Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận trong các năm tới
Thứ năm, 20 Tháng 3 2014 13:48
2768 Lượt xem

Vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận trong các năm tới

(LLCT) - Công tác nghiên cứu lý luận là một bộ phận cốt yếu trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Nó trực tiếp góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận và trình độ tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận cũng đang đứng trước những đòi hỏi mới.

 

1.Công tác nghiên cứu lý luận

Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, công tác nghiên cứu lý luận của nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới khi Đại hội VI (1986) của Đảng khởi xướng chủ trương đổi mới tư duy. Sau gần 30 năm đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm cơ sở khoa học và thực tiễn tin cậy cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới. Những quyết sách quan trọng và những thành công to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới vừa qua có một phần đóng góp của công tác nghiên cứu lý luận. Đặc biệt, công tác nghiên cứu lý luận đã góp phần quan trọng đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế không chỉ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp mà còn của mọi tầng lớp nhân dân.

Công tác nghiên cứu lý luận là một bộ phận cốt yếu trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Nó trực tiếp góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận và trình độ tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Mục đích công tác nghiên cứu lý luận là phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và của cả dân tộc. Công tác nghiên cứu lý luận chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đảng là người giao nhiệm vụ, đặt hàng cho công tác nghiên cứu lý luận; đồng thời, là người chỉ đạo, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cũng như sử dụng các kết quả nghiên cứu. Thực chất công tác nghiên cứu lý luận là nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những nội dung, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cụ thể của Việt Nam; tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận - thực tiễn về CNXH, về con đường đi lên CNXH của Việt Nam; nghiên cứu hệ thống tri thức trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổng kết thực tiễn; trên cơ sở đó phát hiện ra những quy luật, tính quy luật của sự vận động của đời sống chính trị, xã hội đất nước. Qua sự nghiên cứu, tổng kết này khái quát thành lý luận và dự báo những xu hướng vận động của đời sống chính trị, xã hội trong thời gian tới. Chính qua sự khái quát và dự báo này, một mặt, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; mặt khác, góp phần cung cấp luận chứng khoa học cho sự phản biện, điều chỉnh, hoàn thiện đường lối, chính sách cũng như góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.  

Với vai trò quan trọng như nêu trên, công tác nghiên cứu lý luận thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu đông đảo, tâm huyết, nhiều thế hệ, được đào tạo tương đối bài bản, toàn diện. Đó là những cán bộ khoa học có năng lực chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận cũng đang đứng trước những đòi hỏi mới. Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận. Tạo môi trường dân chủ, thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước”(1).

2. Một số vấn đề đang đặt ra trong công tác nghiên cứu lý luận

Mặc dù công tác nghiên cứu lý luận đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên những kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và cấp bách của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhìn một cách tổng quát, bước đầu có thể nêu ra một số vấn đề đang đặt ra trong công tác nghiên cứu lý luận ở nước ta hiện nay như sau:

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Đảng chưa tương xứng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà công tác nghiên cứu lý luận được giao. Với tư cách là hoạt động nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đất nước, nhưng thực tế cho thấy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và hoạt động nghiên cứu lý luận nói riêng là chưa xứng tầm nhiệm vụ được giao. Hoạt động nghiên cứu lý luận chưa được quy hoạch, chưa có chiến lược phát triển lâu dài, chưa có cơ chế, chính sách riêng phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động này. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu lý luận hầu như không đáng kể; vừa thiếu vừa lãng phí, chủ yếu thông qua hệ thống chương trình, đề tài khoa học các cấp theo nhiệm kỳ đại hội của Đảng. Không có những chương trình nghiên cứu chiến lược dài hạn, được đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất tương xứng để đội ngũ cán bộ nghiên cứu tập trung trí tuệ, chuyên tâm và yên tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, có đủ điều kiện và thời gian để giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược phát triển cho cả một giai đoạn lâu dài của đất nước. Cho đến nay, chỉ có những đề tài mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn và hướng tới giải quyết những vấn đề  “nóng hổi”, “nổi cộm”, trước mắt. Bên cạnh đó, giá cả thuê khoán, trả thù lao cho hoạt động nghiên cứu, cho các công trình, chuyên đề khoa học còn chưa tương xứng. Việc ký kết hợp đồng nghiên cứu, hóa đơn, chứng từ thanh toán hết sức phiền hà. Hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu nhìn chung đều cũ, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu hoạt động.

- Cơ quan nghiên cứu lý luận chưa được kiện toàn mang tính hệ thống, chuyên nghiệp.Cơ quan nghiên cứu lý luận chưa được đầu tư xây dựng thành hệ thống, không có cơ quan mang tính trung tâm đủ mạnh, đủ sức quy tụ các đơn vị nghiên cứu thành một khối thống nhất, cùng phối - kết hợp giải quyết các chương trình, đề tài chung. Ngoài Hội đồng Lý luận Trung ương chuyên tâm về công tác lý luận, không có đơn vị nào mang tính chất một cơ quan nghiên cứu lý luận chuyên nghiệp. Hoạt động nghiên cứu lý luận ở các đơn vị khác đều mang tính “nghiệp dư”, “tay trái”, chỉ được thực hiện khi được giao đề tài nghiên cứu, trong khi đề tài nghiên cứu lý luận vừa nhỏ hẹp, vừa bị xé lẻ phân chia cho nhiều đầu mối, nhiều đơn vị phải cạnh tranh, đấu thầu mới có được đề tài. Nhiều viện nghiên cứu nhiều năm liên tục không có các đề tài nghiên cứu lý luận. Nhìn chung, số lượng cơ quan có thể thực hiện nghiên cứu lý luận thì nhiều nhưng không mạnh vì vừa phân tán, biệt lập, chồng chéo, vừa không có sự liên kết, phối hợp, vừa mang tính nghiệp dư, thụ động trong nghiên cứu khoa học.

- Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận mặc dù có sự đào tạo tương đối chính quy, bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, do được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau; phương pháp đào tạo lý luận, chính trị của chúng ta ở các trường đại học, các học viện còn lạc hậu, các phương pháp nghiên cứu tiên tiến và các cách tiếp cận hiện đại ít được cập nhật. Đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu cao niên thì sự tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng, vốn kiến thức lý luận và văn hóa sâu rộng, nhiều kinh nghiệm nhưng để đổi mới tư duy lý luận không phải là việc đơn giản. Do đó, để có một tư duy mới trong nhận thức và khám phá những vấn đề mới của thực tiễn đổi mới đối với đội ngũ này cũng không dễ dàng. Đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận trẻ, mặc dù rất tâm huyết, say mê khám phá lý luận, khoa học, nhưng nhìn chung trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, khả năng sử dụng ngoại ngữ yếu, lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do đó chưa thực sự yên tâm, chuyên tâm với công tác…nên đã hạn chế hiệu quả và chất lượng nghiên cứu lý luận của họ. Hơn thế, bản thân họ cũng ít có điều kiện và cơ hội tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu lý luận quan trọng.

- Sản phẩm nghiên cứu lý luận chưa được thẩm định, đánh giá một cách khoa học, chưa được ứng dụng vào đời sống.Cho đến nay, hầu như chưa có sự công khai, minh bạch trong công tác nghiệm thu, thẩm định, đánh giá chất lượng các chương trình, đề tài một cách khách quan, khoa học. Hầu như chưa có chương trình, đề tài nào bị đánh giá không đạt chất lượng. Các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được xã hội hóa, không được công khai ứng dụng như thế nào, tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội ra sao. Đến nay, chưa có một văn bản nào nói rõ kết quả của đề tài nào, chương trình nghiên cứu nào đã thực sự có đóng góp về mặt lý luận, góp phần xây dựng Cương lĩnh, chiến lược hay nghị quyết các Đại hội Đảng và các hội nghị Trung ương... Tình trạng này đã không khuyến khích, động viên hoạt động nghiên cứu lý luận bởi bản thân những nhà nghiên cứu cũng không biết kết quả nghiên cứu của mình có được sử dụng không và sử dụng như thế nào? Có hữu ích không? Hơn thế, những sáng tạo trong nghiên cứu lý luận cũng cần được khẳng định quyền tác giả và có cơ chế trả thù lao tương xứng khi được ứng dụng.

Chính sự không công khai, minh bạch trong thẩm định, đánh giá, sử dụng các kết quả nghiên cứu lý luận và khẳng định những sáng tạo của cá nhân hay tập thể các nhà khoa học đã góp phần làm mất động lực nghiên cứu, sáng tạo lý luận trong thời gian qua.

- Chưa có quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận. Nghiên cứu lý luận gắn liền với lập trường tư tưởng và những vấn đề chính trị, xã hội, vì vậy, đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc. Hơn thế, các sáng tạo lý luận, đề xuất những ý kiến mới, những ý tưởng khác lạ, những phản biện quan điểm, đường lối… trong nghiên cứu lý luận rất dễ bị quy chụp về lập trường, quan điểm, rất dễ bị nghi ngờ, đề phòng, tạo áp lực và bị cô lập. Thực tế nêu trên đã tạo nên nỗi ám ảnh không dễ phai mờ đối với giới khoa học nói chung và nghiên cứu lý luận nói riêng. Trước đây, không ít nhà khoa học xã hội và lý luận đã bị trả giá đắt cho những tư duy sáng tạo và độc đáo của mình.

Ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận là nhằm tạo môi trường, không khí cởi mở, tự do tư tưởng, giải phóng tinh thần để các nhà nghiên cứu lý luận tự do sáng tạo, mạnh dạn trình bày, phát biểu ý kiến độc lập của mình; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà lý luận đi sâu khảo sát thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm địa phương; có điều kiện, cơ hội tiếp cận mọi nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận; để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý chấp nhận, lắng nghe những ý kiến trái chiều, mới lạ và mang tính chất phản biện của các nhà nghiên cứu; đồng thời, cũng xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu lý luận. Đó là trong quá trình nghiên cứu, phát ngôn, trình bày ý kiến riêng của mình, nhà nghiên cứu lý luận cần xác định đúng trách nhiệm của mình đối với Đảng, đối nhân dân và toàn xã hội.

Hiện nay, dân chủ trong nghiên cứu lý luận đã được mở rộng. Tuy nhiên, chúng ta đã thực hiện và triển khai Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở gần 15 năm, nhưng bản thân hoạt động nghiên cứu lý luận rất nhạy cảm và đặc thù lại chưa hề có quy chế dân chủ(2). Không có quy chế dân chủ sẽ hạn chế tư duy sáng tạo trong nghiên cứu lý luận, không phát huy và khai thác hết tiềm năng sáng tạo của cả xã hội trong công tác lý luận. Mặt khác, bản thân không ít những kết quả nghiên cứu lý luận mới cũng không được khai thác và ứng dụng trong thực tiễn. Đây thực sự là một sự lãng phí nguồn lực trí tuệ của xã hội.

- Chưa có cơ chế xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa công tác nghiên cứu lý luận với công tác tổng kết thực tiễn, giữa cán bộ nghiên cứu lý luận và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Hoạt động nghiên cứu lý luận phải xuất phát từ thực tiễn đổi mới toàn diện của đất nước. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn đó là hoạt động của nhân dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.  Nghiên cứu lý luận chính là nghiên cứu, phát hiện những xu hướng vận động và biến đổi của thực tiễn đổi mới. Từ đó tìm ra những quy luật vận động và dự báo xu hướng phát triển tiếp theo của đất nước. Do đó, nghiên cứu lý luận phải gắn liền với tổng kết thực tiễn. Nghiên cứu lý luận mà xa rời tổng kết thực tiễn là lý luận suông, còn tổng kết thực tiễn mà không gắn với lý luận thì không thể khái quát thành những vấn đề mang tính phổ biến, tính quy luật được. Vì lẽ đó, để nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn gắn bó hữu cơ với nhau cần ban hành những cơ chế, chính sách tạo lập mối quan hệ mật thiết giữa đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo thực tiễn. Mối quan hệ mật thiết này sẽ là cơ chế thiết thực góp phần phát triển cả công tác lý luận, cả công tác chỉ đạo thực tiễn.

Không chỉ tạo lập mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu lý luận với công tác chỉ đạo thực tiễn mà còn phải tạo lập mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu lý luận và công tác giảng dạy, đào tạo lý luận. Mối quan hệ này đang trở nên bất cập và tách rời nhau. Những vấn đề, những sự kiện giới nghiên cứu lý luận quan tâm, những chương trình, đề tài đang được triển khai nghiên cứu không thu hút sự chú ý của sinh viên, học viên đang học tập lý luận. Bản thân các kết quả nghiên cứu lý luận không được cọ sát, kiểm nghiệm trong môi trường học thuật, đào tạo những người sẽ làm công tác lý luận và bản thân những người sẽ làm công tác nghiên cứu lý luận trong tương lai cũng không có dịp tiếp xúc với những thành tựu mới nhất của nghiên cứu lý luận. Sự tách rời giữa nghiên cứu và đào tạo đã phần nào hạn chế sự phát triển của cả nghiên cứu lý luận và đào tạo lý luận.   

3. Giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận trong những năm tới

Để sớm khắc phục những vấn đề đang đặt ra, thiết thực thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận trong những năm tới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu lý luận.Nhiệm vụ của công tác nghiên cứu lý luận là phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận một cách toàn diện, hiệu quả và thiết thực nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất để công tác nghiên cứu lý luận đạt chất lượng và hiệu quả như mong muốn.

- Kịp thời kiện toàn các cơ quan, tổ chức nghiên cứu lý luận.Tổ chức, cải tổ, xây dựng lại các cơ quan nghiên cứu lý luận thành một hệ thống thống nhất, tinh gọn, linh hoạt và năng động. Trong đó, có trung tâm mang tính chất đầu mối quy tụ và các đơn vị nghiên cứu thành viên mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp. Sớm khắc phục tình trạng tổ chức chồng chéo, phân tán vừa kém hiệu quả, vừa lãng phí, vừa nghiệp dư như hiện nay.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chọn lọc, tinh giản, chuyên nghiệp, tinh nhuệ. Đó là những cán bộ tâm huyết, say mê với công tác lý luận, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo bài bản về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, có tư duy độc lập và sáng tạo, gắn bó mật thiết với thực tiễn đổi mới đất nước; có thái độ khoa học thực sự cầu thị. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận cần tinh nhuệ, chuyên nghiệp, tinh hoa.

-  Sớm ban hành quy chế dân chủ trong công tác nghiên cứu lý luận.Đây chắc chắn sẽ là cơ sở hiện thực tạo ra bước ngoặt trong công tác nghiên cứu lý luận, bởi nó sẽ tạo ra bầu không khí mới tự do tư tưởng, giải phóng tinh thần và khai mở sáng tạo; đồng thời, xác lập trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cá nhân trước Đảng, trước nhân dân của công tác nghiên cứu lý luận.

- Thực hiện tổng kết, rà soát, chọn lọc một cách tổng thể các kết quả nghiên cứu lý luận thời gian qua.Qua công tác này, một mặt, chắt lọc những thành tựu lý luận để vận dụng vào thực tiễn đổi mới; mặt khác, rút ra những bài học kinh nghiệm phát huy thành tựu, hạn chế những yếu kém để tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận trong những năm tới.

- Ban hành quy chế tạo lập mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu lý luận với công tác tổng kết thực tiễn và chỉ đạo thực tiễn.Nhằm gắn bó mật thiết lý luận với thực tiễn và thực tiễn với lý luận. Lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, khái quát từ thực tiễn nhưng lại góp phần soi đường, vạch lối cho thực tiễn phát triển. Đây đồng thời, cũng là sự xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.

- Có chiến lược nghiên cứu, khảo sát, tham khảo, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa lý luận trên thế giới, nhất là các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây chính là con đường thúc đẩy phát triển lý luận phù hợp với thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, lý luận mặc dù có tính đặc thù nhưng cũng bao hàm trong nó tính phổ biến. Nghiên cứu, tham khảo công tác nghiên cứu lý luận của thế giới, đặc biệt là những nước phát triển theo con đường XHCN và các nước trong khu vực sẽ thiết thực góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận của nước ta trong những năm tới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.255-256.

(2) Ngày 23-9-2013, Ban Bí thư Trung ương ban hành Quy định số 199-QĐ/TW về trao đổi, đối thoại lý luận chính trị.

 

Vũ Văn Phúc

Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền