Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế và sự vận dụng của Đảng thời kỳ đổi mới
Thứ ba, 12 Tháng 11 2013 14:38
12449 Lượt xem

Quan điểm Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế và sự vận dụng của Đảng thời kỳ đổi mới

 
(LLCT) - Độc lập tự chủ trongđoàn kết, hợp tác quốc tế là một nội dung quan trọng trongdi sản tư tưởng Hồ ChíMinh, được quán triệt, vận dụng vào đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, vào thực tiễn hoạt động ngoại giao Việt Nam và đã đạt được những thành tựu to lớn cả trong sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và trong thời kỳ đổi mới.

Quan điểm độc lập tự chủ ở Hồ Chí Minh, xuất hiện từ sớm và thể hiện qua tư duy độc lập, nhạy cảm về chính trị qua những kiến giải mới mẻ về bản chất cuộc khủng hoảng cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong phân tích, phát hiện những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc truyền thống, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc; trong nhận thức mới về yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta. Nhờ có tư duy độc lập và sự mẫn cảm về chính trị, Người nhận thấy con đường của các nhà yêu nước tiền bối là cũ kỹ, lỗi thời, cần phải tìm con đường giải phóng mới đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Đó là con đường cách mạng Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng tư tưởng chính trị mới, trên cơ sở thực tiễn kinh tế, chính trị, xãhội của đất nước và xu thế cách mạng thế giới - đảm bảo cho công cuộc giải phóng dân tộc thành công, mở đường cho xây dựng một chế độ xãhội mới ở nước ta.

Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn vững tin về sức mạnh của nhân dân Việt Nam - chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc truyền thống “đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”(1); sự đoàn kết toàn dân là lực lượng cơ bản, quyết định thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc. Mặt khác, về khách quan, lúc này trênphạm vi thế giới, nhu cầu về đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân đó được đặt ra. Hai nhân tố trên là cơ sở hình thành quan điểm mới về đoàn kết, hợp tácquốc tế ở Nguyễn Ái Quốc.

Theo Hồ Chí Minh, trong đoàn kết, hợp tác quốc tế, phải quán triệt quan điểm độc lập tự chủ. Người giải thích: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(2). Điều đó cũng có nghĩa là, dân tộc Việt Nam phải tự mình hoạch định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, “phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp của riêng mình”. Đường lối đó phải phục vụ lợi ích quốc gia như: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tự do, hạnh phúc cho nhân dân - như Người từng căn dặn cán bộ “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”(3). Đó chính là độc lập tự chủ trong hoạch định đường lối, chủ trương đối ngoại theo quan điểm Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm: “Nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta”(4), Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, không thể hạn chế những hoạt động đó trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý, bởi những hoạt động đó “có muôn ngàn sợi dây liên hệ” với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ. Vì vậy, mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại của một quốc gia dân tộc phải vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn trong nước, lại vừa phải phù hợp với đặc điểm và xu thế quốc tế đương đại.

Khi nhấn mạnh yêu cầu độc lập tự chủ trong hoạch định đường lối đối nội và đối ngoại của quốc gia, Hồ Chí Minh cũng cảnh báo hai khuynh hướng cần phải tránh: 1)nếu “không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”; 2) “nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(5).

Độc lập tự chủ còn được thể hiện qua bản lĩnh và ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm khẳng định quyền được hưởng tự do và độc lập trong quan hệ chính trị quốc tế. Ngày 2-9-1945, qua Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(6). Và, cũng thông qua Tuyên ngôn độc lập, Người tuyên bố với thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở của nước Việt Nam trong quan hệ chính trị quốc tế.

Giữ vững mục tiêu và nguyên tắc, đồng thời sẵn sàng thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quan điểm Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế.

Với trong nước, theo quan điểm của Người: “muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”. Thực lực chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, là sự ổn định về chính trị - xã hội, là sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hoá của đất nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề quan trọng hàng đầu tạo cơ sở cho đoàn kết, hợp tác quốc tế là phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam “Để tỏ cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh”; “dân Việt Nam ta đủ tư cách độc lập, tự do”.

Trong mối quan hệ dân tộc và quốc tế, Hồ Chí Minh không tuyệt đối hoá yếu tố khách quan - yếu tố quốc tế (tránh được sự rập khuôn, máy móc, sự ỷ lại bên ngoài); đồng thời Người cũng không tuyệt đối hoá yếu tố chủ quan - yếu tố dân tộc (tránh được sự biệt lập, cô lập). Người coi yếu tố quốc tế có ý nghĩa quan trọng cho thắng lợi của cách mạng; nhưng yếu tố độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường luôn giữ vai trò quyết định mọi thắng lợi. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ luôn là nền tảng vững chắc để đoàn kết, tập hợp các lực lượng quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Cũng tức là, muốn đoàn kết, hợp tác quốc tế hiệu quả, bền vững phải có thực lực làm cơ sở - sức mạnh nội lực, là nhân tố quyết định sự thành công của đoàn kết, hợp tác quốc tế. Hồ Chí Minh từng nói: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi.Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(7)... Như thế, trong mối quan hệ trên, độc lập tự chủ theo quan điểm Hồ Chí Minh là sự khẳng định sức mạnh nội lực, sự tự cường của quốc gia dân tộc - nhân tố quyết định trong quan hệ chính trị quốc tế.

Với bên ngoài, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên xác định và thực thi quan điểm gắn cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, theo phương châm “Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”(8). Việc gắn cách mạng Việt Nam thành một bộ phận của trào lưu cách mạng thế giới, vừa tạo cơ sở để xây dựng quan hệ hữu nghị và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của nhân dân Việt Nam đối với phong trào cách mạng thế giới.

Sẵn sàng mở rộng cửa trong quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế, nhưng phải trên nền tảng độc lập tự chủ, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ giữ vững lập trường, nguyên tắc, giữ vững chiến lược, theo tinh thần “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì phải linh hoạt”(9); Người còn chỉ rõ: “sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(10).

Nhờ kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị với các nước theo quan điểm Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946-1954), Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của phong trào nhân dân thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, góp phần đưa cuộc cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi; qua đó nâng cao uy tín của nư­ớc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên tr­ường quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược (1954-1975), mặc dù diễn ra sự bất đồng sâu sắc giữa Liên Xô với Trung Quốc về đường lối quốc tế và cả về đường lối kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, nhưng nhờ kiên trì thực hiện chủ trương giữ vững quan điểm độc lập tự chủ trong đoàn kết hữu nghị với cả Liên Xô và Trung Quốc, mà cách mạng Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của cả hai nước lớn XHCN.

Cũng trên cơ sở độc lập, tự chủ và đề cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, chúng ta đã khai thác được triệt để mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ với các đồng minh của Mỹ; giữa phái chủ chiến với phái chủ hoà, giữa các tập đoàn có lợi ích khác nhau trong giới cầm quyền Mỹ; giữa Mỹ với các nước phụ thuộc, giữa Mỹ với chính quyền tay sai; giữa nhà cầm quyền Mỹ với các tầng lớp nhân dân Mỹ; đồng thời, ta cũng tranh thủ sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ khác. Từ đó, cách mạng Việt Nam đã xây dựng được một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ xâm lược.

Thực tế lịch sử cho thấy, giữ vững độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tranh thủ và phát huy được sức mạnh của thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã quán triệt, vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế, trên những vấn đề cơ bản như:

Một là,nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định về nguyên tắc, nhưng linh hoạt điều chỉnh mục tiêu đối ngoại trong từng thời kỳ, giai đoạn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và thích ứng với đặc điểm, xu thế quốc tế, theo tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới vào lúc đất nước đang phải đối mặt với hai yêu cầu quan trọng và cấp bách cần giải quyết, đó là: phá thế bị bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước. Ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, trong hoàn cảnh viện trợ, đầu tư từ các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu không còn.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng đã thực hiện điều chỉnh chiến lược đối ngoại lấy mục tiêu hoà bình và phát triển làm chuẩn mực trong mọi hoạt động quốc tế của mình; chủ động chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình với các nước láng giềng, khu vực; coi trọng ý nghĩa thi đua về kinh tế giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau; tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế; mở rộng liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (5-1988) Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới khẳng định lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố, giữ vững hoà bình để tập trung sức xây dựng, phát triển kinh tế; và coi“sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế”là một nhân tố góp phần “giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”(11).

Vào đầu thập kỷ 90, trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã đề ra chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế; gia nhập các tổ chức quốc tế và các hiệp hội kinh tế khác khi cần thiết và có điều kiện; triển khai mạnh mẽ và đồng bộ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở; mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước, trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo là: Giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất và CNXH, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng ta có quan hệ.

Đại hội XI đề ra: “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”(12). Và, phương hướng đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xãhội(Bổ sung, phát triển năm 2011) thêm nội dung mới là: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(13).

 

Nhìn tổng thể, sự điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại của Đảng qua các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương từ khoá VI đến khoá XI là phù hợp với quan điểm của Hồ Chí Minh: “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới... chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi, cho phù hợp với tình hình mới”(14). Mặt khác, những điều chỉnh này cũng thể hiện rõ nét sự kế thừa sáng tạo phương châm tư tưởng Hồ Chí Minh: mục đích của ta là bất di, bất dịch, nhưng phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhằm thực hiện cho được mục tiêu cơ bản là: Xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Hai là, quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính theo tinh thần muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đãđể quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, đa dạng hoá, đa phương hoá mang lại hiệu quả cao, bền vững và không làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hoá dân tộc hội nhập mà không hoà tan, mở cửa nhưng không đánh mất mình, độc lập nhưng không đóng cửa biệt lập với tiến trình phát triển của nhân loại.

Thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh, Đảng khẳng định sức mạnh quyết định để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới là ở dân tộc ta, nhân dân ta, sức mạnh ấy do trí tuệ, ý chí của con người Việt Nam và tiềm năng của đất nước mà có. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào tự khép kín, tự cô lập mình với thế giới mà phát triển được. Đặc biệt là với Việt Nam, một nước đang phát triển, nền kinh tế còn lạc hậu thì càng cần phải tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công cuộc đổi mới.

Hội nghị Trung ương 4khoá VIII (tháng 12-1997) đề ra chủ trương:trên cơ sở phát huy tốt nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế là vấn đề cơ bản quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và duy trì sự phát triển bền vững cho đất nước. Trong mối quan hệ giữa nội lực và nguồn lực bên ngoài, Đảng nhấn mạnh: Nếu không độc lập, tự chủ, không phát huy đầy đủ nội lực thì không thể đứng vững và đi lên một cách vững chắc và cũng không thể khai thác tốt hiệu quả nguồn lực bên ngoài được. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, nếu chúng ta không mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm và thị trường bên ngoài, thì Việt Nam khó thoát khỏi tụt hậu. Vì vậy, Đảng yêu cầu phải nắm vững và quán triệt sâu sắc phương châm giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế; động viên cao độ nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ nguồn lực tối đa bên ngoài; xây dựng một nền kinh tế mở hội nhập khu vực và thế giới. Một trong những chính sách lớn mà Nghị quyết nhấn mạnh là "Trên cơ sở phát huy nội lực, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài"(15).

Trong Văn kiện Đại hội IX (tháng 4-2001), lần đầu tiên Đảng ta đã làm rõ thuật ngữ về nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá, khu vực hoá; quán triệt yêu cầu mở rộng quan hệ với các nước nhưng không để nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc và bị sự chi phối của bên ngoài.

Độc lập tự chủ về kinh tế tạo cơ sở vững chắc cho hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả và bền vững; mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả sẽ là một nhân tố bảo đảm cho độc lập tự chủ. Mục tiêu hội nhập quốc tế là nhằm kết hợp sức mạnh trong nước (nội lực) với các nguồn lực từ bên ngoài (vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý) tạo thành nguồn lực tổng hợp để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tế cho thấy, trong thời kỳ đổi mới, quan điểm Hồ Chí Minh về độc lập tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế được quán triệt và thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Sự vận dụng quan điểm của Người thể hiện trong việc hoạch định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh và xu thế quốc tế; thể hiện trong việc tập trung xây dựng thực lực mọi mặt (“lực” và “thế”) của đất nước tạo nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, hoạt động đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn - hội nhập quốc tế được mở rộng, đưa nước ta ra khỏi sự đối đầu thù địch, phá được thế bị bao vây cấm vận; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; phát triển quan hệ song phương và đa phương với khu vực và thế giới, chủ động hội nhập quốc tế; thu hút được một khối lượng khá lớn vốn từ bên ngoài cùng nhiều công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới; thế và lực của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí lý luận chính trị số 3-2012

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,T.1, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28.

(2) Hồ Chí Minh:Sđd,  t.5,tr.136.

(3) Nguyễn Duy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.112.

(4),(9),(14)  Hồ Chí Minh, Sđd,  t.7, tr.173, 319, 315.

(5) Hồ Chí Minh, Sđd,  t.8, tr.499.

(6),(7)Hồ Chí Minh, Sđd,  t.4, tr.126.

(8) Hồ Chí Minh, Sđd,  t.2, tr.301.

(10) Hồ Chí Minh, Sđd,  t.6, tr.522.

(11) Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta. Tạp chí Quan hệ quốc tế, số 1, 1-1990, tr.7.

(12),(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.235-236, 72.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành  Trung ương khoá VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.8-9, 59.

 

PGS,TS Đinh Xuân Lý

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền