Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế và đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia
Thứ năm, 17 Tháng 10 2013 10:39
7527 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế và đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia

(LLCT) - Đoàn kết quốc tế là một trong những vấn đề quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, có giá trị bền vững đối với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, đoàn kết quốc tế nói chung và sự nghiệp củng cố, tăng cường đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia nói riêng. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, tiếp tục nghiên cứu, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế,  Việt Nam - Lào - Campuchia càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, thịnh vượng của mỗi nước và khu vực.

Với khát vọng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiếp xúc với bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và ở Việt Nam. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.127)

 Với bước chuyển biến cơ bản này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cơ sở khoa học cho hình thành phát triển những tư tưởng khác về con đường cách mạng Việt Nam, trong đó nổi bật và trước hết là tư tưởng về đoàn kết quốc tế, nền tảng chung cho các vấn đề đoàn kết khác.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã hội tụ được các giá trị của truyền thống đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước với tinh hoa đoàn kết quốc tế vô sản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại. Tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh từng bước hình thành, phát triển, từ truyền thống đoàn kết toàn dân tộc đến đoàn kết quốc tế. Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có nhận thức và thái độ đúng đắn về đoàn kết giữa các giai cấp cách mạng trên thế giới với các dân tộc thuộc địa, dân tộc bị áp bức. Người chỉ rõ: “... trong cuộc bàn cãi, người ta rất ít nói đến sự đoàn kết với các dân tộc thuộc địa. Nhưng đó lại là vấn đề mà tôi quan tâm hơn hết và do đó mà tôi đã tìm ra được con đường đúng” (Sđd, t.12, tr.470-471). Đồng thời Người còn viết: “Khi tôi nêu câu hỏi: "Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức?" thì người ta trả lời: Quốc tế thứ ba” (Sđd, t.12, tr.471). Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước hoàn thiện tư tưởng đoàn kết quốc tế của mình. Người đã phát hiện ra lực lượng cần và phải đoàn kết để tạo sức mạnh chống lại kẻ thù là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Hồ Chí Minh khẳng định: “...dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (Sđd, t.1, tr.266). Có thể thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin là nhân tố có ý nghĩa quyết định bước phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết - đoàn kết quốc tế trên lập trường vô sản. Những nội dung trong tư tưởng của Người về đoàn kết với các lực lượng, các giai cấp cách mạng trên thế giới trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và nhân loại khác hoàn toàn với các loại tư tưởng như của giai cấp tư sản, của chủ nghĩa cơ hội, xét lại hay của những tư tưởng dân tộc hẹp hòi khác. “Chủ nghĩa Lênin và đường lối Quốc tế Cộng sản là nhân tố quan trọng nhất, nhân tố quyết định hình thành chiến lược đoàn kết quốc tế của Nguyễn Ái Quốc”(1).

Tuy nhiên, để bảo vệ, phát triển tư tưởng về đoàn kết quốc tế trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã phải không ngừng đấu tranh với những quan điểm sai trái. Người phê phán “Tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa” (Sđd, t.1, tr.63). Bởi vì, một số chiến sĩ cộng sản ở chính quốc cho rằng: “... một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi” (Sđd, t.1, tr.63). Đồng thời, Người phê phán quan điểm cho rằng: “...người bản xứ là hạng người thấp kém, không đáng kể, không có khả năng để hiểu biết được và lại càng không có khả năng hoạt động” (Sđd, t.1, tr.64). Người yêu cầu các nhà cách mạng, các tổ chức cách mạng thế giới không chỉ có nhận thức, có thái độ đúng, mà còn phải có hành động đúng trong ủng hộ, giúp đỡ cách mạng thuộc địa. Đồng thời, các đảng trong các nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa và áp bức các dân tộc khác phải có một đường lối đặc biệt rõ ràng, minh bạch đối với vấn đề này. Người viết: “Về vấn đề giải phóng dân tộc, Điều 8 của văn kiện ghi rõ: "Đảng nào muốn ở trong Quốc tế thứ ba đều buộc phải thẳng tay vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của bọn đế quốc "nước mình" trong các thuộc địa, ủng hộ trên thực tế chứ không phải bằng lời nói mọi phong trào giải phóng ở thuộc địa” (Sđd, t.1, tr.490). Luận chứng cho vấn đề đoàn kết quốc tế của mình, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ cho các tổ chức cách mạng thế giới rằng, sự đoàn kết đó có cơ sở từ sự thống nhất về lợi ích, thống nhất về sứ mệnh lịch sử trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại. Hồ Chí Minh viết: “Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy, giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn. Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”” (Sđd, t.2, tr.128).

Từ vấn đề về bản chất của chủ nghĩa đế quốc được Người ví như “con đỉa hai vòi” và “cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa như hai cánh của một con chim”, Hồ Chí Minh đã vượt lên trên các nhà cách mạng, các tổ chức cách mạng thế giới trong đánh giá vai trò to lớn của cách mạng thuộc địa đối với cách mạng vô sản thế giới, làm cơ sở khoa học cho tư tưởng đoàn kết quốc tế trên lập trường quốc tế vô sản. Người chỉ rõ: “... trước hết nảy ra khả năng và sự cần thiết phải có liên minh chiến đấu chặt chẽ giữa các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản của các nước đế quốc để thắng kẻ thù chung. Cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân các nước tư bản trực tiếp giúp cho các dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình... Trong khi đó, cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa lại trực tiếp giúp đỡ giai cấp vô sản các nước tư bản trong cuộc đấu tranh chống các giai cấp thống trị để tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản” (Sđd, t.8, tr.567). Với nhãn quan khoa học, tầm nhìn vĩ mô của đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh đã chú trọng hơn đến sức mạnh đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức ở châu Á trong sự nghiệp cách mạng chung. Người chỉ rõ: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn” (Sđd, t.1, tr.36). Tư tưởng trên của Người thể hiện sự vận dụng sáng tạo, và sự phát triển mới về lý luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như của các lãnh tụ Quốc tế III lúc đó. Tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước và giúp cách mạng vô sản ở chính quốc giành thắng lợi đã nâng tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Người lên tầm cao mới, có giá trị to lớn đối với cách mạng thế giới. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế không đơn thuần là những khẩu hiệu chung chung, mà mỗi bước phát triển, hoàn thiện đều gắn với hoạt động tuyên truyền vào các tổ chức cách mạng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt ở Thái Lan, Campuchia, Lào... Người đi đến đâu là vận động và tổ chức các tổ chức cách mạng đến đó. Tài liệu mật thám của Pháp cũng ghi rõ: đã có đủ chứng cứ để khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc có trách nhiệm trong việc tuyên truyền cộng sản ở Mã Lai, ở Xiêm và Đông Dương, mà sau này là nhiệm vụ của Cục phương Nam, trong đó ông ở ban lãnh đạo(2). Nhờ hoạt động tuyền truyền, tổ chức của Hồ Chí Minh, ở Campuchia đã có chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Trường trung học Xixôvát năm 1928. 

Tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh không hề có một biểu hiện nhỏ nào về sự ỷ lại bên ngoài. Ngược lại, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính. Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là sự kết hợp biện chứng giữa sức mạnh bên ngoài với sức mạnh bên trong, trong đó sức mạnh từ đoàn kết bên trong có vai trò quyết định. Người đứng ra thành lập nhiều tổ chức cách mạng của các nước thuộc địa với tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản. Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức 1925, Người chỉ rõ: "... muốn xua tan những đau khổ đó cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng. Bọn đế quốc ở tất cả các nước đã liên minh lại để áp bức chúng ta. Còn chúng ta, những người dân thuộc địa và toàn thể công nhân trên thế giới, chúng ta phải hợp lực lại để chống lại chúng" (Sđd, t.2, tr.437). Và, “Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng” (Sđd, t.2, tr.438). Theo Hồ Chí Minh, con đường duy nhất để xoá bỏ sự áp bức chính là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức với giai cấp vô sản toàn thế giới, dùng những thủ đoạn cách mạng lật đổ về căn bản bọn tư bản đế quốc cực kỳ hung ác. Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Người thành lập là biểu hiện sáng ngời về đoàn kết quốc tế vô sản, có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, làm rung động cả hệ thống thực dân, đế quốc. Trong bức thư tuyệt mật của Toàn quyền Đông Dương gửi Môngghiô (Montghillot) Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp thời đó đã thừa nhận: “Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành việc thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” với một cuộc vận động vô cùng khôn khéo”(3). Như vậy, tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã trở thành một lực lượng, một sức mạnh trên thực tế và đe dọa trực tiếp chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa.

Tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, sâu sắc và điển hình vào thực hiện đoàn kết ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người sớm nhận ra nét tương đồng về truyền thống lịch sử và nhận thức rõ kẻ thù chung của cả ba dân tộc là thực dân Pháp. Cách mạng giải phóng dân tộc ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương chỉ có thể thành công khi thực hiện được đoàn kết. Theo Hồ Chí Minh, giúp bạn tức là tự giúp mình, Việt Nam kháng chiến có thành công thì Lào, Miên mới thắng lợi, và Lào, Miên có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Người chỉ rõ: “Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v.. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn” (Sđd, t.6, tr.452). Người cũng đã phát hiện ra sức mạnh to lớn tiềm ẩn bên trong các dân tộc Việt Nam - Lào và Campuchia. Người chỉ rõ: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”(Sđd, t.1, tr.28).

Có thể thấy, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra đoàn kết là quy luật sống còn và phát triển của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Với bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng về đoàn kết quốc tế, đoàn kết ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia, Hồ Chí Minh luôn vững tin vào tất thắng của cách mạng giải phóng dân tộc ở mỗi nước. Người khẳng định: “Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự” (Sđd, t.6, tr.181). Tư tưởng cũng như niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia từng bước đi vào các tổ chức yêu nước và phong trào quần chúng ở mỗi nước. Nhận thấy sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở mỗi nước và sự chín muồi của tình thế cách mạng, Người đã cùng Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân nắm chắc thời cơ và phát động chiến tranh cách mạng đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa phát xít Nhật giành độc lập dân tộc ở mỗi nước. Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO. Hiện nay quân Nhật đã tan giã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng  dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” (Sđd, t.3, tr.553-554). Với tinh thần đoàn kết quốc tế, nhưng dựa vào sức mình là chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã giành được những thắng lợi to lớn. Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập ở miền Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, bổ sung, cụ thể hoá tư tưởng đoàn kết quốc tế, đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương phù hợp với thực tiễn mới. Người khẳng định: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới” (Sđd, t.6, tr.8).

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cả ba dân tộc không ngừng chủ động củng cố, tăng cường đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Đây là một trong những tiền đề tư tưởng cơ bản bảo đảm cho phát huy sức mạnh tổng hợp của cả ba dân tộc  Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhờ sức mạnh đoàn kết của ba dân tộc cùng sức mạnh đoàn kết với các dân tộc khác, các phong trào cách mạng trên thế giới, sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng dân tộc của ba nước đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, đoàn kết giữa ba dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển theo tinh thần đổi mới. Đánh giá về tầm vóc và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Cuộc đời Hồ Chí Minh làm sáng tỏ sự đoàn kết quốc tế là một tư tưởng lớn của người cách mạng, vừa là đạo đức, vừa là văn hoá. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, càng cần nêu cao tư tưởng biết bao cao quý và cần thiết đó”(4).

Trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, sự tồn tại, phát triển của mỗi dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia càng phải dựa trên nền tảng và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, đoàn kết ba dân tộc. Ý thức rõ điều này, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa Đảng và nhân dân ta với Đảng và nhân dân Lào, Đảng và nhân dân Cămpuchia anh em. Đổi mới phương thức hợp tác, chú trọng hiệu quả theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Phấn đấu góp phần sớm đạt được một giải pháp chính trị toàn bộ về vấn đề Căm-pu-chia, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Căm-pu-chia và Hiến chương Liên hợp quốc"(5). Với định hướng trên, những năm gần đây quan hệ giữa Việt Nam, Lào và Campuchia ngày càng được củng cố, tăng cường vững chắc. Một số vấn đề chưa thống nhất về nhận thức đã được thảo luận và giải quyết phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa ba dân tộc. Các chương trình về hợp tác kinh tế, chính trị, giao lưu về văn hoá, xã hội được mở rộng và có hiệu quả thiết thực. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hoá: “Tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Phấn đấu cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”(6). Hàng loạt các ký kết hợp tác giải quyết quan hệ như hoạch định biên giới trên không, trên biển, trên bộ và về kinh tế, quân sự v.v. giữa Việt Nam, Lào và Campuchia trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi đã hoàn tất. Campuchia cũng vận dụng tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh giải quyết tốt quan hệ với các nước khác trong khu vực, khắc phục có hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch.

Hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong tăng cường đoàn kết Việt Nam, Lào và Campuchia cần tiếp tục quán triệt, hiện thực hoá một cách khoa học. Bên cạnh mở rộng quy mô, mức độ hợp tác toàn diện, cần đoàn kết trong đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc, gây chia rẽ của các thế lực thù địch. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, đoàn kết ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương có giá trị bền vững cùng với lịch sử phát triển, thịnh vượng ở khu vực cũng như ở ba nước Đông Dương.

__________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2011

(1) Hồ Chí Minh với chiến lược đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.30.

(2) Tài liệu của mật thám Pháp, bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr.16.

(3) Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.

(4) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - quá khứ, hiện tại và tương lai, NXB, Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.53.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.88.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr, 84.

Nguyễn Văn Thanh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Saysovin, Thiếu tướng - Tùy viên quân sự Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền