Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền
Thứ năm, 03 Tháng 10 2013 14:01
10750 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền

(LLCT)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng và củng cố Đảng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và mỗi đảng viên chân chính.Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh thể hiện ở nhiều nội dung, từ giữ vững lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân trong xây dựng đường lối, chiến lược và sách lược, đến xây dựng tổ chức, bộ máy của Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Những nội dung trên có mối quan hệ khăng khít, bổ sung cho nhau và có tầm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

1. Giữ vững lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân trong xây dựng đường lối, chiến lược và sách lược

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong một quốc gia thuộc địa, nửa phong kiến, nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những tàn dư phong kiến, đó là tâm lý tiểu nông, chủ nghĩa cá nhân...Với thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Do đa số đảng viên xuất thân từ công nhân, nông dân nên trình độ văn hoá và lý luận nói chung còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh nêu rõ, phải chỉnh huấn, chỉnh đốn lại nội bộ Đảng, để cán bộ trong Đảng hiểu rõ lợi ích của Đảng luôn gắn với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc, hiểu rõ hơn nhiệm vụ của chính mình; làm cho cán bộ ngoài Đảng hiểu và tin Đảng hơn trước, thông qua đó để xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Để bảo đảm đề ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, thì Đảng cần phải thường xuyên tăng cường xây dựng, củng cố và chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức, không ngừng nâng cao trình độ lý luận của Đảng.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường cách mệnh, tại trang đầu cuốn sách, Người dẫn luận điểm của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1), đó là một trong những nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Năm 1960, trong tác phẩm Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định bài học kinh nghiệm lớn đưa cách mạng Việt Nam thành công là do “Đảng ta luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn”(2).

Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, trước hết, cần phải nhất quán sự lựa chọn và khẳng định hệ tư tưởng, thế giới quan và mục tiêu cần hướng tới của Đảng trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, trong đó, mục tiêu này thống nhất với mục tiêu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Thứ hai, nhận thức sâu sắc, đầy đủ việc xây dựng và bảo vệ hệ tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo những nguyên lý này vào tình hình cụ thể của đất nước, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin thấm sâu vào từng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, thực sự là cơ sở tư tưởng cho hành động. Thứ ba, xác định rõ những nhận thức, quan điểm lệch lạc, sai trái, để đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng, trong xây dựng đường lối, chiến lược và sách lược của Đảng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, củng cố vững chắc quan điểm, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phương pháp đấu tranh cho đội ngũ đảng viên và các tổ chức đảng. Thứ tư, thực hiện tốt phê và tự phê bình trong học tập lý luận chính trị của đảng viên; chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục, nâng cao nhận thức cho đảng viên. Cần gắn học tập lý luận và chính trị trong mối quan hệ với nguyên tắc phê và tự phê để tìm ra phương hướng, biện pháp và cách thức hiệu quả để tiếp tục học tập tốt hơn nữa.

2. Xây dựng tổ chức, bộ máy của Đảng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng

Xây dựng tổ chức, bộ máy của một chính đảng vô sản kiểu mới luôn là một nội dung quan trọng trong cả lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng. Kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin về xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức bộ máy của Đảng, coi đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Theo Người, việc xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng cần:

Thứ nhất, mục tiêu của việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng là vì lợi ích của nhân dân.

Điều này xuất phát từ chính bản chất của một Đảng Mác - Lênin chân chính. Lợi ích của nhân dân, dân tộc là mục tiêu cao nhất, là ước vọng phấn đấu của mỗi đảng viên chân chính cũng như của toàn Đảng. Ngoài lợi ích của dân tộc, Tổ quốc và nhân dân, thì Đảng không có bất kỳ một lợi ích nào khác, bởi lẽ, Đảng là một tổ chức xuất phát từ dân, vì dân mà được tổ chức ra, đó “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3).

Thứ hai, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng phải giữ gìn sự thống nhất của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết trong nội bộ Đảng.

Giữ gìn sựthống nhất của Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cần phải được giữ gìn “như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ; tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức...”(4).

Thứ ba, thực hiện tốt nguyên tắc “dân chủ tập trung” trong xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng. Thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng.

Điều này đã được Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(5). Do vậy, Đảng cần phải “giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”(6).

Như vậy, trong xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng, thể hiện ở các điểm sau:

- Đảng lãnh đạo thống nhất công tác cán bộ.

- Xây dựng tổ chức, lựa chọn cán bộ cần tập trung trí tuệ của nhiều người, quyết định theo đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên.

- Thực hiện dân chủ tập trung trong tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, trong chỉnh đốn tổ chức của Đảng.

- Dựa vào nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Đảng.

Thứ tư, chỉnh đốn, kiện toàn bộ máy của Đảng từ trên xuống dưới một cách gọn gàng, hợp lý. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải được quy định rõ ràng, được thường xuyên đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện. Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng cần được thực hiện một cách thận trọng, vững chắc, tránh nóng vội; thực hiện rộng rãi trong quần chúng để huy động được tối đa những cá nhân tích cực, nhiệt tình cách mạng trong bộ máy của Đảng.

Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng, của đảng viên mà cũng là của toàn dân, bởi lẽ, Đảng do dân, vì dân mà được tổ chức ra, hoạt động vì lợi ích của dân, ngược lại, dân là gốc rễ của Đảng. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng nhiều cách, như: nhận thức để hiểu rõ Đảng, mục tiêu của Đảng; tích cực hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ủng hộ Đảng; đóng góp ý kiến cho Đảng về xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ; giúp Đảng hiểu rõ tình hình thực tế và nguyện vọng của nhân dân để ra chính sách đúng, kịp thời,...

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Đã là Đảng cầm quyền bao giờ cũng phải giải quyết hai vấn đề quan trọng, đó là xác định đúng đắn đường lối chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ của Đảng, coi đó là một nội dung quan trọng trong xây dựng bộ máy, tổ chức của Đảng và Nhà nước. Người nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do vậy, Người luôn quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên cả ở tầm  lý luận và hoạt động thực tiễn. Đây là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài, với những nội dung hết sức phong phú, đa dạng, từ tuyển chọn cán bộ, đến đào tạo, bố trí, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ cán bộ.

Thứ nhất, về tuyển chọn cán bộ của Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mẫu mực cần được tuyển chọn là những người có những đặc điểm cơ bản sau:

1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm "TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc.

2. Làm việc không mệt mỏi tuỳ theo phương tiện và năng lực của mình. Xem thường cái chết, bất chấp hiểm nguy.

3. Thuận theo hoàn cảnh về thời gian, không gian, không bỏ qua điều gì; luôn luôn nói và hành động một cách có ý thức. Suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động.

4. Lãnh đạo, hướng dẫn, giáo dục nhân dân, tạo sự tin cậy từ nhân dân để có thể sử dụng sức mạnh của nhân dân cho sự nghiệp cách mạng.

5. Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc; không cục bộ, không kiêu ngạo, kiên trì và nhẫn nại. Thực sự khiêm tốn, khoan hoà, lượng thứ đối với đồng nghiệp và nhân dân(7).

Thứ hai, về đào tạo cán bộ của Đảng.

Đào tạo cán bộ cần thực hiện một cách tổng hợp, từ đào tạo văn hoá, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đến lý luận, chính trị; tức là tạo cho được một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Theo đó, nội dung đào tạo cần xuất phát từ yêu cầu thực tế, thiết thực, không phô trương, hình thức; cần: “Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung”(8); và việc học tập cần học một cách cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất của vấn đề.

Song, để thực hiện tốt đào tạo cán bộ thì khâu lựa chọn người dạy và học cần hết sức kỹ càng; tổ chức lớp học cần phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phương pháp dạy và học cần khoa học. Đối với người dạy thì, người dạy nghề nào phải tinh thông nghề đó, luôn trau dồi nghề đó. Người đào tạo về lý luận cần phải thông suốt, nắm vững các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có tư cách đạo đức cách mạng, hết lòng vì Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân. Đối với người học, thì phương thức tự học, tự đào tạo cần được coi là phương thức chính để tu dưỡng đạo đức cách mạng, cũng như để đạt được mục đích học tập.

Về nội dung đào tạo, theo Hồ Chí Minh, do cách mạng là một công việc to lớn, nên nội dung đào tạo hết sức phong phú, song cũng cần hết sức thiết thực, bao gồm 3 nội dung chính:

- Đào tạo lý luận: Trước hết cần làm cho cán bộ nhận thức rõ tầm quan trọng của lý luận và việc đào tạo, huấn luyện về lý luận cho cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh khẳng định: “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, do đó, cần đào tạo lý luận cho cán bộ, đảng viên để giải quyết tốt yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và thực tế của Đảng; gắn học tập lý luận với liên hệ thực tiễn, vì hoạt động thực tiễn.

- Đào tạo chuyên môn cần căn cứ vào đối tượng, nhu cầu và nhiệm vụ chuyên môn của từng loại cán bộ; bảo đảm mỗi cán bộ đều phải chuyên sâu một nghề. Theo Người, để việc đào tạo chuyên môn được tốt, cần đào tạo văn hoá, nâng cao trình độ học vấn của cán bộ, vì đây là cơ sở quan trọng để có thể tiếp tục đào tạo lý luận, chuyên môn và nghiệp vụ. Việc tổ chức đào tạo chuyên môn cần dựa trên cơ sở “phải theo trình độ văn hoá cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp”(9), để việc học tập có hiệu quả, tránh chênh lệch trình độ. Người yêu cầu, mọi cán bộ, đảng viên đều phải nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, văn hoá, kỹ thuật, lao động sản xuất…

- Đào tạo chính trị với hai nội dung huấn luyện thời sự và huấn luyện chính sách. Theo Hồ Chí Minh, nếu cán bộ chỉ có văn hoá, giỏi chuyên môn, mà thiếu hoặc không có hiểu biết về chính trị, hay hiểu biết chính trị không đầy đủ, thì chưa đủ, như một mắt mở, một mắt nhắm và do đó khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao.

Hồ Chí Minh còn cho rằng, công tác đào tạo cán bộ cần phải giúp người học nhận thức rõ phương châm, phương pháp và cách thức học tập. Đó là:

Thực hiện học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt. Nghĩa là, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, rèn luyện tư duy độc lập và sáng tạo, cải tiến phương pháp, xây dựng tác phong làm việc khoa học, nhằm nâng cao chất lượng công việc của mình tuỳ theo mỗi vị trí đảm nhiệm trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Cán bộ cần phải học tập, tu dưỡng không ngừng, và “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(10) và “lấy tự học làm cốt”.

 Thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi với những hình thức phù hợp, trong đó học tập trong thực tiễn, trong nhân dân là một hình thức quan trọng. Người khẳng định: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”(11). Đồng thời, bảo đảm nguyên tắchọc tập đi đôi với làm việc nhằm bảo đảm mục tiêu của học tập là phải thiết thực, bổ ích, hiệu quả và sát thực với công việc của mỗi cán bộ, đảng viên, tránh mọi sự lãng phí vô ích.

Thứ ba, về bố trí, sử dụng và đánh giá cán bộ.

Lựa chọn và đào tạo cán bộ đã quan trọng, song bố trí và sử dụng cán bộ lại càng quan trọng. Hồ Chí Minh cho rằng, “dụng nhân như dụng mộc”, tránh dùng cán bộ “một bề”, và phải khéo dùng cán bộ. Vì, nếu “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(12); và “bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng”(13). Người còn khẳng định, “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ”(14).

Trong xem xét, đánh giá cán bộ cần “quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng biến hoá”, nên cần phải “xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ”. Hơn nữa, người đánh giá cán bộ, cần phải là người trung trực, chí công vô tư, người phải tự biết mình trước khi biết người, vì “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(15).

Trong 25 năm đổi mới toàn diện đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được, xét về chủ quan, Đảng ta cũng còn một số hạn chế, như tình trạng lạc hậu, yếu kém về lý luận; cơ cấu tổ chức và bộ máy còn cồng kềnh, năng lực của đội ngũ cán bộ còn những hạn chế trước yêu cầu của tình hình mới; tình trạng xa dân, quan liêu, tham nhũng cũng là một vấn nạn trong Đảng. Do vậy, để Đảng trở thành một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn hiện nay, cần nghiên cứu, vận dụng sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng theo nguyên tắc “tinh giảm, hiệu quả”; bảo đảm mỗi bộ phận trong hệ thống đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng giao, phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng vừa “hồng” vừa “chuyên”; giỏi về lý luận, đồng thời tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng đối với từng chức danh, công việc cụ thể. Bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định về cán bộ công chức, từ tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2011

(1),(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.259, 449- 450.

(2),(4),(13) Sđd, t.10, tr.17, 311, 466- 467.

(3),(9),(10,(15) Sđd, t.5, tr.249, 271, 252, 277.

(5),(6)Sđd, t.7, tr.229, 235.

(8),(11) Sđd, t.6, tr.52, 50.

(12) Sđd, t.4, tr.39.

(14) Sđd, t.12, tr.211.

 

TS Nguyễn Dương Hùng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền