Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Văn hóa đối ngoại theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ tư, 09 Tháng 10 2013 14:04
9159 Lượt xem

Văn hóa đối ngoại theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Xã hội càng phát triển, người ta càng nói nhiều hơn đến văn hóa, văn minh. Văn hóa kết tinh ở những giá trị mà con người tạo ra và biểu hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, khi giao lưu văn hóa ngày càng phát triển thì thuật ngữ “văn hóa đối ngoại” càng được sử dụng nhiều hơn.

Trong các tác phẩm của mình, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa lần nào sử dụng thuật ngữ “văn hóa đối ngoại”, tuy nhiên qua cách diễn đạt của các ông, chúng ta có thể hiểu rằng văn hóa đối ngoại là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động đối ngoại. Nó biểu hiện ở nội dung của chính sách đối ngoại cũng như nhận thức, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại và kết quả mà họ tạo ra trong hoạt động đó.

Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, chủ thể của văn hóa đối ngoại có thể là các cá nhân hay tập thể, đại diện cho một nước hay một Đảng của nước này trong quan hệ giao tiếp với nước khác, mà ở đó nhận thức và hành vi của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động đối ngoại. Do đó, dù chủ thể là cá nhân hay tập thể thì trong quan hệ đối ngoại, họ đều phải có tri thức, có hành vi xử sự đúng mực và tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

Văn hóa đối ngoại được thể hiện qua chính sách và những nguyên tắc đối ngoại. Trong Lời kêu gọi thứ nhất của Tổng hội đồng Hội liên hiệp công nhân quốc tế về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, C.Mác có nêu ra nguyên tắc của quan hệ đối ngoại cần phải có như sau: “phấn đấu sao cho những đạo luật đơn giản về đạo đức và chính nghĩa mà các cá nhân phải tuân theo trong các quan hệ của họ, trở thành những đạo luật tối cao trong các quan hệ giữa các dân tộc”(1). Nguyên tắc thấm đẫm chất văn hóa ấy đã được C.Mác và Ph.Ăngghen nhắc đi nhắc lại nhiều lần, coi đó là kim chỉ nam cho quan hệ đối ngoại của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các ông cho rằng, các Đảng Cộng sản cần phải có sự liên kết rộng rãi, tranh thủ sự giúp đỡ của các đảng, các lực lượng tiến bộ, các phong trào cách mạng trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Các ông còn chỉ rõ, sự liên kết đó là cần thiết, song phải đúng nguyên tắc, trên cơ sở mục đích chính trị của giai cấp công nhân, đó là: một mặt, tích cực ủng hộ những lực lượng tiến bộ, có xu hướng chống lại giai cấp tư sản; mặt khác, tăng cường ảnh hưởng của phong trào công nhân để mở rộng và phát triển lực lượng, phong trào cách mạng.

Mặc dầu hiện nay có những luận điệu phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin ở khía cạnh bạo lực, song nếu nghiên cứu kỹ thì thấy rằng, trong các tác phẩm của mình, các ông hết sức đề cao nguyên tắc hòa bình, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Các ông hằng mong muốn và dự báo: “đối lập với xã hội cũ cùng với sự bần cùng về kinh tế và sự điên rồ về chính trị của nó đang xuất hiện một xã hội mới mà nguyên tắc quốc tế của nó sẽ là hòa bình, bởi vì tất cả các dân tộc sẽ đều có cùng một nguyên tắc giống nhau ngự trị - lao động!”(2).

Nhất quán với quan điểm của Mác và Ăngghen, V.I.Lênin cũng lấy nguyên tắc đoàn kết quốc tế vô sản vì mục đích chính nghĩa làm nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga. Ông cho rằng, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga phải ủng hộ mọi hành động quốc tế và cách mạng của quần chúng vô sản, cố gắng làm cho tất cả những phần tử chống chủ nghĩa sôvanh trong Quốc tế xích lại gần nhau. Nhận thức và hành vi văn hóa trong hoạt động đối ngoại còn được biểu hiện qua những cố gắng trong chính sách đối ngoại nhằm hướng tới mục đích tốt đẹp: “chúng ta chỉ còn có cách là hướng những cố gắng của chính sách đối ngoại của chúng ta vào việc giáo dục quần chúng công nhân Tây Âu, giáo dục không phải với ý là chúng ta tự cho mình đã được chuẩn bị hơn họ, mà với ý là chừng nào giai cấp tư sản chưa bị đánh đổ ở trong một nước thì thống trị trong nước đó vẫn còn là chế độ kiểm duyệt quân sự và là tấm màn sương mù đẫm máu không thể tưởng tượng được...”(3).

Phát triển tư tưởng của Mác và Ăngghen, Lênin đã bổ sung những nguyên tắc hoạt động đối ngoại qua thực tiễn của nước Cộng hòa XHCN Xôviết Nga. Một trong những nguyên tắc ấy là công khai và thông tin sự thật. Tại Hội nghị lần thứ IX toàn Nga của Đảng Cộng sản (b) Nga, Người đã tuyên bố: “những phương pháp của đường lối ngoại giao mới của chúng ta là tuyên bố công khai và thẳng thắn”(4). Với nguyên tắc đó, Chính phủ Nga đã thực hiện một đường lối đối ngoại công khai, vạch trần các hiệp định đế quốc bí mật và những luận điệu lừa bịp nhân dân thế giới. Nhờ vậy mà công nhân và nông dân các nước ngày càng thấy được sự thật và hiểu rõ vì đâu đã nổ ra cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa.

Một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động đối ngoại mà các chủ thể tham gia hoạt động này cần phải tuân thủ, đó là nguyên tắc có sự lãnh đạo thống nhất. Lênin đã phê phán những hành vi cá nhân chủ nghĩa trong quan hệ đối ngoại. Ông cho rằng, những hành vi như thế sẽ rất nguy hại đối với lợi ích quốc gia, dân tộc. Ông viết: “Tsi-tsê-rin chuyển cho tôi văn bản bức công hàm mà I-óp-phê đã nhân danh cá nhân gửi cho chính phủ Đức, trong đó thỏa thuận trả lại những chiếc tàu của Hạm đội Hắc hải... Làm sao nói chung lại có thể nhân danh cá nhân gửi công hàm về một vấn đề quan trọng như vậy, mà lại không bàn bạc với ai cả, tôi không thể hiểu nổi...”(5).

Nếu như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra những nguyên tắc chung trong quan hệ đối ngoại giữa các dân tộc, thì Hồ Chí Minh lại bàn cụ thể hơn về hành vi văn hóa của các chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại. Người cho rằng, các chủ thể hoạt động đối ngoại cần phải có thái độ tôn trọng nhau, tôn trọng tự do, dân chủ của nhau. Hành vi văn hóa cần được biểu hiện qua ngôn ngữ giao tiếp. Theo Người, để đạt được quan hệ đối ngoại tốt đẹp, ngôn ngữ giao tiếp phải mềm mỏng, khéo léo. Người viết: “Cố nhiên, chúng ta tôn trọng tự do báo chí, nhất là hai nước tôn trọng dân chủ như nước Pháp và nước Việt Nam. Vì vậy, hai Chính phủ có hứa với nhau rằng từ đây về sau, các báo hoặc của Chính phủ, hoặc của dân chúng, sẽ thôi chửi nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”(6). Với hành vi xử sự như vậy, Người hy vọng rằng, báo chí và truyền thanh hai bên sẽ giúp cho hai dân tộc ngày càng tiến tới chỗ hiểu biết nhau và có một tình cảm tốt đẹp.

Văn hóa đối ngoại còn được thể hiện qua các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế.

Tư tưởng về quốc tế hóa đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị đã được Mác và Ăngghen nêu rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(7).

Một hoạt động được Lênin rất chú trọng là giao lưu văn hóa giữa các nước vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại. Người quan tâm đến việc đầu tư tài lực và nhân lực cho hoạt động thu thập tài liệu, sách báo nước ngoài và tổ chức dịch, xuất bản, quảng bá những sách báo có giá trị. Người nêu rõ: “Trên các báo chí nước ta cũng như nước ngoài (không chỉ báo chí cộng sản mà cả báo chí tư sản nhiều nước khác nhau) hàng tuần tích tụ lại một khối lượng tài liệu khổng lồ, đặc biệt là về chính sách đối ngoại của khối Đồng minh.

Tài liệu này (xem cả “Bản tin của Bộ dân ủy ngoại giao”) không được sử dụng cho công việc tuyên truyền cộng sản quốc tế, nhưng nó thì lại hết sức quý.

Tôi đề nghị thành lập một ủy ban nhằm tổng hợp tài liệu đó và hàng tháng xuất bản những cuốn sách nhỏ.

Nội dung: những sự kiện thực tế về chính sách đối ngoại của khối Đồng minh... Số lượng bản - ít nhất, bởi vì mục đích chính là để dịch ra các thứ tiếng khác.

Một tiểu ban gồm một số giáo sư (dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt) phải thu thập tất cả những gì quý báu, đặc biệt lấy trong những tờ báo tư sản (những báo này tiết lộ “các đối thủ”của mình một cách tốt hơn cả).

Một ủy ban gồm các đồng chí đảng viên sẽ đọc những bản thảo của các giáo sư, sửa chữa và buộc họ phải sửa chữa.

Báo chí sẽ bị mất đi; còn những cuốn sách thì sẽ được giữ lại và sẽ giúp đỡ cho các đồng chí nước ngoài(8).

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng hoạt động giao lưu văn hóa. Quan điểm của Hồ Chí Minh về tiếp thu tiến bộ văn hóa nhân loại đã được hình thành ngay từ những năm Người còn bôn ba tìm đường cứu nước. Từ năm 1919, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của giao lưu văn hóa quốc tế đối với sự tiến bộ chung. Người viết: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(9). Người cho rằng, chính sự biệt lập, không quan hệ hợp tác với nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu dân tộc. Dĩ nhiên, quan hệ đó phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Sau này, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-1-1946, Người nói rằng, văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Ý kiến nói trên của Hồ Chí Minh cho thấy rằng, quan điểm của Người về xây dựng nền văn hóa mới là hết sức rộng mở, tiên tiến và hiện đại. Giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam - đó là những nét đặc sắc trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy đã được vận dụng và phát huy trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là thời kỳ đất nước ta mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế.

Trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh cũng đã nêu rõ những hình thức giao lưu văn hóa với các nước. Đó có thể là hợp tác về đào tạo cán bộ; gửi các đoàn chuyên gia sang giúp đỡ lẫn nhau; giao lưu biểu diễn ca múa, nghệ thuật; tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế; trao đổi sách báo v.v.. Trong một hội nghị quốc tế tổ chức ở Bắc Kinh, Người đã phát biểu rằng, những hội nghị thảo luận khoa học như thế sẽ thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết và hợp tác giữa các nhà khoa học, tạo điều kiện cho sự phát triển khoa học và văn hóa nhằm khôi phục độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Trong quan hệ đối ngoại, Người luôn tuân thủ những nguyên tắc chung, đồng thời cũng hết sức linh hoạt và khéo léo nhằm đạt được những kết quả tốt nhất. Người cho rằng, các chủ thể tham gia hoạt động giao lưu văn hóa cần phải biết phân biệt đâu là những giá trị cần tiếp thu và đâu là loại văn hóa suy đồi cần phải chống. Chẳng hạn, Người viết: “Mỹ đã cho sang nhiều báo chí, phim dâm đãng, trụy lạc để đầu độc thanh niên ta. Chúng ta phải kiên quyết tẩy chay những thứ đó”(10). Còn những loại sách báo quốc tế có giá trị cần thiết cho việc giáo dục, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ và nhân dân thì Người lại đề nghị Quốc tế Cộng sản gửi cho.

Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy để phát triển văn hóa đối ngoại, cần có một số yêu cầu sau đây:

Một là, có sự đầu tư xác đáng về nhân lực, vật lực và tài lực cho văn hóa đối ngoại. Lênin cho rằng, về mặt tổ chức, cần có một văn phòng đại diện ở nước ngoài, vì nó có thể đem lại lợi lớn... Dĩ nhiên, một văn phòng như vậy muốn hoạt động được thì phải có kinh phí và nhân lực. Văn phòng có nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa của nước mình ra thế giới và giới thiệu những tinh hoa văn hóa của thế giới với nước mình, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Ngay từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga còn non trẻ, Lênin đã yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương các xô viết cấp tiền để tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại như thu thập sách báo nước ngoài, biên dịch, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Ông đã ra chỉ thị: “Cần phải xuất bản nhiều hơn gấp 100 lần. Tiền thì có. Hãy thuê người phiên dịch”(11). Lênin nhiều lần nhắc nhở rằng, cần phải tăng thêm và mở rộng những hoạt động phục vụ cho tuyên truyền quảng bá văn hóa, đoàn kết quốc tế và hiểu biết lẫn nhau.

Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để văn hóa đối ngoại phát triển, cần đầu tư cho các hoạt động dịch thuật, xuất bản, xây dựng các thiết chế văn hóa như thư viện, câu lạc bộ, các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình, rạp chiếu phim,... Người có nêu ví dụ về các thiết chế văn hóa của Liên Xô: “Phát thanh là một cách rất rộng lớn để truyền bá văn hóa. Liên Xô có 20 triệu máy truyền thanh bằng 46 thứ tiếng các dân tộc của Liên Xô và 30 thứ tiếng nước ngoài, 75 đài phát thanh, hàng triệu máy nghe, hàng triệu máy truyền hình. Liên Xô có hơn 60.000 rạp chiếu bóng. Tính đổ đồng thì mỗi người Liên Xô, từ cụ già hơn 100 tuổi đến em bé mới lọt lòng, mỗi năm mỗi người được xem chiếu bóng độ 13 lần. Các thành phố đều có cung văn hóa và nhiều câu lạc bộ...”(12). Thông qua thí dụ này, Hồ Chí Minh muốn khẳng định nhiệm vụ xây dựng các thiết chế văn hóa, nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, đối ngoại.

Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, văn hóa đối ngoại phụ thuộc vào trình độ, tri thức và kinh nghiệm cũng như phẩm chất, đạo đức của các chủ thể làm công tác đối ngoại. Những yếu tố đó không tự nhiên có mà phải qua đào tạo, bồi dưỡng, tự rèn luyện, qua trường học thực tiễn mới có được. Hồ Chí Minh cũng từng dạy: “muốn khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa thì cần cán bộ rất nhiều, nhưng cán bộ ta còn thiếu. Vậy ta phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hóa làm gốc”(13). Thông qua đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ sẽ được trang bị lý luận và kinh nghiệm đối ngoại, nâng cao trình độ tri thức và văn hóa đối ngoại.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại.

Văn hóa đối ngoại thể hiện ở đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn, cũng như sự năng động, sáng tạo trong việc thực hiện chính sách đó nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc và nhân dân lao động. Điều đó chỉ có thể có được khi có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng của giai cấp công nhân. Các ông cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định sự thành công của công tác đối ngoại, chính vì vậy trong thực tiễn của nước Nga Xôviết, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga luôn được tăng cường. Sự lãnh đạo của Đảng phải luôn theo sát tình hình thực tiễn để kịp thời đưa ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp. Đánh giá về đường lối đối ngoại của Đảng ta, Hồ Chí Minh khẳng định: “Vừa qua, do đường lối và thái độ đoàn kết, đấu tranh của Đảng ta đúng, cho nên đảng nào cũng có cảm tình với Đảng ta, tỏ tình đoàn kết với Đảng ta và nhân dân ta”(14).

Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đối ngoại vẫn còn ý nghĩa rất lớn đối với nước ta, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng an ninh.”(15). Đảng ta chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Như vậy, đường lối đối ngoại của Đảng là sự thể hiện rõ nét văn hóa đối ngoại của Đảng. Một lần nữa, điều đó lại khẳng định rằng, những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sức sống, hòa nhịp cùng hơi thở của thời đại.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2011

(1), (2) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.17, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.9, 15.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.183.

(4) V.I.Lênin: Sđd, t.41, tr.333.

(5), (11) V.I.Lênin: Sđd, t.50, tr.105, 257.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.414.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.4, tr.602.

(8) V.I.Lênin: Sđd, t.51, tr.319-320.

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.9-10.

(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.326.

(12), (13) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.541, 224.

(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.576.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.238.

ThS Trần Kim Cúc

ThS Trịnh Thúy Hương

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền