Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ
Thứ năm, 14 Tháng 11 2013 14:31
5505 Lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

(LLCT)- Tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ, luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu trong các công tác của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn bởi trong đó đã kết tinh tinh hoa của triết học chính trị phương Đông và phương Tây, của triết học chính trị Mác - Lênin, đặc biệt là sự đúc kết từ chính quá trình Người phát hiện, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ trong cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh xác định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.269). Như vậy, cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người truyền đạt và tổ chức nhân dân thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ phía nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách. Vai trò của đội ngũ cán bộ là vô cùng quan trọng trong toàn bộ sự vận hành của một xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Sđd, tr.269), và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (Sđd, tr.269). Để làm tốt vai trò cầu nối này, có hai yêu cầu đối với cán bộ là thông hiểu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước và biết lắng nghe ý kiến của dân. Đó cũng là hai tố chất không thể thiếu và cán bộ cần phải rèn luyện mới có.

Để hoàn thành tốt vai trò của mình, đội ngũ cán bộ cần có đầy đủ những phẩm chất cần thiết. Phẩm chất của đội ngũ cán bộ được Hồ Chí Minh đề cập đến trên hai phía: chính diện và phản diện.

Từ phía chính diện, Người đã chỉ ra những phẩm chất cần có của đội ngũ cán bộ:

Thứ nhất, cán bộ là những người có đạo đức cách mạng, là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhân là “thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào”; Nghĩa là “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng”; Trí là “không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc”; Dũng là “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”; Liêm là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” (Sđd, tr.252).

Đạo đức cách mạng là đạo đức của những người đấu tranh quên mình vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Đó là phẩm chất quan trọng hàng đầu của cán bộ, đảng viên trong chế độ xã hội mới. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được hình thành từ chính thực tiễn đấu tranh cách mạng, từ quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ của cán bộ, đảng viên, đồng thời là cội nguồn sức mạnh giúp cán bộ, đảng viên vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đạo đức cách mạng làm nên sức mạnh. Đó là một tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ.

Thứ hai, cán bộ là những người “trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh” (Sđd, tr.275); có tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ ba, cán bộ là những người có đủ năng lực đảm đương công việc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để có đủ năng lực đảm đương công việc, trước hết phải có ý thức trách nhiệm. Người có ý thức trách nhiệm là người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám phê bình, dám thừa nhận và sửa chữa khuyết điểm, v.v.. Người có ý thức trách nhiệm còn là người không sợ khó khăn, không sợ thất bại, không sợ phê bình, không sợ hy sinh, v.v.. Đạo đức cách mạng chính là gốc rễ tạo nên ý thức trách nhiệm của cán bộ. Để có đủ năng lực đảm đương công việc, cán bộ còn phải có sáng kiến. Theo Hồ Chí Minh: “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến” (Sđd, tr.244). Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho nhân dân, lại chịu học, chịu hỏi nhân dân, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho nhân dân.

Một nhân tố khác cũng tác động rất mạnh đến năng lực công tác của cán bộ, đó là trình độ nhận thức, lý luận. Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, huấn luyện để nâng cao trình độ nhận thức, lý luận cho cán bộ, đảng viên. Người đã nêu lên 3 điều tệ hại liên quan đến trình độ nhận thức, lý luận của cán bộ là kém lý luận, khinh lý luậnlý luận suông. Đây đều là những biểu hiện năng lực công tác kém của cán bộ, là những nguyên nhân đưa tới thất bại trong công tác. Để khắc phục những điều tệ hại trên thì cần phải tuân thủ nguyên tắc “thống nhất giữa lý luận và thực tế”. Nội dung của nguyên tắc ấy là: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông” (Sđd, tr.234).

Thứ tư, cán bộ là những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, kỷ luật làm nên sức mạnh của tổ chức. Tuy nhiên, vai trò của kỷ luật chỉ được phát huy khi mỗi thành viên tự giác chấp hành kỷ luật. Nếu cán bộ, đảng viên không tự giác tuân thủ kỷ luật và pháp luật, thì dù kỷ luật và pháp luật có nghiêm minh đến mấy, những “mệnh lệnh bên ngoài” ấy cũng không thể chuyển hóa thành những “mệnh lệnh bên trong”, không thể tạo nên động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên tận tụy vì công việc.

Từ phía phản diện, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh mà cán bộ cần phải đề phòng, khắc phục:

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh nêu lên nhiều căn bệnh có thể xuất hiện trong đội ngũ cán bộ như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, bệnh nể nang, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, v.v.. Hồ Chí Minh gọi chung đó là chủ nghĩa cá nhân.

Về nguyên nhân của tật bệnh, Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng và Nhà nước ta, cán bộ và đảng viên ta xuất thân từ trong xã hội mà ra, cho nên khó tránh khỏi một bộ phận bị cái xấu trong xã hội nhiễm vào. Điều quan trọng là phải quyết tâm nhận thức và sửa chữa. Phương thuốc hay nhất, theo Hồ Chí Minh, là phê bình và tự phê bình (Sđd, tr.267). Tự phê bình và phê bình không chỉ là vạch rõ khuyết điểm mà còn là nêu lên ưu điểm của mình và đồng chí mình, thông qua học hỏi lẫn nhau, phát huy ưu điểm, từng bước khắc phục khuyết điểm. Đấu tranh với cái phản diện là con đường tốt nhất để hình thành nên cái chính diện. Tu dưỡng, rèn luyện cho cái chính diện nảy nở, phát triển, đó là cách tốt nhất để đấu tranh, đẩy lùi cái phản diện. Đó là biện chứng trong sự trưởng thành của mỗi con người, mỗi tổ chức. Biện chứng khách quan ấy đã được Hồ Chí Minh nhận thức và thể hiện trong quan điểm của Người về phẩm chất của cán bộ.

Về công tác cán bộ, Hồ Chí Minh nêu lên những nội dung cơ bản là biết cán bộ, dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ.

“Biết cán bộ” tức làđánh giá đúng phẩm chất và năng lực của cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ có vai trò rất quan trọng. Đánh giá đúng cán bộ là căn cứ để sử dụng cán bộ có hiệu quả. Đánh giá cán bộ còn là căn cứ cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn nhằm thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục. Hồ Chí Minh nói: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ” (Sđd, tr.279). Để đánh giá đúng cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có quan điểm biện chứng. Quan điểm biện chứng khẳng định mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Cán bộ cũng như vậy, “có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng”; “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau” (Sđd, tr.278). Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ, “quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn toàn diện. Việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ đã thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Có cái nhìn toàn diện như vậy, ta mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Hồ Chí Minh sớm thấy rõ, có không ít tật bệnh đã xuất hiện khi tiến hành đánh giá cán bộ, chẳng hạn bệnh ưa người ta nịnh mình, bệnh đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau, v.v.. Đây đều là những căn bệnh xuất hiện trong những người làm công tác cán bộ. Vì thế, để công tác đánh giá cán bộ được đúng đắn và khách quan, trước hết chính những người làm công tác cán bộ phải thường xuyên tự đánh giá lại mình, tự biết sự phải trái của mình, từ đó tìm cách khắc phục những sai lầm, khuyết điểm của chính mình. Mình càng trong sáng, “càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng” (Sđd, tr.278). Biết mình là khó, song không biết mình thì không thể biết người. “Tri kỷ” để “tri nhân” là một quan điểm cơ bản trong triết học chính trị, văn hoá chính trị phương Đông truyền thống, đã kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong thời đại mới.

“Dùng cán bộ” tức là dụng nhân, là sử dụng cán bộ. Yêu cầu của dùng cán bộ rất đơn giản là “tùy tài mà dùng người” - giao cho cán bộ những công việc phù hợp với năng lực của họ. Biết tùy tài mà dùng người thì sẽ phát huy được người tài, do đó mà công việc thành công. Biết tùy tài mà dùng người không những tránh lãng phí người tài, mà còn có tác dụng tích cực, làm cho người tài ngày càng nhiều thêm, bởi dùng người đúng năng lực, sở trường sẽ phát huy được cái hay của mỗi người, do đó mà cái dở ngày càng bị đẩy lùi, tài năng của cán bộ ngày càng được rèn luyện, phát triển. Hồ Chí Minh viết: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ” (Sđd, tr.280).

Yêu cầu của dùng cán bộ tuy rất đơn giản, song trong thực tế có không ít trường hợp, việc sử dụng cán bộ lại bị chi phối bởi những căn bệnh như ham dùng những người bà con, thân quen, ham dùng người nịnh hót, v.v.. Những căn bệnh ấy không chỉ gây hại cho Đảng, Nhà nước, mà còn gây hại cho chính những người không có năng lực nhưng lại được sử dụng, bởi khi được dung túng, cái xấu trong họ sẽ càng có điều kiện phát triển, làm cho cái tốt trong họ khó có điều kiện phát huy.

Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có lòng “độ lượng vĩ đại” thì mới có thể đánh giá và sử dụng cán bộ một cách chí công vô tư; Phải có “tinh thần rộng rãi” thì mới có thể sử dụng những người mình không ưa; Phải có “tính chịu khó dạy bảo” thì mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải “sáng suốt” thì mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có “thái độ vui vẻ, thân mật” thì các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình; Phải xác định rõ mục đích của sử dụng cán bộ là “để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ” (Sđd, tr.279).

Đã “tùy tài mà dùng người”, còn phải tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực của họ. Để có được điều đó, Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải tạo môi trường dân chủ để “cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” (Sđd, tr.280). Người lãnh đạo không được tự cao tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Môi trường dân chủ sẽ tạo nên động lực tích cực thúc đẩy cán bộ có sáng kiến và hăng hái làm việc. Bên cạnh đó, phải mạnh dạn trao quyền, giao việc cho cán bộ. Trước khi giao việc cho cán bộ, cần hướng dẫn tỷ mỷ những vấn đề cơ bản, rồi tạo điều kiện để cán bộ tích cực, chủ động thực hiện công việc. Khi đã trao quyền, giao việc, phải có niềm tin đối với cán bộ. Tin tưởng và giao việc vừa là một cách đào tạo cán bộ, vừa là cách tạo động lực hành động cho cán bộ.

Về “cất nhắc cán bộ”, Hồ Chí Minh cho rằng, việc “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy” (Sđd, tr.281).  Như vậy, việc cất nhắc cán bộ phải xuất phát từ hiệu quả công tác thực tế của cán bộ, từ phẩm chất và năng lực của cán bộ, và phải có tác dụng khuyến khích các cán bộ khác phấn đấu vươn lên.

Hồ Chí Minh lưu ý phải có cách cất nhắc cán bộ cho đúng. Người viết: Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo” (Sđd, tr.282): Trước khi cất nhắc thì không xem xét kỹ. Khi đã cất nhắc thì không giúp đỡ. Khi cán bộ mắc sai lầm thì hạ cấp, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. “Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời” (Sđd, tr.282). Theo Hồ Chí Minh, cách cất nhắc cán bộ cũng như cách đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ có tác động trực tiếp đến “lòng tự tin, tự trọng” của cán bộ. Đối với mỗi người, lòng tự tin, tự trọng có vai trò rất quan trọng. Vì thế, người lãnh đạo phải biết “tôn trọng”, “vun trồng” lòng tự tin, tự trọng của cán bộ. Trong công tác cất nhắc cán bộ, thái độ đó thể hiện ở việc đánh giá đúng cán bộ, giao công việc phù hợp với phẩm chất và năng lực cán bộ, thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ và kịp thời nhắc nhở, uốn nắn sai lầm và khuyết điểm của cán bộ. Không nên để đến khi sai lầm và khuyết điểm đã trở nên nặng nề mới đem ra "chỉnh" một lần. Như thế là "đập" cán bộ. Cán bộ bị "đập", mất đi sự tự tin, thì người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí mà trở nên vô dụng.

Về “Yêu thương cán bộ”, Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Đảng “phải thương yêu cán bộ”. Đây là quan điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Tính nhân văn ấy được hình thành từ chính thực tế tiến hành công tác cán bộ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Người chỉ rõ: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ” (Sđd, tr.282).  

Nhưng thương yêu cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc. Theo Hồ Chí Minh, thương yêu cán bộ “là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..” (Sđd, tr.283).  Thương yêu cán bộ còn là luôn luôn chú ý đến công tác của họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay. Hễ thấy ưu điểm thì động viên, khuyến khích họ.

“Phê bình cán bộ” tức là thái độ ứng xử đối với cán bộ khi họ có sai lầm, khuyết điểm. Quan điểm nền tảng của Hồ Chí Minh ở đây là “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm” (Sđd, tr.283). Chính vì thế, người cán bộ không có gì phải sợ sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là ở chỗ họ có nhận ra và cố gắng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm không, và người lãnh đạo có tìm ra cách giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm không.

Đối với cán bộ có sai lầm, khuyết điểm, Hồ Chí Minh so sánh họ với những người có bệnh trong mình. Muốn khỏi bệnh thì phải có gan nói ra bệnh của mình với bác sĩ và cố gắng chữa bệnh cho kỳ hết. Một người cán bộ chân chính cách mạng không phải là người không bao giờ có sai lầm, khuyết điểm, mà là những người có khả năng nhận thức được sai lầm, khuyết điểm của mình, tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục những sai lầm, khuyết điểm ấy.

Đối với người lãnh đạo, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định rõ: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết” (Sđd, tr.283). Vì vậy, đối với cán bộ mắc sai lầm, phải tìm cách để cho họ tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng, tự nguyện sửa đổi. Tuyệt đối tránh thái độ quy chụp, công kích.

Tất nhiên, vì sai lầm cũng có nhiều loại, nhiều cấp độ, cho nên Hồ Chí Minh cho rằng phải sử dụng một cách hợp lý cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo và cách xử phạt: “hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng” (Sđd, tr.284).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, ta thấy sự thống nhất giữa tính khoa học, tính nghệ thuật, và vượt lên trên tất cả là tính nhân văn sâu sắc. Công tác cán bộ là việc làm hệ trọng và tinh tế, vì thế phải được suy tư và thực hiện trên cơ sở tôn trọng nhân cách con người và theo hướng khơi dậy, phát huy mặt tích cực, mặt thiện để đẩy lùi mặt tiêu cực, mặt ác trong mỗi con người. Công tác cán bộ trong chế độ xã hội của chúng ta dựa trên và thể hiện lòng yêu thương và quý trọng cán bộ sâu sắc. Chính quan điểm đó làm nên giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ thì trước hết cần phải tiếp thu giá trị nhân văn sâu sắc ấy.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

TS Lại Quốc Khánh

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền