Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực tiễn    Kết quả nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII về xây dựng Đảng
Thứ năm, 15 Tháng 4 2021 08:14
4274 Lượt xem

Kết quả nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII về xây dựng Đảng

(LLCT) - Với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng, nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, toàn diện, góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất, ngày càng trong sạch, vững mạnh; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Từ khóa: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhiệm kỳ Đại hội XII, kết quả nổi bật.

Những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII về công tác xây dựng Đảng thể hiện trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có sự chuyển biến rất tích cực

Tại Đại hội XII, Đảng ta đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm mà nhiều nhiệm kỳ trước chưa có giải pháp đủ mạnh để giải quyết dứt điểm và vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(1). Vì thế, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ “phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”. Đồng thời, Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(2). Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là lần đầu tiên, Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 15 ngày 14 - 5 -2019 cụ thể hóa thành 82 biểu hiện (trong đó suy thoái về tư tưởng chính trị: 29 biểu hiện; suy thoái đạo đức, lối sống: 30 biểu hiện; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: 23 biểu hiện). Việc tổ chức kiểm điểm diễn ra 2 lần/năm và theo quy định nếu dưới 20% biểu hiện suy thoái thì bản thân đảng viên tự soi tự sửa; 20-50% thì tự kiểm điểm; trên 50% thì viết kiểm điểm trước chi bộ và nếu lần sau vẫn trên 50% thì báo cáo cấp trên xem xét xử lý. Tuy một số tổ chức đảng vẫn còn tình trạng hình thức, đối phó nhưng nhìn chung việc thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã giúp cán bộ, đảng viên nghiêm túc tự soi, tự sửa và cũng là thông điệp để cảnh tỉnh, răn đe những người không chịu rèn luyện, phấn đấu, tham vọng quyền lực, quan liêu, xa dân, vun vén lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.

Cùng với Quy định số 101 ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nên gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, chỉ rõ 8 nội dung các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện. Đây là những văn bản quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái trong Đảng, khi người đứng đầu trong sạch, có quyết tâm chính trị rất cao và thực sự làm gương, nêu gương.

Đồng thời, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức phong phú, có tác dụng lan tỏa trong Đảng và trong xã hội.

Tuy còn một số vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội cần sớm được giải quyết nhưng những kết quả trong công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã thực sự được đảng viên và nhân dân ghi nhận. Theo Báo cáo số 18-BCĐT/DLXH ngày 3-2-2020 của Vụ Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả thăm dò dư luận xã hội, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được cán bộ, đảng viên đánh giá đạt kết quả “đáng phấn khởi” tăng từ 39% năm 2018 lên 59% năm 2019; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” được cán bộ, đảng viên đánh giá đạt kết quả “đáng phấn khởi” tăng từ 29% năm 2018 lên 48% năm 2019.

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được toàn Đảng, toàn dân đánh giá rất cao

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vẫn nhận định “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí”(3). Vì thế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tập trung chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng lâu và gây bức xúc trong xã hội có liên quan đến nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp. Do đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng đạt được kết quả tích cực. Nếu cả nhiệm kỳ Đại hội XI, thanh tra chỉ phát hiện các vụ việc tham nhũng với tài sản 1.022 tỷ đồng; 73,6 ha đất, chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người liên quan thì nhiệm kỳ Đại hội XII, thanh tra phát hiện tham nhũng với tài sản 477 nghìn tỷ đồng và hơn 8.600 ha đất, kiến nghị xử lý 8.700 tập thể, và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra  451 vụ, 648 đối tượng.

Trong nhiệm kỳ XII, công tác phòng, chống lãng phí đã thực sự trở thành tâm điểm, được nhiều cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả bước đầu quan trọng. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Điều đó được đông đảo đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thứ ba, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị đạt kết quả rõ rệt

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 2 nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19 -NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Chính trị ban hành kế hoạch và các nghị quyết, kết luận để thực hiện, nhất là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, là cơ sở chính trị, pháp lý để các cấp thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động cụ thể hóa và xây dựng văn bản, kế hoạch, đề án phù hợp với tình hình thực tế và triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm gắn với đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp. Việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả rõ nét. Biên chế của cả hệ thống chính trị có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây, cơ bản bảo đảm lộ trình theo quy định. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Có thể so sánh kết quả của 2 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây:

Về tổ chức, bộ máy:

Từ năm 2011 đến 2013: số cục và tương đương tăng 21, cục và tương đương thuộc bộ tăng 23; cục và tương đương thuộc tổng cục tăng 98; biên chế hành chính từ 322.447 người lên 393.828, tăng 22%; viên chức 1.269.337 người lên 1.791.806 người tăng 41%. Đến tháng 6-2017 có 42 tổng cục tăng gấp đôi so với năm 2011 với 4 triệu người; cục thuộc tổng cục: 826, tăng 4,7% (riêng Bộ Công an 126); 7.280 phòng, tăng 4,7%; vụ, cục thuộc bộ 750, tăng 13,6%; phòng thuộc cục và tương đương 4.000, tăng 13% (chưa tính Quân đội, Công an). Riêng cơ quan tham mưu giúp việc Trung ương tăng 23 đầu mối cấp vụ (21,9%); 40 đầu mối cấp phòng (tăng 9,32%) và tăng 1.265 biên chế (12,12%). Qua 5 năm đã tăng 500 đơn vị thuộc bộ, thêm 30 cục với 120 nghìn cán bộ, 81 nghìn lãnh đạo cấp phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% cán bộ, công chức; tỷ lệ cán bộ/công chức là 1/5.

Tính đến ngày 31-12-2019, đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; 6 tổng cục và tương đương; 19 cục, vụ, 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; 3.768 phòng, đội và tương đương; giảm 4.963 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 3.646 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương... Giảm 10.386 cấp trưởng, cấp phó ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Giảm 3.306 cấp trưởng, 4.080 cấp phó ở các đơn vị sự nghiệp công lập địa phương. Theo đó, lãnh đạo cục, vụ và tương đương giảm 194 người; lãnh đạo phòng và tương đương 1.441; lãnh đạo đơn vị sự nghiệp (trừ Quân đội, Công an): 279. Các sở ngành và tương đương giảm 827 lãnh đạo; lãnh đạo phòng giảm 9.063; lãnh đạo đơn vị sự nghiệp ở địa phương giảm 8.131 người.

Về chính quyền địa phương:

 Nhiệm kỳ Đại hội XI: tính đến 31-12-2016, cả nước có 63 tỉnh, thành phố (58 tỉnh, 5 thành phố); 713 đơn vị cấp huyện (546 huyện, 49 quận, 51 thị xã, 67 thành phố thuộc tỉnh); 11.162 đơn vị hành chính cấp xã (8.978 xã, 1.581 phường và 603 thị xã. Trong 10 năm (2007-2017) giảm được 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh thì tăng 165 đơn vị hành chính cấp huyện và tăng 194 đơn vị hành chính cấp xã.

Nhiệm kỳ Đại hội XII, tính đến ngày 31-12-2019, đã giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã. Các tỉnh, thành phố đã giảm 15.354 thôn, tổ dân phố.

Về biên chế:

Tính đến ngày 31-12-2019, đã giảm được 539.926 người (giảm 14,78% so với biên chế giao tại thời điểm 30-4-2015). Biên chế khối đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã giảm 11,24%. Đã giảm 41.089 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (giảm 21,7%) và 222.351 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (giảm 31,2%) so với thời điểm 30-4-2015.

Về tài chính:

Tổ chức bộ máy giảm, biên chế giảm thì chi cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2019 đã giảm trên 10 nghìn tỷ đồng (theo kế hoạch giao năm 2019). Dự toán chi thường xuyên của cả nước năm 2018 chiếm 61,8% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm 3,1% so với năm 2017, tương đương trên 30 nghìn tỷ đồng (trong khi đó vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm) và thấp hơn kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%). Năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước đã giảm trên 5 nghìn tỷ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Theo đó, chi cho đầu tư phát triển từ 19,7% năm 2016 lên 26,2% theo dự toán năm 2018. Chi đầu tư phát triển tăng từ 19,7% năm 2016, lên 28,8% năm 2018, 26,3% năm 2019.

Thứ tư, công tác cán bộ có những đổi mới mạnh mẽ, từng bước ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền

Nhiều nhiệm kỳ nhận thức được vai trò của cán bộ và công tác cán bộ nhưng vấn đề cán bộ luôn phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực nhưng khó phát hiện, xử lý. Công tác cán bộ vẫn là khâu yếu và luôn là một trong những vấn để bức xúc nhất mà dư luận xã hội quan tâm. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ XII, công tác cán bộ thực sự được chú trọng với vị thế là một trong những giải pháp đột phá. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kết luận số 75-KL/TW ngày 30-5-2020 về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Dấu ấn của nhiệm kỳ này về công tác cán bộ là việc từng bước hoàn thiện thể chế. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020); Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25-2-2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Kết luận số 24-KL/TW ngày 15-12-2017 về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ diện Trung ương quản lý... Ban Bí thư ban hành Thông báo số 13-TB/TW ngày 17-8-2016 về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

Các cấp ủy đảng đã chú trọng chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ về công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong nhiệm kỳ đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhìn chung, những cán bộ được điều động, luân chuyển cơ bản phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý bằng những kết quả cụ thể.

Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 31-12-2019, Trung ương đã luân chuyển, điều động 15 đồng chí ủy viên Trung ương Đảng (cả dự khuyết) giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và phó ban đảng; 3 đồng chí ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng luân chuyển giữ chức phó bí thư tỉnh ủy; 10 đồng chí luân chuyển giữ chức phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và thứ trưởng; 1 đồng chí điều động, bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 704 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 380 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 3.608 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và 1.701 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

Những nỗ lực trong công tác cán bộ đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng về công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến, nâng cao năng lực lãnh đạo và ý thức phục vụ nhân dân hơn, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Các vụ việc “chạy luân chuyển” hầu như không còn; “chạy tội”, “chạy chức, chạy quyền” giảm đáng kể.

Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện có hiệu quả và đã xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Các quy định, quy chế, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được sửa đổi, bổ sung, ban hành bảo đảm đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ hơn, xác định rõ hơn nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát làm cơ sở để xem xét, đánh giá, kết luận, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Nhiệm kỳ qua, các cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 2.560 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; 321 đảng viên kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó có 26 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, 3 đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 30 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an (trong khi đó, nhiệm kỳ Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền chỉ xử lý kỷ luật 11 trường hợp cán bộ diện Trung ương quản lý, không có trường hợp nào là ủy viên Trung ương Đảng).

Dù còn những bất cập trong đấu tranh chống tham nhũng, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác kiểm tra, giám sát, bởi tính phức tạp của nó, nhưng những con số nêu trên đã phản ánh quyết tâm chính trị rất cao, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp ủy đảng, ngành tổ chức và những thành tựu rất đáng ghi nhận mà nhiều nhiệm kỳ trước chưa làm được.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1), (2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 185, 217, 68.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền