Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sửa chữa khuyết điểm trong cách nói, cách viết, tránh "ba hoa"
Thứ hai, 14 Tháng 11 2022 17:44
3594 Lượt xem

Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sửa chữa khuyết điểm trong cách nói, cách viết, tránh "ba hoa"

(LLCT) - Cách đây 75 năm, vào tháng 10-1947 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào giai đoạn quyết liệt, đầy khó khăn và thử thách. Qua thực tiễn hơn 2 năm Đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tuyên truyền của Đảng nói riêng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nêu những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm trong cán bộ, đảng viên và đưa ra những chỉ dẫn để sửa chữa những căn bệnh đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10 năm 1959, Người chỉ dẫn về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng - Ảnh: hochiminh.vn

1. Biểu hiện của bệnh “ba hoa”

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” gồm 6 phần, đề cập toàn diện về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó bệnh “ba hoa” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tại phần VI. Người coi “ba hoa” là một trong ba hạng khuyết điểm lớn của cán bộ, đảng viên: “Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng: - Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. - Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. - Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa(1).

Về biểu hiện của “ba hoa”, Người nêu 6 biểu hiện chính:

Trước hết là biểu hiện “dài dòng, rỗng tuếch”. Đó là lỗi mắc phải chủ yếu của những cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền, nhà văn, nhà báo. Người viết: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”(2)

Người phê phán rất nghiêm khắc, coi việc viết và nói dài dòng, rỗng tuếch là việc làm vô bổ, không có giá trị: “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem”(3).

Với lập luận chặt chẽ, Người đề cập đến việc phải sửa bệnh viết ngắn, viết dài mà rỗng, viết không có nội dung “Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài”(4). Người nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên nhất là những người làm công tác tuyên truyền cần “Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng”(5).

Biểu hiện thứ hai là thói “cầu kỳ”. Người viết: “Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được”(6). Theo Người, cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền cần phải biết, phải viết gì, nói gì, viết cho ai xem, nói cho ai nghe, chứ chỉ suy nghĩ một cách nông cạn, phô trương khả năng ngôn ngữ chữ Tây, chữ Tàu mà tuyên truyền người dân không hiểu gì thì “thì chính người đó là "trâu””(7)

Người nhấn mạnh, phải nắm bắt được đối tượng, nói, viết cái gì để đối tượng dễ hiểu, dễ tiếp thu và ghi nhớ “Muốn làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”(8).

Tiếp đó, Người liệt kê biểu hiện thứ ba của “ba hoa” là khô khan, lúng túng: “Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ "tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan", và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật”(9)

Nguyên nhân của khuyết điểm này, theo Người là do “Nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”(10).

Người chỉ ra, muốn tránh nói, viết khô khan, cứng nhắc thì người cán bộ, đảng viên, người làm công tác tuyên truyền phải học cách nói của quần chúng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”(11)

Người nhấn mạnh, không chỉ cán bộ làm công tác tuyên truyền mà tất cả đảng viên, hễ là đảng viên của Đảng đều làm tốt công tác tuyên truyền, mà muốn làm tuyền truyền tốt phải học cách nói của quần chúng: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu”(12).

Biểu hiện thứ tư được Người chỉ ra là báo cáo lông bông,đó là “Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp. Hai là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối”(13).

Hai biểu hiện cuối cùng của “ba hoa” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong tác phẩm là lụp chụp cẩu thả và bệnh theo "sáo cũ"

Về bệnh lụp chụp cẩu thả, Người chỉ rõ là do không hiểu rõ, không biết rõ song người viết, người nói vẫn cứ nói, cứ viết. Người phê phán và nghiêm khắc nhắc nhở: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”(14)

Đối với bệnh “sáo cũ” (khuôn sáo, máy móc, dập khuôn trong cách nói và viết ở hội nghị, hội thảo, lớp huấn luyện), Người chỉ ra những biểu hiện của khuyết điểm: Kém chuẩn bị, nói mênh mông, không đúng giờ, giữ nếp cũ, nói không ai hiểu, bệnh hay nói chữ. 

Ba phần tư thế kỷ đã đi qua, nhưng những nội dung, biểu hiện của bệnh “ba hoa” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên với những ngôn từ hàm súc, khoa học trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn đang là vấn đề mà cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền cần tiếp tục nghiên cứu, soi mình để sửa chữa. 

2. Vận dụng cách chữa khuyết điểm “ba hoa” trong công tác của cán bộ, đảng viên

75 năm đã qua kể từ khi tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời (10-1947), song những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu về khuyết điểm trong cách nói, cách viết “ba hoa” vẫn mang tính thời sự. Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn nghệ vẫn còn có biểu hiện “ba hoa”. 

Nhiều bài diễn văn, phát biểu tại các hội nghị, hội thảo vẫn còn “dài dòng, rỗng tuếch, mênh mông”; báo cáo chỉ nêu thành tích là chủ yếu, giấu giếm khuyết điểm, thậm chí là những thành tích được thổi phồng; còn nhiều tờ báo đăng tải các bài viết không phản ánh đúng tình hình. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài viết đăng trên các tạp chí nội dung nghèo nàn, trùng lặp, không có ý tưởng mới. Nhiều cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm; nói một đằng làm một nẻo… ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, làm giảm sút uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng với chế độ.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành phần cuối “chống thói ba hoa” để nêu lên 5 giải pháp khắc phục, chữa căn bệnh “ba hoa” trong cán bộ, đảng viên.

Một là, “Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(15).

Người nhiều lần nói về cách nói, cách viết đối với cán bộ, đảng viên, người làm công tác tuyên truyền, báo chí. Người nhấn mạnh, muốn nói, viết có hiệu quả cần nắm rõ và hiểu đối tượng, từ đó có cách nói, cách viết phù hợp đối tượng. Cần phân biệt rõ các đối tượng tuyên truyền. Người nhấn mạnh, muốn tuyên truyền tốt cần làm tốt các vấn đề:

- Vì ai mà mình viết?

- Mục đích viết làm gì?

Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?

- Viết cho đại đa số: công - nông - binh.

Viết để làm gì?

- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng.

Thế thì viết cái gì?

Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”(16).

Trong bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Người nhấn mạnh công tác tuyên truyền phải nói đúng tâm tư nguyện vọng của quần chúng: “Bây giờ, muốn mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc, thì phải nâng cao đời sống của đồng bào. Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì mỗi người phải làm cái gì? Muốn no ấm thì phải làm cái gì? Phải làm thế nào?”(17).

Hai là, “Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu”(18).

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31-8-1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: muốn quần chúng nhân dân, kể cả những người có trình độ học vấn, kiến thức hạn chế vẫn có thể hiểu và làm theo thì “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(19).

Người làm công tác tuyên truyền phải thật sự có tâm, có tầm, có lý tưởng phục vụ sự nghiệp của Đảng, của cách mạng mới thật sự truyền sự tin tưởng của bản thân mình vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quần chúng nhân dân: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải Trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”(20).

Ba là, “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?"”(21).

Ở nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn với cán bộ, đảng viên về cách nói, cách viết rất cụ thể. Trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-1953, Người đã có những chỉ dẫn về cách viết báo cáo, diễn văn, báo chí… Người nhấn mạnh vấn đề viết và nói cần ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí từng đối tượng, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của của dân:

“Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn.

Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”(22).

Để cho quần chúng nhân dân hiểu được và làm theo, cán bộ, đảng viên cần trau dồi trình độ, tư tưởng để bài nói và viết ngắn gọn, khúc chiết và muốn làm vậy cần phải xác định: Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì? Viết để làm gì? Viết cái gì?

Người nói, muốn được quần chúng tiếp nhận công tác tuyên truyền cần nói đúng sự thật, tránh tô hồng, bôi đen; tránh việc nói rất hay nhưng quần chúng không hiểu gì cả. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”(23).

Bốn là, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(24).

Người yêu cầu trước khi nói, viết phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải nghiên cứu, nắm rõ những vấn đề, nội dung mà mình nói, viết, tránh những điều viết và nói không thực tế, mà bản thân mình cũng không hiểu rõ. Tránh tình trạng những bài nói và viết, nghị quyết, chương trình được xây dựng trên bàn giấy, trong phòng lạnh. Người chỉ dẫn:

“Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

1. Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

2. Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.

3. Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy.

4. Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.

5. Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó.

Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành một tài liệu mà viết”(25).

Năm là, “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói"”(26).

Người nói: “Các chú so sánh hai kinh nghiệm đó, mà tuyên truyền huấn luyện. Một bên nói "hay" mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được”(27).

Cán bộ, đảng viên phải nắm vững, hiểu rõ tình hình cách mạng, cốt lõi của công tác là thực hiện nhiệm vụ để: “Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào(28).

Theo Người, để làm tốt công tác tuyên truyền thì cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ thường xuyên: “Bây giờ Bác nói thêm. Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước(29) và phải coi công tác tuyên truyền là công việc thường xuyên, hằng ngày, trong hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện, phát động phong trào: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được. Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy. Bây giờ đang có ba cuộc vận động lớn. Công việc tuyên truyền, huấn luyện, văn hóa, giáo dục của các cô các chú phải kết hợp chặt chẽ với ba cuộc vận động đó. Công việc của các cô, các chú không phải đơn giản. Nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt. Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”(30).

_________________

Ngày nhận bài: 3-11-2022; Ngày bình duyệt: 10-11-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.

 

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (18), (21), (24), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.273, 339, 339, 339, 340, 340, 340, 340, 340, 341, 341, 341, 341-342, 342, 345, 346, 346, 346, 346.

(16), (22), (23), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr. 205-206, 205, 206, 206-207.

(17), (19), (20), (27), (28), (29), (30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.161-162, 159, 159, 161, 161, 168, 169.

TS NGUYỄN DUY HẠNH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS LẠI THỊ THANH HƯƠNG

Ban Tuyên giáo Thành ủy Phủ Lý

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền