Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư duy độc lập, sáng tạo của Hồ Chí Minh và vấn đề chống bệnh giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa
Thứ năm, 07 Tháng 11 2013 15:57
7289 Lượt xem

Tư duy độc lập, sáng tạo của Hồ Chí Minh và vấn đề chống bệnh giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa

(LLCT) - Tư duy của Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Nó xa lạ và không thể dung chứa bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm. Người không ít lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải cảnh giác đề phòng và chống bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều cả trong học tập lý luận và trong hoạt động thực tiễn.

 

 

Trước hết, khi nói đến tư duy Hồ Chí Minh, phải nói đến phong cách tư duy độc lập, sáng tạo, hướng đến thực tiễn, gắn bó nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn. Người coi chủ nghĩa Mác - Lênin là cái “cẩm nang thần kỳ” nhưng không phải theo nghĩa đơn giản rằng trong đó đã chứa sẵn những công thức, những khuôn mẫu, những "đơn thuốc" kê sẵn..., mà cái “cẩm nang” đó chứa đựng những tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp giúp những người cách mạng nhận thức tình hình và hành động một cách đúng đắn. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của C.Mác, Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sảnkhi cho rằng, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời. Điều này cũng  phù hợp với tinh thần của V.I.Lê-nin trongBáo cáo trình bày tại Đại hội liên bang Nga lần thứ hai của các dân tộc phương Đông(đăng trongTập san của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga- số 9, ngày 26-12-1919): "Trong  khi dựa vào lý luận và thực tiễn phổ biến của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí vừa phải thích ứng với những điều kiện đặc biệt là các nước châu Âu không có, vừa phải học tập vận dụng lý luận và thực tiễn vào nơi mà quần chúng chủ yếu là nông dân".

Trong những năm 20 thế kỷ XX, nhiều nhà cách mạng phương Tây (chính quốc) chỉ coi những dân tộc thuộc địa là “những dân tộc lạc hậu”. Họ cho rằng cuộc cách mạng ở những nuớc lạc hậu này chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn dũng cảm khẳng định và đấu tranh cho quan điểm: Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, nhân dân các nước thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Luận điểm sáng tạo đó của Nguyễn Ái Quốc có tầm quan trọng to lớn, bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghiã Mác - Lênin về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Sự luận giải này độc lập và đầy sáng tạo.

Luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc đã được thực tiễn lịch sử thế kỷ XX chứng minh. Ách thống trị thực dân đã bị thủ tiêu. Hàng loạt những dân tộc “nhược tiểu” trước kia đã giành được độc lập dân tộc (tuy với những hình thức và mức độ khác nhau) và đã trở thành các quốc gia dân tộc độc lập, có vị trí ở Liên hợp quốc và có vị thế nhất định trên trường quốc tế. Cũng trong khoảng thời gian đó, ở các nước tư bản phương Tây, chủ nghĩa tư bản phát triển ở mức độ cao và với tốc độ cao sau cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng (mức độ nặng, nhẹ khác nhau) nhưng đã có những điều chỉnh để tồn tại và tìm ra những cơ hội phát triển. Nhân loại đã đi qua thập niên đầu của thế kỷ XXI nhưng vẫn chưa có cuộc cách mạng vô sản nào nổ ra ở những nước “chính quốc” ngày xưa.

Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ và khẳng định từ rất sớm rằng, không giống như các nước tư bản phương Tây, ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phương Đông nổi bật lên mục tiêu cấp bách là giành độc lập dân tộc. Giải phóng dân tộc thành công sẽ tạo tiền đề để tiến lên giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đây là mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở các nước thuộc địa mà Việt Nam là một trường hợp điển hình. Sự vận dụng sáng tạo đường lối của Quốc tế cộng sản khi đó vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ ở tinh thần: Tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đoàn kết tập hợp mọi lực lượng dưới sự lãnh dạo của giai cấp công nhân để chống đế quốc và tay sai. Ở xã hội Việt Nam thuộc địa - phong kiến có giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, nhưng trên hết và trước hết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc bị áp bức với thế lực thực dân cướp nước và tay sai.

Theo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước;khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông và trí thức là lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam; đại đoàn kết là một chiến lược cách mạng. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta do Người soạn thảotuy vắn tắt, song đã nêu được những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam. Yếu tố dân tộc, trong đó điểm nhấn quan trọng là độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân đã được Nguyễn Ái Quốc kết hợp nhuần nhuyễn và sáng tạo với yếu tố giai cấp, yếu tố quốc tế. Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ, tiến lên xã hội cộng sản. Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đường lối chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã vượt ra ngoài khuynh hướng “tả”, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp của Ban Phương Đông và Quốc tế cộng sản đang chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Sau khi giành được độc lập, nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường xây dựng CNXH trên “cái nền” với những đặc điểm rất riêng của một xã hội phương Đông, với nền sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ bé, tính chất khép kín trong từng khu vực, với một nền văn hoá - xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Khổng giáo... Những điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử, chưa được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập tới.

Hồ Chí Minh rất chú ý tới những đặc điểm riêng của Việt Nam trong quá trình xây dựng CNXH, Người nhấn mạnh tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trên con đường tiến lên CNXH của chúng ta: “Hiện nay đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.498-499); “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội” (Sđd, t.8, tr.227).

Việc tiến thẳng lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu không qua giai đoạn phát triển TBCN đòi hỏi chúng ta vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, với nỗ lực rất lớn để xây dựng những cơ sở vật chất cho CNXH. Đây cũng là điểm mà nhiều người (không chỉ quần chúng đang hăng say) đã không hiểu đúng, sinh ra bệnh chủ quan, ảo tưởng, cho rằng con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam rất thuận lợi, sau khi đã chiến thắng ngoại xâm, chỉ còn việc “tiến thẳng” lên CNXH, bỏ qua được một giai đoạn phát triển...

Hồ Chí Minh là người nhận thức được hiện thực khó khăn trên con đường đi lên CNXH của dân tộc. Người đã nhiều lần chỉ rõ điều đó. Từ năm 1946, khi trả lời phỏng vấn của báo chí phương Tây, Người nói: “... Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. Ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ” (Sđd, t.4, tr.272). Ngay cả khi xuất hiện khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”; “Tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức ngăn ngừa khuynh hướng chủ quan nóng vội, gò ép bất chấp quy luật: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triểncủa cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước.” (Sđd, t.10, tr.315).

Cách mạng là sáng tạo. Không có một mô hình CNXH chung phù hợp cho nhiều nước. Việt Nam vẫn kiên trì định hướng XHCN, chúng ta càng không thể nhận thức về CNXH một cách giáo điều máy móc như cũ.  

Tư duy giáo điềulà tư duy không tính đến những điều mới trong thực tiễn, những điều kiện lịch sử cụ thể. Trong triết học, chủ nghĩa giáo điều gắn liền với quan điểm phản biện chứng, phủ nhận sự tiến bộ. Trong chính trị, chủ nghĩa giáo điều dẫn tới chủ nghĩa bè phái.

Chủ nghĩa kinh nghiệm là một cực đoan khác. Những người tư duy theo lối kinh nghiệm thường phóng đại về vai trò của nhận thức cảm tính, của kinh nghiệm, không đánh giá đúng mức vai trò của khái quát hóa, trừu tượng hoá để tìm ra quy luật bản chất và do đó phủ nhận tính tích cực, chủ động của tư duy sáng tạo.

Cả hai lối tư duy giáo điều và kinh nghiệmđều là những lối tư duy không khoa học, siêu hình, lối tư duy của những người sản xuất nhỏ, trong một nền sản xuất nhỏ. Đây là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, ở đó lý luận, khoa học chưa phát triển và không được coi trọng. Thực tiễn lặp đi lặp lại ít có sự biến đổi đã in vào ý thức lối tư duy kinh nghiệm vụn vặt, nhận thức bị sơ cứng trong lớp vỏ những kinh nghiệm, những quan niệm được coi như những khuôn vàng thước ngọc.

 Ở Việt Nam, cả hai lối tư duy này đã hiện diện (thậm chí có lúc ngự trị) trong đội ngũ cán bộ và đã gây ra những tác hại trên nhiều lĩnh vực. Những căn bệnh này có nhiều nguyên nhân: trình độ tri thức khoa học, lý luận còn thấp kém và hạn chế; thói quen ứng xử và hành động theo kinh nghiệm từ truyền thống; ảnh hưởng của cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp kéo dài, công tác giáo dục bồi dưỡng lý luận của chúng ta còn nhiều bất cập; chưa có được một cơ chế đầy đủ bảo đảm các quyền thực sự của nhân dân trong việc kiểm tra giám sát, bãi miễn cán bộ; ý thức học tập tu dưỡng của bản thân người cán bộ kém...

Do chưa có truyền thống làm lý luận, nghiên cứu khoa học, bệnh giáo điều ở Việt Nam thường không hiện diện dưới dạng “hàn lâm”, “kinh viện” mà xuất hiện phổ biến ở tình trạng xa rời thực tiễn, coi trọng sách vở (đến mức lạm dụng sách); nghiên cứu học tập lý luận nhưng không “tiêu hoá” được sách. Việc  coi trọng (đến mức sùng bái) sách vở “kinh điển” chính lại do đọc sách quá ít hoặc không đọc đến nơi đến chốn... Lối học tập đó sẽ dẫn đến sự hình thành trong tư duy một hình thức cực đoan. Trích dẫn dần dần được thay thế cho suy nghĩ, cho lập luận lôgic. Những bài viết thoạt nhìn có vẻ giống như lý luận nhưng thực chất chỉ là tổng số những trích dẫn, sao chép suy nghĩ của người khác. Hoặc lý luận chỉ là tổng số những công thức máy móc, đơn điệu, phiến diện, làm cho lý luận biến thành “màu xám”, không có sức sống, xa rời thực tiễn, có một độ “vênh” với thực tiễn, không giúp ích gì trong việc lý giải, chỉ đạo thực tiễn. Từ đó lại xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nói chỉ là nói lý luận suông, làm thì theo kinh nghiệm vụn vặt của cá nhân. Bệnh kinh nghiệm là hậu quả tất yếu của tình trạng kém và thiếu lý luận, của tình trạng tiếp thu lý luận một cách giáo điều. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, kinh nghiệm có vai trò quan trọng và rất cần thiết. Không có hoặc thiếu kinh nghiệm, lý luận sẽ không thể đi vào cuộc sống. Nhưng nếu lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn chỉ dựa vào kinh nghiệm - hơn nữa chỉ là những kinh nghiệm vụn vặt - tất yếu sẽ phải trả giá đắt do sự kém hiệu quả và những sai lầm rất dễ mắc phải.

Có thể nhận ra rằng bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm ở Việt Nam là nguyên nhân và kết quả của nhau, là cái vòng luẩn quẩn dễ mắc phải. Do giáo điều về lý luận nên cảm thấy chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm đạt hiệu quả hơn. Nhiều cán bộ thường thoả mãn với vốn kinh nghiệm của mình, có thói quen chỉ đạo thực tiễn bằng kinh nghiệm nên coi lý luận là cái gì đó cao xa, không thiết thực, là giáo điều; học lý luận vì những động cơ khác mà không để vận dụng; coi việc học tập lý luận như một sự bắt buộc, cần phải “học cho xong”...

Luôn luôn nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận, thường xuyên nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và vận dụng lý luận trên nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sớm phát hiện những biểu hiện của bệnh giáo điều trong cán bộ, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Người phê phán lối tiếp thu lý luận theo kiểu “thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc”;học lý luận để biếtdăm câu bachữ”dùng làm “trang sức”hoặc để loè người khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những người “mắc phải cái bệnh khinh lý luận”(Sđd, t.5, tr.234), những người “chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ... cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”(Sđd, t.6, tr.247). Bằng con mắt biện chứng, Người chỉ ra vai trò và mối liên hệ giữa kinh nghiệm và lý luận một cách hình tượng: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.”; “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.” (Sđd, t.5, tr.234).

Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức quan tâm đến việc giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ đảng viên để khắc phục bệnh kinh nghiệm, để mỗi người có thể nâng trình độ tư duy kinh nghiệm lên trình độ tư duy lý luận. Nhưng khi học lý luận “thì nhằm mục đích học để vận dụng”... để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(Sđd, t.8, tr.497), “phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác, trong tư tưởng của bản thân mình và của Đảng”(Sđd, t.8, tr.499).Đó chính là thực hiện nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tiễn, bảo đảm cho việc tiếp thu lý luận đạt hiệu quả, không rơi vào giáo điều hoặc kinh nghiệm.

TS Ngô Vương Anh

Báo Nhân Dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền