Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta
Thứ tư, 07 Tháng 8 2013 09:23
6121 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người, có giá trị bền vững đối với mỗi bước phát triển của cách mạng Việt Nam, đặc biệt đối với thực hiện và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh các thế lực thù địch ra sức tiến công phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc như hiện nay thì tìm hiểu tư tưởng của Người về dân tộc cũng như giá trị của nó có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và về thực tiễn.

 

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động ở nước ta là khát vọng cháy bỏng và được hình thành từ rất sớm. Hiện thực xã hội Việt Nam, con đường thoát khỏi ách nô lệ của nhân dân lao động luôn là tiền đề xuất phát điểm cho mục đích, cho suy nghĩ và hành động của Người trên đường đi tìm đường cứu nước. Tiếp xúc với nhiều lý luận, học thuyết chính trị, nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tư duy kế thừa, phát triển và  sáng tạo để chắt lọc nhằm làm sáng tỏ con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn, con đường giải phóng dân tộc bằng cách mạng vô sản. Có thể thấy vấn đề dân tộc có tần suất rất lớn trong các tác phẩm và có vị trí quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vấn đề dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất cách mạng, khoa học; nó đối lập với các quan điểm phi mácxít và còn vượt lên trên quan điểm của Quốc tế cộng sản lúc bấy giờ. Bản chất cách mạng, khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc biểu hiện ở sự phản ánh đúng mâu thuẫn hiện thực xã hội Việt Nam, phù hợp với truyền thống lịch sử dân tộc ta và với tính chất của thời đại. Có thể thấy, vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh hàm chứa một nguyên tắc cơ bản là lấy mục tiêu tối cao, xuyên suốt nhất quán là giải phóng dân tộc, đưa nước ta tiến lên CNXH. Suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định và nhất quán với nguyên tắc đó, đồng thời rất linh hoạt trong vận dụng để tập hợp lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Nguyên tắc trên vừa phản ánh tính khoa học, cách mạng, vừa thể hiện sắc thái độc đáo Hồ Chí Minh. Nhận định về chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Chủ nghĩa dân tộc theo Hồ Chí Minh, hoàn không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc phong kiến, tư sản hay của Quốc tế II (càng không phải là chủ nghĩa dân tộc cải lương), mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính, theo lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sức mạnh của các dân tộc thuộc địa, đặc biệt là của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(2). Nhờ phát hiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc tế cộng sản phát động chủ nghĩa dân tộc để thực hiện giải phóng giai cấp, dân tộc, loài người khỏi áp bức bóc lột theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin. Người viết: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào sức mạnh, vào sự tất thắng và vai trò to lớn của chủ nghĩa dân tộc theo quan điểm của mình. Theo Người, sự thắng lợi của chủ nghĩa dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phát triển cách mạng thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(4).

Với chủ nghĩa dân tộc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã vượt trước các nhà yêu nước đương thời ở chỗ đã gắn cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta với cách mạng vô sản thế giới và xác định được rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam vốn tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc và giữa đại bộ phận nhân dân mà cơ bản là nông dân với kẻ chiếm hữu ruộng đất. Cách mạng chỉ có thể thắng lợi khi đồng thời giải quyết cả hai mâu thuẫn đó, nhưng trước hết phải giải quyết được mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”(5). Với tư tưởng về chủ nghĩa dân tộc làm cơ sở lý luận và với việc phân tích một cách khoa học mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định được rõ mục tiêu, con đường, biện pháp, đối tượng, lực lượng, động lực của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

 Từ sự phân tích mâu thuẫn cơ bản xã hội Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân tộc và việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, Mặt trận Việt Minh, hiện nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là sản phẩm tất yếu và là hiện thân hiện thực hóa trên thực tiễn của chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh đã đề ra. Khi đánh giá tầm vóc và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Việt Minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung của thiên tài Hồ Chí Minh. Việt Minh chứa đựng tư tưởng chính yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là sách lược, mà là chiến lược lâu dài, trước sau như một của người cộng sản yêu nước Hồ Chí Minh”(6).

Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng hùng hồn chứng minh bản chất cách mạng, khoa học, giá trị bền vững trong tư tưởng của Người về chủ nghĩa dân tộc chân chính. Giá trị đó không chỉ mang tính lịch sử, mà còn có tính thời đại, tính thời sự sâu sắc. Trong cuộc đấu tranh, cạnh tranh hiện nay, mỗi dân tộc đều phải tìm mọi cách tạo ra sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh từ con người, từ dân tộc, từ đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, đó là phương thức ưu việt nhất cho phát triển bền vững. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo ở các nước trên thế giới đã tìm thấy giá trị của chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng vào thực tiễn, phát triển đất nước mình. Tuy nhiên, hiệu quả của sự vận dụng còn phụ thuộc vào bản chất chế độ chính trị, lập trường chính trị của giai cấp thống trị xã hội ở từng nước. Giá trị cũng như sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ thật sự bền vững và có ý nghĩa tiến bộ xã hội khi hiểu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn xã hội. Đối với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thì chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là trọng tâm của sự chống phá cách mạng hiện nay. Chúng tìm mọi cách gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ bên trong của một dân tộc và giữa các dân tộc với nhau. Chúng tuyên truyền, ủng hộ cho chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân tộc cực đoan... gây hằn thù giữa các tộc người trong một dân tộc. Hiện nay, một số nước đã giành được độc lập dân tộc và đang có thiện chí với xu hướng XHCN. Xu hướng theo con đường phát triển CNTB hay là sự lệ thuộc vào các nước tư bản phát triển đã từng bước bộc lộ sự bế tắc ở nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc càng có giá trị và có tính phổ biến.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc là cơ sở để tiếp tục khái quát  và nâng tầm cao mới cho nền đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ quan điểm, nguyên tắc về đại đoàn kết toàn dân tộc một cách khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”(7); “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(8). Như vậy, nguyên tắc được rút ra từ chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc vừa có tính bất biến, vừa có sự linh hoạt trong vận dụng. Cái bất biến là lợi ích tối cao của dân tộc, là độc lập dân tộc và CNXH, còn sự linh hoạt trong vận dụng là tùy theo tình hình cụ thể để hình thành các tổ chức tập hợp quần chúng. Hai mặt đó luôn thống nhất với nhau, không quá đề cao hay hạ thấp một mặt nào.

 Đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là vấn đề lớn trong đường lối, quan điểm của Đảng và là sức mạnh vô địch bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Chủ đề lớn của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X của Đảng là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội...”(9). Có thể thấy, Đảng ta đã có sự phát triển, mở rộng và vận dụng cụ thể hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc vào thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay cần đặt nhiệm vụ trọng tâm vào bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó phải thật sự quan tâm đến tư tưởng của Người về dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải có trí tuệ, tri thức khoa học thì mới có thể vạch trần bản chất phản động, phản khoa học của các luận điệu sai trái; đồng thời tuyên truyền, xã hội hóa nội dung, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc.

Thế giới sẽ còn có nhiều đổi thay, biến động phức tạp khó lường, nhưng tư tưởng về chủ nghĩa dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị bền vững đối với cách mạng Việt Nam và với các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội trên thế giới.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2011

(1) Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.91.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.466

(3),(4) Sđd, tr.467

(5) Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương: Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 1945), NXB Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.191

(6) Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.16-17

(7),(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.438

(9) ĐCSVN: Dự thảo các văn kiện trình đại hội XI của Đảng, 2010, tr.66

TS Nguyễn Văn Thanh

NCS Lê Trọng Tuyến

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền