ tươi tỉnh, bắt họ quên lao động nặng nhọc của họ, biến cánh đồng sỏi đá của họ thành vườn cây quả thơm tho; nó có sứ mệnh biến xưởng của người thợ thủ công và căn buồng sát mái thảm hại của anh thợ học việc kiệt sức thành thế giới thơ ca, thành cung điện vàng...” (Sđd, t.41, tr.23). Văn học nghệ thuật giúp con người ý thức được cái đẹp của cuộc sống, làm cho cuộc sống tinh thần của họ thêm phong phú.

Cùng với những chức năng nói trên, văn học nghệ thuật có chức năng quan trọng là giáo dục con người. Ăngghen cho rằng, sứ mệnh của văn học nghệ thuật là phải làm sáng rõ tình cảm đạo đức của con người, làm cho họ nhận thức được sức mạnh và quyền hạn của chính mình, sự tự do của bản thân và khơi dậy lòng dũng cảm của họ, tình yêu của họ đối với Tổ quốc. Thông qua các hình thức văn học nghệ thuật, những tình cảm tốt đẹp dễ dàng đi vào lòng người, giúp họ có niềm tin ở tương lai, theo Ăngghen: “Chỉ có nền văn học của tổ quốc mới cho thấy tương lai tươi đẹp” (Sđd, t.2, tr.754).

Từ những chức năng nói trên, Ăngghen đã chỉ ra nhiệm vụ của văn học nghệ thuật, ông cho rằng, nhà văn không có nhiệm vụ phải cung cấp cho người đọc dưới hình thức có sẵn sự giải quyết có tính chất lịch sử những xung đột xã hội mà nhà văn miêu tả. Ăngghen cũng nói thêm rằng: “tiểu thuyết có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, theo quan điểm của tôi, hoàn toàn thực hiện sứ mệnh của nó khi nó miêu tả đúng các quan hệ thực tế, phá hủy những ảo tưởng tượng trưng thống trị về bản chất của những quan hệ đó, làm lay chuyển sự lạc quan của thế giới tư sản, tạo nên sự hoài nghi về tính bất di bất dịch của các cơ sở của cái hiện tồn” (Sđd, t.36, tr.526). Như vậy, nhiệm vụ của văn học nghệ thuật là phản ánh thực tế khách quan, qua đó tác động đến nhận thức, ý thức của con người, hướng con người vào cải tạo thế giới.

Nghiên cứu quan điểm của Mác và Ăngghen về văn học nghệ thuật, cần lưu ý đến những ý kiến của các ông về hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. Các ông phê phán việc một số người tuyên bố tính biệt lập của lao động khoa học và lao động nghệ thuật. Ăngghen viết: “Sự tập trung hoàn toàn tài năng nghệ thuật ở những cá nhân riêng biệt và tình trạng tài năng nghệ thuật trong quần chúng rộng rãi vì thế mà bị chèn ép đều là hậu quả của sự phân công lao động. Thậm chí nếu như trong những quan hệ xã hội nhất định mỗi một cá nhân đều là một họa sĩ xuất sắc thì điều đó hoàn toàn không loại trừ khả năng mỗi một cá nhân cũng trở thành một họa sĩ độc đáo, như vậy thì ở đây sự phân biệt giữa lao động “của con người” và lao động “của Kẻ duy nhất” chung quy là một điều vô nghĩa thô thiển” (Sđd, t.3, tr.575-576). Ăngghen cũng cho rằng, chính sự phụ thuộc vào phân công lao động ấy làm cho hoạt động của nhà nghệ thuật bị hạn chế, và ông dự báo rằng, trong xã hội CSCN tình trạng đó sẽ được khắc phục. Mác và Ăngghen đưa ra một số yêu cầu trong sáng tác văn học nghệ thuật như sau:

Một là, yêu cầu chung đối với một tác phẩm nghệ thuật là phải có sự dung hợp giữa độ sâu của tư tưởng với nội dung lịch sử và sự sinh động, phong phú về hình thức biểu đạt.

Hai là, đối với chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác văn học nghệ thuật, Mác và Ăngghen yêu cầu ngoài tính trung thực của những chi tiết, phải tái tạo một cách trung thực những tính cách tiêu biểu trong những tình huống tiêu biểu. Các ông cho rằng, các quan điểm của tác giả ngày càng được che kín nhiều chừng nào thì càng tốt cho tác phẩm nghệ thuật. Chủ nghĩa hiện thực có thể thể hiện ngay cả một cách độc lập với các quan điểm của tác giả.

Ba là, hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật cần phải mang tính thời đại. Tính thời đại ở đây được hiểu là ngoài những phẩm chất mà tất cả mọi thời đại đều có trong mỗi tác phẩm thì yêu cầu đặt ra là tác phẩm phải phù hợp với thời đại mình.

Bốn là, yêu cầu về phong cách hiện đại trong hoạt động sáng tác, Ăngghen viết: “Nền văn học trẻ tuổi có một thứ vũ khí làm cho nó không thể bị chiến bại và tập hợp dưới cờ của nó tất cả những tài năng trẻ... Tính chất cụ thể sống động của nó, lối diễn đạt sắc sảo, sự đa dạng về sắc thái đem lại cho mỗi nhà văn trẻ địa bàn để phát triển tự do thiên tài của mình” (Sđd, t.41, tr.93-94).

Năm là, trong sáng tác văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ phải có thế giới quan rõ ràng. Thế giới quan rõ ràng sẽ giúp họ nhìn nhận và phản ánh đúng các hiện tượng, sự kiện một cách khách quan, trong các mối liên hệ phổ biến.

Một ý kiến nữa của Ăngghen mà chúng ta cần lưu tâm đó là về quyền tự do ngôn luận và chế độ kiểm duyệt đối với văn học trong chế độ tư bản. Các nước tư bản chủ nghĩa vẫn cho rằng ở họ tự do ngôn luận và tự do sáng tạo là quyền tự do tuyệt đối, nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại. Tình trạng mất tự do mà các ông đề cập không phải là hiện tượng riêng rẽ ở một nơi nào mà phổ biến và trở thành bản chất của chế độ tư bản, một chế độ xã hội hạn chế và đối lập với sức sáng tạo nghệ thuật. Trong các tác phẩm chính luận của mình, các ông nêu rõ rằng, dưới chế độ tư bản, các thứ văn nghệ được tự do phát triển là loại văn nghệ đã bán mình và tự nguyện làm bồi bút cho giai cấp tư sản. Dĩ nhiên, trong điều kiện hiện nay, giai cấp tư sản đã có nhiều cải biến, có những hình thức ngụy trang khéo léo cho cái gọi là “tự do ngôn luận”, nhưng về bản chất, tính giai cấp trong văn học nghệ thuật vẫn không thay đổi.

Theo ý kiến của Mác và Ăngghen, tự do ngôn luận, tự do sáng tác sẽ phát huy được vai trò của văn học đối với xã hội. Đề cập đến vấn đề này, các ông cũng nói tới sự tất yếu của giao lưu văn học, đến ý nghĩa và hình thức, nội dung của giao lưu văn học. Trong điều kiện chế độ chính trị không đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động, thì sự phản biện xã hội là cần thiết. Giao lưu văn học sẽ góp phần vào thúc đẩy sự phản biện xã hội đó.

Giao lưu văn học có thể được thực hiện qua hình thức trao đổi, tiếp nhận sách báo nước ngoài, lựa chọn những tác phẩm có giá trị, tổ chức dịch và xuất bản trong nước, cũng như giới thiệu các tác phẩm trong nước ra nước ngoài. Ăngghen viết: “Để làm cho những tác phẩm mà nội dung có giá trị và còn hoàn toàn mới mẻ đối với người Đức trở thành dễ hiểu thì cần phải chọn lọc và chỉnh lý như người Pháp đã làm đối với tất cả những tài liệu nhận được của nước ngoài... Những tác phẩm quan trọng nhất trong sách báo xã hội chủ nghĩa nước ngoài đã qua  chỉnh lý như vậy sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới” (Sđd, t.2, tr.787).

Những ý kiến của Mác và Ăngghen về văn học nghệ thuật cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa, nhất là trong thời kỳ giao lưu hội nhập quốc tế được mở rộng. Vai trò của văn học nghệ thuật được Đảng ta đánh giá rất cao, vì thế đó là lĩnh vực được Đảng ta quan tâm xây dựng và phát triển. Đảng luôn tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng hướng họ góp phần vào phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phục vụ lợi ích của dân tộc.

Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khoá X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nêu rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam” (Báo Nhân Dân, ngày 24-6-2008). Văn học nghệ thuật là một bộ phận tinh tế của văn hoá, có các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, tổ chức và điều chỉnh xã hội... Văn học, nghệ thuật tác động trực tiếp đến con người vào thế giới tình cảm, tâm hồn, cảm xúc của họ thông qua các hình tượng nhân vật, các hình tượng nghệ thuật trong các tác phẩm văn học với yếu tố tư tưởng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đó. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội ở chỗ xây dựng và khẳng định những giá trị chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất, nhân cách của con người, trong đó, tư tưởng nhân văn, lòng yêu quê hương, đất nước, đức hy sinh vì Tổ quốc, anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động... được coi là những giá trị tốt đẹp.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về  Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, như Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ, các tạp chí, các báo văn nghệ... đã và sẽ phải tiếp tục khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý và sáng tác văn học, nghệ thuật nhằm làm cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, vừa bảo đảm tính tiên tiến, vừa giữ được bản sắc dân tộc. Cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trước hết cho đội ngũ văn nghệ sĩ và những người đang tham gia quản lý, chỉ đạo văn học, nghệ thuật ở trung ương và địa phương, nâng cao nhận thức của họ về tính đặc thù của văn học, nghệ thuật và vai trò của nó trong sự phát triển bền vững xã hội; về đường lối, quan điểm về văn hóa, văn nghệ của Ðảng, nhất là vai trò của công tác lý luận, phê bình trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập; về những vấn đề nổi bật trong thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ và các nhà lý luận, phê bình văn nghệ là phải phát hiện, đề cao những nhân tố tích cực trong cuộc sống để loại bỏ những tư tưởng đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Phải phân biệt đâu là khát vọng đổi  mới thực sự, đâu là ý đồ nhân danh đổi mới để phủ nhận truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phủ nhận những thành quả cách mạng mà cha ông ta đã giành được bằng xương máu. Chính vì vậy, cùng với việc tôn trọng tự do sáng tác, cần đề cao ý thức trách nhiệm công dân của người cầm bút, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn học, nghệ thuật.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2011

Ths. Trần Kim Cúc

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền