Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Đổi mới công tác lý luận của Đảng
Thứ sáu, 27 Tháng 12 2013 09:50
7297 Lượt xem

Đổi mới công tác lý luận của Đảng

(LLCT) - Hơn bao giờ hết, công tác nghiên cứu, phát triển lý luận trở nên cần thiết và cấp bách, vừa là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, vừa là yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tới. Công tác lý luận góp phần xác định con đường đúng đắn phía trước cho dân tộc, là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đất nước, lý giải các vấn đề thực tiễn phát sinh, đồng thời tiếp tục khẳng định tính chân lý khách quan trong lý luận xây dựng đất nước, vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống đối.  

Nhìn lại những giai đoạn phát triển của Việt Nam kể từ năm 1930 đến nay, nhất là kể từ sau Đại hội VI của Đảng (1986), công tác lý luận và nghiên cứu, phát triển lý luận luôn được Đảng ta chú trọng và phát triển. Lý luận cũng đã soi rọi con đường cho cách mạng Việt Nam, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bệnh chủ quan, duy ý chí, từng bước đưa nước ta đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội XI của Đảng (2011) đã tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong đó yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi tiếp tục đổi mới công tác lý luận của Đảng, tổng kết kịp thời các bài học thực tiễn, lý giải các vấn đề mới đặt ra, không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng CNXH ở Việt Nam.      

1. Vai trò của công tác lý luận trong sự nghiệp phát triển đất nước      

Lý luận là tổng hợp kiến thức, tri thức ở trình độ khái quát cao, bao hàm các nguyên lý, nguyên tắc, quy luật, quan niệm, khái niệm, mối quan hệ phổ biến, mang tính bản chất, những nội dung tổng quát và những tri thức cụ thể... được khái quát từ thực tiễn, được đúc rút từ những kinh nghiệm, được dự báo có căn cứ khoa học. Như vậy, lý luận không bất biến, mà luôn thay đổi không ngừng, được bổ sung, làm giàu qua thực tiễn, qua kinh nghiệm và những dự báo khoa học. Trải qua thời gian, với sự vận động không ngừng của cuộc sống, có những vấn đề lý luận trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn; cũng có những vấn đề mới nảy sinh từ chính thực tế cuộc sống, đòi hỏi phải được phát hiện, lý giải bản chất, tính quy luật, dự báo khả năng xu hướng vận động của nó để đề ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn trong quản lý, phát triển đất nước. Điều đó cũng có nghĩa là, công tác lý luận là công tác thường xuyên của Đảng. Để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi Đảng Cộng sản phải không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận cách mạng. Muốn đổi mới, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận cách mạng, trước hết phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác lý luận. Trong bối cảnh mới, vai trò của công tác lý luận thể hiện trên những phương diện sau:        

- Lý luận là nền tảng, là căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xác định con đường phát triển của đất nước, của dân tộc.Một quốc gia không thể phát triển nếu thiếu triết lý và chiến lược phát triển dựa trên một nền tảng lý luận khoa học, phù hợp với thực tiễn, thích ứng với thời đại và hướng tới những thang bậc giá trị của xã hội văn minh. Đối với một đảng cầm quyền, lý luận là kim chỉ nam cho sự lãnh đạo, là cơ sở cho việc xác định mục tiêu, con đường và phương pháp cách mạng. V.I.Lênin đã khẳng định: "Không  có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng". Hệ thống lý luận cũng chính là ngọn cờ tập hợp lực lượng, đoàn kết các dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Thiếu hệ thống lý luận đúng đắn soi rọi sẽ không thể tập hợp được sức mạnh của quần chúng, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết của dân tộc, của bạn bè quốc tế, hơn thế nữa, chính trong nội bộ Đảng cũng không thể đoàn kết do bị phân rã về mục tiêu, phương pháp và các điều kiện căn bản khác để thống nhất ý chí, thống nhất hành động.

- Lý luận là cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chỉ bảo đảm đúng đắn, hiệu quả khi được dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và vững chắc. Đến lượt nó, một hệ thống lý luận khoa học sẽ luôn được bổ sung, làm giàu thông qua quá trình thực tiễn hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, qua đúc rút kinh nghiệm, qua những nghiên cứu tìm tòi, không ngừng đổi mới và hoàn thiện. Hệ thống lý luận ấy không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mà nó còn cung cấp những luận cứ khoa học, những căn cứ không thể bác bỏ cho cuộc đấu tranh với sự chống phá của kẻ thù, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ những thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.        

- Lý luận là điều kiện cho sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.Một hệ thống lý luận khoa học, đúng đắn, phù hợp với những giá trị văn minh của nhân loại là yếu tố hàng đầu tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Một đảng chính trị muốn thành công trong lãnh đạo đất nước thì yếu tố niềm tin, trước hết là niềm tin của chính những đảng viên trong đảng sẽ tạo nên sức mạnh nội bộ, phát huy được trí tuệ tập thể, tìm kiếm và hoạch định được những chủ trương, đường lối đúng đắn, những chính sách phù hợp, khả thi và hệ thống pháp luật từng bước hoàn thiện. Chỉ có yếu tố niềm tin, trước hết là niềm tin trong đảng thì đảng mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, mới tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.  

 - Lý luận là căn cứ khoa học nhằm lý giải những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vận động không ngừng trong một thế giới toàn cầu hóa, biến đổi nhanh chóng khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải được lý giải, chỉ ra thực chất, xu hướng vận động, thái độ ứng xử và giải pháp giải quyết. Thực tiễn muôn màu, nhiều chiều, luôn vận động và biến đổi, trong khi lý luận thường không bao hàm hết tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, do vậy, lý luận cần liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Nếu hệ thống lý luận bất biến, xơ cứng, không được bổ sung, hoàn thiện sẽ không thể lý giải được những vấn đề thực tiễn phát sinh, không làm tròn sứ mệnh dẫn đường của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, sự tiếp nối những giá trị truyền thống của dân tộc trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam.           

Trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, do nắm vững, vận dụng sáng tạo và luôn bổ sung, phát triển lý luận cách mạng, Đảng ta đã đề ra chiến lược và sách lược đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta giành những thắng lợi to lớn, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc. Tuy nhiên, có những thời kỳ lịch sử, do hạn chế về nhận thức lý luận, chúng ta đã đề ra một số chủ trương, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn cách mạng của đất nước, làm cho sự nghiệp cách mạng gặp không ít khó khăn.     

Do chậm đổi mới về lý luận, nhất là những hạn chế về công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, có thời kỳ chúng ta đã có những nhận thức chưa phù hợp về những vấn đề căn bản của CNXH và con đường đi lên CNXH. Một số chủ trương nóng vội hoặc vận dụng máy móc những nguyên lý lý luận, mô hình có sẵn làm chậm tiến trình phát triển của đất nước, thậm chí có những thời điểm đất nước rơi vào tình thế khủng hoảng trầm trọng. Sớm nhận ra nguyên nhân và hậu quả sự lạc hậu về mặt lý luận, Đảng ta đã khởi xướng quá trình đổi mới tư duy với dấu mốc là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Có thể khẳng định, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn một phần tư thế kỷ thực hiện đường lối đổi mới vừa qua là lôgích tất yếu và gắn bó hữu cơ với việc kiên quyết gạt bỏ lối tư duy rập khuôn, máy móc để vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.     

Những thành tựu đạt được qua hơn 25 năm qua khẳng định vai trò, tầm quan trọng của lý luận. Công tác lý luận và đổi mới tư duy lý luận vừa là tiền đề, vừa là nền tảng khoa học không thể bác bỏ trong công cuộc đổi mới. Ngày nay, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế được nâng lên tầm cao mới, tạo tiền đề để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Giai đoạn phát triển tiếp theo của nước ta được đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những biến đổi sâu sắc: hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng những bất ổn chính trị, những xung đột sắc tộc, tôn giáo, đấu tranh vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, tranh chấp tiếp tục diễn ra; cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước; hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công đặt ra những thách thức đối với các nước tư bản phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa rõ ràng; tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế... tất cả các yếu tố đó đặt Việt Nam trước những thử thách to lớn, đồng thời cũng mang lại những cơ hội, những thuận lợi để nước ta vươn tới tầm cao mới nếu có những chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Trong bối cảnh đó, công tác lý luận và nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp với những diễn biến đa chiều, phức tạp, nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân trực tiếp của những yếu kém trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X là “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”.            

Như vậy, đổi mới công tác lý luận, nghiên cứu, phát triển lý luận là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn phát triển của đất nước. Nghiên cứu, phát triển lý luận không chỉ dừng lại ở việc minh chứng tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của con đường đi lên CNXH, mà hơn thế, cần phải góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về xây dựng CNXH ở Việt Nam, dự báo các tiến trình phát triển trong nước và trên thế giới để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Để lý luận trở thành cơ sở khoa học, cung cấp các luận cứ khoa học cho các quyết định chính trị, hoạch định chiến lược, chính sách, đồng thời là tiếng nói tư vấn, phản biện cho quá trình này thì công tác lý luận cần thường xuyên đổi mới, phát triển, phát hiện, lý giải và tìm lời giải đáp cho những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Lý luận phải được xem là khoa học nền tảng. Nghiên cứu lý luận phải diễn ra như một hoạt động khoa học với những tìm tòi, sáng tạo, khách quan, khắc phục tính thụ động, mô tả, minh họa cho các quyết định chính trị và vấn đề thực tiễn.

2. Những định hướng cơ bản trong đổi mới công tác lý luận     

Yêu cầu của công tác lý luận, nghiên cứu lý luận là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận, cung cấp những luận cứ khoa học, những dự báo có cơ sở cho quá trình phát triển đất nước, cho con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; là nền tảng khoa học và kim chỉ nam cho các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể của Đảng và của toàn dân tộc; củng cố niềm tin trong Đảng và các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về con đường đi lên CNXH, về những chủ trương, chính sách cụ thể; vạch trần và bác bỏ thuyết phục những luận điểm sai trái, xuyên tạc về mô hình chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên CNXH và những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Với yêu cầu nêu trên, có thể thấy một số định hướng cơ bản trong đổi mới công tác lý luận của Đảng như sau:           

- Tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển đất nước; những vấn đề cần nhận thức lại có đối chiếu, so sánh với thực tiễn và những thành tựu của khoa học hiện đại. Nghiên cứu lý luận Mác - Lênin phải trên quan điểm toàn diện, biện chứng, hiện đại, tìm kiếm những vấn đề bản chất, cốt lõi, không sa vào những chi tiết cụ thể, chỉ rõ những điểm cần nhận thức lại, những điểm không phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh và khả năng vận dụng vào thực tiễn phát triển đất nước. Không nghiên cứu một cách phong trào, tán dương mà cần tìm kiếm những luận cứ khoa học, khái quát thành cơ sở lý luận. 

- Nghiên cứu sự thăng trầm của CNXH hiện thực, những cải tổ và sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, phong trào cánh tả đương đại. Cần chỉ rõ lý luận Mác - Lênin liệu còn phù hợp với thế giới ngày nay hay đã bị lịch sử vượt qua? Sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là do khủng hoảng về lý luận, sai lầm từ học thuyết hay chỉ là sự nhận thức sai lầm, giáo điều, máy móc đối với một học thuyết khoa học.      

- Tiếp tục nghiên cứu về con đường xây dựng, phát triển lên CNXH của đất nước, phát hiện những mâu thuẫn, tìm kiếm những động lực của sự phát triển, phân tích, chỉ rõ những xu hướng, tìm kiếm những bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Nghiên cứu những bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong các mô hình xây dựng CNXH trên thế giới; tổng kết những kinh nghiệm xây dựng và phát triển theo con đường XHCN ở trong nước, trên cơ sở đó kịp thời bổ sung, hoàn thiện lý luận về mô hình và các giải pháp thực hiện công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Cần khẳng định sự tất yếu của con đường đi lên CNXH của xã hội loài người cũng như những đặc điểm sinh động, riêng có của mô hình xây dựng CNXH của Việt Nam.    

- Nghiên cứu lý luận về các quan hệ kinh tế, trong đó chú trọng những nội dung cốt lõi như sở hữu, thành phần kinh tế, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, CNH, HĐH, quan hệ kinh tế quốc tế, tìm kiếm động lực của sự phát triển kinh tế, những mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, với những lĩnh vực cụ thể nói riêng. Cần phân định rõ lý luận về kinh tế của học thuyết Mác - Lênin là những vấn đề mang tính bản chất, chỉ ra những quy luật vận động của nền kinh tế, những quan hệ kinh tế cơ bản, là công cụ nhận thức bản chất của các quan hệ kinh tế; nó không mâu thuẫn với các lý thuyết kinh tế hiện đại, với việc sử dụng những công cụ định lượng, những thành tựu của khoa học nhằm phân tích, đánh giá những hành vi kinh tế bằng phương pháp thực chứng và chuẩn tắc.           

- Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề chính trị - xã hội, về hệ thống chính trị, lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN, lý luận về đảng cầm quyền, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, về tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị đồng thời với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người và phát huy các giá trị nhân văn của chế độ XHCN.        

- Nghiên cứu lý luận về văn hóa, về hệ giá trị văn hóa và định hướng phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trên nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cần đổi mới, cập nhật nghiên cứu những vấn đề về con người, về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vấn đề phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, phát huy nguồn lực con người trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.           

- Chú trọng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, phát hiện những nét đặc sắc trong phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh - nhà mácxít sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt lý luận Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.           

3. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, phát triển lý luận        

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, phát triển lý luận là đòi hỏi cấp bách đã và đang được đặt ra. Đã có nhiều công trình, nhiều ý kiến tranh luận và đề xuất từ tổng thể đến các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng hệ thống lý luận ngày càng hoàn thiện, khoa học. Tuy nhiên, sự không tương thích về cấp độ giữa trình độ, tốc độ phát triển của đất nước với quá trình đổi mới, phát triển lý luận cho thấy những khó khăn, phức tạp của vấn đề này. Để tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, cần những đổi mới toàn diện cả ở tầm phương hướng chỉ đạo và những biện pháp cụ thể, bao gồm:           

Thứ nhất là, đổi mới tư duy về công tác lý luận, nhận thức và nghiên cứu lý luận.Cần coi lý luận như một khoa học cơ bản, khoa học mang tính định hướng, nghiên cứu về mô hình phát triển, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Muốn đạt được điều đó, trước hết, các nhà nghiên cứu lý luận, giới trí thức và toàn xã hội từng bước đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về công tác lý luận, về những giá trị mới, cách tiếp cận mới, phi truyền thống, vượt qua được chính bản thân mình. Quá trình đổi mới tư duy về công tác lý luận đã từng được khởi xướng và đã có những bước chuyển quan trọng, tuy vậy, để đạt được yêu cầu đề ra, cần khắc phục chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh hình thức, tâm lý bảo thủ, lấy mình làm tiêu chuẩn trong công tác nghiên cứu và phát triển lý luận.

Thứ hai là, tạo lập môi trường dân chủ cho công tác nghiên cứu lý luận.Nghiên cứu lý luận là lĩnh vực phức tạp, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt, đo đếm một cách giản đơn, do vậy, cần tạo môi trường dân chủ trong tổ chức và thực hiện các nghiên cứu khoa học, trong việc tranh luận, thảo luận những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, để các nhà nghiên cứu mạnh dạn trình bày những suy nghĩ, cách tiếp cận của mình. Môi trường dân chủ còn là việc xây dựng phương pháp tranh luận khoa học, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe những ý kiến phản biện với mục tiêu tìm kiếm chân lý khoa học. Bản thân những vấn đề lý luận đã hàm chứa sự phức tạp, có thể tiếp cận từ nhiều góc độ, do đó nhiều ý kiến khác biệt là tất yếu. Một môi trường dân chủ cho nghiên cứu, phát triển lý luận đòi hỏi không quy kết, “chụp mũ” đối với những ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận, thu hút các chuyên gia ngoài nước để tận dụng những cách nhìn khách quan, đa dạng nhằm kiến giải những vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam cũng cần được quan tâm thích đáng.       

Thứ ba là, hướng các nghiên cứu lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.Công tác lý luận không có nhu cầu tự thân, nó phải trả lời được những câu hỏi của thực tiễn, kết quả nghiên cứu phải được ứng dụng để cải tạo thực tiễn. Để thực hiện nội dung này, cần tăng cường mối quan hệ giữa lãnh đạo chính trị và nghiên cứu lý luận. Lãnh đạo chính trị cần phát hiện những vấn đề thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, qua đó đề ra yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu, phương hướng cho công tác lý luận. Ngược lại, nghiên cứu lý luận cần hướng vào mục tiêu tìm kiếm những căn cứ khoa học, những bằng chứng thực tiễn để lãnh đạo chính trị đề ra những đường lối, chủ trương đúng đắn. Giải quyết vấn đề thực tiễn không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước mà cần nghiên cứu, phát hiện sự vận động, phát triển của thế giới, qua đó đúc rút thành lý thuyết ở tầm khái quát, bổ sung và làm giàu hệ thống lý luận.     

Thứ tư là, coi trọng tổng kết thực tiễn trong nghiên cứu lý luận.Tổng kết thực tiễn cần được thực hiện thường xuyên nhằm rút ra các bài học cần thiết trong quá trình vận dụng lý luận vào chỉ đạo thực tiễn. Tổng kết thực tiễn cho phép đánh giá một cách khách quan, có cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó, tìm kiếm các biện pháp phù hợp cho các bước đi cụ thể, những mục tiêu ngắn hạn để đi tới những mục tiêu chiến lược. Tổng kết thực tiễn không chỉ nhằm bổ sung, hoàn thiện lý luận mà còn khắc phục tình trạng giáo điều, chủ nghĩa kinh viện và bệnh chủ quan, duy ý chí trong nghiên cứu lý luận. Tổng kết thực tiễn một cách khoa học, đúng đắn còn là cơ sở để dự báo xu hướng phát triển trong tương lai. Điều này hết sức có ý nghĩa trong việc hoạch định những chiến lược phát triển đất nước trong dài hạn. Tổng kết thực tiễn không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn cần tổng kết kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới, qua đó kế thừa những thành tựu lý luận của thế giới, vừa rút ngắn quá trình tìm tòi, thử nghiệm, vừa tránh được những sai lầm qua các bài học kinh nghiệm.          

Thứ năm là, xây dựng cơ chế đánh giá.Xây dựng và hoàn thiện cơ chế đánh giá đối với các công trình nghiên cứu lý luận, các kết quả nghiên cứu và các nhà nghiên cứu bằng những tiêu chí cụ thể. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện bởi nghiên cứu lý luận thường gắn với hoạt động chính trị, kết quả nghiên cứu lý luận rất khó đo lường bằng phương pháp định lượng thuần túy, các tác động của kết quả nghiên cứu mang tính gián tiếp, thậm chí chỉ được kiểm chứng qua một quá trình khá lâu dài. Trong thời gian tới, cơ chế đánh giá hướng vào việc rà soát các lĩnh vực nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu đã triển khai, rút ra những vấn đề đã được giải quyết, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉ rõ những điểm mới trong các công trình nghiên cứu trước đó, những điểm kế thừa... qua đó, định hướng lựa chọn lĩnh vực, vấn đề nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo. Việc rà soát, đánh giá các lĩnh vực, công trình nghiên cứu lý luận còn nhằm chắt lọc những giá trị khoa học, thải loại những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Kiên quyết không triển khai nghiên cứu lý luận theo phong trào, dàn trải, “chia phần”; khắc phục trình trạng nghiên cứu mang tính tán dương, minh họa, kinh viện. Bên cạnh việc xác định các hướng nghiên cứu lý luận chủ yếu, các đề tài cụ thể cần minh chứng được điểm mới, tính sáng tạo của đề tài, khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào lĩnh vực cụ thể, địa chỉ ứng dụng và những điều kiện ứng dụng... Đối với cơ chế đánh giá các nhà nghiên cứu lý luận, bên cạnh tiêu chí đo lường bằng số lượng công trình, cần minh chứng được điểm mới trên các phương diện: Mới về ý tưởng, mới và hiện đại về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, về các kết luận khoa học.      

Thứ sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận.Để có một đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận đủ về số lượng, tinh túy về chất lượng trước hết cần một môi trường khoa học lành mạnh, dân chủ, cởi mở. Khác với các khoa học cơ bản khác, nghiên cứu lý luận vừa đòi hỏi sự uyên thâm về lý thuyết, sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vừa yêu cầu những quan sát và trải nghiệm thực tiễn. Những yêu cầu cao như vậy trong một môi trường chứa đựng những rủi ro khi bày tỏ ý kiến sẽ không khuyến khích được những trí thức tinh hoa. Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, vừa phải đảm bảo nhu cầu vật chất, những khuyến khích vật chất nhất định, vừa phải tạo lập một môi trường dân chủ, cởi mở, một không gian mở cho những tranh luận trái chiều, một phương pháp và văn hóa tranh luận khoa học. Để thu hút và xây dựng lực lượng nghiên cứu chất lượng cao, bên cạnh yếu tố vật chất, các nhà khoa học còn cần được tôn trọng, tôn vinh và cơ chế đảm bảo an toàn cá nhân. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển lý luận, hệ thống cơ chế, chính sách cần xây dựng và triển khai đồng bộ từ quy trình đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, đồng thời, môi trường nghiên cứu, không gian tranh luận và cơ chế đảm bảo cũng cần được hoàn thiện.          

Thứ bảy là, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nghiên cứu lý luận.Hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nghiên cứu lý luận cần được bổ sung, hoàn thiện trên tất cả các khâu của hoạt động quản lý và nghiên cứu lý luận, từ việc xác định hướng nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, xác định đề tài, cách thức tuyển chọn, quy trình triển khai nghiên cứu, phương pháp kiểm tra, đánh giá và các hoạt động nghiệm thu, công bố, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Song song với các hoạt động trên là cơ chế quản lý tài chính và phân bổ kinh phí. Các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý và nghiên cứu lý luận cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dễ thực hiện. Trong mỗi khâu, mỗi quy trình quản lý, cần hoàn thiện chính sách nhằm hướng tới chất lượng của kết quả nghiên cứu: Trong khâu lựa chọn hướng nghiên cứu lý luận, cần sự phối hợp giữa lãnh đạo chính trị với giới nghiên cứu lý luận để xác định những hướng chủ đạo; trong khâu đề xuất ý tưởng, cần phát huy trí tuệ của toàn xã hội, của các nhà nghiên cứu ngoài Đảng, ngoài nước bằng biện pháp công bố công khai trên internet; việc xác định đề tài cần có hội đồng đánh giá với sự tham gia của giới trí thức, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý; quy trình tuyển chọn đảm bảo tính cạnh tranh, khách quan và khoa học.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2012

 

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền