Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Đảm bảo mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế
Thứ ba, 31 Tháng 12 2013 23:09
6990 Lượt xem

Đảm bảo mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế

(LLCT) - Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011),Đảng ta nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: “quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí” (ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72-73)
 
Trong những năm qua, mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế đã được đảm bảo hài hòa, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Trong những năm tới, một mặt, cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được; mặt khác, cần nắm bắt kịp thời, sâu sắc những thay đổi về kết cấu độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngàycàng sâu rộng. Cần phòng tránh cả hai loại cực đoan trong nhận thức và hành động. Một là, quan điểm cho rằng độc lập, tự chủ là hằng số bất biến, có nội dung không thay đổi, không thể tương dung với hội nhập quốc tế, xem thế giới như một phức thể thống nhất. Hai là, quan điểm cho rằng trong thời đại của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không cần và không thể duy trì, củng cố độc lập dân tộc, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Trên phương diện kinh tế,độc lập tự chủ của quốc gia đòi hỏi phải có một nền kinh tế độc lập tự chủ: cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và đảm bảo độ an toàn cần thiết; nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao; cơ cấu xuất nhập khẩu cân đối; cơ cấu mặt hàng đa dạng, phong phú với tỷ lệ các mặt hàng công nghệ và có giá trị gia tăng lớn chiếm ưu thế; cơ cấu thị trường quốc tế đối tác cũng đa dạng và tránh chỉ tập trung quá nhiều vào một vài mục tiêu. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong một số ngành kinh tế, nhất là những ngành kinh tế quan trọng, chiếm một tỷ lệ không thể chi phối nền kinh tế; hạn chế hoặc không cho phép đầu tư nước ngoài vào những ngành nhạy cảm. Đảm bảo nền tài chính lành mạnh, đặc biệt giữ cân bằng cần thiết trong cán cân thanh toán và có nguồn dự trữ quốc gia đầy đủ. Một nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá có thể được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó; trong bất cứ tình huống nào nó cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực cho các mục tiêu an ninh, quốc phòng của đất nước.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định một trong 5 quan điểm phát triển là: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả” (Sđd, tr.102)

Xây dựng kinh tế độc lập tự chủ trước hết là độc lập tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có vai trò quan trọng hàng đầu, có hiệu quả như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, luyện kim, hóa dầu, than, khoáng sản, cơ khí chế tạo... Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an toàn năng lượng, an toàn tài chính - tiền tệ, an toàn môi trường; bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong bất cứ tình huống nào, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, gặp rủi ro.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, độc lập về kinh tế của một quốc gia không phải là biệt lập, khép kín, tự cung tự cấp, tự sản xuất mọi thứ đất nước cần bằng bất cứ giá nào. Tự chủ không phải là tự quyết định một cách cứng nhắc và tuyệt đối, không tính đến các quy định của các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế, không thực hiện đúng các cam kết quốc tế, không quan tâm đến lợi ích của các đối tác, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.

Tính tự chủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ bị ràng buộc bởi nhiều biến động từ bên ngoài. Ngày nay, nền kinh tế ảo có giá trị (ảo) lớn hơn nhiều so với nền kinh tế thực, đem lại quyền lực chuyên chế cho thị trường tài chính - tiền tệ. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng không thể thoát ly tình hình của thị trường này khi quyết định chính sách tài chính - tiền tệ của mình. Trong thời đại mà các nền kinh tế thế giới gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau, nhà nước tuy vẫn có quyền can thiệp, quản lý kinh tế, nhưng không có năng lực điều tiết, chi phối thị trường toàn cầu và kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, đang có những lực lượng địa kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia điều khiển nền kinh tế toàn cầu.

Để được chấp nhận vào sân chơi quốc tế, các quốc gia phải thực hiện mở cửa các thị trường nội địa, cho phép hình thành đặc khu kinh tế - hành chính để đáp ứng đòi hỏi thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư. Đây là hình thức hợp đồng thuê nhượng có thời hạn một vùng lãnh thổ với những quyền nhất định. Mặt khác, các quốc gia hội nhập phải thực hiện tự do hoá nền kinh tế theo các cam kết quốc tế, tức là chuyển giao một số quyền đáng kể từ nhà nước sang thị trường. Trong điều kiện kết cấu độc lập về kinh tế thay đổi như vậy, trọng tâm của việc đảm bảo chủ quyền kinh tế là tăng cường toàn diện năng lực tự chủ kinh tế, chứ không phải là cố sức duy trì một kết cấu cố định về độc lập kinh tế.Chủ quyền về kinh tế không tránh khỏi bị thu hẹp nếu năng lực tự chủ của toàn bộ nền kinh tế không được tích cực đổi mới và nâng cao.

Với tư cách thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô trong điều kiện mở cửa, hội nhập về tài chính trở nên phức tạp hơn, trong đó đảm bảo ổn định tiền tệ trở thành khâu then chốt. Trong ngắn hạn, nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen về tài chính, năng lượng, lương thực, môi trường, do đó giữ vững ổn định vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng hợp lý trở thành ưu tiên số một. Về dài hạn, bảo đảm tính độc lập, tự chủ về đường lối kinh tế không có nghĩa là chủ quan, duy ý chí, mà là thuận theo xu thế phát triển chung của thế giới, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết, mô hình, kinh nghiệm phát triển quốc tế, không giáo điều, rập khuôn máy móc. Chiến lược kinh tế phải được xây dựng đồng bộ với chiến lược phát triển xã hội và chiến lược hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển.

 Trên phương diện xã hội, yêu cầu của một quốc gia độc lập, tự chủ hàm chứa năng lựcthực hành thuần thụchai cách thức quản trị xã hội: chính thức (tức là bằng pháp luật và các quy định thành văn) và phi chính thức (bằng con đường tuyên truyền, vận động, giáo dục...).

Sự phát triển sâu rộng của xã hội công dân toàn cầu trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo ra hàng loạt không gian quyền lực chung vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ quốc gia. Trong xã hội công dân toàn cầu, cá nhân có thể hành động đại biểu cho một quần thể nào đó, không nhất thiết đại biểu cho quốc gia dân tộc và trong chừng mực nhất định, cũng không có trách nhiệm nghiêm ngặt, rõ ràng phải phục tùng bộ máy quyền lực quốc gia. Để giải quyết tích cực các thách thức, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã chủ động cải cách. Tuy nội dung và mô hình cải cách có khác nhau, nhưng nổi lên 3 nét chung sau đây trong xu thế cải cách chính phủ hiện đại. Một là, phi tập trung hoá quyền lực nhà nước, mạnh dạn phân cấp, trao quyền cho các cơ cấu địa phương. Đây không phải là quá trình từ bỏ quyền lực trung ương, mà là biện pháp để củng cố bản thân quyền lực ấy một cách hợp lý, hiệu quả hơn. Trung ương không thay địa phương trong quản lý xã hội ở phạm vi cụ thể, mà phải giám sát việc quản lý do chính quyền địa phương tiến hành. Nhờ quá trình phi tập trung hoá này, các quyết định trở nên gần gũi, sát hợp với thực tế hơn và động viên được nhiều hơn các tổ chức, cá nhân vào công việc quản lý xã hội. Hai là, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển xã hội; kết hợp tốt chức năng điều tiết của Chính phủ với cơ chế thị trường. Ba là, phát huy rộng rãi dân chủ trong toàn xã hội, không chỉ thể hiện sự phát triển của nền dân chủ chính trị, mà còn là sự trở về của quyền lực đến chủ thể đích thực của nó là dân nhằm giúp chính phủ thực hiện sự quản lý hiện thực đối với các mặt của đời sống xã hội.

Để bảo đảm chủ quyền quốc gia về mặt xã hội, khâu then chốt nhất là không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo xã hội của Đảng và năng lực quản trị xã hội của Nhà nước. Thứ nhất,cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác lý luận, tuyên truyền, vận động, giáo dục của Đảng cả về hình thức lẫn nội dung, bám sát thực tiễn, tránh bệnh hình thức, thành tích, xa rời quần chúng; đổi mới công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, chỉnh đốn, kỷ luật Đảng; các chủ trương của Đảng phải được nhanh chóng triển khai thành các chính sách cụ thể của Nhà nước. Thứ hai,các chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo phải được coi trọng, tránh để các thế lực xấu lợi dụng kích động, gây chia rẽ; không ngừng củng cố đồng thuận xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống cung cấp các dịch vụ công, tăng cường hiệu lực tư pháp, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Thứ ba, Việt Nam đã trở thành một xã hội có mức thu nhập trung bình mà trọng tâm công tác xã hội chuyển dần từ vấn đề xoá đói, giảm nghèo sang quản trị và an sinh, do đó cần tăng cường vai trò của Nhà nước pháp quyền, thực hành dân chủ, mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động của Nhà nước, xây dựng xã hội dân sự.

Trên phương diện chính trị, an ninh và đối ngoại, độc lập, tự chủlà yêu cầu có tính nguyên tắc trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Đảng và nhân dân ta trong 5 năm tới là: tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế(Sđd, tr.189).

Độc lập, tự chủ về chính trị có nghĩa là tự mình xác định mục tiêu, con đường phát triển đất nước; tự mình hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển; tự mình xác lập và duy trì thể chế chính trị, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Độc lập, tự chủ về chính trị được thể hiện cả trong đối nội và đối ngoại, cả kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh, quốc phòng...

Quá trình hội nhập quốc tế và tự do hoá kinh tế có tác động đáng kể đến chủ quyền về chính trị đối nội của Việt Nam. Thứ nhất,quyền lực của Nhà nước bị điều chỉnh, phạm vi và cách thức can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế - xã hội phải thay đổi. Việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước chịu sự theo dõi, giám sát, phản biện ngày càng tăng từ phía cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, người dân, giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Mặc dù nhà nước và chính phủ quốc gia vẫn là chủ thể hàng đầu, không thể thay thế trong cơ cấu quyền lực chính trị hiện đại, nhưng không phải là duy nhất và toàn năng. Quyền tài phán tối cao của nhà nước, chính phủ quốc gia đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước vẫn tiếp tục được khẳng định, nhưng phải gắn với hàng loạt trách nhiệm ngày càng lớn, ngày càng nặng nề. Thứ hai, giao diện giữa khu vực công quyền và khu vực thị trường trở nên phức tạp, các lợi ích công, tư đan xen, chồng chéo, tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng, móc ngoặc, thách thức nghiêm trọng hiệu lực thực thi luật pháp, làm tổn hại quyền lực của Nhà nước. Thứ ba, yêu cầu dân chủ hoá xã hội gia tăng mạnh mẽ, bao gồm cả dân chủ hoá hoạt động của Đảng và Nhà nước. Người dân ngày càng hiểu biết hơn về chính trị, nhận thức tốt hơn về các quyền công dân, quyền con người, cũng như kỹ năng thực thi các quyền đó và nhấn mạnh cả nhu cầu tham gia vào các hoạt động chính trị. 

Lôgích của tiến trình đổi mới là đổi mới kinh tế phải được đồng bộ, hài hòa với đổi mới chính trị, cải cách hành chính, cải cách lập pháp, tư pháp. Yêu cầu đổi mới toàn diện như vậy đặt ra đòi hỏi ngày càng cấp thiết đối với năng lực quản trị của Nhà nước và năng lực cầm quyền của Đảng tại tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Đẩy mạnh đổi mới chính trị, tối ưu hoá hoạt động của hệ thống chính trị, phân bổ quyền lực chính trị hợp lý, kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả là cách tốt nhất đáp ứng các yêu cầu và thách thức đặt ra.

Độc lập, tự chủ về đối ngoạilà một vấn đề rất quan trọng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế và đối ngoại thể hiện trước hết ở tư duy, nhận thức độc lập, sáng tạo, xuất phát từ lợi ích giai cấp và dân tộc, không giáo điều, rập khuôn, máy móc trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại, trong xác định bạn, thù và tập hợp lực lượng quốc tế. Chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực đối ngoại vận động theo tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế.  Hệ thống các quan hệ đối ngoại rộng lớn hiện nay của Việt Nam là kết quả của một quá trình thực hiện các bước đột phá: từ phá thế bao vây, cấm vận, bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực..., đến thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, là bạn với tất cả các nước, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, trong cả ba môi trường quốc tế, khu vực và toàn cầu, cần nắm bắt sâu sắc các nhân tố quan trọng sau đây trong quá trình phát huy độc lập, chủ quyền quốc gia:

Thứ nhất, về môi trường quốc tế, độc lập và tự chủ về đối ngoại của Việt Nam luôn nằm trong tương quan và quan hệ chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực quốctế. Việc ta có thể khai thác lợi ích từ hội nhập đến đâu tuỳ thuộc vào sự ổn định, phát triển trong nước, cũng như năng lực xử lý quan hệ với các nước lớn, các trung tâm quyền lực thế giới, bảo đảm cân bằng lợi ích của nước ta trong quan hệ với họ.

Thứ hai, về môi trường khu vực, ổn định và phát triển, hay trái lại bất ổn và khủng hoảng tại Đông Nam Á và rộng hơn là tại châu Á - Thái Bình Dương đều có ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đối ngoại của nước ta.

Thứ ba,vềmôi trường toàn cầu, hội nhập và mở cửa tạo cơ hội cho một số thế lực chính trị bên ngoài nhân danh nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo can thiệp vào công việc nội bộ, thực hiện ''diễn biến hoà bình”, kích động, xúi giục các hoạt động bạo loạn, lật đổ, đe dọa an ninh quốc gia. Các thế lực xuyên quốc gia như khủng bố quốc tế, buôn bán ma tuý, vũ khí, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoạt động rửa tiền... cũng có thể thâm nhập, phá hoại trật tự an toàn xã hội, gây mất ổn định chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:''Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng''. Điều kiện để bảo đảm độc lập, tự chủ về đối ngoại trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là: chính trị, xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; quốc phòng vững mạnh; nguồn nhân lực đối ngoại trung thành và chuyên nghiệp; quan hệ cân bằng với các nước lớn.

Trong bối cảnh mới, dựa vào thế và lực mới của đất nước, nhiệm vụ của công tác đối ngoại là kiên trì bảo vệ và chủ động tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bềnvững. Để thực hiện được các nhiệm vụ này cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, gắn ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế. Nắm vững mục tiêu, kiên định nguyên tắc, bám sát tình hình, linh hoạt ứng biến. Tích cực tranh thủ và chủ động tạo dựng thời cơ, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng đối ngoại với các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội. Tăng cường ngoại giao nhân dân. Kiên quyết chống lại mưu toan áp đặt các luận thuyết ''nhân quyền cao hơn chủ quyền'', ''chủ quyền hạn chế''- là những lý thuyết nguy hiểm  tìm cách hợp pháp hoá hành động can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Tăng cường công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, chủ động chuẩn bị phòng ngừa các nguy cơ, diễn biến xấu, các tình huống khủng hoảng trong quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển biến phức tạp, phải có chiến lược đối ngoại linh hoạt. Cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộtrình hội nhập cho giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với thế và lực của ta cũng như tương quan quốc tế mới.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2011

 

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền