Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 07 Tháng 2 2014 16:22
2700 Lượt xem

Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, của chế độ trong tình hình hiện nay. Phải có một nhận thức mới, hành động thật sự, quyết liệt với tinh thần cách mạng về công tác dân vận trong tình hình hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh: đúng và khéo. Công tác dân vận tốt sẽ tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Mà lòng tin của nhân dân là chỗ dựa vững chắc nhất, thành trì bảo vệ Đảng.

 

1. Quan điểm về Đảng cầm quyền

Từ rất sớm, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến “Đảng Cộng sản cầm quyền”. Trong lời căn dặn trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người viết “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền mà hạt nhân là sự gắn bó giữa Đảng với dân là một tài sản vô giá.

Trong điều kiện cầm quyền, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác.Theo Hồ Chí Minh, chân lý là cái gì có lợi cho dân, tốt cho dân. Không có gì hạnh phúc hơn được phục vụ nhân dân. Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhưng vẫn là thiểu số. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc, dân là chủ. Điều này thể hiện ở lực lượng, trí tuệ, của cải, lòng tin của dân.

Cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo là làm thay đổi vị trí của người dân từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ. Từ khi Đảng cầm quyền, dân là chủ tức là nói đến địa vị, vị thế của người dân, và dân làm chủ là nói đến năng lực, bổn phận làm chủ. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên từ Chủ tịch đến bộ trưởng, thứ trưởng là đày tớ của dân. “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(1).

Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, xây dựng thành một tổ chức trong sạch, vững mạnh,“là đạo đức, là văn minh”.

Từ khi cầm quyền, đường lối của Đảng không chỉ là việc nội bộ của Đảng mà liên quan đến toàn xã hội, gắn liền với vận mệnh của đất nước. Nhiệm vụ của Đảng từ chỗ lãnh đạo nhân dân đập tan, xóa bỏ chính quyền bóc lột thực dân, phong kiến đến việc lãnh đạo xây dựng chế độ mới. Nhiệm vụ mới là chống lại bần cùng, lạc hậu để tạo ra những cái mới mẻ, tốt đẹp là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo trên mọi phương diện, từ việc đổi mới tư duy, bố trí lực lượng, phương pháp lãnh đạo đến phong cách và lối làm việc, hành vi của cán bộ, đảng viên.

Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng là một thành tố của hệ thống chính trị. Đảng vừa phải hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo vừa phải giữ đúng mối liên hệ với Nhà nước, trong sự  vận hành của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật.

Đảng cầm quyền có quyền lực chính trị, quyền lực này khác quyền lực Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và quyền uy của Đảng dựa vào sự đúng đắn của đường lối chính trị và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh đã sớm tiên lượng, cảnh báo về những nguy cơ khi Đảng cầm quyền. Nguy cơ này nằm ở sự mất phương hướng, sai lầm của đường lối và quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Sự tha hóa của cán bộ là đáng quan ngại nhất, là lực cản trên con đường phát triển đất nước. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng trong bài viết “Nỗi bận tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đảng vô sản trở thành đảng cầm quyền” cho rằng: “hoàn cảnh mới thuận lợi lớn cho Đảng Cộng sản thi thố điều Đảng ấp ủ vì dân vì nước nửa thế kỷ, đồng thời cũng thuận lợi lớn cho những thói tật hư hỏng tăng cấp số, chủng loại, diện địa, thậm chí tốc độ một khi Đảng đổi vị trí”(2).

Hồ Chí Minh sớm phát hiện ra mâu thuẫn mới khi Đảng cầm quyền, đó là mâu thuẫn giữa người lãnh đạo là Đảng và người bị lãnh đạo là nhân dân; mâu thuẫn giữa lợi ích toàn cục, lâu dài với với lợi ích cục bộ từng con người và trước mắt. Người cảnh báo “không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản là được mọi người yêu mến, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Người cũng chỉ ra rằng “không liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất định thất bại”. “Nếu làm việc theo lối quan liêu thì dân oán. Dân oán, tuy có chút thành công, nhưng về chính trị là thất bại”.

Như vậy, cầm quyền vừa là vinh dự vừa là nghĩa vụ, bổn phận của Đảng, của từng con người gánh vác trọng trách với dân tộc. Đây là một gánh nặng mới, gánh nặng quản lý toàn xã hội. Quá trình ấy là một bước nhảy vọt trong dòng chảy đúng quy luật của mọi đảng vô sản. Sứ  mệnh của Đảng trong điều kiện cầm quyền cho thấy: Một là, ý thức đối với quần chúng với ý nghĩa quyết định vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ cần được gia tăng tương ứng với sự gia tăng quyền lực. Nguy cơ tiềm ẩn đối với Đảng cầm quyền, với chế độ nằm trong độ chênh giữa quyền lực và ý thức phục vụ nhân dân. Hai là,vào Đảng không phải để làm quan, phát tài. Cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước nhân dân, mà chịu trách nhiệm trước nhân dân nhiều hơn chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ. Ba là, một vấn đề có tính quy luật: ở đâu Đảng cầm quyền xa rời nguyên lý tự hoàn thiện mình, xa dân, quan liêu, mệnh lệnh, thì nhất định thất bại.

2. Tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với dân hiện nay

Thành tựu của công cuộc đổi mới có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự gắn bó giữa Đảng với dân. Những hạn chế trong sự nghiệp đổi mới cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Đảng cầm quyền chưa thật sự gắn bó với dân.

Đảng chưa lắng nghe ý kiến của nhân dân; chưa nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý. Việc chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận còn những bất cập, chưa được coi trọng. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số cán bộ có chức, có quyền làm sai đường lối, chính sách; thậm chí lợi dụng sơ hở của pháp luật để mưu cầu lợi ích cá nhân. Trình độ, năng lực cán bộ yếu kém, thiếu khả năng phân tích, dự báo tình hình. Hệ thống chính trị còn yếu kém. Công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức. Sự yếu kém cả đạo đức và năng lực mà đặc biệt là đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền, làm tổn hại thanh danh của Đảng, làm thiệt hại tiền của của nhân dân.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên nếu không được khắc phục sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

3. Để tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với dân cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Đảng phải theo đúng đường lối nhân dân

Nói “đường lối nhân dân” là phong cách tư duy, phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, thể hiện nét độc đáo, đặc sắc, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh.

Theo đúng đường lối nhân dân, hàng đầu và xuyên suốt là phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Vấn đề lợi ích vì dân phải luôn luôn được Đảng quan tâm. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”. Theo quan điểm của Người, Đảng chỉ có một mục đích duy nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân; mọi việc phải bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình làm gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính”để nhân dân noi theo. Chỉ khi nào dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm, dám phê bình Đảng, Chính phủ, “có quyền đuổi Chính phủ nếu Chính phủ làm hại dân”(3) thì mới đạt tới một xã hội dân chủ, văn minh.

Thứ hai, nghị quyết của Đảng phải thể hiện được trí tuệ và lòng dân

Một nội dung hết sức quan trọng là nghị quyết của Đảng, Chính phủ phải xuất phát từ trí tuệ và lợi ích của nhân dân. Đây là việc làm khó nhưng phải làm tốt thì mới tạo được niềm tin của dân. Hiện nay, chúng ta đang có một số chủ trương, chính sách không sát thực tế, không xuất phát từ ý kiến, nguyện vọng của người dân nên không được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tập trung ý kiến của quần chúng để thành chủ trương của Đảng và Chính phủ là việc làm đòi hỏi trách nhiệm vì dân, có trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám chịu trách nhiệm.

Hồ Chí Minh cho rằng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách lãnh đạo nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(4).

Trong văn kiện đầu tiên đề cập một cách ngắn gọn, đầy đủ, súc tích về Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(5).

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người làm nên lịch sử. Vì vậy, xét đến cùng, nghị quyết của Đảng phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân, được nhân dân ủng hộ và thực hiện thì mới có hiệu quả. Vì vậy, “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”(6).

Thứ ba, chống bệnh quan liêu

Xây phải đi đôi với chống. Xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân đồng thời phải chống thói xa dân, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền, đè đầu cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng, vô cảm trước đời sống, ý kiến của dân và dư luận xã hội.

Hiện nay, bệnh quan liêu vẫn tồn tại trong đời sống chính trị  xã hội dưới dạng này, dạng khác, mức độ này, mức độ khác, hết sức nguy hiểm. Nó biểu hiện trên ba lớp quan hệ:

Đối với quần chúngthì chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Không sát công việc thực tế. Không gần gũi quần chúng, tuyên truyền, thuyết phục, giải thích cho quần chúng để họ hiểu và tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân.

Vẫn còn những cán bộ “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”,  khi xuống với dân nói hết giờ này qua giờ khác nhưng chừa một điều không nói là những việc thiết thực, dân cần biết, cần hiểu, cần làm và cần được hưởng. Trước mặt quần chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ; miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng việc làm thì đi ngược lại lợi ích của quần chúng.

Đối với công việc, trọng hình thức, không đi sát, đi sâu vào vấn đề. Thích hội họp, viết chỉ thị, đọc báo cáo. Mà ngay cả hội nghị, “đọc thì có người viết, họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm thì có người bóp”(7). Một bộ phận cán bộ “chẳng chịu học hành, nghiên cứu gì, về là chỉ thấy đi giao lưu, chè chén, vui vẻ”(8). Không điều tra, nghiên cứu công việc kỹ càng; không đôn đốc, giúp đỡ nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Đối với mình, làm cho qua chuyện, chậm chạp; nghĩ một đường, nói một đường, làm một nẻo; chỉ lo cho danh, lợi của mình, vợ con, anh em, họ hàng, không quan tâm đến nhân dân; không lo phụng sự nhân dân, muốn nhân dân phụng sự mình.

Đối chiếu với quan điểm của Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”.

Nguyên nhân của bệnh quan liêu có nhiều nhưng tập trung vào sáu vấn đề: xa nhân dân(do đó không hiểu tình hình, tâm lý, nguyện vọng của nhân dân). Khinh nhân dân(cho rằng nhân dân không hiểu lý luận, chính trị cao xa như mình). Sợ nhân dân(khi có sai lầm khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa). Không tin cậy nhân dân(quên rằng không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được). Không hiểu biết nhân dân(họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực - lợi ích gần, lợi ích xa; lợi ích riêng, lợi ích chung; lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cục; đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông). Không thương yêu nhân dân(chỉ biết đòi hỏi nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân sản xuất, cải thiện sinh hoạt, khoan thư, bồi dưỡng sức dân).

Mắc bệnh quan liêu là tội ác với nhân dân; phá hoại đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng xa dân. Bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che đậy cho tham ô, lãng phí; gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở. Vì vậy, muốn cho Đảng được vững bền, nhân dân gắn bó mật thiết, thủy chung với Đảng, tin Đảng thì phải tẩy sạch bệnh quan liêu.

Bệnh quan liêu, sự tha hóa, xa dân không thể bị tiêu diệt chỉ bằng tu dưỡng ý thức, đạo đức, nó bị đánh bại bằng cơ chế, tính khoa học của bộ máy, bằng sự trừng trị của pháp luật và cơ bản nhất, bởi nền dân chủ. Nhưng phần tác động lại của ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức cũng hết sức quan trọng. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người cố tình xuyên tạc nó thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực, thậm chí, thành công cụ của cái sai trái, cái ác. Bởi vậy, hai giải pháp trên phải được đặt ngang nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, của chế độ trong tình hình hiện nay. Phải có một nhận thức mới, hành động thật sự, quyết liệt với tinh thần cách mạng về công tác dân vận trong tình hình hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh: đúng và khéo. Công tác dân vận tốt sẽ tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Mà lòng tin của nhân dân là chỗ dựa vững chắc nhất, thành trì bảo vệ Đảng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996,  tr.222

 (2) Trần Bạch Đằng: Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2004, tr.59

(3) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.5, tr.60

(4), (5), (6), Sđd,t.5, tr.246, 250, 297

(7), (8) Tạp chí Cộng sản, số 834 (tháng 4-2012), tr.7, 6

 

PGS,TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền