Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Những đóng góp của Ph.Ăngghen đối với quốc tế II
Thứ tư, 25 Tháng 12 2013 16:25
7349 Lượt xem

Những đóng góp của Ph.Ăngghen đối với quốc tế II

(LLCT) - Là nhà lý luận lỗi lạc, chiến sĩ cách mạng kiên cường, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người cộng sản trên thế giới, Ph.Ăngghen đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột. Nhân 192 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 – 28/11/2012), trong bài viết này tác giả điểm lại những cống hiến của Ông trong việc xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX.

 

1. Những nhân tố khách quan dẫn tới sự ra đời Quốc tế II và vai trò của Ph.Ăngghen           

Trong hai thập niên cuối thế kỷ XIX, phong trào công nhân quốc tế phát triển thành cao trào đấu tranh mạnh mẽ. Tại Mỹ, năm 1875 đã nổ ra cuộc bãi công của 6 nghìn công nhân ngành điện, 15 nghìn công nhân ngành dệt ở Phônrivơ trong 8 tuần. Ngày 1-5-1886, trên 40 nghìn công nhân thành phố Chicago đã rầm rộ xuống đường biểu tình. Tại Anh, năm 1878, 300 nghìn công nhân ngành bông - vải - sợi ở Lancasia bãi công 10 tuần; năm 1889, 60 nghìn công nhân cảng, thủy thủ, thợ mỏ, thợ đốt lò bãi công tại Luân Đôn. Tại Pháp, năm 1889, gần 20 nghìn thợ mỏ vùng Rua tiến hành biểu tình. Tại Đức, năm 1888, 25 nghìn thợ nề, thợ mộc tại Beclin đình công trong 2 tháng liền; năm 1889, 150 nghìn thợ mỏ tổ chức bãi công... Qua thực tế đấu tranh cách mạng, giai cấp công nhân đã nhận thức được rằng, phải đoàn kết mới có sức mạnh để chống chủ nghĩa tư bản và hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đoàn kết không chỉ trong phạm vi một nước mà đòi hỏi phải được tổ chức chặt chẽ trên bình diện quốc tế.   

Từ phong trào đấu tranh cách mạng, đã xuất hiện những tổ chức của giai cấp công nhân. Ba hình thức nghiệp đoàn của giai cấp công nhân ra đời: tổ chức công liên, công đoàn thuộc chính đảng của giai cấp vô sản và công đoàn chịu ảnh hưởng của phái vô chính phủ. Việc hình thành các nghiệp đoàn trong phong trào công nhân lúc đó chứng tỏ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã có bước phát triển mới, đấu tranh có tổ chức. Nhưng đồng thời cũng bộc lộ tính phức tạp, sự phân tán của phong trào. Muốn giành thắng lợi, phong trào công nhân đòi hỏi phải được tổ chức lại một cách chặt chẽ hơn. Mặt khác, thành phần tham gia công đoàn không chỉ có công nhân mà còn có cả thợ thủ công và các viên chức. Điều này cho thấy, bộ phận công nhân công nghiệp hiện đại đã ý thức được rằng muốn giải phóng giai cấp công nhân thì phải đồng thời giải phóng cho toàn bộ giai cấp lao động khác trong xã hội.           

Cũng từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đã sản sinh ra các đảng XHCN: đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Đức thành lập năm 1875 (do sự hợp nhất giữa Đảng Công nhân dân chủ xã hội với Tổng hội công nhân toàn nước Đức), đảng Công nhân Pháp (1879), đảng Công nhân xã hội dân chủ Áo (1889). Tại Hunggary, năm l878 thành lập đảng của giai cấp vô sản lấy tên là Đảng của những người không có quyền bầu cử(1). Năm 1880, Đảng đã cùng với Đảng Công nhân hợp nhất thành Đảng Công nhân toàn Hunggary. Cuối những năm 1890, Đảng đổi tên là Đảng Xã hội dân chủ...(2). 

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân tại nhiều nước đã đặt ra nhu cầu khách quan cho việc thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân. Trên các diễn đàn chính trị, ngày càng có nhiều tiếng nói đề nghị phải nhanh chóng thành lập tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân. Chủ trương này được Đảng dân chủ - xã hội Đức nêu ra tại Đại hội Xanhhalen tháng 10-1887. Những người lãnh đạo mácxít trong phong trào công nhân Pháp được trao quyền đứng ra triệu tập đại hội quốc tế ở Pari. Nhưng, đồng thời trong lúc đó (1888), tại cuộc họp công đoàn ở London (hội nghị này bao gồm phái Khả năng, Liên minh Dân chủ xã hội Anh, Đoàn Kỵ sĩ lao động Mỹ chủ trì), phái Khả năng(3) cũng được ủy quyền triệu tập một đại hội quốc tế của giai cấp công nhân. Tình huống đặt ra, tại thủ đô Pari, có thể diễn ra đồng thời hai đại hội công nhân quốc tế. Một đại hội do những người mácxít trong phong trào công nhân Pháp tổ chức. Một đại hội do phái Khả năng (theo chủ nghĩa cơ hội, cải lương) khởi xướng. Như vậy, cuộc đấu tranh của những người mácxít chống chủ nghĩa cơ hội, cải lương diễn ra quyết liệt ngay từ quá trình chuẩn bị đại hội.         

Do nắm bắt và đánh giá đúng đắn, kịp thời tình hình cụ thể, Ăngghen đã nhiệt thành chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho đại hội công nhân quốc tế như: đấu tranh, phê phán các quan điểm có ý định thống nhất hai đại hội; thu thập chữ ký, ra lời kêu gọi triệu tập đại hội... Người đã vạch ra kế hoạch hành động và biện pháp tổ chức cho việc chuẩn bị đại hội. Cùng với đó, Ăngghen đã kịch liệt phê phán và chỉ ra tính không hợp pháp đại hội do phái Khả năng tổ chức thông qua việc so sánh cơ sở tiến hành đại hội: “Năm 1889 ở Pa-ri sẽ họp hai đại hội: Đại hội thứ nhất theo quyết định của đại hội công đoàn Pháp ở Boóc-đô đã họp vào tháng Mười - Mười một năm 1888, được đại hội các đảng viên xã hội chủ nghĩa Pháp ở Tơroayơ phê chuẩn chuyển vào dịp lễ Giáng sinh; đại hội thứ hai, theo quyết định, được đại hội quốc tế các công đoàn ở Luân Đôn thông qua một tuần sau, và phái Khả năng được giao nhiệm vụ tổ chức đại hội ấy”(4) nhưng “Đại hội Luân Đôn không phải là đại hội chung của công nhân, đó là đại hội của những công liên, do những công liên triệu tập và về nguyên tắc không một ai được tham dự nó ngoài những người của công liên”(5).         

Ngày 14-7-1889, tại Pari, gần 400 đại biểu từ hơn 20 quốc gia đã khai mạc Đại hội công nhân quốc tế, khẩu hiệu trung tâm của Đại hội là "Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại". Đại hội ghi nhận vai trò to lớn của Ăngghen trong suốt quá trình chuẩn bị Đại hội.          

2. Ăngghen đấu tranh chống các quan điểm cải lương, cơ hội trong phong trào công nhân     

Chủ nghĩa cơ hội hình thành trong phong trào công nhân châu Âu từ những năm 70, đến những năm 90 thế kỷ XIX thì phát triển mạnh mẽ. Ở Đức, chủ nghĩa cơ hội trong đảng Dân chủ xã hội Đức do Phônmarơ (G.H.Vollmar 1850-1922) đứng đầu. Về triết học, dùng chủ nghĩa duy vật, thuyết tiến hóa tầm thường thay cho chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Về mặt kinh tế, dùng CNXH dân tộc của Vinhem thay thế cho CNXH khoa học. Về chính trị, dùng chủ nghĩa cải lương xã hội thay thế học thuyết của Mác về đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản, cổ vũ tư tưởng “xã hội hiện đại đẻ ra chủ nghĩa xã hội”. Về chính sách quốc tế, Phônmarơ ủng hộ chính phủ chuyên chế trong chiến tranh xâm lược. Ở Pháp, ngoài phái Khả năng, trong giai đoạn này hình thành thêm “Chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ”, phái “Blăngki”. Đảng công nhân của Gheđơ (J.Guesde 1845-1922) theo chủ nghĩa cơ hội, cải lương thổi phồng tác dụng của đấu tranh nghị trường, nêu quan điểm lợi dụng bầu cử để đi lên CNXH. Ở Anh, Liên đoàn dân chủ xã hội do Haiđơman (H.M.Hyndman 1842-1921) lãnh đạo cũng thoái hóa thành công cụ trong tay các phần tử vô chính phủ.            

Đứng trước tình hình đó, để thúc đẩy phong trào công nhân phát triển, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Phân tích, vạch rõ nguyên nhân ra đời, bản chất và các tác hại của chủ nghĩa cơ hội, Ăngghen chỉ rõ các nguyên nhân hình thành chủ nghĩa cơ hội. Về kinh tế, chủ nghĩa cơ hội hình thành do sự phụ thuộc lợi ích kinh tế của giai cấp cấp công nhân vào giai cấp tư sản, “Sự tham gia vào sự thống trị trên thị trường thế giới đã là và vẫn là cơ sở kinh tế của tính thụ động của công nhân Anh. Bám theo đuôi giai cấp tư sản trong việc sử dụng về phương diện kinh tế địa vị độc quyền đó, nhưng dù sao vẫn luôn luôn tham gia vào việc hưởng lợi nhuận của nó”(6). Từ vị trí kinh tế đó, hệ quả về mặt chính trị là: “... trong gần một phần tư thế kỷ, giai cấp công nhân Anh đã cam tâm, - đúng như người ta nói, - làm cái đuôi của “đảng Tự do vĩ đại”(7). Ở Pháp, bọn thủ lĩnh phái Khả năng đã “bán rẻ các nguyên tắc cho giai cấp tư sản để lấy những sự nhượng bộ cục bộ, mà chủ yếu là để được những chiếc ghế ấm cúng cho các thủ lĩnh”(8). Như vậy, sự hình thành chủ nghĩa cải lương, cơ hội trong phong trào công nhân có nguyên nhân kinh tế sâu sắc. Về chính trị, sự đàn áp tàn khốc của giai cấp tư sản làm cho một bộ phận trong phong trào công nhân sợ hãi, thui chột ý chí đấu tranh. Đồng thời, bọn tư sản còn dùng chiêu bài thỏa hiệp, nhượng bộ một số lợi ích nào đó làm cho giai cấp vô sản có ảo tưởng giành thắng lợi bằng con đường hòa bình.           

Ăngghen kết luận, tư tưởng, quan điểm cơ hội chủ nghĩa là quan điểm tư sản, các phần tử cơ hội chủ nghĩa là cái đuôi của giai cấp tư sản. Họ tạo ra một mặt trận tư sản trong phong trào công nhân và đảng công nhân. Phân tích nguồn gốc, bản chất của chủ nghĩa cơ hội, Ăngghen đã chỉ ra những sai lầm, tác hại của nó đối với phong trào công nhân: “Người ta đưa những vấn đề chính trị chung, trừu tượng lên hàng đầu và như vậy là người ta che lấp mất những vấn đề cụ thể, bức thiết nhất, những vấn đề sẽ được đặt ra trong chương trình nghị sự, mỗi khi xảy ra những biến cố lớn đầu tiên, mỗi khi có khủng hoảng chính trị đầu tiên. Kết quả có thể là như thế nào, nếu không phải là bất thình lình, trong giờ phút quyết định, đảng bị bối rối; là về những vấn đề hết sức quyết định, trong đảng có tình trạng mơ hồ và thiếu nhất trí, vì những vấn đề ấy chưa hề được bàn tới?”(9). Ông cũng chỉ ra tính nguy hại của quan điểm cơ hội với phong trào: “Vì những lợi ích nhất thời hàng ngày mà quên đi những quan điểm chủ yếu lớn; chạy theo những thành công chốc lát và đấu tranh cho những thành công chốc lát mà không tính đến những hậu quả về sau, hy sinh tương lai phong trào vì hiện tại, tất cả những việc ấy có thể xuất phát từ những động cơ “thành thật”. Nhưng đó là và sẽ vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mà chủ nghĩa cơ hội “thành thật” có lẽ lại là thứ chủ nghĩa cơ hội nguy hiểm hơn hết cả”(10). Từ đó, chủ nghĩa cơ hội làm tê liệt tư tưởng giai cấp công nhân, cổ vũ những kiểu đấu tranh nhỏ giọt, những cải cách nhượng bộ, lấy đó làm mục tiêu của phong trào: “Người ta tự lừa dối mình và lừa dối đảng rằng “xã hội hiện nay đang dần dần phát triển thành chủ nghĩa xã hội”...”(11). Đó là những tác hại to lớn của chủ nghĩa cải lương, cơ hội với phong trào công nhân lúc đó.          

3. Ăngghen vạch ra phương hướng hoạt động cơ bản cho Quốc tế II   

Rút kinh nghiệm từ những thành công cũng như thất bại của Công xã Pari, căn cứ vào thực tiễn phong trào công nhân, Ăngghen đã xác định những phương hướng chủ yếu cho phong trào công nhân lúc đó.   

Thứ nhất, về hình thức đấu tranh của công nhân và các đảng chính trị của công nhân. Sau thất bại của Công xã Pari, các thế lực cầm quyền dùng vũ lực để trấn áp phong trào đấu tranh của công nhân; hình thức khởi nghĩa, đấu tranh vũ trang tạm thời không còn phù hợp, “từ 1848 trở về trước thì bất cứ ở đâu khởi nghĩa theo kiểu cũ, chiến đấu trên các lũy chướng ngại, đều cũng có tác dụng quyết định, nhưng ngày nay, đã hết sức lỗi thời rồi”(12). Trong điều kiện hiện tại, khi giai cấp công nhân đã thành lập được các tổ chức chính trị của mình thì hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường có tác dụng to lớn. Nó vừa giành được những quyền dân sinh, dân chủ cho công nhân; vừa làm cho uy tín của các đảng công nhân lên cao; đồng thời, cũng là một biện pháp hợp pháp để các tổ chính trị của giai cấp công nhân mở rộng cơ sở xã hội của mình: “sử dụng chế độ đầu phiếu phổ thông một cách có hiệu quả như vậy, là giai cấp vô sản đã vận dụng một phương thức đấu tranh hoàn toàn mới và phương thức đó ngày càng phát huy tác dụng”(13), vì “do số phiếu ngày càng tăng lên đều đặn và cực kỳ nhanh chóng, mà làm tăng thêm lòng tin chắc chắn của công nhân vào thắng lợi, đồng thời cũng làm tăng thêm nỗi khiếp sợ của kẻ địch...  Bằng cổ động tuyển cử, nó cung cấp cho chúng ta một phương tiện vô song để tiếp xúc với quần chúng nhân dân ở những nơi mà họ còn xa chúng ta...”(14).

Thứ hai, về mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài của phong trào công nhân. Mục tiêu trước mắt là phát triển sâu rộng phong trào công nhân, thúc đẩy sự phát triển của phong trào XHCN, xúc tiến việc truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác, phê phán các quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, cải lương trong phong trào công nhân. Về mục tiêu lâu dài, “... những người xã hội chủ nghĩa, mong muốn giải phóng lao động, tiêu diệt chế độ nô lệ làm thuê và thiết lập một chế độ xã hội trong đó toàn thể công nhân, không phân biệt nam, nữ và dân tộc, đều có quyền hưởng những của cải do lao động chung của họ làm ra”(15).           

Thứ ba, vấn đề xây dựng, phát triển chính đảng của giai cấp vô sản, và hình thức tổ chức nhà nước sau khi cách mạng thành công. Cách mạng vô sản muốn thắng lợi, giữ được thành quả thì giai cấp công nhân phải do một đảng cách mạng nhuần nhuyễn về lý luận lãnh đạo. Giai cấp công nhân phải được tổ chức và giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của mình: “Quần chúng công nhân ngày càng thấm sâu ý thức rằng lối thoát của họ chủ yếu không phải là giành cho được tiền lương cao hơn và ngày làm việc ngắn hơn bằng cách đấu tranh với từng chủ xí nghiệp, mà trước hết là giai cấp công nhân được tổ chức thành đảng độc lập phải giành được quyền chính trị, giành được nghị viện”(16). Sau khi giành được thắng lợi ban đầu phải dùng biện pháp cách mạng XHCN (chuyên chính vô sản), thiết lập bộ máy nhà nước vô sản để giữ chính quyền. Trong Góp phần phê phán dự thảo cương lĩnh 1891, Ăngghen đã phê phán dự thảo cương lĩnh Écphuya, chỉ ra sai lầm cơ bản của Cương lĩnh ở chỗ không nêu lên một cách rõ ràng đòi hỏi của cách mạng vô sản là chính quyền. Về hình thức chính trị và hình thức nhà nước, sau khi giai cấp vô sản giành chính quyền “đảng ta và giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến nắm quyền thống trị dưới một hình thức chính trị, như nền cộng hòa dân chủ. Nền cộng hòa này cũng chính là hình thức đặc thù của chuyên chính vô sản”(17).        

4. Ý nghĩa tư tưởng Ăngghen trong giai đoạn hiện nay  

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, sự phát triển của phong trào công nhân, của khuynh hướng đi lên CNXH, nhất là tại khu vực Mỹ Latinh, đã xuất hiện những đề xuất về việc thành lập Quốc tế V. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất 55 các đảng cánh tả trên thế giới, tổ chức tại thủ đô Caracas của Vênêduêla (tháng 11-2009), Tổng thống Vênêduêla Hugo Chavez đã kêu gọi thành lập Quốc tế V - Xã hội chủ nghĩa: “Thời gian để thành lập Quốc tế V đã đến, đối mặt với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và những mối đe dọa chiến tranh đang đặt tương lai nhân loại trước nhiều nguy cơ, nhân dân đang kêu gọi sự đoàn kết của các đảng cánh tả và các đảng cách mạng để đấu tranh vì một xã hội xã hội chủ nghĩa”(18). Theo ông Chavez, Quốc tế V vẫn dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lực lượng tham gia Quốc tế V gồm có giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Mục tiêu của Quốc tế V nhằm tạo lập một không gian tập hợp các đảng XHCN và phong trào cánh tả; đấu tranh vì CNXH chứ không phải để cải tổ CNTB. Theo đề xuất của ông, Quốc tế V đoàn kết nhân dân lao động để thúc đẩy việc phát triển ý thức của họ, khuyến khích họ hành động độc lập với giới tư bản nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình. Việc thành lập một mặt trận thống nhất như vậy sẽ vận động được đa số nhân dân lao động tham gia vào cuộc cách mạng, trước hết là bảo vệ lợi ích của chính mình, sau đó là tiến tới cuộc đấu tranh thay đổi chế độ tư bản bằng chế độ XHCN.

Như vậy, có thể thấy rằng, những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, quan điểm của Ăngghen nói riêng về xây dựng tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân vẫn có tính thời sự sâu sắc. Mỗi bước phát triển của phong trào tại từng thời điểm cụ thể đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức công nhân quốc tế. Phong trào công nhân, XHCN thế kỷ XXI tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết, đấu tranh xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2012

(1) Đảng này lấy tên như vậy vì lúc đó tại Hunggary không cho phép thành lập các tổ chức xã hội chủ nghĩa.     

(2) Xem: Phong trào công nhân quốc tế những vấn đề lịch sử và lý luận, t.II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.           

(3) Tháng 9-1882, tại Đại hội của Đảng công nhân Pháp đã diễn ra sự phân liệt, một bộ phận đại biểu ủng hộ cương lĩnh có tính chất cải lương đã thành lập nhóm có tên gọi “phái Khả năng”, tiếng Pháp possibilité.           

(4),(5),(15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.772, 757-758,775-776.

(6) Sđd, t.36, tr.88.     

(7) Sđd, t.19, tr.406.   

(8) Sđd, t.37, tr.319.   

(9),(10),(11),(12),(13),(14),(16),(17) Sđd, t.22, tr.345-346, 346, 345, 769,769,768, 591, 346.         

(18) Việt Trung: Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong thế kỷ XXI, http://www.sggp.org.vn,

ngày 5-1-2010.

           

ThS Nguyễn Văn Quyết

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền