Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đồng bào Công giáo ở Nam Định thực hiện phương châm kính Chúa, yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 19 Tháng 12 2022 14:05
3461 Lượt xem

Đồng bào Công giáo ở Nam Định thực hiện phương châm kính Chúa, yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề ra đường lối, chính sách tự do tôn giáo, đoàn kết dân tộc đúng đắn để giải quyết tốt vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam; là “kiến trúc sư” kiến tạo nên mô hình sống đạo mới: “Kính Chúa, yêu nước”, để người công giáo thực hiện hai nghĩa vụ thiêng liêng: Phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc. Mô hình sống đạo ấy, trước hết xuất phát từ sự am tường sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đạo Kitô (cũng như các tôn giáo khác), sự mẫn cảm chính trị của Người về mối quan hệ giữa tôn giáo trong cách mạng Việt Nam. Bài viết trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về Công giáo đồng hành cùng dân tộc theo phương châm sống: Kính Chúa, yêu nước, được vận dụng vào thực tiễn, nay trở thành mô hình sống “tốt đời, đẹp đạo” ở người Công giáo Nam Định.

Khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ Maria tại giáo xứ Nam Định, tháng 5-2021 - Ảnh: tonggiaophanhanoi.org

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công giáo đồng hành cùng dân tộc theo phương châm: kính Chúa, yêu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tương đồng giữa lý tưởng của Chúa Giêsu với mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra những giá trị tích cực, điểm tương đồng giữa lý tưởng của các tôn giáo, trong đó có Công giáo với mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ, mục đích cao cả của Chúa Giêsu giống với lý tưởng cộng sản đều mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, tự do, bình đẳng cho mọi người, độc lập cho dân tộc. Hồ Chí Minh nói: “Chúa Cơ đốc hy sinh để cứu loài người khỏi ách nô lệ, và đưa loài người về hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do”(1), “muốn loài người được tự do hạnh phúc”(2). Người khẳng định: “Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ”(3); “lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng”(4); “cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái”(5). Những tư tưởng ấy cũng là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Bởi sự tương đồng đó nên: “Nếu đức Giêsu sinh ra vào thời đại của chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm cứu khổ loài người”(6). Người chỉ rõ: “Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”(7). Người nói: “Đức Chúa đã vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất tâm”, nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và cho chúng sinh”(8).

Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên tôi chúc đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”(9). Đồng thời, Người chỉ rõ: “Những người Công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo gian. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà Phụng sự Đức Chúa, Phụng sự Tổ quốc”(10).

Hồ Chí Minh kêu gọi, “một số ít đồng bào Công giáo ta, vì nhẹ dạ nghe lời bọn phản động mà đi lầm đường. Mong những đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với kháng chiến...”(11).

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về kính Chúa, yêu nước bắt gặp tinh thần mến Thiên Chúa, yêu Tổ quốc, phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia của người Công giáo Việt Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Tinh thần yêu nước, dân tộc theo phương châm mến Thiên Chúa - yêu Tổ quốc của người Công giáo Việt Nam.

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (năm 1858), giữa lúc nhà Nguyễn cấm đạo, mối quan hệ giữa Công giáo và dân tộc trở nên căng thẳng nhất, cũng đã xuất hiện những tấm gương người Công giáo tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, dân tộc như Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874), giáo dân Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ (1831-1871), dâng kế sách canh tân đất nước, chống lại họa ngoại xâm lên triều đình vua Tự Đức. Đầu thế kỷ XX, các Linh mục Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Tường, Đậu Quang Lĩnh, tu sĩ Mai Lão Bạng tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo bị thực dân Pháp tù đày.

Trong phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tiêu biểu có Trần Tử Bình (1903-1967), vốn là một chủng sinh học tại chủng viện Hoàng Nguyên (Phú Xuyên, Hà Nội), đã giác ngộ, trở thành một cán bộ cách mạng trung kiên của Đảng. Đặc biệt, Linh mục Phạm Bá Trực (1898-1954), một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “kính Chúa, yêu nước”. Trước năm 1945, ông “nổi tiếng có tinh thần dân tộc, yêu nước chống Pháp kiên quyết nhất” và chống chủ nghĩa phong kiến trong giáo hội với câu nói nổi tiếng: “Đứng trước Chúa, không có sự phân biệt màu da”. Ông đấu tranh “không nhân nhượng trước quân thù của Tổ quốc, của đạo, kiên quyết chống xâm lăng và bảo vệ thanh danh của đạo Chúa”, với tinh thần: “Ta hãy vì Chúa vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt”(12).

Tinh thần yêu nước, dân tộc của người Công giáo chỉ được khơi dậy mạnh mẽ bởi thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và chính sách tự do tôn giáo đúng đắn của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tín ngưỡng tự do, Lương Giáo đoàn kết”, đã tạo niềm tin vào chế độ mới, càng khích lệ tinh thần yêu nước, dân tộc của người Công giáo Việt Nam.

Nhiều xứ đạo tưng bừng tổ chức lễ Quốc khánh 2-9-1945, mừng ngày dân tộc độc lập; hàng giám mục ở Việt Nam tuyên bố: “Người Công giáo không có quyền lãnh đạm với nền độc lập nước nhà”, phải giữ nguyên tắc “trung thành với Chúa Kitô và với Tổ quốc”(13). Tinh thần ấy đã được các giám mục, giáo sĩ người Việt Nam thể hiện một cách cụ thể. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, các giám mục người Việt Nam “với ý thức bổn phận thiêng liêng đối với Tổ quốc”, và “một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nàn chưa từng có”, đại diện cho người Công giáo Việt Nam gửi một điện văn cho Giáo hoàng Piô XII, đề nghị Tòa Thánh và giới Công giáo trên thế giới cầu nguyện và ủng hộ “nền độc lập mà nhân dân Việt Nam mới giành được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá”(14). Các giáo sĩ và đồng bào Công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quyết tâm: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của đức Giêsu”(15).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công giáo đồng hành cùng dân tộc theo tinh thần: “kính Chúa, yêu nước” nhằm chu toàn hai nhiệm vụ thiêng liêng: “Phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc”.

Từ hai giới răn căn cốt của đạo: “Mến Chúa, yêu người” mà Chúa Giêsu răn dạy, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, người Công giáo Việt Nam đã cụ thể hóa thành “Mến Thiên Chúa - yêu Tổ quốc”, được Hồ Chí Minh nâng lên thành “kính Chúa, yêu nước” với một nội hàm mới mang tinh thần cách mạng, trở thành phương châm sống đạo của người Công giáo Việt Nam. Người viết: “kính Chúa, yêu nước chúng ta phải đấu tranh, đặng giữ tự do tín ngưỡng, và giành độc lập cho nước ta”(16). Người giải thích rõ: “không tách rời bổn phận kính Chúa của người Công giáo với bổn phận yêu nước của người công dân”(17).

Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh “kính Chúa, yêu nước” nhằm phục vụ hai nhiệm vụ: Phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc. Hai nhiệm vụ đó luôn song hành, không thể tách rời nhau, có hết lòng phụng sự Tổ quốc thì mới làm sáng danh Chúa, làm sáng danh Chúa cũng là phụng sự Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không mâu thuẫn nhau, trái lại gắn bó chặt chẽ với nhau trên tinh thần: “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm”(18).

Theo Người, kính Chúa, yêu nước phải bằng hành động thiết thực, cụ thể, nghĩa là phải tham gia kháng chiến, kiến quốc giành độc lập cho dân tộc và sáng danh Thiên Chúa, rằng: “Kính Chúa mà không biết yêu nước là chưa biết Kính Chúa, mà yêu nước thì phải kháng chiến”(19). Do đó, “đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình”(20).

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kháng chiến là cốt làm cho nước ta được độc lập thực sự, cho nhân dân được tự do, đồng thời cho đồng bào Công giáo được tự do thờ Chúa”(21). Người viết: “Kinh thánh có câu: “ý dân là ý Chúa”, con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng”(22). Theo Hồ Chí Minh, “kính Chúa, yêu nước” để “Phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc” là “nhiệm vụ thiêng liêng”(23) của người Công giáo. Từ đó, kính Chúa, yêu nước trở thành phương châm sống đạo của người Công giáo Việt Nam. Ngày nay, phương châm ấy được thể hiện cụ thể thành, sống tốt đời, đẹp đạo.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào kính Chúa, yêu nước của người Công giáo Nam Định

Người Công giáo Nam Định với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nam Định là cái nôi của Công giáo Việt Nam, nơi đầu tiên trên cả nước đón nhận ánh sáng Tin Mừng(24), nơi người Công giáo đông đảo, vừa có lòng mộ đạo vừa có tinh thần yêu Tổ quốc. Công giáo ở Nam Định, nhất là giáo phận Bùi Chu, từ khi Đức Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) làm Giám mục (1936-1948), không chỉ là giáo phận “thịnh vượng nhất về số lượng giáo dân, mộ đạo, sốt sắng, một hàng giáo sĩ đạo đức”(25), mà còn là giáo phận đi tiên phong trong phong trào xây dựng giáo hội. Đồng thời, đây cũng là giáo phận tích cực tham gia ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã thể hiện tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc của mình bằng lời nói và việc làm cụ thể. Ông là vị Giám mục Công giáo Việt Nam đầu tiên nêu lên tư tưởng phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia. Trong buổi lễ “Tuần lễ vàng” do Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định tổ chức, Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã có nghĩa cử cao đẹp và những lời nói giản dị, nhưng thật sâu sắc. Ông nói, là một giám mục, “trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy tôi cũng vui lòng chia của quý làm hai. Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin để phụng sự quốc gia”(26).

Tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã định hướng cho người Công giáo Nam Định đồng hành cùng dân tộc ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Dưới sự dẫn dắt của Ngài, người Công giáo Nam Định đã tích cực ủng hộ nền độc lập của nước nhà và Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu bằng những việc làm thiết thực. Tờ Bán Nguyệt san Đa Minh, cơ quan ngôn luận của giáo phận do Giám mục Hồ Ngọc Cẩn làm chủ bút, trở thành tờ báo Công giáo phản ánh nhiều nhất mối quan hệ giữa Giáo hội và Chính quyền cách mạng.

Linh mục Nguyễn Thế Thoại nhận xét: “Trong giai đoạn 1945-1946, tờ Đa Minh hơn ở đâu hết, người ta đọc thấy tâm trạng người Công giáo trong giáo hội Việt Nam trưởng thành. Nhiều cây bút đối thoại thẳng thừng, cạn tàu ráo máng với những vị liên hệ, dù là tập thể Thừa sai”(27). Tờ Đa Minh số 147 ra ngày 01-9-1945 (một ngày trước Lễ Độc lập), đã đăng trang trọng Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, trong đó có vấn đề: “Tự do tín ngưỡng”. Đặc biệt, trong số ra ngày 15-9-1945, tờ Đa Minh đăng toàn bộ bản Tuyên ngôn độc lập trên trang nhất, với nền cờ đỏ sao vàng dưới có hàng chữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm. Cũng trong số báo này, lần đầu tiên khẩu hiệu “Mến Thiên Chúa - yêu Tổ quốc”, được đăng công khai thể hiện rõ tinh thần phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia của người Công giáo do Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn khởi xướng. Trong bài, Tinh thần độc lập trên tờ Đa Minh (03-10-1945) giải thích rõ: “Công giáo chúng ta có bổn phận yêu Tổ quốc không những vì Tổ quốc lại vì Thiên Chúa chúng ta nữa... Hai triệu người Công giáo chúng ta vốn từ trong thâm tâm đoàn kết với 20 triệu đồng bào ngoài đạo. Nhưng trước đây, vì thực dân đã có dã tâm gieo mầm ly gián giữa kẻ Lương người Giáo để thỏa mãn chính sách đê hèn “chia mà trị”(28).

Giám mục Hồ Ngọc Cẩn và người Công giáo Nam Định còn thể hiện tình cảm đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong diễn văn mừng lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ ngày 28-10-1945, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn nói: “Cho đến nay, nước Việt Nam đã có 4 người được phong giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một anh hùng dân tộc. Đức cha Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế đến là Đức cha Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay là Giám mục Lễ Hữu Từ mang họ Lê Lợi. Còn tôi đây mang họ... Chủ tịch Hồ Chí Minh”(29).

Trên báo Đa Minh (số 154), có bài tri ân của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bài viết khác về Người, trong đó bài Chuyện không đề của tác giả Huyền Không viết: “Cụ Hồ Chí Minh. Từ trẻ đã từng bôn ba hải ngoại nằm sương nếm mật để giành giật lấy quyền độc lập cho đồng bào yêu quý. Ngày nay các đồng chí vì yêu tài mến đức đặt lên làm chủ tịch cả một chính phủ, thế mà cụ vẫn khiêm tốn nhũn nhặn, ăn mặc xuềnh xoàng, râu tóc không kịp cạo, lại đội một cái mũ... đã trải gió, mưa, như chủ của nó. Với một chủ tịch lão thành đầy kinh nghiệm, đầy đức hy sinh và lòng khiêm tốn như thế... chúng ta có quyền tín nhiệm vào Chính phủ. Chúng ta lại có quyền hy vọng Chính phủ sẽ dẫn dắt ta đến đài vinh quang xây bằng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” (Đa Minh, số 149 năm 1945)(30).

Tờ Văn Côi tạp chí của dòng Đa Minh đặt tại Trường Giáo lý Nam Định có nhiều bài kêu gọi ủng hộ Chính phủ Việt Minh: “Trong lúc này, hơn khi nào hết, người Việt Nam cần phải thực hành câu “nhiễu điều bọc lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng” hầu tỏ ra một tinh thần đoàn kết chặt chẽ chị ngã em nâng và đức bác ái không bờ cõi của dân tộc độc lập như dân tộc Việt Nam mới” (Văn Côi, số 94, 1945)(31).

Tờ Đa Minh, số 151, ra ngày 15-11-1945 nêu khẩu hiệu: “Ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ”, bên cạnh dòng chữ: “Cương quyết giành độc lập”. Bài Bản tuyên ngôn Việt Nam Công giáo, có đoạn: “Trước tình thế hiện thời, nước Việt Nam đang bị đàn áp, trong Nam Bộ quân Anh, Ấn, Pháp, Nhật tàn sát đồng bào, ngoài Trung Bộ và Bắc Bộ cũng bị hăm dọa xâm lăng. Đứng trước tình thế nguy ngập của Tổ quốc, tất cả toàn thể tầng lớp nhân dân đều đứng lên chống giặc ngoại xâm, người Công giáo cũng có nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, như tất cả những người Việt Nam yêu nước khác. Nhiệm vụ của người Công giáo lúc này là cứu quốc, sẵn sàng xương máu để hy sinh cho Tổ quốc”(32).

Tinh thần “mến Thiên Chúa, yêu Tổ quốc”, để phụng sự Thiên Chúa, phụng sự quốc gia do Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn khởi xướng đã lan tỏa trong giới Công giáo và là cơ sở thực tiễn để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định rõ đường lối tôn giáo đúng đắn.

Hồ Chí Minh đối với người Công giáo Nam Định và tinh thần kính Chúa, yêu nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm và sự quan tâm đến Đảng bộ và nhân dân Nam Định, trong đó có đồng bào Công giáo. Người đã có 5 lần về thăm tỉnh Nam Định và đồng bào Công giáo. Ngày 10-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nam Định, Người đến thăm trại trẻ mồ côi (nhà Thiên Thần hay nhà Dục Anh) phố Hàn Thuyên, Nam Định, do các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres phụ trách. Tại đây, Người thăm từng phòng ở, từ chỗ nuôi trẻ sơ sinh đến phòng của trẻ 9-10 tuổi và nói với bà phước nuôi trẻ: “Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ đó cảm ơn bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ”(33). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành tình cảm đặc biệt đối với Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Người mời Giám mục làm cố vấn cho Chính phủ. Ngày 27-11-1948, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn chia buồn: “Tôi rất lấy làm đau đớn được tin Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã từ trần. Tiếc vì chiến sự, tôi không thể về để dự đám tang Đức Giám mục. Tôi đã nhờ Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III thay mặt đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu”(34).

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), nhiều giáo sĩ, giáo dân ở Nam Định tỏ rõ tinh thần yêu nước, dân tộc, tham gia kháng chiến, kiến quốc. Tiêu biểu trong đó có Linh mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ (1886-1972), thuộc giáo phận Hà Nội, người đã tham gia phong trào Công giáo cứu quốc ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm với một tình cảm chân thành đối với Linh mục và Linh mục Kỷ cũng có những tình cảm đặc biệt đối với Người(35). Linh mục Vũ Xuân Kỷ viết bài: “Có Hồ Chủ tịch là có tự do rồi” đăng trên báo Cứu quốc, số 1708, ra ngày 15-5-1955 thể hiện lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh(36).

Trong suốt những năm kháng chiến gian khổ, ông luôn sát cánh cùng Ủy ban Liên lạc Công giáo Liên khu 3, Mặt trận Liên Việt và các linh mục, nhất là Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1946-1954), tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo phải kính Chúa, yêu nước, đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho tôn giáo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng. Sau khi các giám mục Đông Dương tuyên bố Thư chung (11-1951), tháng 12-1951, Linh mục Vũ Xuân Kỷ triệu tập và chủ trì Hội nghị ban thường trực Ủy ban Liên lạc Công giáo Liên khu 3, ra tuyên bố khẳng định những người Việt Nam Công giáo chân chính ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, chống lại bọn thực dân Pháp, Mỹ, tuân theo giáo luật, vâng phục chính quyền hợp pháp.

Trong dịp Giáng Sinh năm 1953, Linh mục Vũ Xuân Kỷ cùng với Linh mục Phạm Bá Trực viết lời kêu gọi đồng bào Công giáo, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, lên án âm mưu chia rẽ người Công giáo với người cộng sản của chúng(37).

Sau Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954), Linh mục Vũ Xuân Kỷ cùng Linh mục Phạm Bá Trực viết thư kêu gọi đồng bào Công giáo nói rõ nội dung của Hiệp định, kêu gọi đồng bào cùng toàn dân tiếp tục đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện các điều đã ký kết nhằm làm cho nước ta được hoàn toàn thống nhất, đồng bào được hoàn toàn giải phóng, đem lại hòa bình cho mọi người(38).

Tấm gương kính Chúa, yêu nước tích cực tham gia kháng chiến và kêu gọi người Công giáo ủng hộ, tham gia kháng chiến, kiến quốc của các Linh mục như Vũ Xuân Kỷ, Phạm Bá Trực đã động viên, khích lệ giáo dân, trong đó có người Công giáo ở Nam Định tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong chín năm kháng chiến gian khổ, cả tỉnh Nam Định có hàng nghìn người Công giáo tham gia kháng chiến, thanh niên Công giáo tòng quân, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc, nhiều gia đình là cơ sở bí mật, nhiều làng Công giáo có đội du kích kháng chiến. Trong đó, tiêu biểu là đội du kích Công giáo thôn Quỹ Nhất (thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), là thôn Công giáo toàn tòng đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến, chống càn, làm tốt công tác địch vận, diệt tề, trừ gian, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm đồng bào Công giáo, trong đó có đồng bào Công giáo Nam Định. Người nói: “Miền Bắc của ta đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân ta ở miền Bắc được vui sống tự do, làm ăn yên ổn, đồng bào Công giáo thì được tự do thờ Chúa, không còn bị địch đóng chiếm nhà thờ, tàn sát dân lành, gây ra bao nhiêu khổ nhục. Tiếng chuông nhà thờ năm nay mừng sinh nhật Chúa là tiếng chuông hòa bình, tự do, hạnh phúc trong lòng của mọi đồng bào Công giáo ở miền Bắc ta”(39). Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào các tôn giáo có quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng, chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”(40). Đối với người Công giáo, Người chỉ rõ, “Nguyện vọng của đồng bào giáo dân là “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. Muốn được như thế thì phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải bảo đảm tín ngưỡng tự do. Nhưng hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước”(41).

Đối với đồng bào Công giáo Nam Định, Hồ Chí Minh có sự quan tâm sâu sắc và luôn dõi theo phong trào yêu nước của đồng bào. Người chỉ rõ, sản xuất ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao, làm cho đồng bào Công giáo “phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hòa bình càng chóng thắng lợi như bài hát: “Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hòa bình cho mọi người lành dưới thế”(42). Bởi vậy, Người nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải thật sự chăm lo tốt “phần đời, phần đạo” cho đồng bào Công giáo.

Người nói: “Nam Định có 18 vạn đồng bào Công giáo, các cấp ủy phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo... Đồng bào Công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào Công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn”(43).

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, khi bước vào thời kỳ mới xây dựng miền Bắc CNXH làm hậu phương lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, thì nội hàm của phong trào “kính Chúa, yêu nước” cũng phải mở rộng, cụ thể và thiết thực hơn. Nghĩa là phải quan tâm chăm lo “phần đời và phần đạo” của đồng bào, “làm cho người nông dân Công giáo vừa ấm no, vừa giữ trọn đạo”(44).

Người cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi vì, các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là chủ thể lãnh đạo xây dựng cuộc sống mới, là người tổ chức, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động, tập hợp nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo xây dựng đời sống mới. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có đồng bào theo đạo Thiên Chúa đã nói: “Sống theo Đảng, chết theo Chúa”. Câu nói ấy là tổng kết một nhận thức rất đúng tâm trạng của những đồng bào theo đạo có tinh thần yêu nước, họ theo Đảng nhưng vẫn tin Chúa. Chúng ta cần phải biến câu nói ấy thành khẩu hiệu để giáo dục và động viên đồng bào có đạo hăng hái tham gia sản xuất và chiến đấu”(45).

Đối với Nam Định, Người biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền đã làm tốt công tác vận động đồng bào Công giáo tham gia phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, đã xây dựng được những hợp tác xã tiêu biểu. Người nói: “các cấp ủy đã biết vận động đồng bào lương và giáo xây dựng được những hợp tác xã tốt... Nhờ các hợp tác xã được củng cố, cho nên trong hai năm qua, tuy bị thiên tai ba vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển cả về năng suất, diện tích và sản lượng”(46).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công giáo đồng hành cùng dân tộc theo phương châm: “kính Chúa, yêu nước”, phục vụ hai nhiệm vụ thiêng liêng: “Phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc” thực sự trở thành một phương châm, mô hình sống đạo mới của người Công giáo Việt Nam nói chung, người Công giáo Nam Định nói riêng. Nội hàm phương châm ấy theo từng giai đoạn lịch sử có sự thay đổi cho phù hợp với phong trào cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiệm vụ chính của người Công giáo là tham gia cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giành độc lập cho dân tộc và tự do cho tôn giáo (trong đó có Công giáo). Đó là biểu hiện sinh động nhất của tinh thần “kính Chúa, yêu nước”. Khi đất nước đã được hòa bình, đồng bào Công giáo được tự do thờ Chúa thì nhiệm vụ chính của các cấp ủy đảng, chính quyền phải chăm lo phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo. Đó là nội dung mới của tinh thần “kính Chúa, yêu nước” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận bài: 27-8-2022; Ngày bình duyệt: 29-8-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

 

(1), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.374, 374.

(2), (3), (4), (7), (15), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.56, 142, 544, 56, 56, 544.

(5), (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.373, 657.

(6), (14) Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1988, tr.79, 59.

(8), (16) Hồ Chí Minh: Về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, tr.142, 199.

(10), (11), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.375, 491, 197.

(12) Nguyễn Phú Lợi: Linh mục Phạm Bá Trực, một nhà tận tụy ái quốc, người đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam, Tạp chí Mặt trận, số tháng 5+6/2020, tr.118-119.

(13), (25) Bùi Đức Sinh: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, t.3, Nhà in Veritas Edition Calgary, Canada, 1998, tr.205, 270.

(17), (39), (42), (44) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.150, 226, 462, 253.

(19) Ngô Quốc Đông: Hồ Chí Minh và vấn đề tôn giáo trong kháng chiến chống Pháp 1946-1954, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 150, tháng 6-2007, tr.130.

(20), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.515, 237.

(22), (43), (45), (46) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.381, 103, 966, 102.

(24) Theo giáo sử, năm 1533, giáo sĩ Inekhu đến làng Ninh Cường (nay thuộc giáo xứ Ninh Cường, xã Trực Phú, huyện Nam Trực), Quần Anh (nay thuộc giáo xứ Quần Phương, thị trấn Yên Định) huyện Nam Chân và làng Trà Lũ (nay thuộc giáo xứ Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường), huyện Giao Thủy giảng đạo. Năm 1948, giáo phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) được thành lập. Năm 1936, giáo phận Thái Bình tách khỏi giáo phận Bùi Chu. Từ đó, Giáo phận Bùi Chu có địa giới hành chính như hiện nay.

(26) Phạm Huy Thông (tuyển chọn và giới thiệu): Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.295.

(27), (28) Đỗ Quang Hưng: Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.273, 274.

(29) Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.294.

(30), (31), (32) Dương Thị Thùy Linh: Đời sống tôn giáo ở Bắc Kỳ qua báo chí Công giáo trước năm 1945, Luận án tiến sĩ tôn giáo học, Học viện khoa học xã hội, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, 2019, tr.119, 120-121, 121.

(33) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia

(35), (36), (37), (38) Nguyễn Hồng Dương (chủ biên): Linh mục Phạm Bá Trực và đường hướng Công giáo đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr.89, 88, 122, 124.

(40) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.475.

(41) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.454.

PGS, TS NGUYỄN PHÚ LỢI

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền